Em hãy nêu cảm nghĩ về bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của Nguyễn Duy

Văn mẫu 10: Em hãy nêu cảm nghĩ về bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của Nguyễn Duy là tài liệu văn mẫu lớp 10 hay được Thư viện văn mẫu 10 VnDoc sưu tầm và đăng tải, hi vọng sẽ giúp quý thầy cô và các em có thêm nhiều tài liệu tham khảo bổ ích để hoàn thành bài tập làm văn.

1. Cảm nhận về bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" - Mẫu 1

Hình ảnh người mẹ là đề tài quen thuộc của thơ ca từ cổ chí kim. Với bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, Nguyễn Duy đã chọn cho mình một cách thể hiện tình cảm thật độc đáo. Bằng âm hưởng ngọt ngào của ca dao, nhà thơ đã đưa người đọc trở về với hình ảnh người mẹ ở nông thôn Việt Nam.

Hoàn cảnh khơi gợi nỗi nhớ của nhà thơ vô cùng đặc biệt:

Bần thần hương huệ thơm đêm

Khói nhang vẽ nẻo đường lên Niết Bàn

Chân nhang lấm láp tro tàn

Xăm xăm bóng mẹ trần gian thưở nào

Trong đêm khuya vắng lặng, hương thơm ngào ngạt của hoa huệ khiến người con nhớ tới mẹ. Từ láy “Bần thần” diễn tả trạng thái như lặng đi, ngơ ngác chìm vào suy tư. Trên ban thờ mẹ, khói nhang mờ ảo như “vẽ nẻo đường lên niết bàn”. Niết bàn vốn là khái niệm trừu tượng có ý nghĩa triết học chứ không phải một vật hữu hình. Thế nhưng, trong thơ Nguyễn Duy, ta còn thấy cả con đường lên tới đó. Theo quan niệm phương Đông, chỉ những người lương thiện, sống có đức độ mới có thể đạt tới cảnh giới này. Người con trong bài thơ đã thể hiện tấm lòng hiếu thảo bằng cách đề cao công lao của mẹ qua hình ảnh “đường lên niết bàn”. Chi tiết “Chân nhang lấm láp tro tàn” ngầm nói lên sự nhọc nhằn, vất vả một đời của mẹ.

Từ cõi mộng, tâm trí nhà thơ trở về với những kí ức thực tế. Giữa khói nhang, bóng mẹ “xăm xăm” dần hiện ra, kéo nhà thơ về miền hồi tưởng. Hình ảnh người mẹ hiện lên thật xúc động:

Mẹ ta không có yếm đào

Nón mê thay nón quai thao đội đầu

Rối ren tay bí tay bầu

Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa

Người mẹ nông dân chân chất, quanh năm gắn bó với ruộng đồng nên không có yếm đào, nón quai thao. Nón mê là dụng cụ quen thuộc của người làm nông, gợi lên sự vất vả, tảo tần. Hình ảnh “Rối ren tay bí tay bầu” vô cùng đặc sắc. Trong tự nhiên, vốn dĩ bầu, bí có nhiều dây leo. Những dây leo đó thường bám chặt và rẽ ngọn trăm hướng để giữ được quả. Từ hình ảnh loài cây quen thuộc, nhà thơ liên tưởng tới hình ảnh mẹ cáng đáng mọi công việc để cho con có được cuộc sống hạnh phúc. Màu váy nâu, áo nâu của mẹ là màu của đất. Mẹ không lộng lẫy, yêu kiều mà vẫn đẹp đẽ, cao cả vô ngần.

Nhớ về mẹ, nhà thơ còn nhớ đến lời ru cùng kỉ niệm tuổi thơ:

Cái cò - sung chát - đào chua

Câu ca mẹ hát gió đưa về trời

Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Hình ảnh cánh cò hiện lên vừa gợi ra âm hưởng đằm thắm của những câu ca dao, vừa tượng trưng cho hình ảnh mẹ nhọc nhằn. Đi liền với nó là hai loại quả quen thuộc sung và đào. Từ “chua chát” được tách ra thành “sung chát”, “đào chua” như nhấn mạnh những đắng cay mà đời mẹ phải trải qua. Thế nhưng, dù cuộc đời mẹ có bao nhiêu vất vả thì mẹ vẫn dành cho con những gì đẹp nhất. Lời ru của mẹ đã cho thấy điều đó. Trong những câu ca “Ầu ơ…”, tác giả có tuổi thơ êm đềm và biết bao bài học quý giá về cuộc sống. Biển học là vô bờ, thế gian là mênh mông nhưng tình mẹ còn bao la hơn thế, chẳng thể nào hiểu hết.

Bao giờ cho đến mùa thu

Trái hồng, trái bưởi đánh đu giữa rằm

Bao giờ cho đến tháng năm

Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao

Khổ thơ tiếp theo phảng phất niềm vui tuổi thơ. Trong suy nghĩ non nớt, ngây thơ của trẻ thì những trái hồng, trái bưởi lúc lỉu trên cây tựa như đang “đánh đu giữa rằm”. Mùa thu ở làng quê thanh bình và yên ả. Những tối tháng năm có gió, mẹ trải chiếu ra sân nhà, con nằm đếm sao trên trời. Thế nhưng, khổ thơ vẫn man mác buồn bởi điệp ngữ “Bao giờ cho đến…”. Thời gian đã đi qua, nay tác giả ngẩn ngơ nhớ lại và ngậm ngùi buồn thương kỉ niệm thơ ấu. Tuổi thơ qua đi đồng nghĩa với mẹ cũng không còn.

Ngân hà chày ngược lên cao

Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm

Bờ ao đom đóm chập chờn

Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi.

