Em hãy cảm nhận câu thơ: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ"

Văn mẫu lớp 9: Em hãy cảm nhận câu thơ: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng, Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ dưới đây được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý Cảm nhận về đoạn thơ Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

a. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích và vấn đề cần nghị luận.

b. Thân bài

- Cảm nhận về đoạn thơ

+ Sự tôn kính, biết ơn của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác được thể hiện qua sự sống đội của các cặp hình ảnh thực và ẩn dụ..

+ Niềm xúc động nghẹn ngào của nhà thơ khi vào trong lăng được gọi lên qua các hình ảnh: vầng trăng sáng dịu hiền, trời xanh…

- Đánh giá chung:

+ Đoạn thơ đã thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn và niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ cũng như của mọi người khi vào lăng viếng Bác

+ Nghệ thuật: giọng điệu vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa thiết tha tự hào, nhiều hình ảnh thơ đẹp, sáng tạo, giàu liên tưởng và mang tính biểu tượng: ngôn ngữ bình dị, hàm súc mà âm vang.

c. Kết bài

- Đánh giá lại đoạn thơ.

Cảm nhận câu thơ "Ngày ngày mặt trời...lăng rất đỏ" - Mẫu 1

Bài thơ "Viếng lăng Bác" được viết bởi Viễn Phương - nhà văn có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nổi bật hơn cả ở tác phẩm là khổ thơ thứ hai với biết bao cảm xúc nỗi niềm của cả một thế hệ:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”

Bài thơ được viết vào tháng 4 năm 1976, một năm sau ngày giải phóng miền Nam,đất nước vừa được thống nhất. Đó cũng là khi lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được khánh thành, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước là được đến viếng lăng Bác. Tác giả là một người con của miền Nam, suốt ba mươi năm hoạt động và chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ xa xôi. Cũng như đồng bào và chiến sĩ miền Nam,nhà thơ mong mỏi được ra thăm Bác và chỉ đến lúc này, khi đất nước đã thống nhất, ông mới có thể thực hiện được ước nguyện ấy. Tình cảm đối với Bác trở thành nguồn cảm hứng để ông sáng tác bài thơ này.

Sau khi chiêm ngưỡng khung cảnh thiêng liêng ở bên ngoài lăng, tác giả đã hòa vào cùng dòng người để “gặp gỡ” Bác:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.”

Hai câu thơ đầu tiên là sự sóng đôi giữa hình ảnh ẩn dụ và hình ảnh thực. “Ngày ngày” là một từ láy chỉ dòng thời gian tuần hoàn ngày qua ngày. Viễn Phương đã làm cho vòng tuần hoàn ấy trở nên gợi cảm hơn kết hợp nó với biện pháp điệp ngữ. Thời gian ngày qua ngày như một không gian bất tận, lại còn thêm điệp ngữ khiến cho dòng thời gian như trải dài khắp tâm tư của biết bao con dân Việt Nam. Giữa vòng tuần hoàn bất tận ấy, tác giả lại tình cờ bắt gặp một “mặt trời đi qua trên lăng”. Đây là hình ảnh tả thực về thiên nhiên, mặt trời là một trong số vô vàn kì quan của vũ trụ. Con người không thể nào sống nếu như thiếu đi ánh sáng mặt trời, không sự vật nào có thể tồn tại nếu bị giam mình trong bóng tối u uất. Nếu hình ảnh mặt trời câu thơ thứ nhất mang nghĩa thực thì hình ảnh “mặt trời trong lăng” ở câu thơ thứ hai là một ẩn dụ đầy sáng tạo, độc đáo. “Mặt trời trong lăng” ấy chính là vị cha già kính yêu của dân tộc. Giống như mặt trời của thiên nhiên, Bác Hồ cũng là nguồn ánh sáng soi đường dẫn lối cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Bác đã dành cả đời mình để vì dân, vì nước, đưa mảnh đất hình chữ S đến với sự độc lập tự do, thống nhất đất nước. Nhà thơ Tố Hữu đã từng xúc động mà ví Người với biết bao thân phận cao quý:

“Người là Cha, là Bác, là anh

Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”.

