Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2023 - 2024

Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 6 năm 2023 - 2024 của 3 bộ sách mới Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh Diều có đầy đủ đáp án cho các bạn tham khảo. Qua các đề thi giữa kì 2 lớp 6 này, các bạn sẽ biết được cấu trúc đề, làm quen với các dạng câu hỏi và bài tập mở rộng. Đây sẽ là tài liệu tham khảo quý giá cho quý thầy cô và các bạn học sinh trong việc chuẩn bị cho thi giữa kì và đặc biệt là thi hết học kì 2 lớp 6 sắp tới.

Link tải chi tiết đề thi, đáp án, ma trận cho 3 bộ sách mới

1. Đề thi giữa kì 2 lớp 6 môn Văn Kết nối tri thức

Đề thi Văn 6 giữa kì 2 KNTT số 1

Câu 1: (3,0 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Năm 1948, trường Đại học Oxford tổ chức một buổi diễn thuyết có chủ để "Bí quyết thành công, người được mời nói chuyện là thủ tướng Churchul danh tiếng của nước Anh.

Hôm đó, trong hội trưởng đông nghịt người, phóng viên các tòa bảo lớn, trên khắp thế giới đều có mặt. Rất lâu sau, ngài Church mới giơ tay ra hiệu mọi người im lặng. Ông nói:

- Bí quyết thành công của tôi có ba điều: “Thứ nhất, không bỏ cuộc; thứ hai, quyết không bỏ cuộc; thứ ba, không bao giờ bỏ cuộc! Bài diễn thuyết đến đây xin kết thúc."

Nói xong, ông rời khỏi bục. Cả hội trong im lặng hồi lâu, rồi một tràng pháo tay vang lên, vang mãi không dứt.

(Trich Quyết không bỏ cuộc - Hạt giống tâm hồn 13)

a. Xác định phương thức biểu đạt và nội dung chính của đoạn trích trên.

b. Chỉ ra một danh từ riêng và một chỉ từ có trong đoạn trích. Đặt một câu với chỉ từ vừa tìm được.

c. Hãy nêu lên suy nghĩ của em về bài học được rút ra từ đoạn trích trên.

Câu 2: (3 điểm)

Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) nêu suy nghĩ của em về ý thức giữ gìn vệ sinh trường lớp của học sinh hiện nay. Trong đó có sử dụng một chỉ tử và một từ mượn (gạch dưới và chú thích).

Câu 3: (4,0 điểm)

Viết bài văn thuật lại sự kiện mít – tinh mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 ở trưởng em

Đáp án Đề thi Văn 6 giữa kì 2 KNTT số 1

Câu 1

a.

- Phương thức biểu đạt chính: tự sự.

- Nội dung chính: Kể lại buổi diễn thuyết của thủ tướng nước Anh.

b.

- Danh tử riêng: Đại học Oxford

- Chỉ từ: “đó”

- Đặt câu với chỉ từ: Cô bạn đó là cô bạn thân nhất của tôi.

c.

- Bài học: Kiên trì để đạt được mục tiêu và không bao giờ bỏ cuộc.

Câu 2.

Học sinh nắm chắc kiến thức viết đoạn văn và viết theo yêu cầu đề bài. Gợi ý:

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm đoạn văn.

+ Đoạn văn đầy đủ các phần mở, thân, kết đoạn.

- Yêu cầu nội dung:

+ Đoạn văn xoay quanh nội dung: ý thức giữ gìn vệ sinh trường lớp của học sinh hiện nay.

+ Đoạn văn có sử dụng từ mượn và chỉ từ.

- Hướng dẫn cụ thể:

Mở đoạn: giới thiệu chung về vấn đề vệ sinh trường lớp.

Thân đoạn:

- Giải thích: Giữ gìn vệ sinh trường lớp là hành động giữ gìn và bảo vệ không gian trường học, lớp học, không để bị nhiễm bẩn, mất vệ sinh hay ô nhiễm bởi rác thải, chất thải, vi khuẩn độc hại, …

- Biểu hiện:

+ Không bôi bẩn, làm bẩn hay tô vẽ lên vách tường, bàn ghế và các vật dụng khác ở trường học

+ Không vứt rác, xả rác bừa bãi.

+ Dọn vệ sinh trường học, lớp học sạch sẽ vào đầu giờ và cuối giờ học.

+ Tổ chức làm vệ sinh tập thể để cùng nhau bảo vệ khuôn viên trường học, lớp học không rác bẩn

- Phê phán: Thật đáng buồn khi còn có nhiều học sinh không có ý thức giữ gìn vệ sinh trường học, lớp học. Không những họ lười biếng trong công việc trực nhật làm vệ sinh mà còn vô ý thức vứt rác bừa bãi khắp trường học, lớp học. Những người như thế thật đáng chê trách.

