Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 12: Kể chuyện tưởng tượng - Viết bài tập làm văn số 3

Ngữ văn lớp 6 bài 12: Kể chuyện tưởng tượng - Viết bài tập làm văn số 3

Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 12: Kể chuyện tưởng tượng - Viết bài tập làm văn số 3. Đây là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm nhằm giúp quá trình ôn tập và củng cố kiến thức chuẩn bị cho kì thi học kì mới môn Ngữ văn của các bạn học sinh lớp 6 trở nên thuận lợi hơn. Mời các bạn tham khảo

Kể chuyện tưởng tượng Viết bài tập làm văn số 3 (làm tại lớp, một số bài văn tham khảo)

I. Kiến thức cơ bản

  • Truyện tưởng tượng là chuyện do người kể nghĩ ra bằng trí tưởng tượng của mình, không có sẵn trong sách vở, hay trong thực tế nhưng có một ý nghĩa nào đó.
  • Truyện tưởng tượng được kể ra một phần dựa vào những điều có thật, có ý nghĩa, rồi tướng tượng thêm cho thú vị và làm cho ý nghĩa thêm nổi bật.

II. Hướng dẫn câu hỏi phần bài học

Câu 1

+ Kể tóm tắt truyện ngụ ngôn “Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng”: Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai bỗng một hôm ghen tị với lão Miệng vì bọn họ cảm thấy ai cũng làm việc mệt nhọc quanh năm chỉ riêng lão Miệng không làm gì cả chỉ ăn không ngồi rồi. Họ quyết định để cho lão Miệng tự đi tìm lấy thức ăn.

Một ngày, hai ngày, ba ngày... cả bọn thấy mệt rã rời không ai chịu đựng được nữa. Đến ngày thứ bảy bác Tai là người nhận ra sai lầm, nghe theo lời bác cả bọn kéo nhau đến xin lỗi bác Miệng. Lão Miệng cũng đang ở trong tình trạng nhợt nhạt, cả bọn xúm vào chăm sóc. Chúng hiểu rằng lão Miệng cũng có công việc rất quan trọng, liên quan đến tất cả mọi người. Từ đó cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai, lão Miệng lại sống vui vẻ với nhau không ai ganh tị ai cả.

+ Yếu tố tưởng tượng của câu chuyện:

- Các bộ phận của cơ thể được nhân hoá giống như con người, biết nói năng, hoạt động, biết ghen tị, phân tích, lí giải, biết ăn năn hối lỗi.

+ Yếu tố sự thật:

• Mỗi bộ phận trong cơ thể con người có một chức năng riêng, nhưng lại liên quan rất chặt chẽ với nhau.

• Một thực tế khác, Miệng là cơ quan để cơ thể nạp năng lượng, miệng không ăn được thì cơ thể rã rời, mệt mỏi.

Câu 2

Qua hai truyện Lục súc tranh côngGiấc mơ trò chuyện với Lang Liêu ta thấy rằng, mặc dù là trong truyện yếu tố tưởng tượng đóng vai trò quan trọng, song cả hai truyện đều dựa trên những điều có thật của đời sống thực tế.

Câu 3. Các từ in đậm trong hai dòng thơ sau được dùng với ý nghĩa như thế nào?

Con đi trăm núi ngàn khe

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm

(Tố Hữu)

Các từ trăm, ngàn, muôn trong câu thơ trên là những lượng từ, có ý nghĩa chỉ số lượng rất lớn không thể nào đếm xuể.

Câu 4. Qua hai ví dụ sau, em thấy nghĩa của các từ từng và mỗi có gì khác nhau?

a) Thần dùng phép lạ bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi [...]

(Sơn Tinh, Thuỷ Tinh)

b). Một hôm, bị giặc đuổi, Lê Lợi và các tướng rút lui mỗi người một ngả.

(Sự tích Hồ Gươm)

+ Giống nhau: Từng và mỗi đều có ý nghĩa chỉ sự vật cá nhân riêng lẻ.

+ Khác nhau:

- Từng là theo thứ tự hết sự vật này đến sự vật khác

- Mỗi thể hiện tính riêng lẻ phân tán không theo thứ tự.

Viết bài tập làm Văn số 3 (Kể chuyện đời thường)

I. Cho các đề bài sau đây:

a) Kể về một kỉ niệm đáng nhớ (được khen, bị chê, gặp may, gặp rủi, bị hiểu lầm ...).

b) Kể một chuyện vui sinh hoạt (như nhận lầm, nhát gan ...).

c) Kể về người bạn mới quen (do cùng hoạt động văn nghệ, thể thao mà quen, tính tình của bạn ...).

d). Kể về một cuộc gặp gỡ (đi thăm các chú bộ đội, gặp các thiếu niên vượt khó ...)

đ) Kể về những đổi mới ở quê em (có điện, có đường, có trường mới, cây trồng ...).

e). Kể về thầy giáo (cô giáo) của em (người quan tâm lo lắng và động viên em học tập).

g). Kể về người thân của em (ông, bà, bố, mẹ, anh chị...).

II. Một số bài Văn tham khảo

Đề 1: Kể về một chuyện vui sinh hoạt

Món quà của người lạ mặt

Một hôm lớp học tôi bỗng xôn xao vì một chuyện lạ. Đầu tiên không ai để ý gì cả, nhưng dần dần mọi việc đã quá rõ. Thằng Tí là người luôn đi học sớm. Điều này lạ hoắc vì chưa bao giờ nó siêng năng như vậy. Khi đi học, nó còn không thèm gọi tôi. Nhiều lần lặp lại liên tiếp thế là tôi ráng dậy sớm để đi theo rình nó. Nó giở trò gì đây, tôi chẳng biết. Nó chỉ cắm cúi đi.

Khi đến lớp, nó nhảy xổ đến bàn cô giáo nhặt một cái gì đó rồi đi về bàn mình. Cầm cái vật nho nhỏ trong tay, nó cứ cười miết. Hỏi cười cái gì nó cũng không nói.