Dưới trí tưởng tượng của con trẻ, vạn vật đều trở nên dễ thương và gần gũi. Bầu trời tuổi thơ lung linh màu nhiệm biết mấy! Ngân hà như một dòng sông chảy ngược về bầu trời đêm lấp lánh. Trong ánh trăng có thằng Bờm cầm quạt mo hát nghêu ngao. Ngoài bờ ao, đom đóm bay như những ngôi sao nhỏ chập chờn trong đêm. Tuổi thơ trong trẻo khiến ta vừa vui, vừa buồn mỗi khi nhớ về. Nhờ có mẹ mà những tháng ngày thơ ấu của con được trôi qua như thế.

Khổ thơ tiếp theo đã khẳng định sức sống bất diệt của tình mẫu tử:

Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn

Bà ru mẹ, mẹ ru con

Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?

Sinh mệnh con người ngắn ngủi, hữu hạn. Thế nhưng tình yêu và truyền thống thì được lưu truyền mãi. Sữa mẹ nuôi thân xác con khôn lớn, lời ru mẹ bồi đắp tâm hồn con đẹp lên mỗi ngày. Yêu thương đã trở thành truyền thống nối tiếp từ đời này qua đời khác.

Nhìn về quê mẹ xa xăm

Lòng ta chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương.

Câu ca dao kết thúc bài thơ, nói lên đạo lý dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”. Con lớn lên và rời khỏi vòng tay mẹ nhưng không bao giờ có thể quên đi công ơn sinh thành, dưỡng dục. Những bài học mẹ đã dạy sẽ mãi là hành trang theo con trong cả cuộc đời.

Như vậy, với thể thơ lục bát truyền thống, âm hưởng nhẹ nhàng, hình ảnh thơ phong phú và gần gũi, các điệp ngữ, nhân hóa, liên tưởng, nhà thơ Nguyễn Duy đã khắc họa chân thực và xúc động hình ảnh người mẹ Việt Nam. Từ đó, bài thơ còn thể hiện tình yêu, niềm biết ơn sâu sắc của những người con dành cho mẹ và cho thấy tầm quan trọng của truyền thống dân tộc.

2. Cảm nhận về bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" - Mẫu 2

Nguyễn Duy quê ở Thanh Hóa; anh viết bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” tại Thành phố Hồ Chí Minh vào mùa thu 1986. Bài thơ gồm có 28 câu lục bát, chia thành 6 khổ thơ; khổ thứ tư có 8 câu, năm khổ còn lại, mỗi khổ có 4 câu thơ.

Chữ đầu mỗi khổ thơ đều viết hoa; các chữ đầu mỗi câu thơ còn lại không viết hoa. Toàn bài thơ chỉ có 4 dấu chấm lửng và một dấu gạch ngang mà thôi, không hề có dấu chấm, dấu phẩy... nào cả. Phải chăng đó là sự cách tân về hình thức nghệ thuật thơ lục bát của Nguyễn Duy? Tác giả đã vận dụng sáng tạo ca dao, tục ngữ để tạo nên những vần thơ trữ tình giàu âm điệu và nhạc điệu thiết tha ngọt ngào.

Hương huệ thơm ngát

Mở đầu bài thơ là một không gian nghệ thuật thiêng liêng cổ kính, nhiều man mác bâng khuâng. Đứa con đứng bên bàn thờ mẹ, trong hương huệ thơm ngát, thành kính thắp nén nhang thầm khấn cầu mong hương hồn mẹ được siêu thoát lên cõi niết bàn:

“Bần thần hương huệ thơm đêm

Khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn”.

Nhìn khói nhang tỏa, nhìn chân nhang “lấm láp tro tàn”, đứa con cảm thấy người mẹ hiền đang hiển hiện giữa cõi đời, đang tất tả ngược xuôi:

“Chân nhang lấm láp tro tàn

Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào”,

Các từ láy “bần thần”, “lấm láp“,“xăm xăm” là những nét vẽ tài hoa làm cho vần thơ giàu hình tượng và gợi cảm.

Khổ thơ thứ hai gợi tả hình ảnh người mẹ hiền ngày xưa. Người mẹ nghèo khổ, vất vả. Thời con gái chẳng có yếm đào, chẳng có nón quai thao mà chỉ có nón mê; áo quần chỉ một màu nâu nhuộm bùn:

“Mẹ ta không có yếm đào

Nón mê thay nón quai thao đội đầu”.

Hai tiểu đối: “tay bí // tay bầu”,“váy nhuộm bùn // áo nhuộm nâu” - nói lên thật hay, thật cảm động sự tần tảo vất vả và đời sống nghèo khổ của mẹ:

“Rối ren tay bí tay bầu

Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa”.

Suốt đời mẹ sống mộc mạc, giản dị như thế. Quanh năm bốn mùa mẹ vẫn sống và ăn mặc như thế!

Khổ thơ thứ ba, lời ru của mẹ hiền ngày xưa vẫn còn vang vọng trong hoài niệm. Ca dao đã nhập hồn vào thơ Nguyễn Duy:

“Cái cò... sung chát đào chua...

Câu ca mẹ hát gió đưa về trời”.

Câu ca dao “Cái cò đậu cọc cầu ao - Ăn sung sung chát, ăn đào đào chua” đã được nhà thơ vận dụng tài tình sáng tạo gợi lên bao thương nhớ người me hiền nay đã đi xa…

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Hai câu thơ: “Ta đi trọn kiếp con người – cũng không đi hết những lời mẹ ru” hàm chứa chất triết lí sâu sắc. Lòng mẹ bao la. Tinh thương của mẹ mênh mông đào dạt. Suốt đời con cũng không thấu hiểu, hiểu hết lời ru của mẹ. “Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ … Năm canh chày thức đủ năm canh... ”. Mỗi giấc ngủ của con được nâng niu bằng lời ru của mẹ vô cùng sâu nặng với biết bao tình đời và tình người. Mọi đứa con từ bé thơ đến trưởng thành, không bao giờ có thể “đi hết mấy lời mẹ ru". Hai chữ “đi” trong vần thơ của Nguyễn Duy được chuyển nghĩa một cách thần tình.