Qua hình ảnh ẩn dụ đó, Viễn Phương như thể hiện lòng biết ơn vô hạn của tác giả nói riêng, cả dân tộc Việt Nam nói chung với công lao của Bác. Hình ảnh “mặt trời” đi kèm với từ “rất đỏ”. Màu đỏ vốn là màu sắc tượng trưng cho sự tâm huyết, dũng cảm và hi sinh. Bên cạnh đó, màu đỏ cũng là màu của may mắn, cảm xúc và tình yêu, đem đến cho con người ta sự tự tin và hạnh phúc. Cách dùng từ ấy như khắc họa về lòng nhiệt huyết và trái tim nồng nàn của vị lãnh tụ vĩ đại, ca ngợi công lao trời biển của Người đối với các thế hệ dân tộc Việt Nam.

Hình ảnh dòng người vào thăm lăng Bác đã để lại niềm xúc động khôn nguôi trong lòng nhà thơ:

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”

Viễn Phương lại tiếp tục sử dụng từ láy “ngày ngày” ở đầu câu thơ như diễn tả một hoạt động xuất hiện với tần suất thường xuyên, đều đặn trong cuộc sống của nhân dân Việt Nam. Hai chữ “dòng người” như khắc họa khung cảnh biết bao con dân từ khắp mọi miền đất nước về đây vào lăng viếng Bác. Nỗi nhớ của đất nước ta dành cho Bác như bao phủ khắp mọi không gian, cảnh vật. Tưởng chừng chỉ có lòng người nhuốm đậm nỗi buồn và sự tiếc thương, nhưng đến cả thiên nhiên đất trời cũng vì Bác mà u sầu. Bác mất là cái tang lớn của toàn dân tộc:

“Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”

(Tố Hữu)

Lớp người mang chung một dòng máu ấy đã kết thành “tràng hoa”. Ta có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Nếu hiểu theo nghĩa thực, những con người ở khắp muôn nơi đem đến lăng Bác những bông hoa tươi thắm rồi kết thành vòng hoa lớn để bày tỏ tình cảm, tấm lòng mình. “Tràng hoa” ở đây còn mang nghĩa ẩn dụ, chỉ từng người một đang xếp hàng viếng lăng Bác mỗi ngày là một bông hoa ngát thơm. “Bảy mươi chín mùa xuân” chính là bảy mươi chín năm cuộc đời của Người. Viễn Phương đã thật tài hoa khi sử dụng nghệ thuật hoán dụ “mùa xuân” để tượng trưng cho tuổi đời của Bác. Bác đã dành cả cuộc đời mình cống hiến mùa xuân tươi đẹp cho toàn dân tộc. Động từ “dâng” hiện lên giữa dòng thơ đầy thiêng liêng và cảm động. Đó không chỉ là tấm lòng thành kính, trân trọng của tác giả mà còn là tình yêu thương vô bờ bến của toàn thể dân tộc Việt Nam gửi đến Bác.

Như vậy, bằng các biện pháp tu từ ẩn dụ, nói giảm nói tránh, các từ ngữ và hình ảnh chọn lọc, khổ thơ thứ hai đã diễn tả được một cách sâu sắc nỗi niềm xúc động, nghẹn ngào của nhà thơ khi lần đầu tiên ra lăng viếng Bác.

“Trái bưởi kia vàng ngọt với ai

Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!

Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm

Quanh mặt hồ in mây trắng bay…”

Bác Hồ – vị Cha già kính yêu của dân tộc là người đã đem lại mùa xuân thanh bình cho đất nước. Dù Bác đã trút đi hơi thở cuối cùng nhưng như Phạm Tiến Duật đã từng nói: “Người chết chỉ thực sự chết khi người sống quên ta”. Bởi lẽ đó, Bác Hồ và những vần thơ của Viễn Phương vẫn còn sống mãi trong trái tim của nhân dân Việt Nam.