- Bài học: Mỗi học sinh phải có ý thức giữ gìn vệ sinh trường học, lớp học. Môi trường trường học, lớp học sạch sẽ, không rác bẩn là góp phần bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Kết đoạn: Khẳng định lại vai trò của việc giữ vệ sinh chung.

Đề thi giữa kì 2 Văn 6 KNTT số 2

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

Đọc đoạn văn sau:

Giặc đã đến chân núi Trâu Sơn. Thế rất nguy, ai nấy đều hoảng hốt. Vừa lúc đó thì sứ giả đem ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái, bỗng biến thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ bước lại, vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí vang lên mấy tiếng. Tráng sĩ mặc áo giáp vào, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, phi thẳng đến nơi có giặc đóng. Tráng sĩ xông vào trận đánh giết, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Đám tàn quân giẫm đạp nhau mà trốn thoát. Tráng sĩ đuổi đến núi Ninh Sóc. Nhưng đến đấy, không biết vì sao, Người một mình cưỡi ngựa lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời, biến mất.

(Ngữ văn 6 - Tập 2, Kết nối tri thức với cuộc sống)​

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (1.0 điểm). Đoạn trích trên được trích trong văn bản nào, văn bản đó thuộc thể loại gì? Em hãy xác định vị trí của đoạn trích trong tác phẩm.

Câu 2 (1.0 điểm). Những từ "chú bé", "tráng sĩ", "Người" trong đoạn trích dành để nói về ai? Đây là những từ loại gì? Việc sử dụng những từ đó thể hiện sự chuyển biến của nhân vật như thế nào?

Câu 3 (1.0 điểm). Chi tiết Chú bé vươn vai trở thành một tráng sĩ oai phong, lẫm liệt thể hiện suy nghĩ và ước mơ gì của nhân dân về người anh hùng cứu nước?

Câu 4 (1.0 điểm). Chỉ ra ý nghĩa của chi tiết sau: Tráng sĩ đánh giặc xong, cởi giáp sắt bỏ lại và bay thẳng lên trời.

Câu 5 (1.0 điểm). Nếu trong truyện trên, Thánh Gióng thắng trận bay về trời thì trong truyền thuyết "An Dương Vương và Mị Châu, trọng Thủy", vua An Dương Vương thua trận, phải bỏ chạy thoát thân. Nhà vua chạy đến bờ biển thì cùng đường, bèn cầu cứu Rùa Vàng. Rùa Vàng hiện lên rẽ nước đưa nhà vua xuống biển.

Em hãy chỉ ra điểm giống và khác nhau trong ý nghĩa của hai chi tiết này.

PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện (hoặc một sinh hoạt văn hóa)

Đáp án Đề thi giữa kì 2 lớp 6 môn Văn sách Kết nối tri thức

PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

Câu 1 (1.0 điểm).

- Đoạn trích trên được trích trong truyền thuyết Thánh Gióng (0.5 điểm).

- Vị trí của đoạn trích trong tác phẩm: Phần cuối, khi Thánh Gióng thắng giặc bay về trời (0.5 điểm).

Câu 2 (1.0 điểm).

- Những từ "chú bé", "tráng sĩ", "Người" trong đoạn trích dành để nói về Thánh Gióng. Đây là những đại từ (0.5 điểm).

- Việc sử dụng những từ đó thể hiện sự chuyển biến của nhân vật: Từ một chú bé trở thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ đánh tan giặc, trở thành thần thánh bay về trời (Người trong văn bản là cách gọi tôn vinh thần thánh) (0.5 điểm).

Câu 3 (1.0 điểm).

- Chi tiết Chú bé vươn vai trở thành một tráng sĩ oai phong, lẫm liệt thể hiện suy nghĩ của nhân dân về người anh hùng: Người anh hùng là người phi thường, sự sinh ra, lớn lên cũng không giống người thường (0.5 điểm).

- Chi tiết đó còn thể hiện ước mơ của nhân dân về người anh hùng: Người anh hùng của dân tộc là người có sức mạnh phi thường, sẵn sàng chống ngoại xâm (0.5 điểm).

Câu 4 (1.0 điểm). Ý nghĩa của chi tiết: Tráng sĩ đánh giặc xong, cởi giáp sắt bỏ lại và bay thẳng lên trời.

- Chi tiết trên thể hiện sự bất tử của Thánh Gióng (0.5 điểm).

- Đồng thời thể hiện thái độ ngợi ca, tôn vinh của nhân dân đối với người anh hùng (0.5 điểm).

Câu 5 (1.0 điểm).

Điểm giống và khác nhau trong ý nghĩa của hai chi tiết:

- Giống nhau: Cả hai chi tiết đều thể hiện sự bất tử của những người anh hùng và đều thể hiện thái độ tôn kính của nhân dân đối với nhân vật.