Điệp ngữ “bao giờ cho tới” trong khổ thơ thứ tư đã làm sống lại tuổi thơ với bao kỉ niệm đẹp. Ước mong được sống lại đêm rằm trung thu để phá cỗ. Ước mong được sống lại những đêm tháng năm đẹp trời để “nằm đếm sao” giữa sân nhà:

“Bao giờ cho tới mùa thu

Trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm

Bao giờ cho tới tháng năm

Mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao”.

Hai chữ “đánh đu” đã nhân hóa trái hồng trái bưởi, món quà trung thu, tạo nên sự ngộ nghĩnh hồn nhiên. Cái giây phút thần tiên “mẹ ra trải chiến ta nằm đếm sao” là giây phút hạnh phúc nhất của tuổi thơ. Kỷ niệm ấy, Nguyễn Duy có bao giờ quên; mỗi chúng ta có bao giờ quên.

Các từ láy: “nghêu ngao”,“chập chờn ", “leo lẻo”, “xa xôi” trong bốn câu thơ tiếp theo vừa nêu lên sự hồn nhiên của tuổi thơ, vừa nói lên mơ ước được sống lại trong khung cảnh thần tiên nơi quê nhà. Đứa con có bao giờ quên những kỉ niệm đẹp, đầy hạnh phúc ấy:

“Ngân Hà chảy ngược lên cao

Quai mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm...

Bờ ao đom đóm chập chờn

Trong leo lẻo những vui buồn xa xôi”.

Ký ức tuổi thơ đã trôi vào dĩ vãng, nhưng vẫn còn chập chờn trong tâm hồn yêu thương với “những vui buồn xa xôi”. Đứa con càng thương nhớ mẹ, càng biết ơn mẹ không thể nào kể xiết!

Con lớn lên từng ngày từng tháng

Tiếp theo là những suy ngẫm vẻ lời ru của mẹ, về công ơn trời bể của mẹ. Mẹ ru con, ru “cái lẽ dời", ru cái đạo lí làm con, ru cái đạo lí làm người. Con lớn lên từng ngày từng tháng nhờ dòng sữa ngọt ngào của mẹ, bằng lời ru thiết tha êm đềm của mẹ. Điệp ngữ “nuôi” trong hai tiểu đối đã nói lên công ơn to lớn của mẹ hiền:

Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác // hát nuôi phần hồn”

Các thế hệ sẽ nối tiếp sinh ra, rồi lớn lên theo lời ru tiếng hát của mẹ, của bà. Điệu ru của bà, của mẹ sẽ được những thế hệ mai sau nâng niu, giữ gìn. Điệu ru tiếng hát của bà, của mẹ trong mỗi gia đình Việt Nam là dân ca, là tâm hồn dân tộc sẽ sống mãi đến muôn đời mai sau. Câu hỏi tu từ làm cho vần thơ trở nên thiết tha, lay động hồn người:

"Bà ru mẹ... mẹ ru con

Liệu mai sau các con càn nhớ chăng”.

Nhớ mẹ, nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, đứa con ly hương đêm ngày đăm đắm “Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Càng "nhìn về” càng bồi hồi nhớ mẹ, nhớ đức hy sinh cao cả, tình thương con bao la của người mẹ nay đã khuất núi. Câu tục ngữ "Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo nhường con" được tác giả vận dụng sáng tạo:

"Nhìn về quê mẹ xa xăm

Lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa”.

Tác giả khép lại bài thơ bằng hai câu thơ mang âm điệu ca dao trữ tình thể hiện bao nỗi ân tình sâu nặng của đứa con đối với người mẹ hiền thương yêu:

"Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”.

Dù mẹ đã mất, nhưng những kỉ niệm ân tình sâu sắc ấy của mẹ, đứa con mãi mãi ghi sâu trong lòng. Lòng hiếu thảo là một trong những tình cảm đẹp nhất của con người Việt Nam chúng ta. Thơ Nguyễn Duy man mác như điệu ru tiếng hát của bà, của mẹ sau lũy tre xanh, bên bờ dâu ruộng lúa đang vọng về năm tháng. Những suy tư triết lí của tác giả làm cho tư tưởng tình cảm trong bài thơ trở nên sâu sắc, mang tính chất dân tộc và hiện đại.

"Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa..." là một bài thơ rất hay, tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Duy, nhà thơ trưởng thành trong khói lửa chiến tranh thời chống Mỹ. Quả vậy, thơ Nguyễn Duy đẹp như ca dao, đậm đà như dân ca, man mác như lời hát ru.

3. Cảm nhận về bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" - Mẫu 3

Những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ về người mẹ trong mỗi một chúng ta là nguồn sống, là nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách và là những giá trị nhân văn giúp cho cái chân, thiện, mỹ trong mỗi con người phát triển. Đó cũng là nguồn cội khơi dậy những tình cảm sâu lắng đối với con người, gia đình và quê hương. Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy là một bài thơ như vậy và là bài thơ dành được rất nhiều tình cảm của người đọc.

Nguyễn Duy được đánh giá cao trong thể thơ lục bát – một thể thơ có cảm giác dễ viết nhưng viết được hay thì lại rất khó. Nhiều bài thơ của ông được bạn đọc yêu thích: Tre Việt nam, Ánh trăng, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,… Bài thơ Tre Việt Nam của ông đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông còn bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa ai đọc lên cũng có cảm giác như Nguyễn Duy đang viết về mẹ của mình và những tình cảm của mình đối với mẹ.