Tôi kể mọi chuyện cho tụi bạn nghe. Thế là cả bọn chúng tôi quyết định sẽ đến sớm hơn. Nhưng thật không may, khi đến lớp đã thấy nó chễm chệ cười cười, không nói. Hôm sau tụi tôi đến sớm hơn, vẫn thấy nó ngồi cười cười. Nó luôn đến trước. Mãi cả tuần sau tôi mới được hân hạnh là người đầu tiên.

Trên bàn cô giáo là một gói giấy nhỏ. Khi mở ra bên trong có một viên kẹo, chẳng biết ai đã để ở đây và để khi nào. Tôi vừa lột viên kẹo bỏ vào miệng thì vừa lúc thằng Tí xông vào.

Tôi hét to:

– Tao biết bí mật của mày rồi.

Thằng Tí bĩu môi:

- Tao đã ăn được những hai mươi viên.

- Nhưng ai để lại vậy?

- Tao không biết.

Giờ ra chơi tụi bạn bu quanh tôi hỏi:

- Cái gì vậy?

Tôi nhìn thằng Tí rồi cười cười. Bọn chúng tức điên lên, hỏi mãi tôi cũng chỉ cười cười. Làm sao có thể cho bọn chúng biết được điều bí mật ngọt ngào này được.

Cách vài hôm, lại thêm một đứa mới biết điều bí mật. Chúng tôi cứ nhìn nhau cười cười. Rồi dần dần lớp chúng tôi ai cũng biết điều bí mật. Chúng tôi đã phân công nhiều ổ mai phục, nhưng cuối cùng chẳng thu được kết quả gì. Luôn luôn, vào sáng sớm trên bàn cô lại xuất hiện một viên kẹo.

Lúc đầu chúng tôi cứ nghĩ là cô giáo Hà. Nhưng không phải. Cô luôn ra khỏi lớp khi trong phòng vẫn còn chúng tôi. Vậy thì ai? Nghĩ mãi vẫn không ra.

Một hôm tôi ngồi lì trong lớp, định ngồi đến sáng để chờ người lạ mặt, nhưng vì đói bụng quá đành ôm sách về. Rồi tôi chợt nghĩ lại tại sao mình không gởi lại cho người lạ mặt đó một lá thư. Thế là tôi viết ngay “gởi người lạ mặt, anh là ai vậy, có thể cho tôi biết được không?”

Hôm sau tôi vào lớp sớm, trên bàn vẫn như thường lệ có một viên kẹo gói trong tờ giấy nhỏ. Không có lá thư trả lời, còn lá thư của tôi thì biến mất. Chứng tỏ người lạ mặt đã lấy nó đi.

Tôi suy nghĩ lung lắm. Tại sao người lạ mặt không trả lời tôi. Một ý định khác chợt đến với tôi, tôi sẽ là người lạ mặt. Tại sao không chứ? Tôi cũng làm được vậy. Hôm đó tôi giấu một quả ổi to tướng trong cặp. Đợi tụi bạn đi học về hết, gói nó lại bằng một tờ báo rồi đề chữ lên: “Tôi - người lạ mặt - có món quà nhỏ tặng người đến sớm.”

Hôm sau nghe tụi bạn kháo nhau:

– Đến hai người lạ mặt. Một người để trái ổi, một người để viên kẹo.

Hôm sau nữa bỗng xuất hiện ba người lạ mặt, rồi bốn, rồi năm, rồi sáu, rồi bảy. Bây giờ chúng tôi vỡ lẽ ra rồi. Người lạ mặt đang ở trong lớp. Những buổi đi học về, đứa này cứ nhìn đứa kia nấn ná không muốn rời lớp. Chúng chính là kẻ lạ mặt.

Nhưng người lạ mặt đầu tiên là ai, vẫn không biết.

Nhưng buổi sáng đi học sớm, chúng tôi những người lạ mặt - người lạ mặt này ăn món của người lạ mặt kia. Lâu lâu trong món quà kèm theo câu hỏi rất vui. Và chúng tôi ngầm thoả thuận những câu hỏi bằng những món quà. Nhưng chúng tôi vẫn ấm ức một điều, ai là kẻ lạ mặt đầu tiên?

Tôi kể chuyện này cho bố nghe. Bố nói:

– Đó mới là điều bí mật. Trong mỗi người bạn của con đều có điều bí mật và một món quà, đúng chưa? Khi biết món quà của ai ta sẽ yêu người đó, mà không yêu những người khác. Khi nhận món quà không biết ai gởi, con sẽ yêu tất cả những người con vừa quen. Vì biết đâu, một trong số họ đã gởi món quà đó, chúng ta không nên biết người lạ mặt để làm gì, đó cũng là điều hay.

Tôi đi học và tôi biết, mỗi buổi sáng luôn có một người bạn nào đó, tặng tôi một món quà. Bạn có thấy điều đó thú vị không? Bạn hãy tưởng tượng đi. Những người xung quanh ta đều có thể là người lạ mặt. Và tất nhiên trước khi đi học về, bạn hãy nhớ quên một cái gì đó. Và bạn sẽ thấy, người lạ mặt từ từ xuất hiện thật nhiều cho đến lúc tất cả chúng ta đều là người lạ mặt.

(Theo Nguyễn Ngọc Thuần - Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ)

Đề 2: Kể về người thân của em

Bà nội

[...] Tôi ngẩng cao đầu mới thấy tuổi của bà, chứ cứ nhìn bà chặt củi, nhổ sắn, nhìn bà đứng, bà đi không ai biết bà đã gần bảy mươi. Bà làm nhanh, đi nhanh, lững thững. Bà không hút thuốc lào như u tôi, không ăn giầu.

Bà như một chiếc bóng, lặng lẽ, đi không ai biết, về không ai hay. Bà tất bật. Khi đi giồng sắn ở trại, lúc rẫy rày rày, khi đi bắt cua bán, lúc cấy thuê. Có lần bà bỏ nhà bốn năm ngày. Tôi hỏi Lĩnh nó rơm rớm nước mắt. Tuần phu đi rầm rập bắt thuế. Trống dồn sôi cả bụng, đập thình thịch vào cái ngực bé nhỏ của tôi.

