Giải bài tập bài Vào phủ Chúa Trịnh

Giải bài tập Ngữ văn lớp 11

Để học tốt Ngữ văn lớp 11, VnDoc.com mời các bạn học sinh tham khảo tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Vào phủ Chúa Trịnh, với nội dung đã được VnDoc.com cập nhật chi tiết sẽ là nguồn thông tin hữu ích dành cho các bạn học sinh tham khảo để có kết quả cao hơn trong học tập.

Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 11: Vào phủ Chúa Trịnh

1. Quang cảnh trong phủ chúa được miêu tả như thế nào? Cung cách sinh hoạt trong phủ chúa ra sao? Những quan sát, ghi nhận này nói lên cách nhìn, thái độ của Lê Hữu Trác đối với cuộc sống nơi phủ chúa như thế nào?

Gợi ý trả lời

1. a) Quang cảnh trong phủ chúa

- Khi vào phủ phải qua nhiều lần cửa, với “những dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp”, mỗi cửa đều có vệ sĩ canh gác, “ai muốn ra vào phải có thẻ”, trong khuôn viên phủ chúa có điếm “Hậu mã quân túc trực” để chúa sai phái đi truyền lệnh. Vườn hoa trong phủ chúa “cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương”.

- Bên trong phủ là những nhà “Đại đường”, “Quyển bồng”, “Gác tía” với kiệu son, võng điều, đồ nghi trượng sơn son thếp vàng và “những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy”. Đồ dùng tiếp khách ăn uống toàn là “mâm vàng, chén bạc”.

- Đến nội cung của thế tử phải qua năm, sáu lần trướng gấm. Trong phòng thắp nến, có sập thếp vàng, ghế rồng sơn son thếp vàng, trên ghế bày nệm gấm, màn là che ngang sân, “xung quanh lấp lánh, hương hoa ngào ngạt”...

Quang cảnh phủ chúa cực kì tráng lệ, lộng lẫy, không đâu sánh bằng.

b) Cung cách sinh hoạt trong phủ chúa

- Khi tác giả lên cáng vào phủ theo lệnh chúa thì có “tên đầy tớ chạy đàng trước hét đường” và “cáng chạy như ngựa lồng”. Trong phủ chúa “người giữ cửa truyền báo rộn ràng, người có việc quan qua lại như mắc cửi”. Những chi tiết trên cho thấy chúa giữ vị trí trọng yếu và có quyền uy tối thượng trong triều đình.

Bài thơ của tác giả minh chứng rõ thêm quyền uy nơi phủ chúa (“Lính, nghìn cửa vác đòng nghiêm nhặt, Cả trời Nam sang nhất là đây !”).

- Những lời lẽ nhắc đến chúa Trịnh và thế tử đều phải hết sức cung kính, lễ độ: “Thánh thượng đang ngự ở đấy”, “chưa thể yết kiến”, “hầu mạch Đông cung thế tử” (xem mạch cho thế tử), “hầu trà” (cho thế tử uống thuốc), “phòng trà” (nơi thế tử uống thuốc).

- Chúa Trịnh luôn luôn có "phi tần chầu chực” xung quanh. Tác giả không được thấy mặt chúa mà chỉ làm theo mệnh lệnh của chúa do quan Chánh đường truyền đạt lại; xem bệnh xong cũng không được phép trao đổi với chúa mà chỉ được viết tờ khải để quan Chánh đường dâng lên chúa. Nội cung trang nghiêm đến nỗi tác giả phải “nín thở đứng chờ ở xa”, “khúm núm đến trước sập xem mạch”.

- Thế tử bị bệnh có đến bảy, tám thầy thuốc phục dịch và lúc nào cũng có “mấy người đứng hầu hai bên”. Thế tử chỉ là một đứa bé năm, sáu tuổi nhưng khi vào xem bệnh, tác giả - một cụ già - phải quỳ lạy bốn lạy, xem mạch xong lại lạy bốn lạy trước khi lui ra. Muốn xem thân hình của thế tử phải có một viên quan nội thần đến xin phép được cởi áo cho thế tử. Cung cách sinh hoạt trong phủ chúa Trịnh với những lễ nghi, khuôn phép, cách nói năng, người hầu kẻ hạ,... cho thấy sự cao sang, quyền uy tột đỉnh cùng với cuộc sống hưởng thụ xa hoa đến cực điểm và sự lộng quyền của nhà chúa. Quang cảnh và cung cách sinh hoạt trong phủ chúa cho thấy quyền uy tối thượng nằm trong tay nhà chúa và nếp sống hưởng thụ cực kì xa hoa của chúa Trịnh Sâm cùng gia đình.

