Đường lối đấu tranh giành chính quyền (1939-1945) và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945

Đường lối đấu tranh giành chính quyền (1939-1945) và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Bài: Đường lối đấu tranh giành chính quyền (1939-1945) và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945

Cương lĩnh năm 1930 của Đảng đã nhấn mạnh mục tiêu giành độc lập dân tộc và giành chính quyền. Chủ trương đó đã được thể nghiệm trong cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ – Tĩnh. Đại hội đại biểu toàn Đảng lần thứ I (tháng 3-1935) tiếp tục để ra mục tiêu đó. Phong trào đấu tranh dân chủ (1936-1939) cũng đề ra mục tiêu trực tiếp giành chính quyền.

Trong cao trào 1939-1945, vấn đề giành độc lập, giành chính quyền được đặt ra trực tiếp. Mục tiêu giành chính quyền đặt ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước chuyển biến mau lẹ. Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1935), phân tích nguy cơ chủ nghĩa phát xít, các đảng phải có sự chuyển hướng chỉ đạo. Chủ nghĩa phát xít ra đời tiến công phong trào dân chủ, hòa bình thế giới, mục tiêu tiêu diệt Liên Xô và chủ nghĩa xã hội thế giới của chúng ngày càng lộ rõ.

Ngày 1-9-1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ Giai đoạn từ ngày 1-9- 1939 đến ngày 22-6-1941. cuộc chiến tranh mang tính chất đế quốc chủ nghĩa, chiến tranh giữa đế quốc với đế quốc (Đức, Italia, Nhật và Anh. Pháp. Mỹ). Từ ngày 22-6-1941 đến ngày 2-9-1945. diễn ra cuộc chiến tranh giữa các thế lực phát xít như Đức, Italia. Nhật với các lực lượng Đồng minh gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp và các lực lượng chống phát xít. Phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam đứng về phe Đồng minh chống phát xít. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương: phát xít Nhật đẩy mạnh xâm lược Trung Quốc (1931 – 1937) nhân dân Trung Quốc kháng chiến chống Nhật. Phát xít Nhật xâm chiếm các nước châu Á. Chiến tranh châu Á – Thái Bình Dương ngày càng mở rộng, ác liệt.

Chiến tranh thế giới thứ hai ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng: Thực dân Pháp phát xít hóa bộ máy thống trị, chúng ban bố lệnh tổng động viên, thực hiện chính sách “kinh tế chỉ huy” thực chất là vơ vét sức người và sức của để phục vụ cho cuộc chiến tranh đế quốc. Chúng thủ tiêu mọi quyền dân sinh, dân chủ ít ỏi mà nhân dân ta giành được trong thời kỳ 1936 – 1939, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, tấn công Đảng Cộng sản Đông Dương và các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo. Đảng chủ trương nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm hoạt động về địa bàn nông thôn.

Khi Nhật xâm lược Đông Dương (tháng 9-1940), hàng ngũ kẻ thù ở Đông Dương tăng lên, ách áp bức và mâu thuẫn dân tộc càng trở nên nặng nề. Nhân dân Đông Dương chịu cảnh một cổ hai tròng (Pháp – Nhật), chúng câu kết với nhau chống phá cách mạng.

Đối với Pháp: tháng 6 – 1940, nước Pháp rơi vào tay phát xít Đức. Đảng Cộng sản Pháp và các lực lượng dân chủ tiến bộ lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống phát xít Đức. Chính giới Pháp bị phân hóa: một lực lượng tập trung xung quanh Đờ Gôn (phái Đờ Gôn) thống phát xít một lực lượng tập trung xung quanh Pêtanh làm tay sai cho Đức ở Đông Dương cũng có hai phái: phái Đờ Gôn và phái Pêtanh.

Sau khi xâm chiếm Việt Nam và Đông Dương, phát xít Nhật từng bước gạt bỏ ảnh hưởng của Pháp ở Đông Dương và đỉnh cao là tiến hành đảo chính gạt bỏ Pháp (ngày 9-3-1945).

Trước đòi hỏi của tình hình cách mạng, trước sự đàn áp khốc liệt của kẻ thù, nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra với những quy mô khác nhau, có cuộc đấu tranh nổ ra ở quy mô lớn (khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9-1940), khởi nghĩa Nam Kỳ (tháng 11-1940), cuộc binh biến Đô Lương (tháng 1-1941), không chỉ đấu tranh chính trị mà cả đấu tranh vũ trang. Những cuộc đấu tranh ấy tuy thất bại nhưng nó phản ánh ý chí đấu tranh chống xâm lược của nhân dân ta, Đảng phái nắm bắt được để có sự lãnh đạo kịp thời. “Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Đông Dương”.