- Khác nhau: Một người tháng trận bay lên trời, một người thất trận đi xuống biển. Cùng đi vào cõi bất tử nhưng hình ảnh về trời Thánh Gióng có phần oai phong, rực rỡ hơn. Một người ngước lên là nhìn thấy, một người phải cúi xuống mới thấy. Điều đó cũng góp phần thể hiện thái độ của nhân dân đối với chiến thắng của Thánh Gióng và việc để mất nước của vua An Dương Vương.

PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

1. Mở bài (0.5 điểm).

Giới thiệu được sự kiện cần thuật lại, nêu được bối cảnh không gian và thời gian.

2. Thân bài (3.0 điểm).

- Thuật được diễn biến chính, sắp xếp các sự việc theo một trình tự hợp lí.

- Tập trung vào một số sự việc, chi tiết tiêu biểu, hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của người đọc.

3. Kết bài (0.5 điểm).

Nêu được cảm nghĩ, ý kiến của người viết về sự kiện.

Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm).

- Xác định rõ người tường thuật tham gia hay chứng kiến sự kiện và sử dụng ngôi tường thuật phù hợp (0.25 điểm).

- Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

- Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

Bài tham khảo

Sáng hôm nay, trường em đã diễn ra Hội khỏe Phù Đổng. Đây là lễ hội thể thao diễn ra hằng năm được học sinh cả trường yêu thích và ngóng đợi.

Để chuẩn bị cho ngày hội này, chúng em đã chuẩn bị từ cả tháng trước. Sau giờ học, chúng em hăng say luyện tập trên sân trường hay tại nhà. Chạy điền kinh, nhảy xa, nhảy sào, đá bóng, đánh bóng chuyền… Môn nào cũng được quan tâm rèn luyện. Đến vài ngày trước khi diễn ra hội thi, các sân thi đấu được kiểm duyệt và chuẩn bị hoàn thiện.

Đến ngày diễn ra sự kiện, học sinh cả trường và người dân xung quanh đều đến để quan sát và cổ vũ. Sau khi tham gia lễ khai mạc ở sân chào cờ, hội thi bắt đầu diễn ra. Các môn thi cá nhân như nhảy sào, nhảy xa, điền kinh… được diễn ra trước và có thể tìm ra quán quân ngay trong ngày hôm đó. Còn các giải thi đồng đội như bóng chuyền, bóng đá, kéo co… thì cần đến ba ngày để tìm ra đội thắng cuộc. Tinh thần thể thao được lan tỏa mạnh mẽ suốt những ngày ấy. Mọi người quên đi tất cả, hết mình thi đấu để đem về chiến thắng cho tập thể lớp. Và chúng em cùng các thầy cô cũng reo hò cổ vũ nhiệt tình đến khản cả tiếng.

Hội khỏe Phù Đổng thực sự là ngày hội ý nghĩa. Bởi nó đề cao tinh thần và ý nghĩa của thể thao, lan tỏa đam mê thể thao đến tất cả mọi người. Và hơn cả, chính là sức mạnh thắt chặt tình đoàn kết, kéo mọi người lại gần nhau hơn của ngày hội này. Chính vì những điều đó, mà em và mọi người đều yêu thích ngày hội này.

>> Chi tiết: Bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện (một sinh hoạt văn hóa)

2. Đề thi giữa kì 2 lớp 6 môn Văn Chân trời sáng tạo

Đề thi giữa kì 2 Văn 6 CTST số 1

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Môn: Ngữ văn 6

Thời gian làm bài: ……

1. Đọc hiểu (5 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi đã cho:

Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một người đàn bà nhà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa, mà đứa nhớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.

Mẹ con bác ta ở một căn nhà cuối phố, cái nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác. Chừng ấy người chen chúc trong một khỏang rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan đã gẫy nát. Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với những người nghèo như bác, một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi chừng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người có ruộng trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà. Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói. Mấy đứa nhỏ nhất, con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm ấp lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó.

(Trích Nhà mẹ Lê – Thạch Lam)

Câu 1: Nêu nội dung chính của văn bản trên?

Câu 2: Nhân vật chính trong văn bản trên là ai? Anh/chị cảm nhận như thế nào về nhân vật đó?

Câu 3: Tìm và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ bất kì được tác giả sử dụng trong văn bản trên.

Câu 4: Theo anh/chị, nhà văn đã thể hiện tình cảm gì đối với nhân vật? Anh/chị hãy nhận xét về tình cảm đó.

2. Tập làm văn (5 điểm)

Ghi lại cảm xúc của em về bài thơ Những cánh buồm

Đáp án Đề thi giữa kì 2 Văn 6 CTST số 1

1. Đọc hiểu (5 điểm)

Câu 2: Nội dung văn bản: Gia cảnh nghèo túng, đói khổ của nhà mẹ Lê.

Câu 3: Nhân vật chính trong văn bản là bác Lê. Đó là một người phụ nữ cực khổ [đông con, nghèo đói, phải đi làm thuê làm mướn] song giàu tình thương con, chịu thương chịu khó [dậy sớm đi làm thuê suốt 4 mùa, bất kể nắng mưa, rét mướt; ủ ấm cho đàn con].