Cảm nhận câu thơ "Ngày ngày mặt trời...lăng rất đỏ" - Mẫu 2

“Ta hiểu. Miền Nam thương nhớ Bác

Nóng lòng mong đợi Bác vào thăm

Ta hiểu. Đêm nằm nghe gió gác

Bác thường trăn trở, nhớ miền Nam!”

Chẳng biết tự bao giờ, những vần thơ ngọt ngào, sâu lắng, thiết tha về Bác đã thấm sâu vào tâm trí ta, làm ngân rung bao tình cảm nhớ thương và lòng biết ơn vô hạn với Bác Hồ – vị Cha già kính yêu của dân tộc – người đã đem lại mùa xuân thanh bình cho đất nước. Sự vĩ đại, vẻ đẹp của Bác, lòng kính yêu với Bác đã trở thành cảm hứng cho các các nghệ sĩ sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật bất hủ. Đến sau trong đề tài thơ về Bác do điều kiện, hoàn cảnh: là người con miền Nam, cầm súng ở ngoài tiền tuyến, nhà thơ Viễn Phương đã để lại bài thơ "Viếng lăng Bác" độc đáo, có sức cảm hóa sâu sắc bởi tình đẹp, lời hay. Và đọc bài thơ ấy có lẽ người đọc sẽ không khỏi ấn tượng với khổ thơ thứ hai:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”

Bài thơ được viết vào tháng 4 năm 1976, một năm sau ngày giải phóng miền Nam,đất nước vừa được thống nhất. Đó cũng là khi lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được khánh thành, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước là được đến viếng lăng Bác. Tác giả là một người con của miền Nam, suốt ba mươi năm hoạt động và chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ xa xôi. Cũng như đồng bào và chiến sĩ miền Nam,nhà thơ mong mỏi được ra thăm Bác và chỉ đến lúc này, khi đất nước đã thống nhất, ông mới có thể thực hiện được ước nguyện ấy. Tình cảm đối với Bác trở thành nguồn cảm hứng để ông sáng tác bài thơ này.

Theo trình tự thời gian, tác giả đã ghi lại cảm xúc của tác giả khi hòa cùng dòng người vào lăng viếng Bác:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.”

Xuyên suốt khổ thơ là nghệ thuật điệp ngữ và ẩn dụ. “Ngày ngày” vốn đã là một từ láy, lại được dùng điệp ngữ nên càng gợi nên cảm giác thời gian như kéo dài vô tận trong khổ thơ, đồng thời cũng dùng để miêu tả một chân lý vĩnh hằng – sự vĩ đại của Bác.Hình ảnh “mặt trời đi qua trên lăng” là hình ảnh thực. Đó là mặt trời thiên tạo, mặt trời của tự nhiên, là hành tinh quan trọng nhất của vũ trụ, nó gợi ra sự kì vĩ, sự bất tử, vĩnh hằng. Mặt trời là nguồn cội của sự sống, ánh sáng. Nếu hình ảnh mặt trời câu thơ thứ nhất mang nghĩa thực thì hình ảnh “mặt trời trong lăng” ở câu thơ thứ hai là một ẩn dụ đầy sáng tạo, độc đáo - đó là hình ảnh của Bác Hồ. Giống như “mặt trời”, Bác Hồ cũng là nguồn ánh sáng, nguồn sức mạnh. “Mặt trời” - Bác Hồ soi đường dẫn lối cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Bác đã cùng nhân dân vượt qua trăm ngàn gian khổ, hy sinh để đi tới chiến thắng quang vinh, trọn vẹn. Nhà thơ Tố Hữu đã so sánh Bác như:

“Người là Cha, là Bác, là anh

Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”.