Mặc dù thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, nhưng do chuyển hướng kịp thời về phương pháp và địa bàn hoạt động nên lực lượng lãnh đạo cách mạng cơ bản vẫn được bảo toàn và phát triển.

Những năm 1938-1939, từ Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc theo dõi và chỉ đạo sát sao cách mạng trong nước. Cuối năm 1940, tại biên giới Việt – Trung, Người đã mở lớp đào tạo hàng ngàn cán bộ cách mạng. Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định trở về Tổ quốc cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng.

Trước biến chuyển của tình hình thế giới và trong nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị tháng 11-1939 tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) do đồng chí Nguyễn Văn Cừ – Tổng Bí thư của Đảng chủ trì; Hội nghị Trung ương tháng 11-1940 tại Đình Bảng, Từ Sơn (Bắc Ninh) do đồng chí Trường Chinh chủ trì và Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5-1941) tại Khuổi Nậm, Pác Bó (Cao Bằng) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, đánh dấu sự hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, đường lối đấu tranh giành chính quyền của Đảng.

Trên cơ sở phân tích yêu cầu bức thiết của phong trào cách mạng trong nước và nhận định khả năng diễn biến của Chiến tranh thế giới thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bổ sung, phát triển những nội dung cơ bản trong đường lối cách mạng giải phóng dân tộc.

1/ Nêu cao mục tiêu giành độc lập, giành chính quyền, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, nhiệm vụ chống phong kiến và các yêu cầu dân chủ khác phải rải ra thực hiện từng bước, phục vụ nhiệm vụ chống đế quốc. Khẩu hiệu lúc này là “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”.

Trên cơ sở phân tích các mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam, Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 xác định mâu thuẫn gay gắt lúc này là mâu thuẫn giữa đế quốc với các dân tộc Đông Dương, vì vậy: “bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”.

Hội nghị Trung ương tháng 11-1940 tiếp tục khẳng định quan điểm giải phóng dân tộc và xác định: “Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo các dân tộc bị áp bức Đông Dương vũ trang bạo động giành lấy quyền tự do, độc lập”.

Phát triển tư tưởng của Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 và tháng 11-1940, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (tháng 5- 1941) xác định: “Nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước là nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta”. Đảng xác định chủ trương làm cách mạng giải phóng dân tộc, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, thay bằng khẩu hiệu tịch ký ruộng đất của đế quốc Pháp và của những địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc. Hội nghị nhấn mạnh phải đặt quyền lợi của dân tộc lên trên quyền lợi của giai cấp, bộ phận: “Trong lúc này quyền lợi của hộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”

2/ Xây dựng lực lượng cách mạng của quần chúng nhân dân tập hợp trong Mật trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc.

Lực lượng chính trị của quần chúng được tập hợp trong Mặt trận dân tộc thống nhất tạo nên lực lượng chính trị hùng hậu. Hội nghị Trung ương lần thứ tám quyết định thành lập một mặt trận lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) để đoàn kết, tập hợp lực lượng cách mạng nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc. Mục tiêu chung là giành độc lập dân tộc, cứu quốc nên tập hợp trong Mặt trận Việt Minh là các đoàn thể mang tên Cứu quốc (Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thiếu niên cứu quốc…) để vận động mọi người dân yêu nước không phân biệt các thành phần giai cấp, lứa tuổi, đoàn kết thống nhất dưới sự Lãnh đạo của Đảng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng. Mặt trận Việt Minh là hình ảnh một khối đại đoàn kết dân tộc, là linh hồn, ngọn cờ tập hợp quần chúng khởi nghĩa thắng lợi.

Mặt trận Việt Minh giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ của dân tộc Việt Nam chứ không phải mặt trận chung của Đông Dương, vì thế nó khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc của mỗi người Việt Nam. Mặt trận Việt Minh hình thành về mặt tổ chức, là hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở nên đã phát huy sức mạnh ở chính tổ chức đó. Hội nghị Trung ương tháng 2- 1943 tại Võng La (Đông-Anh – Hà Nội) quyết định đẩy nhanh sự phát triển của Mặt trận Việt Minh.

3/ Xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng, chú trọng đấu tranh vũ trang và khởi nghĩa, đi từ khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi.

Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 quyết định xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa, nhấn mạnh nhiệm vụ chính trị của công tác quần chúng lúc này là dự bị điều kiện bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn đội du kích Bắc Sơn ra đời, căn cứ địa Bắc Sơn – Vũ Nhai do Thường vụ Trung ương chỉ đạo được hình thành. Hội nghị Trung ương tháng 11- 1940 duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, lực lượng vũ trang Bắc Sơn phát triển thành những trung đội Cứu quốc quân. Tại Cao Bằng, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22-12-1944. Căn cứ địa Cao Bằng do Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lãnh đạo. Đến năm 1943 căn cứ địa Bắc Sơn – Vũ Nhai nối liền với căn cứ địa Cao Bằng. Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ từ ngày 13 đến ngày 20-4-1945 tại Hiệp hòa (Bắc Giang) đã quyết định lập chiến khu trong cả nước, nối liên lạc giữa các chiến khu Bắc,Trung, Nam. Xây dựng những căn cứ địa kháng Nhật ở những nơi có điều kiện. Hội nghị quyết định thống nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang cách mạng khác thành Việt Nam giải phóng quân. Đầu tháng 5-1945, Hồ Chí Minh về Tuyên Quang, Người chọn Tân Trào làm căn cứ để chỉ đạo cách mạng cả nước. Ngày 4-6- 1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập bao gồm sáu tỉnh (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang). Khu giải phóng trở thành căn cứ địa của cá nước.

Xác định hình thức, phương thức đấu tranh: tư tưởng chỉ đạo: đi từ khởi nghĩa từng phần, giành thắng lợi bộ phận tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước được Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 đề ra và Hội nghị Trung ương lần thứ tám tháng (5-1941) xác định: “chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Đảng ta và dân ta trong giai đoạn hiện tại”. Hội nghị Trung ương lần thứ tám xác định phương châm và hình thái khởi nghĩa ở nước ta: “Phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù… với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”.

Vấn đề thời cơ cách mạng cũng được các hội nghị Trung ương nêu rõ: Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 dự kiến thời cơ: cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị gây nên bởi đế quốc chiến tranh lần này sẽ nung nấu cách mạng Đông Dương nổ bùng và tiền đồ cách mạng giải phóng dân tộc nhất định sẽ quang minh rực rỡ. Hội nghị Trung ương tháng 11-1940, Đảng dự đoán “Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo các dân tộc bị áp bức Đông Dương vũ trang bạo động giành lấy quyền tự do, độc lập”. Hội nghị Trung ương lần thứ tám dự kiến chiều hướng phát triển của chiến tranh: phát xít Đức sẽ đánh Liên Xô; chiến tranh Thái Bình Dương sẽ bùng nổ, cuộc chiến tranh do bọn đế quốc gây ra tàn sát loài người một cách ghê gớm nhưng phe đồng minh chống phát xít và cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô nhất định sẽ thắng lợi, phe phát xít nhất định sẽ thất bại, điều kiện thuận lợi cho các dân tộc đấu tranh giải phóng. Cuối năm 1943, Hồ Chí Minh dự báo Chiến tranh thế giới có thể kết thúc trong một năm hay một năm rưỡi nữa, đây là cơ hội tốt cho ta giành thắng lợi. Dự báo thời cơ, chớp thời cơ là một khoa học, nghệ thuật trong lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang của Đảng. Ngày 15-8-1945 Nhật đầu hàng Đồng minh, đó là cơ hội thuận lợi cho cuộc tổng khởi giành thắng lợi.

4/ Đấu tranh giành chính quyền và lựa chọn hình thức Nhà nước dân chủ Cộng hòa (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) chứ không phải hình thức chính quyền Xô viết như ở Nga. Nghị quyết Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương: Thành lập những uỷ ban nhân dân ở những nơi ta làm chủ. Lập nên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hoàn toàn độc lập.

5/ Về xây dựng Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng nhằm nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn và năng lực lãnh đạo của Đảng (Hội nghị Trung ương lần thứ tám có hẳn phụ lục về vấn đề Đảng), đồng thời chủ trương kiện toàn hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở, thống nhất tư tưởng, thống nhất ý chí và hành động; gấp rút đào tạo cán bộ, cán bộ lãnh đạo, cán bộ công vận, nông vận, binh vận, quân sự và đẩy mạnh công tác vận động quần chúng; cán bộ phải bắt buộc chịu huấn luyện theo chương trình phổ thông của Đảng. Đặc biệt, Đảng chú trọng chống các phần tử phá hoại trong Đảng.

Như vậy, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 11-1939, tháng 11-1940, và Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5-1941) đã phát triển, hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Đường lối đó có vai trò chỉ đạo phong trào cách mạng trên khắp cả nước.