Câu 4: Biện pháp tu từ so sánh “Dưới manh áo nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết” [so sánh con người với con vật, lại là con vật chết]⟶ Đây là 1 hình ảnh đầy ám ảnh, khắc sâu sự nghèo khổ, tội nghiệp, đáng thương của nhà bác Lê.

Câu 5: Tình cảm của nhà văn: Yêu thương, xót xa, ái ngại cho cảnh ngộ nghèo khổ của nhà bác Lê. Đó là tình cảm nhân đạo sâu sắc.

2. Tập làm văn (5 điểm)

Bài làm tham khảo

Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông là Bài thơ giàu chất suy tư, trầm lắng trong hình ảnh thơ hai cha con với những hoài bão trong sáng làm xúc động lòng người.

Hình ảnh những cánh buồm là hình tượng thể hiện ước mơ được bay xa của nhà thơ. Nó xuyên suốt cả bài thơ.

Hình ảnh hai cha con giữa thiên nhiên, chan hòa màu sắc rực rỡ:

Hai cha con bước đi trên cát

Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh

Bóng cha dài lênh khênh

Bóng con tròn chắc nịch

Hai cha con bước đi trên cát, chan chứa một hơi ấm lan truyền chan hòa trong sắc trời đại dương thật kỳ diệu. Bóng hai cha con nổi bật hẳn với sự bé nhỏ của con người trước khung cảnh thiên nhiên bao la. Hình ảnh đối lập thật dễ thương đó là bóng lênh khênh của cha bên cái bóng tròn chắc nịch thể hiện sự khác biệt giữa hai thế hệ cha con đang trên cùng một hướng đi.

Đại dương chứa chang huyền diệu, sau trận mưa biển càng đẹp càng trong, cũng như hai cha con trong bóng chân dài và gầy để cho con sự chắc nịch khỏe khoắn đó là quy luật của tạo hóa. Những gì cha mơ ước ngày trước sự rả rích của trận mưa thì ngày sau người con lại tiếp tục đưa ước mơ bay xa. Người cha chỉ dẫn cho con đi trong thế giới màu hồng của một chân trời trong tương lai rộng mở.

Với tâm trạng náo nức của người con làm cho người cha muốn đưa con trai mình đi tìm ước mơ mới. bay xa hơn.

Những lời tâm sự của người cha làm cho người con thêm một tí hi vọng, một tí mơ ước và những hình ảnh bền bỉ bước đi của cha và con.

Đó chính là những ước muốn táo bạo của người con muốn khám phá một trong những cánh buồm đầy ước mơ của trẻ thơ. Muốn đi khắp nơi, muốn xông pha trên biển cả đó chính là những lời nói hôn nhiên ấp ủ một hoài bão ước mơ. Tác giả đã thể hiện một cách tinh tế và đặc sắc một cách khát vọng sống đang cháy bổng trong mỗi con người.

Bài thơ đặc sắc với những hình ảnh tượng thơ độc đáo, nhịp thơ vừa trầm vừa lắng, vừa bay bổng như dàn trải ào ạt những cảm xúc dào dạt của tác giả. Đó là tầm cao của ước mơ, của khát vọng được chinh phục, được khám phá thiên nhiên được làm chủ nó.

Bài thơ đã gieo vào lòng thế hệ trẻ những ước mơ bay bổng, thúc giục chúng ta tìm tòi, học hỏi và khám phá để vươn tới chiếm lĩnh chinh phục thế giới vũ trụ. Nó động viên chúng ta phấn đấu không ngừng để vươn tới tầm cao của thời đại.

Bài thơ đã gây xúc động lòng người nhà thơ đã thổi cho cánh buồm của tuổi thơ một phần nào hơi gió của cuộc sống mà tương lai lớp trẻ sẽ căng phồng vượt xa trong chân trời mới đang rộng mở.

Đề thi giữa kì 2 Văn 6 CTST số 2

I. PHẦN ĐỌC - HIỂU (5 điểm)

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Con yêu mẹ

- Con yêu mẹ bằng ông trời
Rộng lắm không bao giờ hết

- Thế thì làm sao con biết
Là trời ở những đâu đâu
Trời rất rộng lại rất cao
Mẹ mong, bao giờ con tới!

- Con yêu mẹ bằng Hà Nội
Để nhớ mẹ con tìm đi
Từ phố này đến phố kia
Con sẽ gặp ngay được mẹ

- Hà Nội còn là rộng quá
Các đường như nhện giăng tơ
Nào những phố này phố kia
Gặp mẹ làm sao gặp hết!