Bài thơ bắt đầu bằng không gian bảng lảng khói trầm, phảng phất mùi hương huệ trong đêm khuya thanh vắng – “Bần thần hương huệ thơm đêm/ khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn”. Hương huệ, khói nhang trong không gian yên tĩnh, trầm mặc ấy đã cho Nguyễn Duy cảm giác “bần thần” nửa thực nửa mơ. Và, trạng thái nửa thực, nửa mơ ấy đã khơi nguồn cảm xúc về hình bóng người mẹ “trần gian thuở nào” rất đỗi yêu thương – “Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào” với biết bao kỷ niệm buồn vui như chỉ mới diễn ra ngày hôm qua, hôm kia thôi – trong leo lẻo những vui buồn xa xôi. Trong mạch nguồn cảm xúc ấy, hình ảnh người mẹ nghèo khó, lam lũ, vất vả, nhọc nhằn, suốt ngày luôn tay luôn chân với công việc cứ hiện về rõ mồn một – Nón mê thay nón quai thao đội đầu/Rối ren tay bí tay bầu/Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa.

Cũng như bất kỳ ai của thời lam lũ, Nguyễn Duy lớn lên từ lời ru mượt mà, yêu thương của mẹ; chứa đựng, gửi gắm nhiều nỗi niềm tâm sự sâu lắng của mẹ – “Bầu ơi thương lấy bí cùng”… hoặc là “Cái cò lặn lội bờ sông / Gánh gạo nuôi chồng, tiếng khóc nỉ non”… – và những kỷ niệm đẹp về mẹ qua những đêm hè trăng sáng, mẹ trải chiếu cùng các con ngắm trăng, đếm sao; vừa chơi các trò chơi dân gian vừa hát các bài đồng dao; tìm các chòm sao hay nghe mẹ kể chuyện về chú Cuội, chị Hằng nơi “Bờ ao đom đóm chập chờn”. Nghèo đến thế, lam lũ đến thế nhưng mẹ vẫn là hiện hữu của bà mẹ Việt Nam có một nhân cách đẹp tuyệt trần; là kho ca dao tục ngữ, là cuốn sách dày về đạo lý để làm hành trang cho Nguyễn Duy bước vào đời. Và, một thời thơ ấu bên mẹ tuy còn nhiều khó khăn vất vả nhưng rất đỗi vô tư, trong sáng cùng với “cái lẽ ở đời” được mẹ bày dạy đã đi cùng Nguyễn Duy theo năm tháng cuộc đời.

Mà có lẽ không chỉ để vui chơi! Đúng hơn, có lẽ mẹ đang truyền dạy cho các con kinh nghiệm qua hàng ngàn đời của ông cha về dự báo thời tiết để làm mùa qua việc xem hình dạng, ánh sáng tỏ hay mờ của các chòm sao như Sao Thần nông, Chòm Đại hùng tinh, Tiểu hùng tinh, của Mặt trăng… Nguyễn Duy không nói về điều này nhưng ngày xưa – khi mà khoa học kỹ thuật chưa phát triển, điều kiện chưa cho phép – người nông dân vẫn thường dựa vào những kinh nghiệm dân gian như nhìn trăng, sao, ráng mây để dự đoán thời tiết mà cày cấy, gieo trồng – ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa. Truyền dạy kinh nghiệm dân gian về làm ăn hay giảng giải về lẽ sống, nếp nhà cho con qua những lời ru, câu hát ví, hát dặm thương, những bài đồng dao… cũng là một thiên chức của người mẹ; bởi qua những câu hát ru, hát ví chắt lọc từ trái tim tràn đầy yêu thương ấy mà người mẹ truyền lại cho con những tình cảm, đạo lý biết yêu thương con người, gia đình, làng xóm và quê hương với mong muốn con sống đẹp hơn, người hơn; con lớn lên, phát triển toàn diện hơn bởi những lời ru chất chứa yêu thương cùng với những tình cảm và đạo lý ở đời – mẹ ru cái lẽ ở đời/sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn.

Nhớ mẹ, hồi tưởng về những vui buồn tuổi thơ khi còn mẹ mà Nguyễn Duy cảm thấy ngậm ngùi, với nỗi lòng tê tái, buốt giá: “lòng ta – chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa”. Nhớ thương mẹ đến tột cùng; không khỏi rưng rưng, ứa lệ khi nhớ về những đêm đông mưa rét, con lỡ đái dầm, thương con mẹ dành nằm phần ướt, nhường chỗ khô cho con.

Với cảm xúc trào dâng, Nguyễn Duy đã để cho giọng thơ cứ ngậm ngùi, gieo vào lòng người những nỗi niềm bâng khuâng đến da diết; ý thơ toát lên nỗi niềm suy tư, chiêm nghiệm, trở trăn, lo toan

Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

hay là

Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn

Bà ru mẹ… mẹ ru con

Liệu mai sau các con còn nhớ chăng.

Dường như có tiếng thở dài đang bị nén lại, dường như có chút gì đó ân hận, có chút gì áy náy còn day dứt trong lòng con – những lời mẹ dặn dò, chỉ bảo thì đến nay, mặc dù con đã “đi trọn kiếp người” nhưng “vẫn không đi hết mấy lời mẹ ru” bởi cái lẽ ở đời mà mẹ từng ru dài rộng lắm, sâu sắc lắm; bởi bao nhiêu “lẽ đời” là bấy nhiêu tâm sự mà thế hệ những người bà, người mẹ gửi gắm trong lời ru. Có thể, đó cũng là niềm tâm sự, những lo toan mà Nguyễn Duy nói hộ tất cả những người đang làm con như chúng ta?! Và, sự băn khoăn, lo lắng ấy hẳn là không phải không có lý do!

Bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy với âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, thiết tha là những cảm xúc yêu thương nồng hậu mà cháy bỏng và cụ thể của người con đối với mẹ. Bài thơ đã đi vào lòng biết bao người yêu thơ và chắc hẳn sẽ có không ít người cảm thấy rưng rưng, bởi những kỷ niệm ấy không chỉ riêng của nhà thơ Nguyễn Duy mà còn là kỷ niệm của bao nhiêu người khác nữa.

4. Cảm nhận về bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" - Mẫu 4

Nguyễn Duy là một trong những nhà thơ tài năng của nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, đất nước mở cửa. Với những trải nghiệm của người lính đi qua những năm tháng đất nước đau thương cùng cực, cho đến khi đất nước hòa bình, xã hội đổi thay có nhiều những chuyển biến to lớn. Thế nên giọng thơ của Nguyễn Duy luôn có một vẻ triết lý sâu xa đối với cuộc đời và những thứ tình cảm đáng trân trọng với quê hương với gia đình, thường là tấm lòng biết ơn, tri ân sâu sắc. Thơ của Nguyễn Duy không chỉ đưa ta về một miền ký ức dịu dàng sâu lắng, với giọng thơ nhẹ nhàng, tình cảm, tha thiết mà còn có vai trò nhắc nhở, thức tỉnh nhiều con người đang mải miết giữa cuộc đời phải biết trân trọng lấy những gì mình đang có, phải gìn giữ được những thứ tình cảm thiêng liêng trong đời. Một trong số những bài thơ thể hiện nổi bật phong cách sáng tác ấy của Nguyễn Duy ấy là Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, nhắc nhở con người về tình mẫu tử thiêng liêng sâu sắc, về hình dáng người mẹ đã nuôi ta cả một thời non trẻ, bảo bọc cho ta cả cuộc đời khi "Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru".

Nguyễn Duy là một người rất nặng tình nghĩa với gia đình với quê hương, đặc biệt là ông thấu hiểu và dành nhiều những tình cảm sâu sắc cho người bà, người mẹ của mình hơn cả. Nếu như ông viết Đò Lèn để tưởng nhớ người bà tần tảo sớm trưa, thì bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa lại là tác phẩm tác giả viết để cúng mẹ mình vào năm 1986, bằng một tấm lòng thành kính và yêu thương son sắt. Nguyễn Duy từng tâm sự rằng "Mẹ tôi mất sớm. Tôi và em gái tôi ở với bà ngoại. Hình ảnh về mẹ trong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa chính là hình ảnh bà ngoại tôi hồi đó... Những đêm hè trời trong, gió mát bà tôi thường trải chiếu cói trên mặt đê sông Mã, cùng các cháu nằm ngắm trăng, kể chuyện "Hằng Nga", chuyện "Thằng Cuội" hoặc là đếm "một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng...". Sự thiếu thốn hơi ấm tình mẹ lại càng khiến Nguyễn Duy thêm trân trọng và yêu thương cuộc đời dãi dầu của những người mẹ Việt Nam từ bao đời nay, hi sinh tất cả vì những đứa con của mình. Mà đối với tác giả, bàn tay của người bà cũng như bàn tay của người mẹ, nếu mẹ ông còn tại thế chắc cũng sẽ trở thành một người bà thứ hai như thế.

Nguyễn Duy là một trong số ít những nhà thơ hiện đại gắn bó chặt chẽ với ca dao truyền thống của dân tộc, mà trong hầu hết các bài thơ của ông ta luôn thấy thấp thoáng đôi câu ca dao xưa, có lạ có quen, nhưng đều đem đến cho thơ ông một dáng vẻ độc đáo và riêng biệt. Với Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa cũng vậy, tiêu đề và hai câu kết của bài thơ chính là trích dẫn từ những câu ca dao của ông cha ta về hình ảnh người mẹ, trở thành mạch cảm cảm xúc tha thiết, đằm thắm, với những tình cảm truyền thống thiêng liêng nhất xuyên suốt cả bài thơ.

"Bần thần hương huệ thơm đêm
Khói nhang vẽ nẻo đường lên Niết bàn
Chân nhang lấm láp, tro tàn
Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào"

Bài thơ được mở ra dưới một không khí rất thiêng liêng, thành kính, mà theo như Nguyễn Duy ấy là một buổi giỗ mẹ ông. Với một người con sớm mất mẹ, Nguyễn Duy lại càng thêm buồn bã và thiết tha về dáng hình mẹ, ông không được ở với mẹ dài lâu thế nên đành tìm mẹ ở trong tâm tưởng. Nỗi buồn tủi, xót xa khi nghĩ về người phụ nữ sớm lên Niết Bàn đã đưa Nguyễn Duy trở về với dáng hình mẹ xa xăm thuở nào, thông qua những ký ức mờ mịt và thông qua dáng hình của bà ngoại.

"Mẹ ta không có yếm đào
Nón mê thay nón quai thao đội đầu
Rối ren tay bí, tay bầu
Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa".