Đảng chủ trương phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền

Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Ngày 9-5-1945, phát xít Đức đầu hàng Liên Xô và Đồng minh không điều kiện, ở châu Á, phát xít Nhật đang đi gần đến thất bại hoàn toàn. Trước sự phát triển mau lẹ của tình hình, Trung ương Đảng quyết định triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945. Hội nghị nhận định: cơ hội rất tốt cho ta giành chính quyền đã tới và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Hội nghị nêu rõ khẩu hiệu đấu tranh lúc này là: “Phản đối xâm lược”, hoàn toàn độc lập”, “Chính quyền nhân dân”. Những nguyên tắc để chỉ đạo khởi nghĩa là: tập trung, thống nhất và kịp thời. Hội nghị quyết định những vấn đề quan trọng về chính sách đối nội và đối ngoại trong tình hình mới. Quyết định cử Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc do đồng chí Trường Chinh phụ trách và kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương.

Đêm 13-8-1945. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh tổng khởi nghĩa.

Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào. Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Mười chính sách của Việt Minh, quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam.

Ngay sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu đồng bào ta đã nhất tề nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Từ ngày 14-8-1945, các đơn vị giải phóng quân đã liên tiếp hạ nhiều đồn bốt của Nhật ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Yên Bái. Ngày 18-8-1945, nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Phúc Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam và Khánh Hòa giành chính quyền ở tỉnh lỵ.

Ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội hàng chục vạn quần chúng dự cuộc mít-tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát lớn thành phố, sau mít tinh quần chúng tỏa đi chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Trại lính bảo an, Sở Cảnh sát và các công sở của chính quyền bù nhìn. Trước khí thế áp đảo của quần chúng khởi nghĩa, quân Nhật ở Hà Nội hoàn toàn tê liệt, không dám chống cự. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội có ý nghĩa quyết định đối với cả nước, cổ vũ động viên nhân dân các nước khởi nghĩa giành chính quyền. Nhiều địa phương căn cứ vào bản chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã kịp thời chủ động phát động khởi nghĩa giành chính quyền khi chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng.

Ngày 23-8-1945, khởi nghĩa giành thắng lợi ở Huế; ngày 25-8-19.45, khởi nghĩa giành thắng lợi ở Sài Gòn.

Chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến ngày 28-8- 1945), cuộc tổng khởi nghĩa dã thành công trên cả nước chính quyền về tay nhân dân.

Ngày 2-9-1945, tại cuộc mít tinh lớn ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố trước quốc dân đồng bào, với toàn thể thế giới; Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Bản tuyên ngôn độc lập khẳng định “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tật cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Bản Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định trên cả hai phương diện: phương diện pháp lý cũng như trên thực tế chủ quyền của dân tộc ta. Tuyên ngôn độc lập là tác phẩm bất hủ của Hồ Chí Minh, là kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, là bản anh hùng ca mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập, tự do và góp phần làm phong phú tư tưởng về quyền con người của các dân tộc trên thế giới – quyền độc lập, tự do.

Với đường lối cách mạng đúng đắn nêu trên, Đảng đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công. Có thể nói, Cách mạng Tháng Tám thắng lợi là do những nguyên nhân sau

– Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố chủ yếu nhất, quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

– Sức mạnh của toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh.

– Thời cơ cách mạng thuận lợi.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quá tổng hợp của các phong trào cách mạng liên tục diễn ra trong 15 năm sau ngày thành lập Đảng, từ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, cuộc vận động dân chủ 1936 – 1939 đến phong trào giải phóng dân tộc 1939 – 1945, mặc dù cách mạng có những lúc bị dìm trong máu lửa. Chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta bị xóa bỏ, một kỷ nguyên mới mở ra kỉ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Đánh giá về Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4-2001) đánh giá là một trong ba thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong thế kỷ XX dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong quá trình lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám, Đảng có được một số kinh nghiệm quý báu đóng góp vào kho tàng lý luận cách mạng dân tộc dân chủ ở một nước thuộc địa nửa phong kiến:

– Nêu cao mục tiêu đấu tranh giành độc lập dân tộc với ý chí tự lực tự cường, kết hợp đúng đắn nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến.

Đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc, trên cơ sở nòng cốt là công nhân và nông dân.

– Triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, cô lập cao độ kẻ thù, chủ yếu là đế quốc và tay sai phản động; tranh thủ những phần tử trung lập, lừng chừng; tập trung mọi lực lượng, tập trung chống kẻ thù nguy hiểm nhất.

– Nắm vững thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, chủ động sáng tạo trong sử dụng hình thức, phương pháp khởi nghĩa giành chính quyền.

– Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thống nhất ý chí và hành động.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Đường lối đấu tranh giành chính quyền (1939-1945) và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 về nội dung và ý nghĩa của đường lối đấu tranh giành chính quyền và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945..

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Đường lối đấu tranh giành chính quyền (1939-1945) và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 997
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm