Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 23: Viết bài tập làm văn số 6 - Nghị luận văn học

Giải bài tập Ngữ văn bài 23: Viết bài tập làm văn số 6 - Nghị luận văn học

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 23: Viết bài tập làm văn số 6 - Nghị luận văn học là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm, giúp bạn thuận tiện hơn trong quá trình học bài và chuẩn bị cho bài học mới trên lớp. Mời các bạn tham khảo.

Viết bài tập làm văn số 6 - Nghị luận văn học

(Làm ở nhà)

Một số bài tham khảo

Đề 1. Suy nghĩ của em về nhân vật chị Dậu qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ” (tiểu thuyết “Tắt đèn”) của Ngô Tất Tố.

Trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố, chị Dậu được miêu tả như một người phụ nữ rất mực dịu dàng. Vì áp bức bóc lột mà chị Dậu đành chịu đựng, nhẫn nhục và trong nghiều trường hợp chị là người có thể nhẫn nhục chịu đựng. Nhưng chị Dậu không thuộc loại người yếu đuối, chỉ biết than khóc. Thông minh sắc sảo đảm đang tháo vát, chị Dậu còn tiềm tàng một khả năng phản kháng. Chả thế mà ngay giữa đình làng, trước mặt bọn hào lí chị đã dám “tru tréo”, kêu to lên sự bất nhân của chế độ sau thuế thực dân, phong kiến: “Khốn nạn thân tôi! Trời ơi! Em tôi chết rồi còn phải đóng sưu hở Trời”. Bị quăng từ đình làng về rồi được cứu sống, anh Dậu chỉ biết khóc cho cái Tí, khóc cho số phận của anh. Trái lại chị Dậu tỏ thái độ bất cần. Chị bình tĩnh khuyên giải chồng: “Còn như mấy đồng sưu, tuy có nóng thật, nhưng lo chưa kịp thì khất. Thịt người tanh chẳng ai ăn được thầy em cứ yên tâm nằm nghỉ chẳng phải lo lắng gì cả”.

Cảnh Tức nước vỡ bờ miêu tả tinh tế diễn biến tâm lý của nhân vật một cách nhất quán. Chị Dậu có thể nhịn nhục, chịu đựng, nhưng khi đã bị đấy tới chân tường, thì cũng biết vùng lên chống trả quyết liệt thể hiện một khả năng phản kháng tiềm tàng.

- Trước thái độ hung hăng, những lời quát tháo hách dịch của cai lệ, chị Dậu run run. Chị sợ thì ít mà lo cho chồng thì nhiều. Chị gọi cai lệ là ông và xưng cháu. Chị van xin cầu khẩn thiết tha: “Hai ông làm phúc nói với ông Lí hãy cho cháu khất...”, “Khốn nạn! Nhà cháu đã không có, dẫu ông mắng chửi đến đâu cũng thế thôi. Xin ông trông lại!”. Đến khi thấy tính mạng của chồng bị đe doạ thái độ của chị thay đổi hoàn toàn. Chị vẫn cố van xin, nhưng vội vàng đặt đứa con đang bế xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay cai lệ, không để hắn đụng tới anh Dậu. Đang xưng hô ông cháu, chị Dậu đã chuyển qua ông tôi với cai lệ. Người đàn bà bị đè nén uất ức đã liều mình đứng dậy tự đặt mình ngang hàng với cai lệ và cảnh cáo hắn: “Chồng tôi đang ốm đau ông không được phép hành hạ!”. Thái độ của chị Dậu ngày càng quyết liệt. Người đàn bà dịu dàng bỗng trở nên đáo để. Chị hạ cai lệ xuống thứ “mày” và ngang nhiên thách thức: “Mày trói chồng bà đi bà cho mày xem!”. Chị Dậu đã quật ngã bọn tay sai hung ác trong tư thế ngang hàng bất khuất với sức mạnh kì lạ. Chị túm cổ lấy cai lệ án dúi ra cửa, làm hắn ngã chỏng theo trên mặt đất miệng vẫn lảm nhảm trói vợ chồng kẻ thiếu sưu. Tên người nhà lí trưởng cũng bị chị Dậu túm tóc lắng cho một cái ngã nhào ra thêm. Giọng văn của Ngô Tất Tố trở nên hả hê. Dưới ngòi bút của ông hình ảnh chị Dậu trở nên thật khoẻ khoắn, quyết liệt biết bao nhiêu, thì hình ảnh bọn tay sai hung ác cũng trở nên hèn hạ và hài hước bấy nhiêu. Thấy chị Dâu quyết liệt quá anh Dậu vừa run vừa kêu: “U nó không được thế! Người ta đánh mình không sao, mình đánh người ta thì mình phải ngồi tù, phải tội”. Nhưng tức nước thì tất yếu sẽ vỡ bờ. Nghe anh Dậu can, chị Dậu phẫn uất: “Thà ngồi tù. Để chúng nó làm tình làm tội mãi thế này tôi chịu không được...”. Câu nói mộc mạc đầy phẫn uất ấy giống như một lời tuyên ngôn hùng hồn cho quy luật: Có áp bức dứt khoát có đấu tranh.

(Theo La Khắc Hoà - Phân tích bình giảng văn 8)

Đề 3. Lấy nhan đề “Tình đời trong chiếc lá”, em hãy viết bài văn - nêu lên suy nghĩ của mình về đoạn trích “Chiếc lá cuối cùng” của Ô Hen-ri.

