Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 24: Sang thu

Giải bài tập Ngữ văn bài 24: Sang thu

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 24: Sang thu là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm, giúp bạn thuận tiện hơn trong quá trình học bài và chuẩn bị cho bài học mới trên lớp. Mời các bạn tham khảo.

Sang thu

Hữu Thỉnh

I. Kiến thức cơ bản

• Tác giả: Nhà thơ Hữu Thỉnh quê ở Vĩnh Phúc. Ông từng nhập ngũ vào binh chủng Tăng - Thiết giáp rồi trở thành cán bộ văn hoá, tuyên huấn trong quân đội và bắt đầu sáng tác thơ. Ông đã từng tham gia Ban chấp hành Hội nhà văn và là Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam.

• Từ cuối hạ sang đầu thu, đất trời có những chuyển biến nhẹ nhàng mà rõ rệt. Sự chuyển biến này đã được Hữu Thỉnh gợi lên bằng cảm nhận tinh tế, qua những hình ảnh giàu sức biểu cảm trong bài Sang thu.

II. Hướng dẫn đọc văn bản

Câu 1. Sự biến đổi của đất trời sang thu được Hữu Thỉnh cảm nhận bắt đầu từ đâu và gợi tả qua những hình ảnh, hiện tượng gì?

+ Vị trí của mùa thu: Mùa thu là mùa được các thi nhân yêu mến, “thu là thơ của đất trời thu là thơ của lòng người” bởi vậy đã có biết bao nhiêu bài thơ tuyệt đẹp về mùa thu, với Hữu Thỉnh mùa thu được cảm nhận ở một góc nhìn mới.

+ Dấu hiệu nhận biết: Sự biến đổi của đất trời sang thu được nhà thơ Hữu Thỉnh cảm nhận bắt đầu từ mùi hương ổi phả vào trong gió. Vẫn cái gió heo may quen thuộc rất đặc trưng của mùa thu, nhưng cơn gió ấy không gợi buồn mà mang đến sự nôn nao náo nức của tâm trạng, ngỡ ngàng reo vui: “Hình như thu đã về”.

Câu 2. Phân tích sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ về những chuyển biến trong không gian lúc sang thu. (Gợi ý: Qua hương vị, qua vận động của gió, sương, của dòng sông, cánh chim, đám mây, qua nắng, mưa, tiếng sấm. Chú ý các từ phả vào, chùng chình, dềnh dàng...)

+ Những chuyển biến của không gian lúc sang thu:

- Hương vị: Mùi ổi chín lan toả trong không gian gợi nhớ về tuổi thơ êm đềm, gợi nhớ về những làng quê xanh rợp bóng tre. Mùi hương ổi quen thuộc đã ăn sâu trong tiềm thức biết bao người.

- Hình ảnh:

  • Cơn gió se nhẹ nhàng lướt trong không gian. .
  • Sương thu chăng mắc như một làn khói mỏng trước cổng nhà.
  • Dòng sông êm đềm buông mình chậm rãi không còn cuồn cuộn như trước.
  • Đàn chim bay vội vã đi tìm nơi trốn rét. .
  • Từng đám mây lững lờ trôi trên bầu trời
  • Nắng nhạt hơn và mưa cũng vơi dần hơn.
  • Tiếng sấm thưa dần và dường như cũng nhẹ nhàng hơn.

+ Cách sử dụng từ ngữ: Những từ ngữ: Phả vào, dềnh dàng, chùng chính là những từ ngữ diễn tả cảm giác trạng thái thể hiện sự thay đổi của khung cảnh thiên nhiên một cách tinh tế trong thời điểm giao mùa. Đồng thời thể hiện tâm trạng bâng khuâng ngỡ ngàng của tác giả lúc thu sang.

Câu 3. Theo em, nét riêng của thời điểm giao mùa hạ - thu được Hữu Thỉnh thể hiện đặc sắc nhất qua hình ảnh, câu thơ nào? Em hiểu thế nào về hai dòng thơ cuối bài:

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

+ Câu thơ đặc sắc thể hiện sự giao mùa: Nhà thơ Hữu Thỉnh có cách diễn đạt riêng của mình khi miêu tả thiên nhiên trong thời điểm sang thu, tuỳ theo sở thích mỗi người có thể lựa chọn cho mình mỗi câu khác nhau. Nhưng có lẽ câu đặc sắc nhất của bài thơ: Có đám mây mùa hạ, Vắt nửa mình sang thu. Hình ảnh thật ấn tượng, đám mây như một cầu ô thước nối liền giữa hai mùa thu và hạ, như tấm lụa mềm nằm ngang giữa bầu trời bồng bềnh, hư ảo. Hàm chứa trong đó biết bao sự bịn rịn lưu luyến của cảnh của tình, đám mây mang đầy tâm trạng của thi nhân.

