Em hãy phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” của Nguyễn Đình Chiểu

Văn mẫu lớp 9: Em hãy phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” của Nguyễn Đình Chiểu dưới đây gồm nhiều dạng văn mẫu đã được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” mẫu 1

Nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong truyện “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” hiện lên qua cách cư xử, đối đáp và hành động tạ ơn đáp nghĩa đối với ân nhân cứu mạng của mình. Nàng cũng chính là nhân vật nữ chính tiêu biểu cho các nhân vật xưa có trong truyện Nôm hay văn học dân gian của dân tộc.

Qua lời đối đáp của nàng đối với Lục Vân Tiên ta thấy nàng là một cô gái xinh đẹp, ngoan ngoan, hiểu biết và có quyền quý, nết na, thùy mị, có học qua cách xưng hô với nàng với Lục Vân Tiên:

“Trước xe quân tử tạm ngồi,

Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.”

Nàng tự xưng mình là “tiện thiếp” và gọi “quân tử” đối với Lục Vân Tiên. Cách xưng hô của nàng cho thấy nàng là cách nói văn vẻ, mực thước, dịu dàng. Thể hiện nàng là một người con gái hiếu thảo, luôn biết vâng lời cha mẹ:

“Làm con đâu dám cãi cha,

Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành.”

Hay khi nàng nói về chính bản thân mình thể hiện là một cô gái nết na, thùy mị, nếu như không được chàng cứu giúp thì cái trinh tiết của người gái như thiếp cũng không còn, chỉ còn nước là chết thôi, nàng là người coi trọng trinh tiết, coi trọng danh dự

“Chút tôi liễu yếu đào thơ,

Giữa đường lâm phải bụi dơ đã phần.”

Cách mà Kiều Nguyệt Nga trình bày với Lục Vân Tiên thật rõ ràng, khúc chiết, vừa đáp ứng đầy đủ những điều thăm hỏi ân cần của Lục Vân Tiên, vừa thể hiện niềm cảm kích chân thành đối với ân nhân cứu mạng:

“Thưa rằng: “Tôi Kiều Nguyệt Nga,

….

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”.”

Nàng còn là người biết trân trọng tình nghĩa, luôn nhớ ơn. Vì đối với nàng giữ được mạng sống là quan trọng rồi nhưng giữ được trinh tiết còn quan trọng hơn, vì thế khi được cứu mạng thì nàng đã cố gắng để trả ơn ân nghĩa cho Lục Vân Tiên.

Phân tích nhân vật Kiều Nguyệt NgaVà nàng hiểu rằng vàng bạc, châu báu, vinh hoa phú quý Lục Vân Tiên không nhận, nên nàng đã dứt khoát và quyết định đem cuộc đời của mình để trả mối ơn nghĩa này dù nàng đã được cha sắp đặt, tìm nơi chốn cho mình trước rồi.

Qua lời nói, cử chỉ và hành động của nàng ta thấy Kiều Nguyệt Nga hội tụ những phẩm chất và đức tính cao đẹp của người con gái thời phong kiến: xinh đẹp, nết na, thùy mị, có học, hiểu biết, vâng lời cha mẹ, ngoan ngoãn, ăn nói nhẹ nhàng, là người trọng ân nghĩa. Nhân vật Kiều Nguyệt Nga đã chinh phục được tình cảm yêu mến của nhân dân, những con người luôn đặt ân nghĩa lên hàng đầu, coi ân nghĩa là gốc rễ của đạo đức.

Phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” mẫu 2

Đoạn truyện ngoài việc giới thiệu Lục Vân Tiên còn cho ta biết về Kiều Nguyệt Nga - một cô gái khuê các gặp bước hiểm nghèo, may được Lục Vân Tiên cứu thoát. Ở đoạn trích này, tính cách của Kiều Nguyệt Nga được biểu hiện thông qua những lời giãi bày của nàng với Lục Vân Tiên:

Trước xe quân tử tạm ngồi,

Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa.

Chút tôi liễu yếu đào tơ.

Những chữ quân tử tạm ngồi đối lập với tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa, chút tôi... không chỉ nói lên thái độ mang ơn, chịu ơn mà còn bộc lộ rõ nét sự thùy mị, nết na của người con gái trước ân nghĩa là một đấng nam tử. Nhưng cao đẹp nhất là phẩm chất ân tình được bộc lộ sâu sắc trong nguyện vọng và cách trả ơn của Kiều Nguyệt Nga. Nàng muốn được đền ơn cho ân nhân của mình:

Hà Khê qua đó cũng gần,

Xin theo cùng thiếp đền ơn cho chàng.

Là một cô gái rất mực đằm thắm ân tình, Kiều Nguyệt Nga muốn được đền ơn một cách cụ thể, trả ơn một cách xứng đáng cho Lục Vân Tiên:

Gặp đây đương lúc giữa đàng,

Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không.

Gẫm câu báo đức thù công,

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi.

Cách trả ơn của Kiều Nguyệt Nga ở đây không chỉ bộc lộ ở tấm lòng chân thành của người mang ơn, mà còn nói lên quan niệm trả ơn của nhân dân ta: không chỉ bằng lời cảm ơn suông, mà còn bằng vật chất cụ thể, bởi chỉ có như vậy mới chứng tỏ được tấm lòng chân thành của mình đối với ân nhân.

Suy cho cùng nhân vật Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga chính là hai mặt của một cách sống. Một là làm ơn không cần người khác đền ơn. Hai là chịu ơn thì phải nhớ ơn. Đó cũng là tính cách sống có tính truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam chúng ta. Một cách sống cần được giữ gìn và phát huy.

Phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” mẫu 3

Tác phẩm "Truyện Lục Vân Tiên" là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, trong tác phẩm nhà văn không chỉ xây dựng thành công bối cảnh truyện, nội dung đề cập sâu sắc, nhân văn mà tác giả đặc biệt thành công trong xây dựng chân dung nhân vật.

Bên cạnh nhân vật Lục Vân Tiên- nhân vật trung tâm, nòng cốt của tác phẩm thì hình ảnh Kiều Nguyệt Nga cũng được nhà thơ khắc họa một cách sinh động, chân thực, đặc biệt là thông qua đoạn trích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga".

Trong chuyến đi về miền Hà Khê, Kiều Nguyệt Nga đã phải đối mặt với một mối nguy hiểm lớn từ đám " bớ đảng hung đồ". Thân gái yếu ớt không thể làm gì hơn nên khi bị bọn hung đồ chặn cướp thì nàng đã rất hoảng loạn, sợ hãi. Tuy nhiên, khi được những hành động nghĩa hiệp, nhân nghĩa của Lục Vân Tiên cứu giúp thì những lời nói, hành động sau đó của Kiều Nguyệt Nga đã bộc lộ được phẩm chất đoan trang, dịu dàng, có học thức của một tiểu thư khuê các:

"Thưa rằng: "Tôi thiệt người ngay"

Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ

Trong xe chật hẹp khôn phô

Cúi đầu trăm lạy cứu cô tôi cùng"

Những lời nói Kiều Nguyệt Nga đáp lại Lục Vân Tiên ta có thể thấy nàng là một người có học thức, lời ăn tiếng nói đều rất rõ ràng, dịu dàng, mực thước kể lể sự tình của mình " Sa cơ nên mới lầm tay hung đồ".

"Thưa rằng" là cách nói đầy chuẩn mực, tôn trọng thể hiện được cung cách của một con người có gia giáo, có học thức.Nàng cũng là người biết điều phải trái, khi chứng kiến cảnh Lục Vân Tiên " tả đột hữu xung" cứu mình thì nàng đã mang ơn và có hành động để thể hiện sự biết ơn ấy của mình:

"Cúi đầu trăm lạy cứu cô tôi cùng"

Nguyệt Nga muốn thể hiện sự biết ơn của mình đối với những hành động trượng nghĩa của Vân Tiên, nàng muốn "cúi đầu" để cảm tạ ơn sâu ấy. Đây là hành động được xem là rất " phải đạo" cũng thể hiện được những suy nghĩ sâu sắc, chu đáo của nàng.

Qua những đoạn đối đáp với Lục Vân Tiên,ta không chỉ thấy Kiều Nguyệt Nga là người dịu dàng,lễ phép, chuẩn mực mà còn thấy đây là một cô gái rất có hiếu:

"Cha làm tri phủ ở miền Hà Khê

Sai quân đem bức thư về

Rước tôi qua đó tiện bề nghi gia

Làm con đâu dám cãi cha

Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành"

Ta thấy nàng là một người con gái hết mực đoan trang, dịu dàng; một người con có hiếu, luôn vâng lời cha " làm con đâu dám cãi cha". Và để làm theo mong muốn của cha là "tiện bề nghi gia" thì nàng cũng ngại thân con gái phải ngàn dặm xa xôi mà " Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành".Như vậy, ta có thể thấy, hình tượng Kiều Nguyệt Nga có thể coi là một hình mẫu lý tưởng của người con gái trong xã hội phong kiến xưa, nết na, hiền thục, có học thức và cũng là một người con có hiếu.

"Trước xe quân tử tạm ngồi

Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa

Chút tôi liễu yếu đào thơ

Giữa đường lâm phải bụi dơ đã phần

Hà Khê qua đó cũng gần

Xin theo cùng thiếp đền ơn cho chàng"

Trước ơn cứu mạng của Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga tha thiết muốn được đền ơn và tỏ mong muốn mời Vân Tiên về nhà cùng mình để tiện bề báo đáp "Xin theo cùng thiếp đền ơn cho chàng". Qua lời nói của Nguyệt Nga ta cũng thấy một con người đầy chính nghĩa, đề cao tư tưởng "đền ơn, tạ nghĩa "đối với người "ân nhân" của mình.

Và đây cũng là lần thứ hai Kiều Nguyệt Nga muốn quỳ lạy tạ ơn đối với Vân Tiên "Xin cho tiện thiếp lạy rồi mới thưa".Nếu lần đầu tiên nàng tỏ ý muốn lạy tạ ơn thì có thể coi là phép khách sáo, lịch sự.Song đây là lần thứ hai nàng bày tỏ mong muốn này, điều đó cũng chứng tỏ được tấm lòng chân thành, sâu sắc của nàng.

Vốn là một tiểu thư đài các, nhưng Nguyệt Nga tự xưng mình là "tiện thiếp", thể hiện sự chuẩn mực, nề nếp, cũng thể hiện được sự khiêm nhường, từ tốn.

Cũng trong cuộc đối đáp với Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga thể hiện được tài năng văn thơ hết mực tài hoa, tinh tế.

"Nguyệt Nga ứng tiếng xin hầu

Xuống tay liền tả tám câu năm vần"

Có thể thấy người con gái này "tài sắc vẹn toàn", đoan trang thục nữ nhưng cũng đầy tài hoa, học thức tinh thông.

Bằng những ngôn ngữ giản dị mà mộc mạc, Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng lên bức chân dung người thiếu nữ Kiều Nguyệt Nga đầy chân thực, gần gũi với những nét đẹp mang đậm dấu ấn của người phụ nữ Việt Nam: thùy mị, đoan trang, hiếu thảo, trọng ân nghĩa.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Em hãy phân tích nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” của Nguyễn Đình Chiểu cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Đánh giá bài viết
1 904
Sắp xếp theo

Soạn Văn 9 - Văn 9

Xem thêm