Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Vi hành

Giải bài tập Ngữ văn lớp 11

VnDoc.com mời các bạn học sinh tham khảo tài liệu: Giải bài tập Ngữ văn lớp 11: Vi hành, bộ tài liệu hứa hẹn sẽ giúp các bạn học sinh học tốt Ngữ văn 12 một cách đơn giản và có kết quả cao trong học tập. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.

Lời giải hay bài tập Ngữ văn lớp 11: Vi hành

1. Tác giả

Từ năm 1920 đến năm 1923 là thời gian chủ yếu hoạt động cách mạng ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã viết một số truyện bằng tiếng Pháp nhằm lên án đế quốc thực dân, phong kiến, gửi gắm tinh thần yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc. Những truyện này được in trong tập Truyện và kí Nguyễn Ái Quốc, NXB Văn học. Hà Nội 1974.

2. Trọng tâm bài học

a) Xuất xứ

Cuối năm 1922, tên vua bù nhìn Khải Định sang Pháp dự cuộc đấu xảo (hội chợ) thuộc địa ở Mác-xây, do thực dân Pháp tổ chức nhằm ve vãn, lừa bịp các nước thuộc địa của chúng. Nhân sự kiện này, Nguyễn Ái Quốc đã viết một loạt các bài đả kích tên vua bù nhìn này (như vở kịch Con rồng tre, truyện ngắn Lời than vãn của bà Trưng Trắc, bài báo Sở thích đặc biệt), trong đó có “Vi hành”. “Vi hành tiêu biểu cho bút pháp văn xuôi hiện đại và nghệ thuật châm biếm sắc sảo của truyện, kí Nguyễn Ái Quốc trong thời gian này. Tác phẩm được viết bằng tiếng Pháp, đăng trên báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 19-2-1923. Bản dịch tiếng Việt của Phạm Huy Thông, in trong tập Truyện và kí Nguyễn Ái Quốc.

b) Chủ đề

Nguyễn Ái Quốc viết truyện ngắn “Vi hành” với mục đích chính trị rõ rệt. Tác phẩm nhắm đến hai mục đích cụ thể sau đây:

- Lên án, tố cáo bộ mặt xấu xa, lố bịch đê tiện của tên vua bù nhìn bán nước Khải Định khi y sang Pháp dự hội chợ thuộc địa Mác - xây. Đó là một kẻ ngu dốt, một tên vua bù nhìn vô dụng.

- Đồng thời, qua đó, tố cáo bộ mặt giả nhân giả nghĩa của thực dân Pháp trong việc ve vãn lừa bịp các nước thuộc địa, để nhân dân Pháp thấy rõ những thủ đoạn xảo trá của thực dân Pháp.

- Như vậy truyện ngắn này, giống như một mũi tên bắn trúng hai đích: vừa đả kích phong kiến tay sai lại vừa lên án thực dân cướp nước. Và bộ mặt thật của chúng đã được phanh phui thật rõ và cũng thật sâu sắc trong từng chi tiết của truyện ngắn độc đáo này.

c) Phân tích

* Hình tượng tên vua Khải Định qua cuộc nhầm lẫn của đôi thanh niên trai gái Pa-ri

Trong truyện, tên vua không hề xuất hiện. Nhưng hình ảnh của hắn thì vẫn lưu lại rất đậm nét trong lòng người đọc. Đó là nhờ một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Ái Quốc: tác giả đã hư cấu thành một cuộc nhầm lẫn thật tài tình, như thật mà hàm chứa ý nghĩa sâu sắc. Đôi thanh niên trai gái Pa-ri đã gặp tác giả trong một toa xe điện ngầm và đã nhầm, tưởng tác giả là hoàng đế Khải Định đang “vi hành” để kiếm ăn (“ăn mảnh”) một cách xấu xa, đê tiện đến cả ở cái nơi “hang cùng ngõ hẻm” của Pa-ri hoa lệ này. Qua cuộc đối thoại của đôi thanh niên (tức qua cặp mắt nhìn của người dân Pa-ri), hiện lên rõ ràng bức chân dung thật của hoàng đế Khải Định.

- Ngoại hình quê mùa, lố bịch, nhiều cái trật khớp, đáng cười, giống như một thứ đồ cổ.

- Hành tung: mờ ám, đi “ăn mảnh” một mình một cách đê tiện, xấu xa ở những nơi "không đáng giá bằng một đồng xu nhỏ” (“hôm nay chúng mình có mất tí tiền nào đâu mà được xem vua đang ngay cạnh”). Khải Định, tóm lại, chỉ là một trò hề, một con rối không hơn không kém (“nghe nói ông bầu Nhà hát Múa rối có định kí giao kèo thuê đấy.”).

Dưới cặp một nhìn của đôi thanh niên trai gái Pa-ri hình ảnh Khải Định là như thế! Thật là khách quan, tác giả để cho nhân dân Pháp tự nhìn ngắm, xét đoán và đánh giá tên vua bù nhìn đã sang dự hội chợ thuộc địa với những cuộc “vi hành” xấu xa, đê tiện để đời của y.

* Những thủ đoạn xảo trá - bộ mặt giả nhân giả nghĩa của thực dân Pháp -Tổ chức hội chợ thuộc địa để ve vãn, lừa bịp nhân dân các nước thuộc địa của chúng.

- Cảnh đón tiếp những người An Nam vừa nhiệt tình, chu đáo “phái tùy tùng đi hộ giá tuốt! Đó là những người phục vụ thầm kín, rụt rè, vô tư và hết sức tận tụy”. “chẳng nề hà chút công sức nào để bảo vệ bọn tôi”. “các vị bám lấy đế giày tôi, dính chặt với tôi như hình với bóng”...

Đây là đón tiếp ân cần hay là theo dõi gắt gao của mật thám Pháp?

- “Đến nay, tất cả những ai ở Đông Dương có màu da trắng đều là những bậc khai hóa, thì bầy giờ đến lượt tất cả những ai có màu da vàng đều trở thành hoàng đế ở Pháp. Cách viết, cách dùng chữ hai nghĩa càng làm tăng ý mỉa mai sâu cay đối với bộ mặt giả nhân giả nghĩa của thực dân Pháp đối với các nước thuộc địa của chúng.

* Nghệ thuật viết truyện ngắn già dặn, độc đáo, đầy sáng tạo

- Sáng tạo độc đáo nhất là hư cấu ra cuộc nhầm lẫn của đôi thanh niên trai gái ở Pa-ri để lên án, tố cáo tên vua bù nhìn Khải Định.

- Cách dựng cảnh sinh động, đối thoại hay, trần thuật chuyện linh hoạt.

- Dùng hình thức bức thư gửi cô em họ để có thể dung nạp trong một truyện ngắn nhiều lối viết, nhiều giọng điệu phong phú, có thể có nhiều liên tưởng tạt ngang thú vị... .

- Giọng điệu châm biếm sâu cay, sắc sảo, tài hoa qua những chi tiết chọn lọc đắt giá, những cách viết đa nghĩa, gợi nhiều liên tưởng cho người đọc, cách dùng ngôn ngữ hàm chứa ý nghĩa,...

- Phong cách truyện ngắn hiện đại châu Âu thể hiện rất rõ trong “Vi hành”, từ cách vào truyện đột ngột dến cách dựng truyện linh hoạt và nhất là ở một đoạn “bình luận” khá dài cuối truyện.

Tóm lại, có thể xem "Vi hành” là một truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Ai Quốc giai đoạn này.

Đánh giá bài viết
1 92
Sắp xếp theo

    Giải bài tập Ngữ văn 11

    Xem thêm