Cả làng đã im ắng. Bà như chiếc bóng trở về. Ít khi tôi thấy bà nói chuyện nói trò với người khác ngoài các cháu ra. Ít khi tôi thấy bà đôi co với ai. Dân làng bảo bà hiền như đất. Nói cho đúng bà hiền như chiếc bóng. Nếu có ai lành chanh lành chói bà rủ rỉ khuyên. Bà nói nhiều bằng ca dao tục ngữ. Những chị mồm năm miệng mười, sau khi bà khuyên chỉ còn mồm một, mồm hai.

Người ta bảo “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, bà như thế chúng tôi hư làm sao được. U tôi như thế, chúng tôi không nỡ hư, nỡ hỏng. [...].

Một hôm thằng Lĩnh gánh nước, thổi cơm xong, chờ bà đỏ mắt, ông giời sai thần mưa đổ nước xuống sân từ sáng đến giờ. Bà về, bà đi lảo đảo. Áo xống ướt sũng. Cái khăn trên đầu không bao giờ bà vấn thành mỏ quạ mỏ cò gì cả. Nó ướt và giỏ nước ròng ròng, bà vuốt mặt không kịp. Bà thắt lưng con cón, cái giỏ của bên sườn đầy ắp, nhộn nhạo. Con lớn giơ càng cắp con bé. Bà tháo giỏ cua rồi chạy vào giường, hai bàn chân xoa vào nhau rồi bà nằm xuống. Thằng Lĩnh đặt tay lên trán bà. Nó hốt hoảng đi tìm bác Ký gái, u tôi, chị Điệp, cô Toán, cô Nụ. Chỉ một lúc thôi, con cháu đầy nhà. Cô Toán thay áo xống cho bà. Cô Nụ đốt chổi xể gần giường. Cô Điệp hái lá bưởi, lá vối, lá tre, hương nhu, đun nước xông. Bà trùm chăn xông lùng bùng và có tiếng sụt sịt. Thầy tôi đánh gió cho bà bằng gừng nướng với rượu. Sau đó thầy đổ rượu vào chén, lửa cháy xanh lè. Thầy úp chén, bốn cái chén nóng như nồi rang vào lưng bà. Khi lấy chén ra, bốn cái hình tròn tím bầm. Thầy lấy gai bưởi nhổ ra. Những giọt máu đen sì. Thầy đã nhiều lần mười sống một chết, thầy thuốc đã báo cho thầy như thế. Có một sự lạ bà không rên nữa. Thầy gật đầu: “?? Khỏi”. Bác Ký gái thì lắc đầu: “Những người không ốm bao giờ, khi ốm thì khó qua khỏi”. Mọi người buồn ra mặt. Riêng thầy tôi cười nói như không. Lạ thật.

[...] Sáng sớm ngày thứ ba, mặt trời độ một con sào, nắng đỏ lựng cả sân. Chúng tôi ríu ran chào bà. Bà ngồi giữa sân phơi nắng. Bà chải đầu bằng lược bí để bắt chấy. Tôi đứng nhổ tóc bạc, tóc sâu cho bà. Nhưng tóc bà bạc trắng. Người ta cứ hay nói: Cháu nhổ tóc bạc cho bà. Nói như thế để tỏ lòng thương bà mà thôi. Tôi không nhổ một sợi tóc nào. Hình như mỗi ngày tóc bà bạc đến mười sợi. Tôi ngậm ngùi. Bà tự xâu kim lấy, tôi lại vui: Giàu hai con mắt. Tay bà run run vá áo. Tôi lại buồn: Khó hai bàn tay. Bác Ký thấy bà mặc vá, may cho bà một cái váy, cái áo; cho thằng Lĩnh bộ áo quần. Chưa lần nào bà nhận. Cứ gần tết bà mua mười vuông vải nâu diềm bâu vài thước vải trúc bâu. Bà sai thằng Lĩnh đi hái lá bàng về nấu lên nhuộm sau đó nhuộm bằng nước củ nâu. Nhuộm mãi vài chục nắng. Nó thành màu cánh gián. Riêng mấy thước vải của bà, bà giải ra sân trát kín bằng bùn ao phủ, phơi mấy đêm ngày. Nó đen nhẫy. Đấy là vải váy của bà. Bà mua láng đen về làm khăn. Thế là bà mặc xêng xang ba ngày Tết và cả năm. Khi nó rách thì bà vá lại.

Mới mưa. Nước ao chùa lênh láng đục ngầy. Những loài ở nước được ngày mở hội. Chả mấy khi bà được rảnh rang. Chúng tôi tha hồ hỏi bà. Cái Bàng hỏi hay nhất; bà bắt chuyện trẻ con thì thâu đêm suốt sáng nó không chán:

- Bà ơi! Sao con ếch ương ngắn cổ mà gào to thế?

- Nó phải gào lên để doạ những con còn hại nó.

- Bà ơi sao con chẫu chuộc lại kêu “chuộc, chuộc”?

[...] Cái áo của bà vá đã gần xong. Lĩnh chạy về áo quần lấm bê bết. Nó xách xâu cá đến chục con.

- Ba con cá to nhất nó nhảy từ ao lên bờ. Trưa nay bà tha hồ ăn canh cá nấu hẹ!

Bà ngẩng phắt lên nhìn Lĩnh:

- Chim sa cá nhảy là đừng có bắt, phải tội. Nó gặp nạn phải cứu nó. Cháu thả ngay ba con cá ấy xuống ao chùa!

Lĩnh đang vui, bây giờ nó tiu nghỉu lặng lẽ đi thả cá.