c) Cách nhìn, thái độ của Lê Hữu Trác đối với cuộc sống nơi phủ chúa

- Đứng trước cảnh phủ chúa xa hoa lộng lẫy, tấp nập người hầu kẻ hạ, tác giả đã nhận xét: “Bước chân đến đây mới hay cảnh giàu sang của vua chúa thực khác hẳn người thường!” và vịnh một bài thơ tả hết cái sang trọng vương giả trong phủ chúa (với “gác vẽ”, “rèm châu, hiên ngọc”, “vườn ngự” có hoa thơm, chim biết nói, “nghìn cửa” lính gác nghiêm nhặt,...), trong đó có lời khái quát: “Cả trời Nam sang nhất là đây!”.

- Khi được mời ăn cơm sáng, tác giả nhận xét: “Mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ, tôi bấy giờ mới biết cái phong vị của nhà đại gia”.

- Đường vào nội cung của thế tử được tác giả cảm nhận: “Ở trong tối om, không thấy có cửa ngõ gì cả”. Cảnh nội cung cũng được miêu tả chi tiết như củng cố thêm cho những nhận xét của tác giả khi vừa vào đến phủ.

- Nói về bệnh trạng của thế tử, tác giả nhận xét: “Vì thế tử ở trong chốn màn che trướng phủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên tạng phủ yêu đi”. Qua những chi tiết trên, có thể thấy mặc dù khen cái đẹp, cái sang nơi phủ chúa, song tác giả tỏ ra dửng dưng trước những quyến rũ vật chất nơi đây và không đồng tình với cuộc sống quá no đủ, tiện nghi nhưng thiếu khí trời và không khí tự do.

2. Phân tích những chi tiết trong đoạn trích mà anh (chị) cho là "đắt”, có tác dụng làm nổi bật giá trị hiện thực của tác phẩm. Gợi ý trả lời Những chi tiết tuy nhỏ nhưng rất gây ấn tượng sau đây: Thế tử - một đứa bé - ngồi chễm chệ trên sập vàng để cho thầy thuốc - một cụ già - quỳ dưới đất lạy bốn lạy, rồi cười và ban một lời khen: “Ông này lạy khéo?”; khi đi vào nơi ở của thế tử để xem mạch: “Đột nhiên, thấy ông ta mở một chỗ trong màn gấm rồi bước vào. Ở trong tối om, không thấy có cửa ngõ gì cả. Đi qua độ năm, sáu lần trướng gấm như vậy...”. Phòng ở của thế tử trong một khung cảnh vàng son nhưng tù hãm, thiếu sinh khí được tác giả miêu tả rất tỉ mỉ, khiến người đọc cũng cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Tác giả chú ý cả đến chi tiết bên trong cái màn là, nơi Thánh thượng đang ngự “có mấy người cung nhân đang đứng xúm xít. Đèn sáp chiếu sáng, làm nổi màu mặt phấn và màu áo đỏ. Xung quanh lấp lánh, hương hoa ngào ngạt”. Từ đó, có thể thấy con mắt quan sát tinh tế của tác giả. Việc ăn chơi hưởng lạc của nhà chúa tự nó phơi bày ra trước mắt người đọc, không cần thêm một lời bình luận nào.

3. Cách chẩn đoán và chữa bệnh của Lê Hữu Trác cùng những diễn biến tâm tư của ông khi kê đơn cho ta hiểu gì về giới thầy thuốc này? Gợi ý trả lời Cách lí giải về bệnh tình thế tử Trịnh Cán cho thấy Lê Hữu Trác là một thầy thuốc giàu kinh nghiệm. Ông hiểu rõ căn bệnh của thế tử, nhưng lại sợ chữa có hiệu quả ngay sẽ được chúa tin dùng, bị công danh trói buộc. Để tránh được chuyện này, cần chữa bệnh cầm chừng, cho thuốc vô thưởng vô phạt. Nhưng làm thế thì lại trái y đức, trái lương tâm, phụ lòng của ông cha. Hai suy nghĩ này giằng co, xung đột nhau. Cuối cùng, lương tâm, phẩm chất trung thực của người thầy thuốc đã thắng. Tác giả đã gạt sang một bên sở thích cá nhân để làm tròn trách nhiệm và lương tâm người thầy thuốc. Khi đã quyết, tác giả thẳng thắn đưa ra những kiến giải hợp lí, thuyết phục, có cách chữa đúng bệnh và bảo vệ ý kiến của mình, mặc dù ý kiến đó trái với ý kiến của đa số thầy thuốc trong cung, làm cho quan Chánh đường ngần ngại “tỏ ý kiến nói đi nói lại mấy lần”. Qua những chi tiết về việc chữa bệnh của Lê Hữu Trác, các em cần nắm:

- Tác giả là một thầy thuốc giỏi, có kiến thức sâu rộng và già dặn kinh nghiệm.

