Em hãy trình bày thời trang và vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ

Những bài văn mẫu hay lớp 10

Văn mẫu lớp 10: Em hãy trình bày thời trang và vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Em hãy trình bày thời trang và vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ

Nói về vẻ đẹp của người phụ nữ, từ cổ chí kim, đời này qua đời khác, bao giờ người ta cũng đề cập tới hai phương diện: hình thức và tâm hồn. Điều này, thể hiện ước vọng về một vẻ đẹp hoàn hảo trong cuộc sống ở một đối tượng được cho là hiện thân của cái đẹp- người phụ nữ. Người xưa đã từng bày tỏ:

Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên

Để lưu giữ tình cảm, ấn tượng trong lòng người khác, người con gái phải vẹn toàn như vậy. Sinh thời, nhà thơ Xuân Quỳnh đã khẳng định rạch ròi hơn: “Nhan sắc để người ta quen nhau. Đức hạnh để người ta sống với nhau”. Như vậy, cặp phạm trù hình thức và tâm hồn luôn song hành khi nói về người phụ nữ.

Tạo hóa đã ban cho người phụ nữ vẻ đẹp nhưng thể hiện nó như thế nào lại tùy thuộc vào quan điểm và nhận thức của mỗi người, mỗi thời đại. Với phụ nữ hiện đại, cái nết và cái đẹp cùng làm cho họ ngày một đẹp hơn, toàn diện hơn. Nội hàm của cái đẹp không chỉ là đức mà còn là tài năng trí tuệ, học vấn, phong cách, ứng xử… Người phụ nữ ngày nay không chỉ biết làm đẹp cho bản thân mà còn biết làm đẹp cho gia đình, cho xã hội, biết xây dựng đời sống văn hóa mới của cộng đồng bằng vẻ đẹp của chính mình.

 Em hãy trình bày thời trang và vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữTuy nhiên, nói đến vẻ đẹp của người phụ nữ, trước hết phải đề cập tới vẻ đẹp bên ngoài, hay còn gọi là vẻ đẹp hình thức. Người xưa gọi vẻ đẹp của họ là dung. Theo đó, người phụ nữ đẹp là phải mang dáng vẻ dịu dàng, hiền thục, gương mặt phúc hậu, đoan trang, trang phục phải thật giản dị, nền nã và kín đáo. Đến bây giờ những chuẩn mực dung nhan ấy vẫn là những giá trị và là nguồn cảm hứng đa chiều của thi ca, hội họa.

Anh yêu áo trắng, áo hồng

Lại càng yêu đến vô cùng áo nâu!

(Áo nâu-Phạm Đình Ân)

Thướt tha áo trắng nói cười

Để ta thương nhớ một thời áo nâu

(Nguyễn Duy)

Trong thời đại mới, khi vai trò cá nhân được tôn trọng, bình đẳng giới được đề cao, người phụ nữ càng có cơ hội được thể hiện mình. Việc yêu thích thời trang và làm đẹp được chị em rất chú trọng. Vẫn biết phụ nữ vốn đẹp nhưng vẻ đẹp ấy sẽ càng được tỏa sáng hơn nếu bạn biết lựa chọn khéo léo, tinh tế trong trang phục. Trang phục đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Nó cũng được xem như một hình thức giao tiếp, một phong cách ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội bằng ngôn ngữ riêng, thông qua lăng kính chủ quan của chủ thể. Lăng kính đó chính là nhận thức, là thái độ sống, phong cách sống, là điều kiện và hoàn cảnh sống của mỗi người. Ở góc độ giá trị, trang phục không chỉ đơn giản là giá trị vật chất với áo quần, phụ kiện mà nó còn mang giá trị tinh thần lớn lao, đó là là khả năng truyền cảm hứng như một tác phẩm nghệ thuật mang tính thẩm mỹ cao. Giá trị tinh thần chỉ được tôn vinh khi giá trị vật chất được tạo dựng trên nguyên tắc phù hợp với môi trường, hoàn cảnh, công việc và cả đặc tính riêng của từng cá nhân. Như vậy, chúng ta hiểu, không phải cứ áo quần, phụ kiện đắt tiền, cầu kỳ thậm chí sang trọng nào cũng làm nên vẻ đẹp của người phụ nữ. Đa phần cái đẹp đều được công nhận từ sự giản dị, nền nã và hài hòa.