Bỗng nhiên con quốc ở đâu bay đến, lủi vào bụi ruối, sát mặt nước góp vui vào ngày hội ao chùa “Lưỡi cuốc cuốc - già già già.” Nó kêu đến khản cổ. Thế là dàn bát âm thêm một giọng. Nghe tiếng quốc bà lắc đầu lẩm bẩm:

- Rõ khổ. Nó hiền lắm. Nó kêu vì cái nỗi mất nước nhà tan. Nó kêu suốt đêm, suốt ngày, suốt mùa hè nó chỉ còn một nắm xương khô. Trước lúc chết nó tìm chỗ kín để giấu xác. Cho nên ít người tìm thấy xác nó.

Bà đã khỏi lại gần như trước. Bà lại lam lũ sớm tối.

Hơn một năm sau, vào một buổi trưa mùa đông, bà đi đâu về. Bà bảo Lĩnh mua bốn cái đậu nướng. Ngồi trên giường, bà bẻ hai cái đậu chấm muối ăn. Bà nhìn Lĩnh lúm cúm ra sân, mỗi miếng nhai nước mắt bà ròng ròng. Bà gọi Lĩnh cho nó hai cái. Bà sụt sịt như ăn phải gừng. Bà nằm xuống phủ cái chăn điệp. Như linh tính của trẻ con, Lĩnh ngơ ngác. Sao hôm nay bà ngủ trưa? Sao hôm nay bà ăn đậu? Nó áp mặt vào mũi bà, không thấy bà thở. Nó sờ chân bà, lạnh như đồng ngâm. Nó gào lên. Chỉ một lúc con cháu đến chật nhà, hàng xóm đến đầy sân. Mọi người lay gọi bà. Bà ?? ra cổng gào đến mười lần:

- Ba hồn chín vía bà ngoại ở đâu thì về với con cháu, với xóm, với làng.

- Bà ơi! Bà chết thật rồi!

Chúng tôi vừa khóc, vừa gào thét. Trong đám trẻ con thằng Lĩnh gào khản cả cổ.

Lĩnh được bác Ký đem về nuôi. Ba gian nhà gianh gió lùa. Mấy cái ống tre ngoài hiên khóc vu vu cả ngày lẫn đêm.

Tôi đi qua có lần tưởng bà còn sống vì bà mất vội quá. Bà ơi bà! Bà vẫn hát đây:

Trèo lên cây khế nửa ngày.

(Theo Duy Khán - Bà Nội)

Đề 3: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ

Tâm sự với bạn bè về điểm thi thử bị thấp

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/5/2004

Luân thân mến! Đã lâu lắm rồi chúng mình không liên lạc với nhau, nay có chút thời gian rảnh rỗi mình liền viết thư cho cậu và báo cho cậu một tin buồn về kì thi thử của mình vừa rồi, bị điểm rất thấp, đồng thời cũng muốn tâm sự với cậu một đôi lời.

Cậu vẫn khoẻ chứ? Ba mẹ cậu thế nào? Cho mình gởi lời thăm ba mẹ cậu với nhé, à mà cả cu Tí bé bỏng dễ thương nữa. Còn mình và gia đình vẫn khoẻ, cả con mực vẫn cứ đáng yêu như ngày cậu còn ở bên cạnh nhà tớ vậy.

Kì thi thử vừa rồi, cậu thi được bao nhiêu điểm. Tớ chắc là cậu được 9, 10, đó là hai con số vốn dĩ vẫn thường hay yêu mến cậu mà. Còn tớ điểm lại rất thấp, tệ ơi là tệ. Cậu có biết tại sao không? Tớ kể cho cậu biết nguyên nhân tai hại đã khiến cho tớ bị điểm thấp trong kì thi thử vừa rồi nhé! Chả phải gì xa lạ, đó là vì sự cẩu thả thiếu cẩn thận của mình.

Hôm đó, khi thi xong mình tí ta tí tửng về lớp và nghĩ rằng mình đã làm đúng một trăm phần trăm, điểm mười là cầm chắc. Về nhà mình khoe ba mẹ tíu tít: “Cả bài cuối khó nhất chỉ có bốn người làm được trong đó có con”. Ba mẹ mình vui lắm; “Con cố gắng đạt điểm mười cả hai môn văn - toán vào kì thi sắp tới nhé”. Ai dè đến khi dò lại bài cô giáo sửa ở lớp, mình mới tá hoả sai quá trời là sai và hết sức ngớ ngẩn. Tìm diện tích hình thang mình lại quên chia cho hai, quên đổi ra a, cộng trừ nhân chia lại sai tùm lum nữa, khi phát bài ra toán chỉ được 5,75 và tiếng Việt 8,25. Nếu mà đây là kì thi thật thì mình đã vào hệ B là cái chắc. Nhưng mình vẫn cứ nhơn nhơn không lo lắng gì cả, đã thế lúc về nhà lại giấu điểm đi không cho ba mẹ biết. Sáng hôm sau bất ngờ ba mình hỏi điểm. Sợ quá mình đành nói dối là một môn 9,5 và một môn 8,25. Nhưng điểm vậy mà ba vẫn la quá chừng. Buổi tối trước khi đi làm mẹ dặn mình làm bốn bài toán trong sách, để rèn luyện thêm cho tốt. Nhưng vì lười mình không làm bài mà lại ngồi chơi đánh bài với anh. Đến lúc mẹ gần về mình mới cuống quýt làm bài nhưng chỉ làm kịp có hai bài. Mẹ mắng cho một trận và bảo đưa bài thi thử vừa rồi cho mẹ xem. Mình đưa hai bài ra, thấy điểm toán chỉ 5,75, mẹ giận tái mặt ngồi lặng đi, bắt phạt một trận nên thân. Đến lúc ba về thấy thế lại la thêm cho một trận nữa. Sau khi cơn giận đã nguôi, ba mẹ ngồi giảng giải cho mình, mình mới nhận ra rằng tính cẩu thả, hấp tấp chủ quan thật tai hại. Thà làm được ba bài mà cẩn thận chắc chắn còn hơn làm hết cả bốn bài mà sai tòe loe toét loét như mình thì cũng bằng không. Cẩn thận là đức tính cần thiết trong cuộc sống đặc biệt là trong những kì thi quan trọng, Mình rất ăn năn hối hận. May mà mình vẫn còn cơ hội để sửa sai trong những kì thi sắp tới. Thôi thư đã dài mình dừng bút đây. Chúng ta hãy cùng nhau ôn luyện bài thật tốt để cùng thi đậu vào hệ A nhé. Mong cậu được vào trường mà cậu yêu thích. Chúc cậu may mắn.

Hẹn gặp lại.

Bạn của Luân Lê Hoàng Tâm

(Bài làm của Lê Hoàng Tâm học sinh lớp 6B trường Lê Lợi)

Đề 4: Kể về cô giáo em

Đôi guốc của cô giáo Hà

Cô giáo Hà lùn tịt nên cô mang đôi guốc cao gót. Từ dưới bục giảng nhìn vẫn thấy cô lùn. Cô chải tóc tém. Mẹ tôi nói, nhờ vậy nhìn cô trẻ mãi. Có một lần khi gọi tôi lên bảng. Cô nhìn tôi một hồi rồi nói:

- Em lớn nhanh thật, chẳng vài năm nữa em sẽ cao bằng cô.

Tôi nói:

– Đó là nhờ em chơi thể thao.

Cô trợn mắt hỏi lại:

- Em chơi thể thao?

- Dạ đúng vậy, Bố em nói, những người chơi thể thao luôn cao ráo và xinh đẹp. Mẹ em không chịu chơi thể thao nên mặt mụn đấy!

Cô cười cười không nói gì.

Tôi hỏi:

- Cô có chơi thể thao không?

Cô nói:

- Có. Có. Sau đó thêm chút chút.

Tôi quan sát đôi guốc cao gót của cô. Mỗi lần cô bước lên bục giảng tim tôi cứ thót lại vì sợ cô ngã. Nhưng cô không ngã, cô còn đi rất nhanh và bước những bước thật dài. Có lẽ cô phải tập công phu lắm.

Tôi hỏi mẹ để bước đi như cô có lâu lắm không? Mẹ tôi lắc đầu mẹ không biết. Mẹ chưa bao giờ đi guốc cao gót vì chân mẹ rất to. Mẹ cũng rất thích nhưng chưa bao giờ có can đảm mua nó. Mẹ đã quen đi những đôi dép mỏng và bền. Vả lại, một đôi guốc cao gót không thể đi ruộng và lội sình. Nó phải đi trên đường nhựa với áo dài. Dáng của mẹ lại xấu, không thể bận áo dài được. Mẹ nói ngày mẹ còn trẻ mẹ có bận áo dài một lần nhưng sau đó thì thôi luôn. Khi bận áo dài, tôi sẽ không nhận ra mẹ. Mẹ thích tôi phải nhận ra mẹ kia. Thế là tôi không hỏi nữa.

Cô Hà có hai đôi guốc, một đôi màu xanh một đôi màu đỏ. Cô cứ luân phiên đổi nhau. Hai ngày đôi này, hai ngày đôi kia. Tôi thích đôi màu xanh hơn vì nó cao vừa phải, lại trông xinh xắn, khi đi nhìn cô ít gồng, tự nhiên hơn. Bẵng đi một dạo không thấy cô mang nữa. Cô chỉ mang đôi guốc cao gót màu đỏ. Trên bục giảng cao màu đỏ trông thật nhức mắt. Tôi chờ mãi vẫn không thấy cô mang đôi màu xanh. Thế là một hôm tôi hỏi cô:

- Cô ơi! Sao cô không mang đôi guốc màu xanh? Cô xòe to con mắt nhìn tôi:

- Em còn nhớ đôi guốc của cô à?

Tôi gật đầu:

- Em thích cô mang đôi guốc đó lắm. Trên bục giảng trông cô cao vút. Cô gật gù vẻ sung sướng lắm:

- Cảm ơn em.

Nhưng đôi guốc đó quá cũ.

- Không sao cả trông nó vẫn đẹp. Mẹ em luôn mang những đôi dép cũ. Bố em nói: Quăng nó đi. Nhưng mẹ em vẫn không chịu. Mẹ nói đôi dép đó đã quen với mẹ rồi, nó là đôi dép đẹp nhất.

- Thế rồi bố em có nói gì không?

- Bố em chịu thua mẹ. Bố em nói mẹ cứng đầu lắm. Nhưng em biết bố đùa, bố không bao giờ nói mẹ cứng đầu. Có hôm em còn nghe bố nói mẹ là cục cưng. Em bật cười lắm. Mẹ to như vậy mà bảo là cục cưng. Vậy mà bố em vẫn nói là cục cưng. Hôm sau, cô Hà mang đôi màu xanh. Nhìn thấy tôi cô trợn con mắt như muốn bảo: Bí mật đó nhé! Bí mật này chỉ có cô và em biết thôi. Tôi vui lắm không ngờ cô Hà lại tin tôi như vậy. Tôi có cảm giác cô mang guốc chỉ để cho một mình tôi nhìn.

- Cô đẹp quá!

Cô cười, mặt đỏ lựng, cô nói:

- Cảm ơn! Nhờ em, cô mới biết đôi guốc màu xanh làm cô đẹp ra.

Khoảng một tháng sau bỗng tôi thấy cô xuất hiện trên bục giảng với đôi guốc màu đỏ. Cô nhún vai nhìn tôi. Thì ra đôi guốc màu xanh đã gẫy cái gót. Khi mang cô sẽ đi cà thọt.

Cô nói:

– Nó cũ quá rồi, không thể sửa chữa được nữa.

Tôi an ủi cô:

- Không sao cả, màu đỏ trông cô cũng vẫn đẹp. Em sẽ không nhìn đôi guốc nữa, em sẽ nhìn khuôn mặt của cô, khuôn mặt sẽ không bao giờ cũ, khuôn mặt sẽ không bao giờ bị gẫy gót.