- Con yêu mẹ bằng trường học
Suốt ngày con ở đấy thôi
Lúc con học, lúc con chơi
Là con cũng đều có mẹ

- Nhưng tối con về nhà ngủ
Thế là con lại xa trường
Còn mẹ ở lại một mình
Thì mẹ nhớ con lắm đấy

Tính mẹ cứ là hay nhớ
Lúc nào cũng muốn bên con
Nếu có cái gì gần hơn
Con yêu mẹ bằng cái đó

- À mẹ ơi có con dế
Luôn trong bao diêm con đây
Mở ra là con thấy ngay
Con yêu mẹ bằng con dế

(Xuân Quỳnh, Lời ru trên mặt đất)

Câu 1 (1 điểm): Bài thơ trên viết theo thể thơ nào? Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ.

Câu 2 (1 điểm): Chỉ ra một biện pháp tu từ đặc sắc được sử dụng trong bài thơ và cho biết tác dụng?

Câu 3 (1 điểm): Từ “đường” trong câu thơ: “ Các đường như nhện giăng tơ” được dùng với nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Em hãy giải thích nghĩa của nó?

Câu 4 (1 điểm): Em thấy người con trong bài thơ là người như thế nào?

Câu 5 (1 điểm): Em biết những bài thơ nào cũng viết về chủ đề như bài thơ trên?

II. PHẦN LÀM VĂN: (5 điểm)

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) ghi lại cảm xúc của em về bài thơ trên.

Đáp án Đề thi giữa kì 2 môn Văn lớp 6 sách Chân trời sáng tạo

Câu hỏi

Nội dung

Điểm

I. PHẦN ĐỌC - HIỂU

Câu 1

- Bài thơ viết theo thể thơ 6 chữ.

- Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

0,5

0,5

Câu 2

- Nghệ thuật đặc sắc: So sánh

"Con yêu mẹ bằng ông trời"

"Con yêu mẹ bằng Hà Nội"

"Các đường như giăng tơ nhện"

"Con yêu mẹ bằng trường học"

"Con yêu mẹ bằng con dế"

- Tác dụng: Cho thấy tình yêu ngây thơ, hồn nhiên, sâu sắc của đứa con dành cho mẹ. Từ các câu trên có thể thấy, những câu so sánh đều từ sự vật lớn đến sự vật nhỏ "ông trời", "Hà Nội", "trường học", "con dế" và cảm xúc, sự nhìn nhận của con đối với các sự vật đó.

(Hoặc HS có thể nêu nghệ thuật điệp ngữ: “Con yêu mẹ”: Nhấn mạnh tình yêu hồn nhiên, sâu sắc của con dành cho mẹ)...

0,5

0,5

Câu 3

- Từ “đường” được dùng với nghĩa gốc.

- Giải nghĩa: Đường là lối đi nhất định được tạo ra để nối liền hai địa điểm, hai nơi.

0,5

0,5

Câu 4

Trong bài thơ "Con yêu mẹ" của Xuân Quỳnh, người con rất đáng được khen ngợi. Đó là một người con hiếu thảo, yêu thương, biết suy nghĩ cho mẹ, vì con là người yêu mẹ nhất trần đời. Các hình ảnh so sánh tình yêu của con dành cho mẹ tuy vẫn còn ngây ngô nhưng nó vẫn thể hiện được giá trị của tình yêu của con.

1

Câu 5

Các bài thơ khác cùng chủ đề với bài thơ trên: "Mẹ" - Trần Quốc Minh, “ Mẹ ốm” - Trần Đăng Khoa; "Con nợ mẹ" - Nguyễn Văn Chung, “Mây và sóng” (Ra-bin-đờ-ra-nátTa- go)…

(HS nêu được 1 phương án đúng GV chấm 0,25đ, nêu được 2 phương án đúng chấm 0,5đ, từ 3 phương án đúng cho điểm tối đa (1đ))

1

II. PHẦN LÀM VĂN

A. Yêu cầu về kĩ năng:

- Học sinh biết cách viết và trình bày cảm xúc của bản thân dưới hình thức một đoạn văn.

- Nội dung: Ghi lại cảm xúc của em về bài thơ “Con yêu mẹ” của tác giả Xuân Quỳnh.

- Độ dài khoảng 200 chữ.

- Viết câu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi từ ngữ, ngữ pháp, chữ viết rõ.

- Khuyến khích sự mới mẻ, sang tạo trong cảm nhận của HS.

B. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo các ý chủ yếu dưới đây:

I. Mở đoạn:

- Giới thiệu tác giả và bài thơ

- Nêu khái quát ấn tượng, cảm xúc chung về bài thơ

II. Thân đoạn:

Trình bày chi tiết cảm xúc của bản thân về bài thơ:

+ Chỉ ra nội dung cụ thể của bài thơ mà em yêu thích? Lí do mà em yêu thích?

+ Chỉ ra đặc sắc về nghệ thuật cụ thể của bài thơ, lí do mà em yêu thích?( Đặc biệt việc sử dụng yếu tố tự sự, miêu tả trong việc thể hiện tình cảm, cảm xúc).