Với người phụ nữ, bất luận thời đại nào, vẻ đẹp hình thức bao giờ cũng gắn liền với đức hạnh. Đức hạnh của người phụ nữ được thể hiện qua quan niệm sống, lối sống và đặc biệt qua đối nhân xử thế mà cụ thể là cách ứng xử, giao tiếp với môi trường tự nhiên và xã hội, gia đình, cộng đồng cũng như chính bản thân mình.

Người xưa đã từng nói một cách mạnh mẽ, cái nết đánh chết cái đẹp. Chúng ta bây giờ nói một cách công bằng hơn, cái nết tỏa sáng cái đẹp. Người phụ nữ vốn đẹp nhưng sẽ đẹp hơn nếu họ có một tâm hồn lành mạnh, một trái tim nhân hậu, một phong thái nền nã, dung dị và một phong cách giao tiếp, ứng xử lịch lãm, văn minh, hài hòa. Ứng xử thể hiện nghệ thuật sống của cá nhân. Cùng một tình huống, một hoàn cảnh nhưng mỗi người có cách ứng xử riêng. Giao tiếp là quá trình chia sẻ ý nghĩ, tình cảm thông tin với một hoặc nhiều người. Ứng xử và giao tiếp đều được thông qua hành động, phong thái, ngôn từ, cử chỉ và thậm chí cả trang phục của từng cá nhân. Quan niệm sống chi phối cách ứng xử. Thông qua cách ứng xử, người ta dễ dàng nhận ra nhân sinh quan của mỗi người. Nếu người sống lấy lợi ích cộng đồng làm chủ đạo thì mọi hành xử của họ đều hướng tới mưu cầu lợi ích cho cộng đồng. Theo đó, quyền lợi cá nhân có thể đặt sau. Bởi khi đã giải quyết được lợi ích chung tức đã có lợi ích của bản thân trong đó. Những người như vậy thường vị tha, nhân hậu, khiêm nhường. Họ biết lắng nghe, cảm thông và chia sẻ với nhau những vui buồn, thành bại. Ngược lại, đôi khi sự hơn thua cũng chi phối cách hành xử. Theo đó, đố kỵ, níu kéo nhau, tranh chấp, nói sau lưng thậm chí thị phi đã làm méo mó diện mạo con người. Đối với người phụ nữ, cách ứng xử như vậy đã lấy đi một phần vẻ đẹp vốn có của họ.

Trong quan niệm về nét đẹp của người phụ nữ, phải đề cập tới chữ Ngôn. Nội hàm của ngôn bây giờ không chỉ gói trong lời ăn tiếng nói mà nhìn rộng ra nó còn đề cập tới sự quảng giao của người phụ nữ hiện đại. Hiểu như vậy để có cách nhìn nhận người phụ nữ ngày nay chuẩn xác hơn. Tuy không nhất thiết lúc nào cũng phải nhỏ nhẹ, thẽ thọt nhưng lời hay, ý đẹp, âm và từ chuẩn xác, phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng cùng với nụ cười thân thiện sẽ là bí quyết làm nên vẻ đẹp đặc trưng của người phụ nữ qua thời gian và đặc biệt giá trị trong thời đại hiện nay. Một phụ nữ có nụ cười rạng rỡ và một thái độ giao tiếp cởi mở sẽ là một trong những điều đẹp nhất của cuộc sống. Không ai biết nói những lời sâu sắc và êm ái cho bằng người phụ nữ. Êm ái và sâu sắc, đó chính là con người họ” (V.Hugo)

Hình ảnh người phụ nữ gắn liền với hình ảnh dân tộc. Phấn đấu gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của người phụ nữ nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng là một trong những mục tiêu hướng đến của Đảng và Nhà nước ta. Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước qua các thời kỳ đã khẳng định và tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Cuộc sống mới, yêu cầu mới đã nâng tầm người phụ nữ. Theo đó, vẻ đẹp của họ càng cần chuẩn mực và hoàn thiện hơn.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Thành phố Đà Nẵng luôn chú trọng đến lĩnh vực văn hóa, xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XX đã nêu rõ: “Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao; trở thành một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống”. Theo đó, Thành ủy Đà Nẵng đặc biệt chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”.