Cái nghĩa, cái nhân lớn lao của Bác đã tác động mạnh mẽ, sâu xa tới mỗi số phận con người. Thật ra so sánh Bác Hồ với mặt trời đã được các nhà thơ sử dụng từ rất lâu:

“Người rực rỡ một mặt trời cách mạng

Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng

Đêm tàn bay chập choạng dưới chân người”

( Tố Hữu - “Sáng tháng năm”)

Ta cũng đã từng bắt gặp điều này ở trong ca dao kháng chiến:

“Bác Hồ là vị cha chung

Là sao Bắc Đẩu, là vầng Thái Dương’’

Nhà thơ ví bác như mặt trời vừa thể hiện tấm lòng thành kính, lòng biết ơn vô hạn với công lao của Bác, đồng thời còn khẳng định sự vĩ đại, sự trường tồn của Bác là bất biến với thời gian. Hình ảnh “mặt trời” đi kèm với từ “rất đỏ” còn ẩn dụ cho lòng nhiệt huyết và trái tim nồng nàn của vị lãnh tụ vĩ đại. Đây là một sáng tạo độc đáo và mới mẻ của Viễn Phương. Cách ví đó một mặt ca ngợi sự vĩ đại, công lao trời biển của Người đối với các thế hệ con người Việt Nam. Mặt khác bộc lộ rõ niềm tự hào của dân tộc Việt Nam khi có Bác Hồ - có được mặt trời của cách mạng soi đường chỉ lối cũng như ánh sáng của mặt trời thiên nhiên.

Niềm xúc động của nhà thơ còn được gợi ra từ những hình ảnh rất thực, lại vừa giàu sức liên tưởng qua hình ảnh dòng người vào thăm lăng Bác đã được nhà thơ miêu tả một cách độc đáo và để lại nhiều ấn tượng:

“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”

Từ láy “ngày ngày” lại được đặt ở đầu câu thơ diễn tả cảnh tượng có thực đang diễn ra hàng ngày, đều đặn trong cuộc sống của con người Việt Nam: Những dòng người nặng trĩu nhớ thương từ khắp mọi miền đất nước đã về đây xếp hàng, lặng lẽ theo nhau vào lăng viếng Bác. Bằng sự quan sát trong thực tế, tác giả đã tạo ra một hình ảnh ẩn dụ đẹp và sáng tạo: “tràng hoa”. Hình ảnh “tràng hoa” mang nhiều cách hiểu khác nhau. Nghĩa thực là những bông hoa tươi thắm kết thành vòng hoa được những người con khắp nơi trên đất nước và thế giới về thăm dâng lên Bác để bày tỏ tình cảm, tấm lòng mình. “Tràng hoa” ở đây còn mang nghĩa ẩn dụ chỉ từng người một đang xếp hàng viếng lăng Bác mỗi ngày là một bông hoa ngát thơm. Những dòng người bất tận đang ngày ngày vào lăng viếng Bác, dòng ra sau, qua bên lăng, đi ra nối tiếp thành một vòng tròn nối kết nhau thành những tràng hoa bất tận. Những bông hoa – tràng hoa rực rỡ đó dưới ánh mặt trời của Bác đã trở thành những bông hoa - tràng hoa đẹp nhất dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân” - bảy mươi chín năm cuộc đời của Người. Đây là hình ảnh hoán dụ tượng trưng cho tuổi đời của Bác. Mỗi tuổi đời ấy là một mùa xuân tươi đẹp mà Bác đã cống hiến trọn vẹn cho tổ quốc. Động từ “dâng” đã thể hiện tấm lòng thành kính, trân trọng của tác giả nói riêng và của toàn thể dân tộc Việt Nam đối với Bác Hồ. Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong một năm, còn Bác là người Việt Nam đẹp nhất. Hình ảnh ấy cũng đã từng xuất hiện trong thơ Tố Hữu:

“Bảy mươi chín mùa xuân trong sáng

Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay”

Bác đã hiến dâng những gì đẹp nhất của cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, và giờ đây những người con của dân tộc đang dâng lên cho người lòng biết ơn sâu sắc nhất. lời thơ trang trọng nhưng vô cùng tha thiết gợi nhiều suy tưởng sâu lắng, mênh mông.