Người phụ nữ bất hạnh bất lực trên giường bệnh, bất động trên chiếc giường sắt sơn, tạo ra ấn tượng về bức tranh được đóng khung treo tường. Không gian trở nên hẹp hơn sự vật đi vào chiều tĩnh lặng. Duy đôi mắt người bệnh có dấu hiệu sự sống, song đôi mắt ấy cứ trân trần nhìn cái đầu hồi nhà gạch bên cạnh đếm từng chiếc lá trường xuân đang rụng dần trong gió lạnh. Đó là biểu tượng của chiếc thước đo về cuộc đời của Giôn-Xi: Cô đã xây dựng cho mình một niềm tin bất hạnh: Cô sẽ chết khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống.

Câu chuyện của Giôn-xi, được Xiu cô bạn lớn tuổi hơn là người đang cưu mang Giôn-xi, nói lại với cụ Bơ-men. Cụ là một hoạ sĩ nhưng là một người thất bại trong nghệ thuật. Bởi lẽ “cụ múa cây bút vẽ đã bốn mươi năm mà vẫn chưa với tới được gấu áo vị nữ thần của mình”. Nhưng cụ “luôn có ý định vẽ một bức tranh tuyệt tác”, cho dù “cụ chưa bao giờ bắt đầu cả”. Cụ kiếm tiền bằng cách “bôi bác một ngành buôn bán hay quảng cáo”, hoặc “ngồi làm mẫu cho các nghệ sĩ trẻ”. Dù vậy cụ vẫn luôn luôn nói về “tác phẩm kiệt tác sắp đến tới”. Điều đáng quý ở cụ là hay “chế nhạo sự mềm yếu của bất kì ai” và tự coi mình “ là một con chó xồm lớn chuyên canh gác cửa bảo vệ cho hai nữ hoạ sĩ trẻ” Giôn-xi và Xiu. Câu chyện về cuộc đời yếu đuối và mong manh như chiếc lá giữa cơn phong ba của Giôn-xi đã được cụ Bơ-men tiếp đón bằng sự “khinh bỉ và nhạo báng”. Song bất chấp thái độ của cụ già, căn bệnh của Giôn-xi vẫn không hề thuyên giảm. Và cụ già “nhỏ bé dữ tợn” đã hứa một cách trịnh trọng qua mùi rượi “sặc sụa”: “Một ngày kia tôi sẽ vẽ một tác phẩm kiệt xuất...”.

Một ngày mới lại về Giôn-xi “thều thào và ra lệnh” kéo chiếc màn xanh để cô ta nhìn ra ngoài, cho dù Xiu không muốn và phải “làm theo một cách chán nản”. “Nhưng, ô kìa! Sau trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài suốt cả một đêm, tưởng chừng như không bao giờ dứt, vẫn còn một chiếc là thường xuân bám trên tường gạch. Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây... Chiếc lá vẫn dũng cảm bám vào cành cách mặt đất chừng hai mươi bộ”.

Hôm sau “chiếc lá thường xuân vẫn còn đó”. Và Giôn-xi chợt hiểu ra: “Có một cái gì đấy làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cô thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội”. Và hi vọng một ngày nào đó “sẽ được vẽ vịnh Na-plơ” lại trỗi dậy trong cô. Nhựa sống lại lên men, nghị lực mầm sống lại hồi sinh, khiến bác sĩ phải thốt lên: “Cô ấy khỏi nguy hiểm rồi, chị đã chiến thắng.” Điều gì đã khiến Giôn-xi khoẻ lại? Có thể một phần do thuốc men phát huy có hiệu lực, có thể có một phần do bàn tay chăm sóc chu đáo của Xiu. Hẳn là thế, nhưng bao trùm lên tất cả, cái đã lôi Giôn-xi ra khỏi con đường dẫn về cõi hư vô là chiếc lá cuối cùng trên bức tường đối diện phòng với họ – “chẳng bao giờ rung rinh và lay động khi gió thổi”, bởi đó là chính kiệt tác của cụ Bơ-men, cụ vẽ nó ở đấy vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng. Để tạo được tác phẩm kiệt xuất ấy, cụ Bơ-men đã đổi bằng cuộc sống của chính mình. Cụ đã trả lại màu xanh cho chiếc lá vàng úa, trả lại màu hồng cho đôi má người thiếu nữ, xanh xao, trả lại niềm tin nghị lực cho người yếu đuối. Nghệ thuật chân chính mang trong nó chức năng sinh thành và tái tạo. Nó thức dậy niềm tin vào cuộc sống, nó mở đường cho những khát vọng lớn lao, nó chắp cánh cho những ước mơ. Vì thế, hình tượng cụ Bơ-men cho dù chỉ phác hoạ, nhưng vẫn sống mãi trong lòng người đọc bởi cụ đã tạo ra kiệt tác bằng màu xanh hi vọng, bằng chất liệu nhân đạo truyền thống được kết tinh trong tiến trình lịch sử. Chiếc lá cuối cùng trở thành niềm hi vọng hồi sinh. (Theo Lê Nguyên Cẩn – Phân tích bình giảng văn học nước ngoài)

Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 23: Nghị luận về tác phẩm truyện hoặc đoạn trích

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 23: Viếng lăng Bác

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 23: Mùa xuân nho nhỏ

Đánh giá bài viết
3 183
Sắp xếp theo

    Soạn Văn 9 - Văn 9

    Xem thêm