Hưởng ứng chủ trương mang đầy tính nhân văn này, ở góc độ cơ quan tham mưu những vấn đề về phụ nữ, Hội LHPN thành phố cũng đã xây dựng và triển khai Đề án tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước với 4 phẩm chất “Tự tin – tự trọng – trung hậu – đảm đang, đồng thời phát động phong trào Phụ nữ Đà Nẵng “Cử chỉ đẹp - sống văn minh”. Tinh thần chủ đạo các hoạt động này không ngoài mục đích xây dựng, củng cố hình ảnh người phụ nữ Đà Nẵng trong giai đoạn mới, có tinh thần yêu nước, có tri thức, có lối sống văn hóa, có tấm lòng nhân hậu, chung tay xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh.

Mảnh đất giàu truyền thống cần cù, yêu nước với một địa hình sông núi lung linh, hoành tráng nhưng đầy khắc nghiệt của thiên nhiên cùng với xu thế phát triển không ngừng đã tạo nên một vẻ đẹp riêng cho người phụ nữ Đà Nẵng. Đó là vẻ đẹp thuần khiết, mặn mà, chân thành nhưng không kém phần mạnh mẽ, năng động. Vẻ đẹp đó càng quý giá hơn khi cuộc sống có những lúc xô bồ, pha tạp, khi quan niệm về cái đẹp có nơi, có lúc bị nhạt nhòa, biến dạng. Tuy nhiên, cái đẹp không phải tự nhiên mà có và cũng không phải trường tồn vĩnh cửu. Cái đẹp rất cần nuôi dưỡng và chăm sóc. Hơn ai hết, chính người phụ nữ phải biết tạo cho mình vẻ đẹp và giữ gìn nó. Trước hết, họ phải tự khẳng định giá trị bằng chính sự nghiệp, tinh thần, khát vọng và ý thức trách nhiệm với gia đình, cộng đồng. Sau đó, phải biết nâng niu bản thân, chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vẻ đẹp và trau dồi tri thức cùng phép đối nhân xử thế chuẩn mực.

Cái đẹp là sự hài hòa. Tâm hồn, trí tuệ, sự duyên dáng trong phong cách và kỹ năng sống cùng với trang phục phù hợp sẽ làm người phụ nữ đẹp hơn trong mắt mọi người. Hình thức chỉ để người ta biết và quen nhau. Tâm hồn trí tuệ và sự quảng giao mới để người ta sống với nhau hoặc thương nhớ nhau đến trọn đời. Đấy là điều mà bất cứ người phụ nữ nào cũng mong muốn và được mong muốn.

Cuộc sống hiện đại mở ra cho người phụ nữ nhiều cơ hội: học vấn, tiến thân, xây dựng mối quan hệ, nhan sắc và kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng cũng chính môi trường đầy áp lực này cũng tạo ra cho họ những khó khăn, thách thức. Đó là, làm thế nào để vừa phấn đấu tiến bộ bản thân vừa bảo tồn và phát huy được vẻ đẹp của người phụ nữ.

Hy vọng, chị em phụ nữ nói chung, phụ nữ Đà Nẵng nói riêng sẽ nắm bắt cơ hội, tự tin hướng tới cái đẹp. Người phụ nữ với vẻ đẹp hoàn thiện sẽ làm xã hội đẹp hơn. Bởi vẻ đẹp của người phụ nữ góp phần điểm tô cho cuộc sống, cho đất nước, đúng như Bác Hồ đã ca ngợi: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 10: Em hãy trình bày thời trang và vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 10 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 10.

Bài tiếp theo: Hãy là con cá vàng trong bể cá để nói lên cuộc sống và nỗi niềm của mình

Đánh giá bài viết
1 671
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 10

Xem thêm