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

Sấm tượng trưng cho những gì bất thường dữ dội trong cuộc sống, hàng cây đứng tuổi là tượng trưng cho người từng trải. Con người từng trải sẽ bình thản hơn, điềm đạm chín chắn hơn với những bão tố của cuộc đời, bão tố tôi luyện giúp cho con người trưởng thành.

III. Hướng dẫn luyện tập

Dựa vào hình ảnh, bố cục của bài thơ, biết lột bài văn ngắn diễn tả cảm nhận của Hữu Thỉnh trước sự chuyển biến của đất trời lúc sang thu.

Bài Làm tham khảo

Dẫu biết rằng thời gian bốn mùa luôn luân chuyển hết xuân đến hạ, thu sang rồi đông tới, thế nhưng ta vẫn cảm thấy ngỡ ngàng khi quên đi nhịp sống sôi động hàng ngày mà lắng nghe tiếng mùa thu đi để cảm nhận thời khắc đặc biệt bước chuyển mùa của thiên nhiên. Đọc Sang thu của Hữu Thỉnh ta chiêm ngưỡng lại những giây phút giao mùa tinh tế đầy ý vị mà bấy lâu nay ta hững hờ, đó là lúc hồn ta rung lên những cảm nhận dung dị.

Ở khổ một Hữu Thỉnh đã mang đến cho ta những cảm nhận sâu sắc về thiên nhiên những tín hiệu của mùa thu được phác hoạ bằng những đường nét rất tài hoa: Hương ổi, gió se, sương chúng chình giản dị mà thật gợi cảm.

Tín hiệu đầu tiên của mùa thu là hương ổi, thứ hương thơm quê mùa dân dã hương ổi không nồng nàn mà dịu nhẹ. Cảm nhận được hương thơm đặc trưng ấy của mùa thu, nhà thơ còn thể hiện rất khéo cái không khí trong lành của mùa thu trong mát. Trong câu thơ: Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió se. Phả vốn làm một cái gì đó đột ngột thế nhưng ở đây lại rất nhẹ bởi động thái phả ấy lại vào trong không gian gió se vô hình chứ không phải hữu hình. Bỗng nhận ra có cái gì đó như một sự phát hiện, chính sự phát hiện ra sự gần gũi thân quen ấy mà cả tuổi thơ đã thức dậy xôn xao hoài niệm. Tiếp nối tín hiệu mùa thu là hình ảnh Sương chúng chình qua ngõ. Một hình ảnh đầy ấn tượng. Sương được cảm nhận như một thực thể hữu hình có sự vận động, một sự vận động chậm rãi như đang lưu luyến chờ đợi ai hay nuối tiếc điều gì. “Chùng chình” một sự dùng dằng gợi cảnh thu sống động trong tĩnh lặng, thong thả yên bình.” Hình như thu đã về” như một sự hoài nghi, như một lời tự vấn, một sự ngơ ngác bâng khuâng. Câu thơ thể hiện sự thâm trầm kín đáo. Chính cảm giác mơ hồ và tinh tế này đã chuyên chở cái hồn của mùa thu. Nó đánh thức nơi ta những gì thật da diết.

Sau cái bỡ ngỡ ban đầu là những cảm nhận rõ nét từng sự chuyển biến của thiên nhiên. Nhà thơ như căng hết mọi giác quan để thu lấy dáng hình của độ thu sang:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

Những sự vật: Sông, chim, mây, mưa, nắng, sấm đều có sự chuyển biến. Cái dềnh dàng của sông thu sau khi đã vượt qua những thác ghềnh nhọc nhằn của mùa hạ, giờ đây là thời khắc nghỉ ngơi hiếm có, cảm giác êm đềm chậm rãi phù hợp với mùa thu, rất giống với câu thơ của Trịnh Kim Chi: “Sông Hương như mới vừa say khướt tỉnh dậy trôi về phía gió may”. Nổi bật trên cái nền bình lặng của sông thu là những đàn chim vội vã chuẩn bị bay đi tránh rét, không gian trở nên xôn xao. Hai biểu hiện ngược chiều nhau giữa nhanh và chậm giữa từ từ và vội vã của dòng sông và cánh chim, đó là sự khác biệt của vạn vật lúc giao thời, tín hiệu mùa thu vì vậy mà trở nên rõ nét hơn.

Mời tham khảo tài liệu liên quan

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 24: Nói với con

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 24: Nghĩa tường minh và hàm ý

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 24: Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Giải bài tập Ngữ văn lớp 9 bài 24: Cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ

Đánh giá bài viết
1 504
Sắp xếp theo

Soạn Văn 9 - Văn 9

Xem thêm