Cô cười trông vui lắm, nói:

- Em là người hiểu cô nhiều nhất. Khi em hiểu đôi guốc của một người thì có nghĩa em sẽ hiểu người đó. Em sẽ hiểu tại sao người ta yêu cái màu xanh này mà không yêu cái màu đỏ kia.

- A! Em hiểu rồi! Cô yêu đôi guốc màu xanh này là vì cô yêu em.

Từ đó tôi không còn thắc mắc đôi guốc cao gót của cô Hà nữa. Cô có đi chân không tôi vẫn yêu cô. Mẹ nói chừng nào đến ngày nhà giáo, sẽ biếu cô một đôi guốc màu xanh.

Và tôi chờ đợi, lâu lắm... lâu quá trời lâu.

(Theo Nguyễn Ngọc Thuần - Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ)

Đề 5: Kể cề một cuộc gặp gỡ

Hoa hồng tặng mẹ

Anh dừng lại tiệm bán hoa, để gửi hoa tặng mẹ anh qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng 300 km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.

- Cháu muốn mua một bông hoa hồng để tặng mẹ cháu – nó nức nở - nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá hoa hồng đến 2 Đô la.

Anh mỉm cười và nói với nó:

– Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.

Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hoa hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi anh hỏi cô bé có cần đi xe về nhà không? Nó vui mừng trả lời:

- Dạ! Chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.

Rồi nó chỉ đường cho anh lái xe đến một nghĩa trang, nơi có phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói:

– Đây là nhà của mẹ cháu. Nói xong nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ. Tức thì anh quay lại tiệm bán hoa, huỷ bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó anh đã lái một mạch 300km về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa.

(Theo Quà tặng cuộc sống - Báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ)

Luyện tập kể chuyện tưởng tượng

I. Các đề bài luyện tập

Đề 1: Mượn lời một đồ vật, hay con vật gần gũi với em để kể chuyện tình cảm giữa em và đồ vật hay con vật đó.

Đề 2: Thay ngôi kể để bộc lộ tâm tình của một nhân vật truyện cổ tích mà em yêu thích.

Đề 3: Tưởng tượng một đoạn kết mới cho một truyện cổ tích nào đó (chẳng hạn truyện Sọ Dừa, Cây bút thần).

II. BẢI THAM KHẢO

Đề 1: Mượn lời đồ vật

Nỗi niềm của siêu nhân

Hôm chủ nhật, cuối tháng, mẹ bảo cả nhà làm cuộc tổng vệ sinh cho nhà cửa ngăn nắp gọn gàng. Tám giờ ăn sáng xong, cả nhà bắt tay vào việc. Mẹ lau chùi cọ rửa ngăn bếp, hai anh em tôi dọn dẹp phòng khách và phòng ngủ của mỗi người. Công việc khá nhiều, nếu không nhanh tay nếu có khách đến chơi thì thật bất tiện. Phòng khách đã sạch bóng, đến lượt là lô cốt của mỗi người. Tôi nhìn anh Hai nháy mắt – “cùng thi đua nhé”. Anh gật đầu. Tôi làm thoăn thoắt như một con thoi. Những chồng sách vở xiêu vẹo sửa lại ngay ngắn, những vết bẩn trên mặt bàn lau sạch, áo quần từng chồng vuông vức gọn gàng. Tôi thở phào khoan khoái tự khen mình: “Mình cũng khá đấy chứ nhỉ!”. Bỗng tôi nghe một tiếng rên khe khẽ, yếu ớt. Lắng tai và chăm chú quan sát, tôi nghe thấy tiếng rên được phát ra dưới chân góc giường. Bò xuống tận nơi tôi lôi ra con siêu nhân Đại Bàng bị gẫy một chân. Con Đại Bàng thều thào:

- Cậu quên tôi rồi ư? Tôi là món đồ chơi trong tủ kính mà cậu đã ao ước cách đây hai năm về trước.

Tôi cầm Đại Bàng lòng bồi hồi xúc động.

Đại Bàng thì thầm kể:

Hôm ấy cậu đi với mẹ vào siêu thị, mua bao nhiêu là đồ nặng trĩu cả hai tay. Lúc đi qua tủ kính, thoáng nhìn thấy tôi cậu reo lên:

- Đẹp quá mẹ ơi! Con siêu nhân Đại Bàng này trông thật hùng dũng.

- Cậu mặc sức tán dương về tôi nhưng mẹ cậu vẫn không đồng ý, cậu đành im lặng ngoan ngoãn vâng lời, khi hai mẹ con đi ra khỏi siêu thị rồi cậu còn tần ngần đứng lại nhìn tôi với ánh mắt thèm thuồng. Chính bởi ánh mắt đó mà mẹ cậu đã thay đổi quyết định, trở lại quầy hàng và lấy tôi ra khỏi tủ kính. Tôi còn nhớ như in khuôn mặt bừng sáng hạnh phúc của cậu lúc ấy. Cậu hôn lên má mẹ và hôn lên cả má tôi. Tôi cũng hạnh phúc chẳng kém gì cậu đâu. Suốt trên đường từ siêu thị về nhà tôi được cậu ôm vào lòng chứ không phải nằm chung với bao thứ đồ đạc khác trong túi xách to đùng để ở giỏ xe máy. Tôi lấy làm hãnh diện lắm.