Thế hệ các bà, các mẹ ngày xưa ở vùng nông thôn Việt Nam xưa ngoại trừ những bà phú hộ, vợ quan viên ăn trên ngồi trước, thì đa số ai cũng có những cuộc đời nghèo khó, vất vả. Số phận của những người phụ nữ nông thôn như thân cò lặn lội, chỉ thấy khổ hơn chứ không có khổ nhất. Sinh ra làm người đàn bà, không chỉ gánh trách nhiệm sinh con đẻ cái mà còn phải làm mọi thứ để nuôi con, nuôi cả chồng, họ phải chấp nhận cái chuyện hy sinh, tằn tiện, nhịn ăn nhịn mặc cho chồng cho con, một đời có lẽ chưa biết đến cái ngon ngọt, đến cái sự hưởng thụ là gì. Mẹ của Nguyễn Duy cũng là một trong số những thân cò như vậy, đời bà khổ cực, vất vả, không có niềm vui may mặc với cái "yếm đào" xinh xắn, nón quai thao, khăn chít mỏ quạ đã trở thành niềm mơ ước xa xỉ, ngoài tầm với. Có lẽ rằng từ thuở biết nghĩ bà đã chỉ biết những sự nghèo khó, làm lụng quanh năm với bòn mót những quả bí, quả bầu cắp ra phiên chợ bán lấy vài xu bạc. Quanh năm mặc những cái váy đen, nhuộm bùn ngâm nước đến mục, những cái áo cánh nâu, sờn vai bạc màu mà chẳng có tiền thay sắm mới. Bởi làm lụng lấy miệng ăn còn khó, nói gì đến cái mặc, mẹ mặc rồi, thì con phải chịu đói, chịu rét, lòng mẹ không cho phép điều ấy.

"Cái cò... sung chát... đào chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru".

Lật ngược về một miền ký ức xa xăm, mờ mịt, thông qua những kỷ niệm với người bà, Nguyễn Duy lại mường tượng ra hình ảnh của người mẹ vắn số. Mà nhắc đến lời ru, có lẽ tác giả đã từng khao khát và nhớ thương mẹ nhiều lắm, người trân trọng những câu ca mẹ hát, thật dung dị, gần gũi và thiết tha với "cái cò...sung chát...đào chua". Câu hát ru cũng chính là hình ảnh và tư vị của cuộc đời mẹ, thân cò lặn lội kiếm ăn, cả đời chẳng biết đến ngọt bùi, mà chỉ toàn những chát, những chua ngập tràn. Lời mẹ ru con là ẩn dụ cho cả cuộc đời lắm hy sinh và gian khổ của mẹ, tình mẹ yêu con như nước chảy trong nguồn, nhiều không kể xiết, sự bao dung, thấu hiểu mà mẹ dành cho con có lẽ rằng đi hết kiếp con người, con cũng chẳng thể nào đền đáp và trả nghĩa cho trọn. Con chỉ có nhận mà chưa kịp đáp, thì mẹ đã về miền cực lạc, điều ấy đối với Nguyễn Duy là một việc thật đau đớn và chua xót. Đồng thời hai câu thơ rất hay "Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru" cũng lại là những câu thơ để bộc lộ tấm lòng trân trọng yêu thương, đề cao sự thiêng liêng, quý báu của tình mẫu tử, rằng chẳng có thứ tình cảm nào lại rộng lớn bao la, ôm lấy cả cuộc đời con như thế nữa.

"Bao giờ cho tới mùa thu
trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
bao giờ cho tới tháng năm
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
Ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm...
bờ ao đom đóm chập chờn
trong leo lẻo những vui buồn xa xôi"

Nỗi nhớ mẹ không chỉ gói trọn trong những lời ru và hình bóng mẹ, mà đó còn là những kỷ niệm trải dài trong suốt quãng đời ấu thơ của tác giả, với những ngày quấn quýt sum vầy bên mâm ngũ quả rằm tháng tám, đứa con thơ trông trái bưởi, trái hồng trên mâm ngũ quả thầm khao khát. Rồi những ngày tháng năm trời nóng bức, cuộc đời nghèo khó mẹ đã vẽ ra những thú vui thật tuyệt, "mẹ trải chiếu ta nằm đếm sao", rồi mẹ kể những chuyện tình Ngưu lang - Chức nữ, chuyện chú Cuội - chị Hằng. Rồi những cảnh đom đóm chập chờn ban đêm, trong cảnh tươi mát thanh bình hiếm có của một làng quê cứ mãi quanh quẩn trong tâm trí của tác giả, gợi về những kỷ niệm thật thân thương, gần gũi mà bây giờ sẽ chẳng bao giờ còn nữa, bởi mẹ và ngày đó đã xa lắm rồi.

"Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ... mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ chăng".

Tuy nghèo khó vất vả, mưa nắng dãi dầu, mẹ cũng chẳng mấy học hành hiểu biết, thế nhưng mẹ vẫn truyền lại cho con những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, thông qua những câu chuyện cổ tích, những câu ca dao nghìn đời của ông cha và đặc biệt nhất là những lời ru ngọt ngào khi con còn ở trong nôi cho con biết những con cò con vạc, những nỗi đắng cay ở đời, cho con biết những cánh đồng cò bay thẳng cánh, cho con biết sự thiêng liêng của tình mẹ. Sữa mẹ nghèo khó nhưng ngọt ngào cho con được thể xác, máu thịt, lười ru mẹ êm ái đêm đông ru con vào giấc ngủ, cho con thấm thía linh hồn của dân tộc và theo con đến hết cuộc đời. Ngày nay khi con đã lớn khôn, với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước về kinh tế văn hóa xã hội, bỗng nhiên người ta chẳng còn mặn mà với những lời ru thắm thiết ân tình, đẹp đẽ tình mẹ, người ta quên đi nhiều những câu ca dao, những truyện cổ tích, mà Nguyễn Duy lại bộn lòng trăn trở "bà ru mẹ...mẹ ru con/liệu mai sau các con còn nhớ không".

"Nhìn về quê mẹ xa xăm
lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm xưa
ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương..."

Cuối cùng Nguyễn Duy lại quay lại với nỗi nhớ mẹ, nhớ quê tha thiết, nhớ về những đêm đông giá rét, những ngày mưa gió mái tranh chẳng đủ che mưa, mà thương con mẹ nhường chỗ ấm, chịu nằm chỗ ướt, chập chờn trong giấc ngủ mơ màng "ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương...".