Có thể nói khổ thơ thứ hai là đẹp nhất trong cả bài. Qua những vần thơ tha thiết chân thành, nhà thơ Viễn Phương đã bộc lộ tấm lòng thành kính, biết ơn, sự thành kính và niềm tự hào của tác giả, của dân tộc Việt Nam đối với Bác Hồ vị lãnh tụ vô cùng kính yêu.

Như vậy, bằng các biện pháp tu từ ẩn dụ, nói giảm nói tránh, các từ ngữ và hình ảnh chọn lọc, 2 khổ thơ đầu đã diễn tả được một cách sâu sắc nỗi niềm xúc động, nghẹn ngào của nhà thơ khi lần đầu tiên được ra lăng viếng Bác. Lời thơ chính là tấm lòng tác giả, của nhân dân cả nước dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc. Người sẽ luôn sống và sáng mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Năm 1969, người đã trút hơi thở cuối cùng để nghìn thu vĩnh biệt:

“Chẳng có mất mát nào bằng cái chết

Khăn tang vòng tròn như số không”

Thế nhưng ” người chết chỉ thực sự chết khi người sống quên ta” (Phạm Tiến Duật). Vì thế mà lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh vẫn sống mãi với non sông, gấm vóc, sống mãi trong trái tim mọi người. “Viếng lăng Bác” không chỉ là nén hương thơm Viễn Phương thành kính dâng lên người mà còn là khúc tâm tình sâu nặng mà nhà thơ thay mặt cho đồng bào miền Nam gửi đến Bác trong những ngày đầu độc lập. Bài thơ đã khép lại rồi mà dư âm của nó còn vang mãi. Với thể thơ tám chữ, giọng điệu thơ nghiêm trang, hình tượng thơ hàm súc, cảm xúc thơ sâu lắng, tác giả đã truyền vào lòng người niềm yêu kính đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Cảm nhận câu thơ "Ngày ngày mặt trời...lăng rất đỏ" - Mẫu 3

Viếng lăng Bác là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của tác giả Viễn Phương. Bài thơ không chỉ thể hiện nỗi lòng tha thiết của người con khi đứng trước lăng Bác mà còn làm cho chúng ta hiểu hơn, thêm yêu quý hơn hình ảnh Bác Hồ ngay cả khi Bác đã yên nghỉ. Nổi bật trong bài thơ chính là hai câu thơ:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng,
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

Hai câu thơ có đến hai mặt trời. Mặt trời thứ nhất là mặt trời của tự nhiên, mang lại ánh sáng và sự sống cho vạn vật trên Trái Đất. Mặt trời ấy lan tỏa ánh sáng đi muôn nơi và là một yếu tố không thể thiếu đối với cuộc sống con người. Mặt trời trong khổ thơ thứ hai là mặt trời ẩn dụ tượng trưng cho Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại đã có công giải phóng đất nước. Tuy giờ đây Bác đã yên nghỉ nhưng xung quanh Bác vẫn tỏa ra ánh sáng của độc lập tự do, của tinh thần yêu nước, của một con người đã dành cả cuộc đời cho cách mạng nước nhà. Ngày ngày mặt trời nhìn mặt trời trong lăng, mặt trời trong lăng còn đỏ hơn mặt trời đi trên nóc nhà kia - ánh sáng của tình yêu dành cho dân tộc.

Hai câu thơ tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng nội dung và nghệ thuật vô cùng tinh tế, đặc sắc. Dưới nét bút của tác giả Viễn Phương, người đọc dễ dàng hình dung ra tầm vóc lớn lao của Bác. Nhiều năm tháng qua đi nhưng bài thơ vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị tốt đẹp ban đầu của nó và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.