Về đến nhà ngay lập tức cậu cho tôi làm thủ lĩnh đồ chơi của cậu, được ngồi vào chỗ oai vệ nhất ngay trên bàn học tập phía góc phải - để mỗi khi học xong một môn cậu lại cầm tôi lên ngắm nghía chuyện trò. Những lúc bình thường tôi đứng ngắm cậu ngồi học trông thật dễ thương khuôn mặt trầm tư nghĩ ngợi có vẻ đăm chiêu lắm, sau đó lại viết liên tục... Tôi dang rộng đôi cánh của mình, sẵn sàng tấn công những con muỗi nào vo ve dám bén mảng tới gần cậu. Những ngày tiếp theo sau đó, là những ngày tuyệt vời của tôi. Cậu đã cho tôi tham gia các trận đánh lịch sử với các siêu nhân người dơi, siêu nhân khủng long, siêu nhân rô bốt, siêu nhân hình xâm, siêu nhân mình đen... những đối thủ của cậu trong lớp và ở các nhà hàng xóm. Những trận chiến thường diễn ra trong giờ ra chơi của mỗi buổi học, và cuối buổi chiều ngày chủ nhật. Tôi đã đem đến cả tới gần chục lần. Cậu còn nhớ những trận đánh ấy nữa không? Cho tới một ngày tôi bị thương, không phải là vì đánh nhau trên chiến trường mà lại là... giọng Đại Bàng trầm xuống rưng rưng ...

Hôm ấy như thường lệ đến giờ ra chơi giữa buổi, cậu lấy tôi ra đặt lên bàn, để chuẩn bị tham gia cuộc chiến, một cô bạn gái đi ngang với hộp bút trên tay vô ý hất tung tôi xuống đất – cậu ngớ người chưa kịp nhặt tôi lên thì từ ngoài cửa hai gã đuổi nhau lao vào trong cửa, một bàn chân thô bạo giẫm lên người tôi – tôi chỉ kịp nghiêng mình né tránh chỗ hiểm, nhưng cái chân trái thì bị nát bấy ra làm trăm mảnh.

Than ôi! Người dũng tướng không chết ở sa trường mà lại chết ở hậu phương với một sự rất ngớ ngẩn vô lí. Cậu mang tôi về lầm lì suốt cả tuần lễ. Tôi bị gẫy một chân không còn đánh trận được nữa, cậu cũng thôi không đi chơi những buổi chiều chủ nhật, những lúc giải lao giữa buổi ... Sau một thời gian, cậu thu dọn tất cả đồ chơi bỏ vào trong hộc tủ, tôi cũng ở yên trong đấy. Cho tới ngày họ hàng gậm nhấm kéo tới lôi tôi từ trong hộc tủ xuống gầm giường và mắc kẹt mãi tới bây giờ. Tôi ôm Đại Bàng vào lòng cảm thấy thật ân hận, tự giận mình bởi cái tính vô tâm. Mình Đại Bàng đầy bụi, tôi tắm rửa cho cậu ta thật sạch sẽ, xong xuôi để cậu ta lên bàn phía góc phải như thuở nào. Tôi nói với Đại Bàng: - Từ nay chúng mình lại bên nhau mãi mãi nhé!”. Đại Bàng cười thật tươi.

(Lê Hoàng Tâm)

Đề 2: Do một lỗi lầm nào đó em bị phạt biến thành một con vịt trong ba ngày. Hãy kể một câu chuyện về những ngày đó.

Thần Thời Gian đêm qua báo mộng cho tôi biết rằng, nếu trong tuần này mà tôi đi học muộn đến lần thứ ba thì thần sẽ hoá phép biến tôi thành con rùa trong ba ngày. Tôi vốn chẳng tin chuyện mộng mị, nên cho qua. Buổi sáng mùa đông thường khiến cho người ta lười dậy sớm. Nhà tôi lại ở gần trường, tôi cứ cố nằm ườn trên giường thêm một tí. Chuông reo báo bắt đầu giờ học cũng là lúc tôi hớt hải chạy vào. Thì đã sao? Còn ngày mai, tôi cứ việc ngủ thêm cho khoái. Vì tôi và thằng cò Nhật Linh đã bí mật vặn kim đồng hồ ở phòng bác thường trực chậm đến nửa tiếng.

Tôi tỉnh dậy và hơi ngạc nhiên vì không gian yên tĩnh lạ thường. Chắc là trời sáng đã lâu, vì thấy mặt trời lên cao, chói chang ngoài cửa kính. Sao không ai gọi tôi? Tôi định tung chăn ngồi dậy nhưng không thể. Tôi lại cố trở mình để ra khỏi giường mà không được. Tôi làm sao thế này? Tôi cúi nhìn mình thì ... Ôi thôi, tôi đã hoá thành rùa tự lúc nào! Tôi vùng vẫy, gào khóc, van vỉ thần tha tội cho tôi. Nhưng thần chẳng thèm đoái hoài. Thôi thế là mình nguy đến nơi rồi. Mình phải tự cứu mình trước khi thần cứu. Cố mãi tôi cũng ra được khỏi giường, chỉ tội bị rơi từ trên giường xuống thềm gạch một cú khá đau. Tiếp đến là phải lách mình qua cửa để đi kiếm cái gì ăn, vì bụng cũng đã đói rồi. Mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ khiến tôi vui lên tí chút. Nhưng khi vào phòng ăn của gia đình thì tôi mới thật sự thấm thía tình cảnh khốn khổ của mình. Bụng đói, nhưng thức ăn của loài người không hợp khẩu vị của tôi lúc này, vả lại, mẹ tôi đã để mọi thứ quá cao. Vì mới làm loài rùa được mấy tiếng đồng hồ, nên tôi không biết khi đói thì mình cần đi tìm những thức gì lót dạ. Tôi cố vắt óc nhớ lại những kiến thức đã được học về môn Sinh vật để tìm lối thoát cho mình. Nhưng vốn là một chú bé nghịch ngợm và không phải là chăm học cho lắm, tôi làm sao nhớ được cơ chứ! Tôi lần ra bãi cỏ bên kia đường, gần đấy là một cái hồ rộng, nước không được sạch lắm, thậm chí, có thể nói là khá bẩn và rất tanh mùi bùn. Nhưng lúc này thì kén chọn làm gì nữa!

Số tôi thật không may, khi chỉ còn cách hồ chừng dăm thước thì tôi bị một lũ trẻ đi học về phát hiện. Một đứa kêu: “A ha! Một chú rùa!”. Thế là cả lũ xúm lại, hoan hỉ chộp lấy tôi.