Đã từng có nhiều bài thơ viết về đề tài người mẹ mưa nắng, tảo tần nuôi con, cũng nhiều bài thơ viết về người mẹ trong âm hưởng ca dao, âm hưởng lời ru tha thiết. Thế nhưng có lẽ rằng khó có bài thơ nào viết về mẹ hay và thấm đẫm ân tình, cũng như chứa đựng nhiều triết luận trữ tình sâu sắc như Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy. Ở đó không chỉ là nỗi nhớ thương, xót xa cho cuộc đời tảo tần của người mẹ mà còn là triết lý về tình mẫu tử bao dung muôn đời, còn là cả nỗi trăn trở về những giá trị văn hóa truyền thống như lời ru, ca dao ngày càng bị mai một. Và con người ngày nay càng trở nên xa cách với gia đình, người thân, không còn gắn bó sâu nặng với những tình cảm gắn bó như trước đây nữa. Những triết lý kín đáo trong thơ của Nguyễn Duy không khỏi khiến độc giả phải trăn trở suy nghĩ và có phần "thức tỉnh" lại những giá trị đã dần mất đi trong đời sống thường nhật.

5. Cảm nhận về bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" - Mẫu 5

Nguyễn Duy, một trong những nhà thơ hiện đại, đã tạo nên một sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống ca dao dân gian và thơ ca của mình. Trong các tác phẩm của ông, ta luôn cảm nhận được sự hiện diện nhẹ nhàng của những câu ca dao xưa, tạo nên một sắc thái đặc biệt và độc đáo cho thơ của ông. Bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" cũng không ngoại lệ, với tiêu đề và hai câu kết được trích dẫn từ những câu ca dao truyền thống về hình ảnh người mẹ. Điều này tạo nên một dòng cảm xúc chân thành, sâu lắng và mang trong mình những giá trị truyền thống thiêng liêng, lan tỏa khắp nơi trong bài thơ này.

Bần thần hương huệ thơm đêm

Khói nhang vẽ nẻo đường lên Niết bàn

Chân nhang lấm láp, tro tàn

Xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

Bài thơ được mở đầu trong một không khí đặc biệt, tôn kính và trang nghiêm. Theo lời của Nguyễn Duy, đó là buổi giỗ mẹ của ông. Sự mất mẹ sớm đã gợi trong ông những cảm xúc buồn bã và sâu sắc về hình ảnh mẹ, và ông tìm kiếm mẹ trong tâm tưởng vì không có cơ hội được ở bên mẹ suốt đời. Nỗi buồn và xót xa vô hạn khi ông nhớ về người phụ nữ đã ra đi, đưa ông trở về quá khứ, với hình ảnh mẹ xa xăm thuở ấy, thông qua những ký ức mờ ảo và cả hình dáng của bà ngoại

Mẹ ta không có yếm đào

Nón mê thay nón quai thao đội đầu

Rối ren tay bí, tay bầu

Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa

Thế hệ phụ nữ xưa trong các làng quê Việt Nam, trừ những phú bà giàu có, phụ nữ trong gia đình quyền quý, phần lớn đều trải qua những cuộc đời nghèo khó và gian truân. Đối với những người phụ nữ nông thôn, cuộc sống của họ vốn đầy gian khổ mà không biết đến khổ cùng. Họ không chỉ gánh vác trách nhiệm sinh con, nuôi dưỡng gia đình, mà còn phải làm mọi công việc để nuôi con, nuôi chồng. Họ chấp nhận sự hi sinh, chịu đựng và nhịn ăn nhịn mặc vì gia đình, suốt đời chẳng biết đến niềm vui và hưởng thụ. Mẹ của Nguyễn Duy cũng là một trong những phụ nữ kiên cường như vậy. Cuộc đời bà đầy khổ cực và vất vả, không có niềm vui nào, và những chiếc yếm đào xinh xắn, nón quai thao, khăn chít mỏ quạ đã trở thành những mơ ước xa xỉ, không thể đạt được. Từ khi biết ăn nói, bà chỉ biết về sự nghèo khó, làm việc cả ngày với những quả bí, quả bầu để mang ra chợ bán đổi lấy vài đồng bạc. Suốt năm tháng, bà mặc những chiếc váy đen như nhuộm bùn và nước, những chiếc áo nâu rách rưới, vai áo bạc màu đã cũ. Bởi vì lụng việc để có miếng ăn còn khó khăn, chưa kể đến việc mua sắm, mẹ đã mặc rồi, thì con phải chịu đói và chịu lạnh, vì lòng mẹ không chấp nhận điều đó.

Cái cò... sung chát... đào chua

Câu ca mẹ hát gió đưa về trời

Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Quay về quá khứ mờ ảo, trong ký ức xa xăm, Nguyễn Duy khám phá hình ảnh người mẹ yêu dấu qua những kỷ niệm với người bà. Trong những lời ru, tác giả tràn đầy khao khát và nhớ thương mẹ, mang trong lòng trọng trọng câu ca mẹ hát, tạo nên một sự gần gũi, thiết tha với "cái cò... sung chát... đào chua". Hình ảnh của mẹ trong câu hát ru chính là biểu tượng và tâm hồn của cuộc đời, một cuộc sống gian truân và đầy chua xót, không biết đến hương ngọt mà chỉ có mùi chát, mùi chua tràn ngập.