Cảm nhận câu thơ "Ngày ngày mặt trời...lăng rất đỏ" - Mẫu 4

Trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, tôi đặc biệt thích 4 câu thơ. Hai câu đầu tiên sóng nhau, hô ứng nhau với hai hình ảnh mặt trời. Một mặt trời thiên nhiên, rực rỡ, vĩnh hằng "Ngày ngày... đi qua trên lăng", và "Một mặt trời trong lăng rất đỏ"- hình ảnh Bác Hồ vĩ đại. Màu sắc "rất đỏ" làm cho câu thơ có hình ảnh đẹp gây ấn tượng sâu xa hơn, nói lên tư tưởng cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn của Bác:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Hòa nhập vào "dòng người" đến lăng viếng Bác, nhà thơ xúc động bồi hồi...Thành kính và nghiêm trang. Dòng người đông đúc, chẳng khác nào một "tràng hoa" muôn sắc ngàn hương từ mọi miền đất nước đến Ba Đình lịch sử viếng lăng Bác. Hình ảnh ẩn dụ "tràng hoa" diễn tả tấm lòng biết ơn, sự thành kính của nhân dân đối với Bác Hồ vĩ đại:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

Chữ "dâng" chứa đựng bao tình cảm, bao tình nghĩa. Nhà thơ không nói "bảy chín tuổi" mà nói: bảy mươi chín mùa xuân, một cách nói rất thơ: cuộc đời Bác đẹp như những mùa xuân. Qua đó, ta thấy nghệ thuật lựa chọn ngôn từ của Viễn Phương rất tinh tế, biểu cảm và hình tượng. 4 câu thơ trên đã cho thấy tấm lòng yêu thương, kính trọng và biết ơn Bác. Tâm tình của nhà thơ, của mỗi người Việt Nam và của cả dân tộc. Đó là giá trị lớn lao của bài thơ Viếng lăng Bác.

Cảm nhận câu thơ "Ngày ngày mặt trời...lăng rất đỏ" - Mẫu 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là đề tài ngợi ca của bao áng thơ ca, nhạc hoạ. Đã có rất nhiều nhà thơ viết về Bác: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu,... Đến lượt mình, nhà thơ Viễn Phương cũng lặng lẽ dâng lên hương hồn người Cha già kính yêu của toàn dân tộc một “Viếng lăng Bác” làm xúc động lòng người. Đoạn thơ sau đây đã thể hiện rõ điều đó:

"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim..."

Bài thơ ra đời vào tháng 4 năm 1976. Đây là một hoàn cảnh lịch sử thật đặc biệt: là một năm sau ngày thống nhất đất nước, lăng Bác vừa được khánh thành và Viễn Phương là một trong những người con miền Nam đầu tiên lược ra thăm miền Bắc để vào lăng viếng Bác.

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.

Trong những câu thơ trên, Viễn Phương thật tài hoa khi sử dụng phép tu từ nhân hoá và ẩn dụ. “Mặt trời trong lăng” chính là Bác Hồ vô cùng kính yêu và vĩ đại. Ngầm so sánh với mặt trời, nhà thơ đã thầm ngợi ca sự vĩ đại của Bác. Nếu như mặt trời của tự nhiên mang ánh sáng đèn cho nhân loại thì Bác là người mang ánh sáng tự do đến cho dân tộc. Không chỉ vậy, nếu như mặt trời bất tử cùng tự nhiên vũ trụ thì Bác Hồ cũng sẽ bất tử cùng non nước Việt Nam tươi đẹp. Câu thơ thể hiện niềm tin yêu thành kính vô bờ đôi với Bác Hồ của nhà thơ. Đặc biệt, được kết hợp với phép nhân hoá “Mặt trời đi qua... thấy… mặt trời trong lăng rất đỏ” ta còn có cảm giác như mặt trời của tự nhiên cũng phải ngắm nhìn, chiêm ngưỡng mặt trời của dân tộc - chính là Bác Hồ kính yêu... Không chi Viễn Phương mà cả non sông đang tụ họp về đây “đi trong thương nhớ” tưởng niệm anh linh của Bác. Và đặc biệt, dòng người tuôn trào, bất tận ấy đang “kết tràng hoa” tươi thắm để kính dâng lên “bảy mươi chín mùa xuân” trong sáng - bảy mươi chín năm Bác sống cùng non sông gấm vóc. Những liên tưởng kì diệu ấy của nhà thơ hoàn toàn dựa trên những hình ảnh có thực. Dòng người vào lăng viếng Bác chẳng những có muôn vàn sắc áo mà còn mang nhiều màu da, đến từ nhiều vùng miền khác nhau của đất nước, của thế giới. Tất cả đến lăng Bác với niềm tin yêu, sự tôn kính vô bờ. Vậy mỗi con người là một tấm lòng, là một bông hoa để dòng người kết thành tràng hoa tươi thắm. Điệp từ “ngày ngày” được lặp lại đến hai lần đến sự bất tử của Bác, lòng thành kính của nhân loại đối với Bác sẽ trường tồn cùng thời gian. Đồng thời câu thơ cuối cùng là một câu thơ 9 tiếng - câu thơ phá luật khiến nhịp thơ như dài ra, theo đó, tràng hoa dâng lên Bác cũng như kéo dài ra bất tận, niềm xúc động tuôn trào không sao kìm giữ được.