+ Trong quá trình nêu cảm nghĩ có thể lồng cảm nghĩ về cả nội dung và nghệ thuật bằng cách: Trích dẫn dẫn chứng bằng một số từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ gợi cảm xúc trong bài thơ mà em ấn tượng nhất.

+ Cảm nhận cái hay, nét đặc sắc của việc sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả trong thể hiện cảm xúc của người viết.

III. Kết đoạn:

- Khẳng định lại cảm xúc về bài thơ.

- Nêu ý nghĩa của bài thơ đối với bản thân.

*Cách cho điểm:

- Đạt 3.5 - 5.0 điểm: Đoạn văn viết đúng yêu cầu; bố cục, nội dung rõ ràng, bộc lộ được cảm xúc, nêu được nghệ thuật độc đáo, từ gợi tả, gợi cảm. Bài làm không mắc quá 3 lỗi chính tả, diễn đạt, dùng từ, đặt câu.

- Đạt 1.5 - 3.0 điểm: Đoạn văn viết đúng yêu cầu, bố cục rõ ràng nhưng còn miêu tả lung túng. Bài làm không mắc quá nhiều lỗi chính tả, diễn đạt, dùng từ, đặt câu.

- Đạt 1.0 - 1.5 điểm: Bài có hiểu đề nhưng đoạn văn còn sơ sài, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt, dùng từ , đặt câu.

- Đạt 00.0 điểm: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.

0,25

0,25

1

1

1

1

0,25

0,25

3. Đề thi giữa kì 2 lớp 6 môn Văn Cánh Diều

Đề thi giữa kì 2 lớp 6 môn Văn số 1

I. ĐỌC HIỂU: (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và hoàn thành các yêu cầu bên dưới:

Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm.

(Đêm nay Bác không ngủ – SGK Ngữ văn 6/ T2– Cánh diều)

a. Đoạn trích trên được trích trong văn bản nào? Tác giả là ai? Phương thức biểu đạt nào?

b. Hình ảnh nào trong khổ thơ gây ấn tượng trong em?

c. Nêu nội dung chính của khổ thơ.

d. Tìm câu thơ có sử dụng phép tu từ ẩn dụ.

II. LÀM VĂN: (7.0 điểm)

Câu 1: Viết một đoạn văn (khoảng 6 đến 8 câu) bày tỏ tình cảm của em đối với Bác Hồ kính yêu.

Câu 2: Hãy viết bài văn tả một người thân yêu của em.

Đáp án đề thi giữa kì 2 Văn 6 Cánh diều

I. ĐỌC HIỂU: (3.0 điểm)

a.

- Tác phẩm: Đêm nay Bác không ngủ

- Tác giả: Minh Huệ

- Phương thức biểu đạt: biểu cảm.

b.

- Hình ảnh ấn tượng: Người Cha mái tóc bạc đốt lửa cho các con nằm.

c.

- Nội dung chính: đoạn thơ làm nổi bật tình cảm kính yêu của anh đội viên dành cho vị cha già vĩ đại của dân tộc.

d.

- Câu thơ: Người Cha mái tóc bạc

II. LÀM VĂN

Câu 1.

- Về kĩ năng:

+ Viết bài văn bày tỏ tình cảm đối với Bác Hồ kính yêu.

+ Đoạn văn khoảng 6 – 8 câu, lập luận thuyết phục, không mắc lỗi diễn đạt.

- Về kiến thức:

+ Giới thiệu về Bác Hồ.

+ Những công lao to lớn của Bác đối với dân tộc.

+ Phẩm chất cao quý của Bác và tấm lòng bao la Bác dành cho mọi người.

+ Bác là tấm gương sáng của em trong tất cả mọi mặt: học tập, đạo đức…

+ Em vô cùng yêu quý và kính trọng Bác.

Câu 2.

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm văn miêu tả để tạo lập văn bản.

+ Văn bản đầy đủ bố cục 3 phần; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Yêu cầu nội dung: có thể tả ông, bà, cha, mẹ… người mà em yêu quý nhất

Dàn bài gợi ý miêu tả ông nội

Mở bài: Trong gia đình, ông nội là người em kính yêu nhất.

Thân bài:

a) Ngoại hình:

- Ông bước vào tuổi bảy mươi.

- Dáng người cao tầm thước.

- Khuôn mặt hiền từ.

- Đi lại nhanh nhẹn.

- Ông thường mặc bộ bà ba màu xám.

- Mái tóc bạc phơ, cắt cao, chải gọn gàng.

- Đôi mắt không còn tinh anh.

- Răng đã rụng đi mấy chiếc.

- Miệng hay mỉm cười hiền hậu.

- Đôi bàn tay ông gầy gầy, lòng bàn tay chai sần.

b) Tính tình:

- Giọng nói ấm áp, chậm rãi

- Ông thích làm việc, ít thích nghỉ ngơi.

- Luôn quan tâm đến con cháu

- Dạy con cháu những điều hay, lẽ phải.