- Bên cạnh tài năng, ông còn là một thầy thuốc có lương tâm và đức độ.

- Hơn nữa, Lê Hữu Trác còn có những phẩm chất cao quý: khinh thường lợi danh, quyền quý, yêu thích tự do và nếp sống thanh đạm, gian dị nơi quê nhà. Mặc dù tận mắt chứng kiến sự quyến rũ của vật chất giàu sang (cảnh sống ở phú chúa lộng lẫy đến mức ông không thể tưởng tượng nổi - “Khác gì ngư phủ đào nguyên thuở nào”), và việc được hưởng thụ giàu sang đang nằm trong tầm tay, nhưng tác giả vẫn dửng dưng, không mảy may xúc động. Ý muốn “về núi” của Hải Thượng Lãn Ông là một sự đối nghịch gay gắt với quan điểm sống của gia đình chúa Trịnh và bọn quan quyền dưới trướng. Không bình luận nhiều, nhưng những thứ sơn son thếp vàng, võng điều áo đỏ, đèn đuốc lấp lánh, hương hoa ngào ngạt,... đặt bên cạnh cốt cách thanh đạm của một ông già áo vải “nơi quê mùa” tự nó đã phơi bày ra sự tương phản giữa trong và đục.

4. Theo anh (chị), bút pháp kí sự của tác giả có gì đặc sắc?

Phân tích những nét đặc sắc đó. Gợi ý trả lời Từ những điểm vừa đề cập ở trên, các em chỉ ra những nét đặc sắc trong bút pháp kí sự của tác giả: quan sát tỉ mỉ, ghi chép trung thực, tả cảnh sinh động, kể diễn biến sự việc khéo léo, lôi cuốn sự chú ý của người đọc, không bỏ sót những chi tiết nhỏ tạo nên cái thần của cảnh và việc. Có thể nói, tính chân thực của Thượng kinh kí sự, đặc biệt là đoạn trích. Vào phủ chúa Trịnh, có một giá trị hiện thực hết sức sâu sắc.

Luyện tập

So sánh đoạn trích. Vào phủ chúa Trịnh với một tác phẩm (hoặc đoạn trích) kí khác của văn học trung đại Việt Nam mà anh (chị) đã đọc và nêu nhận xét về nét đặc sắc của đoạn trích này.

Gợi ý trả lời

Các em có thể so sánh với đoạn trích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh trong Vũ trung tuỳ bút (đã học ở lớp 9) của Phạm Đình Hổ - người cùng thời với Lê Hữu Trác như sau:

Vào phủ chúa Trịnh (Lê Hữu Trác)Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh (Phạm Đình Hổ)
Giống nhau

Giá trị hiện thực, thái độ của tác giả trước hiện thực của xã hội lúc bấy giờ.

Khác nhau

- Nhân việc được triệu về kinh chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, Lê Hữu Trác đã ghi lại quang cảnh và cuộc sống trong phủ chúa. Tác giả đã vẽ lại một bức tranh sinh động về cuộc sống xa hoa, quyền quý của chúa Trịnh, đồng thời cũng bộc lộ thái độ coi thường danh lợi.

- Viết theo thể kí sự thể hiện cảm xúc, suy nghì của tác giả bộc lộ gián tiếp, sâu kín nhưng rất sắc sảo và tinh tế.

- Kể lại những thú vui chơi của Trịnh Sâm: đi chơi ngắm cảnh đẹp, ngự ở các li cung, xây dựng núi non bộ, chậu hoa cây cảnh,... trong phủ chúa, vơ vét chiếm đoạt của cải, tiền bạc của nhân dân cùng với tệ nạn nhũng nhiễu của bọn hoạn quan một cách thô bạo, trắng trợn.

- Viết theo thể tùy bút, nên nhà văn có thể bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ nhiều hơn, thậm chí có thể nói trực tiếp ra những suy của mình.

Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Vào phủ Chúa Trịnh, để giúp các bạn học tốt Ngữ văn 11. Cùng chủ đề này, VnDoc.com mời các bạn tham khảo bài soạn văn mẫu bài Vào phủ Chúa Trịnhbài văn mẫu phân tích Vào phủ Chúa Trịnh mà VnDoc.com đã sưu tầm, tổng hợp.

Đánh giá bài viết
1 944
Sắp xếp theo

    Giải bài tập Ngữ văn 11

    Xem thêm