Tôi trở thành tù binh của chúng ba ngày. Ba ngày, như người ta thường ví, thật là dài đằng đẳng bằng ba năm. Thôi thì đủ mọi trò nghịch tinh để hành hạ. Cực nhất là lũ trẻ luôn tổ chức trò chạy thi (không phải với thỏ mà với một chú cóc vàng, sau này tôi mới biết, đó chính là Nhật Linh, bạn cùng bị thần trừng phạt như tôi). Lúc đầu, tôi muốn cho lũ trẻ thấy rằng, tôi không dễ để chúng sai khiến, vì chỉ cách đây một ngày thôi, tôi cũng là người như chúng, hơn nữa, còn là một bậc đàn anh của chúng nữa. Nhưng bọn trẻ dường như không thèm biết tới điều đó. Có đứa còn dùng roi quất vào mai tôi, bắt chạy thật nhanh trong lúc những đứa khác hò reo cổ vũ hai “vận động viên” bất đắc dĩ.

Nếm đủ mọi điều cay đắng, tôi và cóc vàng đều mệt nhoài. Cả hai ứa nước mắt. Dù không nói ra nhưng trong thâm tâm mỗi đứa đều tự hứa với lòng mình, sau này sẽ không bao giờ dám lề mề, chậm chạp và đặc biệt không dám nghĩ ra những trò nghịch ngợm tinh quái nữa. Giữa lúc tôi và cóc vàng đang nhìn nhau xót xa, ân hận như thế thì bỗng có tiếng mẹ tôi lay gọi: “Nam! Nam ơi! Con mơ thấy gì mà vật vã dữ vậy?”. Tôi tỉnh dậy, bàng hoàng, nước mắt vẫn còn ướt đẫm trên gối. Thì ra, tất cả chỉ là một giấc mơ.

(Theo Ôn tập ngữ văn 6 - Nguyễn Văn Long chủ biên)

Hãy tưởng tượng ra một cục khác cho truyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” rồi kể lại bằng lời ông lão.

Tôi là ông lão đánh cá, ông lão khốn khổ nhất trên đời đây. Mụ vợ tôi sao mà tham lam quá thể. Mụ ta đã có đủ toà ngang dãy dọc, đã có bao nhiêu là vàng bạc châu báu, đã có bao nhiêu kẻ hầu người hạ, mụ ta đã làm nữ hoàng rồi mà vẫn chưa bằng lòng. Mụ ta lại đòi được làm Long Vương để bắt cá vàng hầu hạ ngày đêm mới thoả. Vì thế, tôi lại phải đi ra biển.

Con đường quen thuộc sao trở nên xa lạ thế. Bờ cát vắng vẻ. Biển sôi bọt giận dữ. Sóng bạc đầu đuổi nhau vỗ bờ oàm oạp. Gió réo ù ù. Tôi cất tiếng khẩn thiết gọi cá vàng. Tiếng tôi chìm đi trong sóng biển khơi. Vậy mà cá vàng vẫn nghe thấy, vẫn hiện lên. Sau khi nghe tôi kể lể đầu đuôi, cá vàng liền bảo: “Hỡi ân nhân của tôi! Đừng tự dằn vặt nữa cho khổ thêm ra. Tôi hiểu tình cảnh của ông lão rồi. Ông sống làm sao nổi với mụ vợ tai quái ấy. Trời sẽ trừng phạt thói tham lam và bội bạc của mụ. Ông hãy xuống thuỷ cung vui vầy cùng tôi. Như thế, ông đỡ bị hành hạ mà tôi cũng thoả mong ước được đền ơn cứu mạng”.

Lời mời gọi của cá vàng thật chân thành, tin cậy. Nhưng bỏ làng xóm quê hương mà đi sao đành. Còn cả mụ vợ tham lam kia nữa. Dù sao mụ cũng đã cùng tôi chịu đựng đói nghèo suốt bao năm. Vả lại, trần gian với thuỷ cung chắc cũng có nhiều điều khác biệt, chắc gì mình đã được thoải mái, yên vui? Tôi còn đang suy tới nghĩ lui thì bỗng nghe tiếng ngựa hí vang rền, tiếng đao kiếm chan chát cùng tiếng hò hét gọi đích danh tên tôi đòi trị tội. Không thể trở về được nữa rồi, tôi đành cưỡi lên lưng cá vàng xuống thuỷ cung.

Biết tôi vẫn chưa hết lưu luyến cõi trần, cá vàng liền cho tôi mượn gương thần để tôi xem lại cảnh trần gian. Trong cung điện nguy nga, mụ vợ tôi đang ngồi chờ phép lạ như những lần trước. Chờ mãi, chờ mãi cũng không thấy quân lính áp giải tôi trở về, mụ sốt ruột nghiến răng nguyền rủa. Lời mụ chưa dứt thì mây đen bỗng đâu kéo đến. Gió nổi ầm ầm. Đã nghe tiếng tường đổ, ngói rơi. Kẻ hầu người hạ xung quanh đã có người hoảng sợ bỏ chạy. Bực tức và tuyệt vọng, mụ quát tháo ầm ĩ rồi cùng đám cận thần lao ra biển. Không tìm thấy tôi, cũng chẳng thấy cá vàng, mụ giậm chân la hét chửi rủa. Một cơn sóng thần xô tới, cuốn phăng mụ già tham lam, độc ác cùng tất cả quân lính, xe ngựa chìm xuống đáy biển sâu. Tôi không biết nói gì hơn được nữa. Từ đó, tôi lặng lẽ sống ở chốn thuỷ cung cùng với cá vàng.

(Theo Ôn tập ngữ văn 6 - Nguyễn Văn Long chủ biên)

Tài liệu liên quan

Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 12: Số từ và lượng từ

Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 12: Treo biển Lợn cưới áo mới

Đánh giá bài viết
3 1.904
Sắp xếp theo

    Soạn văn 6 siêu ngắn Cánh diều

    Xem thêm