Bước vào lăng Bác, niềm xúc động và những suy tưởng thiêng liêng càng trào dâng hơn nữa:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”.

Bác đã đi xa nhưng nhà thơ không dám nhìn vào cũng không dám nhắc đến sự thật đau đớn ấy. Viễn Phương viết “giấc ngủ bình yên” để làm dịu vợi đi nỗi đau mất Bác. “Vầng trăng sáng dịu hiền” vừa thể hiện sự bình yên trong giấc ngủ của Bác vừa khẳng định: Bác thật gần chúng ta, giống như vầng trăng hiền hòa, dịu mát vậy. Trong đoạn thơ trên, nhà thơ ví Bác với mặt trời, trong khổ thơ này, Bác lại nằm giữa “vầng trăng sáng dịu hiền”, điều này có mâu thuẫn với nhau không? Câu trả lời là không bởi Bác vĩ đại như mặt trời nhưng cũng gần gũi và giản dị biết bao nhiêu “Người là Cha, là Bác, là Anh” của lớp lớp các thế hệ người Việt. Nhìn hình ảnh Bác “trong giấc ngủ bình yên” như vậy, nhà thơ không nén nổi niềm xúc động:

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”.

Vẫn biết trời xanh thuộc về tự nhiên và trời xanh được quyền bất tử nhưng vẫn thấy đau xót vẫn “nhói” ở trong tim bởi so với trời xanh đời người sao mà ngắn ngủi. Bác là vầng dương của xã hội nhưng Bác vẫn phải đi xa... Không chỉ vậy, một lần nữa, nhà thơ sử dụng biện pháp ẩn dụ trong câu thơ “trời xanh là mãi mãi”. Trời xanh và cũng là Bác Hồ. vẫn biết Người bất tử cùng non nước nhưng có một sự thật là bác đã mãi mãi đi xa, dân tộc Việt Nam không thể có Bác lần thứ hai trong đời...

Đoạn thơ đã diễn tả những cảm xúc nghẹn ngào, tình yêu mến chân thành của nhà thơ Viễn Phương dành cho Bác. Nhà thơ cũng đã sử dụng thành công nhiều biện pháp tu từ: nhân hóa, ẩn dụ, điệp từ,...

Với tình cảm chân thành tha thiết và sự tài hoa trong việc sáng tạo những hình ảnh thơ, giữa rất nhiều những bài thơ hay viết về Bác, “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương vẫn tìm được cho mình một vị trí trang trọng trong lòng người yêu thơ cả nước.

---------------------------

Ngoài Em hãy cảm nhận câu thơ: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ", mời các bạn tham khảo thêm Ngữ văn lớp 9, Nghị luận xã hội lớp 9, Văn mẫu lớp 9 để học tốt môn Văn 9 hơn.

Đánh giá bài viết
34 104.691
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 9

    Xem thêm