Lời ru của mẹ là biểu tượng cho sự hy sinh và gian khổ trong cuộc đời, tình yêu mẹ dành cho con như dòng nước chảy trong nguồn, không mềm mãi, sự thông cảm và thấu hiểu mà mẹ trao cho con không thể đếm xiết. Con không kịp đáp lại, mẹ đã rời bỏ thế gian, điều đó gây đau đớn và sự chua xót trong tâm hồn Nguyễn Duy. Hai câu thơ tuyệt vời "Ta đi trọn kiếp con người/Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru" khắc sâu lòng trân trọng yêu thương, ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng và quý báu, tình cảm mà không có gì có thể vượt qua, ôm trọn cả cuộc đời con

Bao giờ cho tới mùa thu

trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm

bao giờ cho tới tháng năm

mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao

Ngân hà chảy ngược lên cao

quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm...

bờ ao đom đóm chập chờn

trong leo lẻo những vui buồn xa xôi

Nỗi nhớ mẹ không chỉ trở thành những lời ru và hình bóng mẹ, mà còn là những kỷ niệm dài trong suốt quãng đời ấu thơ của tác giả. Những ngày hội quân quýt bên mâm ngũ quả trong tháng Tám tràn đầy ước mong, khi đứa con thơ ngắm nhìn trái bưởi, trái hồng trên mâm ngũ quả, tưởng tượng một cảnh ngày mai tươi sáng. Trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, cuộc sống khó khăn, mẹ đã tạo ra những niềm vui tuyệt vời, "mẹ trải chiếu ta nằm đếm sao", kể những câu chuyện về tình yêu của Ngưu lang - Chức nữ, về Cuội - Hằng chịu chấp nhận. Cảnh đom đóm lấp lánh trong đêm, mang đến một bầu không khí tươi mát, yên bình đặc biệt của làng quê, vẫn còn vương trong tâm trí tác giả, gợi lên những kỷ niệm thân thương, gần gũi. Nhưng giờ đây, những kỷ niệm ấy đã trở thành quá khứ xa xăm, vì mẹ và ngày đó đã trôi qua rồi

Mẹ ru cái lẽ ở đời

sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn

bà ru mẹ... mẹ ru con

liệu mai sau các con còn nhớ chăng

Dù cuộc sống khó khăn, gian truân, mẹ không có nhiều học thức, nhưng mẹ đã truyền cho con những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Bằng những câu chuyện cổ tích, những câu ca dao truyền thống hàng ngàn đời của ông cha, và đặc biệt là những lời ru ngọt ngào khi con còn bé, mẹ đã khắc sâu trong tâm hồn con những hình ảnh về cò con vạc, những khổ đau trong cuộc sống, cánh đồng cò bay thẳng cánh và tình mẹ thiêng liêng. Dù sữa mẹ nghèo khó, nhưng nó mang trong đó ngọt ngào để nuôi dưỡng thể xác và linh hồn của con, và mẹ êm ái ru con vào giấc ngủ trong đêm đông. Điều đó giúp con thấm thía linh hồn của dân tộc và theo con suốt cuộc đời. Nhưng ngày nay, khi đất nước phát triển mạnh về kinh tế và văn hóa, con người dường như đã quên những lời ru ân tình, tình mẹ đẹp đẽ, những câu ca dao và truyện cổ tích. Điều này khiến Nguyễn Duy bồn chồn, lo lắng: "Bà ru mẹ... mẹ ru con, liệu mai sau các con còn nhớ không?"

Nhìn về quê mẹ xa xăm

lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm xưa

ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương...

Trong ký ức xa xăm, Nguyễn Duy quay trở lại với nỗi nhớ mẹ, nỗi nhớ quê hương tha thiết. Ông nhớ những đêm đông lạnh giá, những ngày mưa gió khi mái tranh không đủ che mưa. Nhưng mẹ luôn âu yếm, hy sinh để con có được chỗ ấm, trong khi mẹ chịu nằm chỗ ướt, chập chờn trong giấc ngủ mơ màng. "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương..." đặt lên môi lời nhắc nhở về tình yêu thương mẹ dành cho con, với sự hi sinh vô điều kiện và những kỷ niệm đọng lại trong lòng. Điều đặc biệt trong bài thơ là cách Nguyễn Duy mang đến một sự chân thực và cảm động với từng chi tiết. Những đêm đông lạnh giá và ngày mưa gió mái tranh không đủ che mưa trở thành biểu tượng cho sự hy sinh và tình yêu thương của mẹ. Mẹ dành cho con những chỗ ấm nhất, bất chấp khó khăn và đau đớn. Lời thơ mang đến sự đậm nét của tình mẹ và một trích dẫn cảm xúc tốt đẹp từ tình yêu thương và sự nhớ nhung sâu sắc.

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa là một tác phẩm thơ tuyệt vời, mang tính biểu tượng và tiêu biểu cho tâm hồn nghệ thuật và phong cách sáng tạo của Nguyễn Duy, một nhà thơ đã trưởng thành trong giai đoạn khó khăn của cuộc chiến chống Mỹ. Bài thơ của ông mang trong mình sự đẹp như ca dao, sự đậm đà như dân ca, và hòa quyện với lời hát ru truyền thống. Tác phẩm thơ này đặc trưng bởi sự tươi sáng và hào hùng của tiếng nói dân tộc, nắm bắt cảm xúc và tình cảm trong nhịp điệu của lời ru. Từng câu thơ của Nguyễn Duy như những hình ảnh sống động và tình cảm sâu sắc, vẽ nên một bức tranh văn hóa và truyền thống văn hoá của dân tộc.

-----------------------------------

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Nêu cảm nghĩ về bài thơ "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" của Nguyễn Duy. Mong rằng qua bài viết này các bạn có thêm tài liệu để học tập môn Ngữ văn lớp 10 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán lớp 10, Tiếng Anh lớp 10, đề thi học kì 1 lớp 10, đề thi học kì 2 lớp 10...

Mời bạn đọc cùng tham khảo tài liệu giáo dục phổ thông mới:

Đánh giá bài viết
53 31.334
Sắp xếp theo

    Học tốt Ngữ Văn lớp 10

    Xem thêm