- Gần gũi với bà con làng xóm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

- Ông tham gia công tác của Hội khuyến học và Hội người cao tuổi ở phường.

- Quan tâm đến các cháu trong phường, quan tâm đến trẻ thơ.

Kết bài:

- Ông là chỗ dựa tinh thần cho cả nhà

- Ông đem lại niềm vùi và sự đầm ấm cho gia đình em

- Em kính yêu ông vô hạn.

- Em nguyện chăm ngoan, học giỏi để đáp lại lòng mong đợi của ông.

Đề thi giữa kì 2 lớp 6 môn Văn số 2

I. PHẦN I: ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Tôi kể với các bạn
Một màu trời đã lâu
Đó là một màu nâu
Bầu trời trong quả trứng

Không có gió có nắng
Không có lắm sắc màu
Một vòm trời như nhau:
Bầu trời trong quả trứng.

Tôi chưa kêu "chiếp chiếp"
Chẳng biết tìm giun, sâu
Đói no chẳng biết đâu
Cứ việc mà yên ngủ..

Tôi cũng không hiểu rõ
Tôi sinh ra vì sao
Tôi đạp vỡ màu nâu
Bầu trời trong quả trứng.

Bỗng thấy nhiều gió lộng
Bỗng thấy nhiều nắng reo
Bỗng tôi thấy thương yêu
Tôi biết là có mẹ.

Đói, tôi tìm giun dế
Ăn no xoải cánh phơi
Bầu trời ở bên ngoài
Sao mà xanh đến thế! [...]

(Trích Bầu trời trong quả trứng – Xuân Quỳnh)

Câu 1 (1.0 điểm). Em hãy xác định thể thơ của đoạn trích. Theo em, nhân vật "tôi" trong đoạn trích có thể là con vật nào?

Câu 2 (1.0 điểm). Nhân vật tôi đã chia sẻ về hai bầu trời, đó là những bầu trời ở đâu? Tìm những từ ngữ miêu tả mỗi bầu trời đó.

Câu 3 (1.0 điểm). Nhận xét về sự khác biệt giữa hai bầu trời. Qua cách nhân vật "tôi" cảm nhận, miêu tả về bầu trời thứ hai, em nhận thấy tình cảm mà nhân vật dành cho bầu trời này như thế nào?

Câu 4 (1.0 điểm). Qua cụm từ "tôi kể" em hãy xác định biện pháp tu từ chủ đạo trong đoạn trích là gì? Nêu tác dụng.

Câu 5 (1.0 điểm). Em hãy viết đoạn văn 5 – 7 dòng nêu cảm nhận về đoạn thơ trên.

PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

Em hãy viết bài văn kể lại chuyến đi đáng nhớ của em.

Đáp án Đề thi giữa kì 2 lớp 6 môn Văn sách Cánh Diều

I. PHẦN I: ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

Câu 1 (1.0 điểm).

- Thể thơ: năm chữ.

- Nhân vật "tôi" trong đoạn trích là một chú gà con.

Câu 2 (1.0 điểm).

- Nhân vật tôi đã chia sẻ về hai bầu trời, đó là những bầu trời trong quả trứng, và bầu trời bên ngoài quả trứng.

- Những từ ngữ miêu tả:

+ Bầu trời trong quả trứng: màu nâu, không có gió nắng, không có lắm sắc màu, như nhau

+ Bầu trời ngoài quả trứng: nhiều gió lộng, nhiều nắng reo, xanh...

Câu 3 (1.0 điểm).

- Nhận xét về sự khác biệt giữa hai bầu trời: bầu trời trong quả trứng tẻ nhạt, đơn điệu còn bầu trời bên ngoài thì rực rỡ, tươi tắn, nhiều sắc màu, nhiều niềm vui...

Qua cách nhân vật "tôi" cảm nhận, miêu tả về bầu trời thứ hai, em nhận thấy tình cảm mà nhân vật dành cho bầu trời bên ngoài quả trứng: thương yêu, trân trọng,...

Câu 4 (1.0 điểm).

- Biện pháp tu từ chủ đạo trong đoạn trích là: Nhân hóa

- Tác dụng: Khiến cho thế giới loài vật trở nên sinh động, con vật cũng như có cảm xúc, cảm nhận như con người. Biện pháp nhân hóa còn làm cho lời thơ tăng tính hấp dẫn, gợi hình, biểu cảm.

Câu 5 (1.0 điểm). Viết đoạn văn 5 – 7 dòng nêu cảm nhận về đoạn thơ trên.

HS nêu được cảm nhận của mình về nét đặc sắc nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ: Đoạn thơ là câu chuyện giản dị của một chú gà con đã đi vào thơ - những vần thơ trong sáng, thơ ngây như con trẻ. Qua câu chuyện của chú gà con, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của sự sống xung quanh mình. Đó là một thế giới tươi tắn, rực rỡ sắc màu, sinh động, đáng yêu. Đoạn thơ còn thể hiện những nét độc đáo của Xuân Quỳnh trong nghệ thuật biểu hiện: Lời thơ 5 chữ giản dị, ngắn gọn, hình ảnh thơ gần gũi, mộc mạc, cách kể tả tự nhiên..

PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

1. Mở bài: (0.5 điểm)

Nêu nhận xét khái quát về chuyến đi mà em muốn kể.

Lưu ý: Học sinh lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.

2. Thân bài: (3.0 điểm)

- Nêu lí do có chuyến đi dáng nhớ. (được bố mẹ thưởng vì học giỏi, nhà trường tổ chức)

- Người tham gia: Tham gia chuyến đi có những ai? Thời gian xảy ra là bao giờ? Địa điểm ở đâu?

- Chuẩn bị: Trước khi đi em và mọi người chuẩn bị những gì?

- Tâm trạng: Tâm trạng của em và mọi người thế nào? (Vui vẻ, háo hức, hồi hộp)

- Diễn biến chuyến đi

+ Kể lại hành trình chuyến đi: Bắt đầu đi lúc nào? Trên đường đi cảnh vật ra sao? Em cùng mọi người làm những gì (hát hò, trò chuyện vui vẻ, ăn uống, chơi trò chơi).

+ Khi đến nơi em cảm nhận thế nào về cảnh vật nơi đó (đẹp đẽ, thơ mộng trữ tình, hay nguy nga tráng lệ, trang nghiêm).

+ Em và mọi người có những hoạt động gì ở đây: Kể theo trình tự nhất định (thường là trình tự thời gian, sự việc nào xảy ra trước thì kể trước, sự việc nào xảy ra sau thì kể sau) để tránh bỏ sót chi tiết.

- Kết thúc chuyến đi du lịch

+ Kết thúc chuyến đi mọi người trở về với tâm trạng thế nào?

+ Em có cảm nghĩ gì về chuyến đi này? Có dự định quay lại đây hay không?

+ Chuyến đi tạo cho em động lực gì để tiếp tục cố gắng?

3. Kết bài: (0.5 điểm)

- Điều gì đáng nhớ nhất ở chuyến đi?

- Suy nghĩ về bài học rút ra từ chuyến đi, hoặc mong ước về những chuyến đi bổ ích, lý thú tiếp theo.

Tiêu chí bổ sung: (1.0 điểm) :

- Xác định đúng yêu cầu đề bài. (0.25 điểm)

- Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Miêu tả, tự sự, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

- Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

Tham khảo lời giải trọn bộ 3 sách mới môn Văn lớp 6

4. Đề thi giữa kì 2 lớp 6 môn khác

Để chuẩn bị cho kì thi giữa học kì 2 sắp tới, các bạn học sinh cần thực hành luyện đề để làm quen với nhiều dạng đề thi khác nhau. Chuyên mục đề thi giữa học kì 2 lớp 6 trên VnDoc tổng hợp đề thi các môn học như Toán, Văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Công nghệ, Công dân, Tiếng Anh liên tục được VnDoc sưu tầm, cập nhật cho các bạn theo dõi. Mời các bạn tham khảo luyện tập để đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới.

Đánh giá bài viết
1.151 307.348
10 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Tấn Đạt
    Tấn Đạt

    mong là trúng


    Thích Phản hồi 21:46 06/03
    • Ân Thượng
      Ân Thượng

      mong là trúng

      Thích Phản hồi 21:01 11/03
      • Minh Vu
        Minh Vu

        😊


        Thích Phản hồi 20:04 15/03
        • Dt Thoa
          Dt Thoa

          😱 toan nhung thu hoc o ki 1 👎 :):)

          Thích Phản hồi 20:37 17/03
          • Nguyen Huong Nguyen
            Nguyen Huong Nguyen

            Có trùng đề ko

            Thích Phản hồi 06:08 28/03
            • Đgaming HR
              Đgaming HR

              yhuu

              Thích Phản hồi 29/03/21
              • Hải Anh Giang
                Hải Anh Giang

                WoW

                Thích Phản hồi 26/02/23
                • TRƯỜNG LÊ
                  TRƯỜNG LÊ

                  có đúng đè ko vậy


                  Thích Phản hồi 19/03/23
                  • Quang Nguyen
                    Quang Nguyen

                    cũng có thể trùng 


                    Thích Phản hồi 28/03/23
                • Thy Hà
                  Thy Hà

                  tôi trúng đề


                  Thích Phản hồi 28/03/23
                  • van tiep
                    van tiep

                    mai thi

                    Thích Phản hồi 29/03/23

                    Đề thi giữa kì 2 lớp 6

                    Xem thêm
                    Chỉ từ 79.000đ trải nghiệm VnDoc không quảng cáotải toàn bộ tài liệu trên VnDoc với tốc độ cao. Tìm hiểu thêm
                    Hoặc không cần đăng nhập và tải nhanh tài liệu Bộ đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 6 năm học 2023 - 2024