Giải bài tập SGK GDCD 7 bài 17: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Bài tập môn GDCD lớp 7

Giải bài tập SGK GDCD 7 bài 17: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được VnDoc sưu tầm và đăng tải, tổng hợp lý thuyết. Đây là lời giải hay cho các câu hỏi trong sách giáo khoa nằm trong chương trình giảng dạy môn GDCD lớp 7. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các em học sinh.

Câu 1:

a) Nước ta - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời từ bao giờ và khi đó ai là Chủ tịch nước?

Trả lời

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

b) Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời là thành quả cùa cuộc cách mạng nào? Cuộc cách mạng đó do Đáng nào lãnh đạo?

Trả lời

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

c) Nước ta đổi tên là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào năm nào? sao đổi tên như vậy?

Trả lời

Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội nước Việt Nam đã quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khi đất nước ta được hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoàn toàn thống nhất, cả nước bước vào thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

d) Hãy cho biết Nhà nước ta là Nhà nước của ai?

Trả lời

Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Câu 2:

a) Bộ máy nhà nước được phân chia thành mấy cấp? Tên gọi của từng cấp?

Trả lời

Bộ máy nhà nước là một hệ thống tổ chức bao gồm các cơ quan nhà nước từ cấp trung ương đến cấp cơ sở (cấp xã, phường, thị trấn)

Bộ máy nhà nước được phân chia thành 4 cấp:

  • Cấp trung ương
  • Cấp tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương)
  • Cấp huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh)
  • Cấp xã (phường, thị trấn)

b) Bộ máy nhà nước cấp trung ương gồm có những cơ quan nào?

Trả lời

Bộ máy nhà nước cấp trung ương gồm có: Quốc hội, chính phủ, tòa án nhân dân tối cao, viện kiểm soát nhân dân tối cao.

c) Bộ máy nhà nước cấp tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) gồm có những cơ quan nào?

Trả lời

Bộ máy nhà nước cấp tỉnh (thành phố thuộc trung ương) gồm:

  • Hội đồng nhân dân tỉnh (thành phố thuộc trung ương)
  • Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố thuộc trung ương)
  • Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố thuộc trung ương)
  • Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (thành phố thuộc trung ương)

d) Bộ máy nhà nước cấp huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) gồm có những cơ quan nào?

Trả lời

Bộ máy nhà nước cấp huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh) gồm:

  • Hội đồng nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh)
  • Ủy ban nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh)
  • Tòa án nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh)
  • Viện kiểm sát nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh)

đ) Bộ máy nhà nước cấp xã (phường, thị trấn) gồm có những cơ quan nào?

Trả lời

  • Hội đồng nhân dân xã (phường, thị trấn)
  • Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn)

Câu 3:

a) Bộ máy nhà nước ta gồm những loại cơ quan nào?

Trả lời

Bộ máy nhà nước gồm những loại cơ quan:

  • Các cơ quan quyền lực, đại biểu của nhân dân.
  • Các cơ quan hành chính nhà nước
  • Các cơ quan xét xử
  • Các cơ quan kiểm sát

b) Mỗi loại cơ quan gồm những cơ quan cụ thể nào? Kể tên các cơ quan đó.

Trả lời

Cơ quan quyền lực đại biểu của nhân dân bao gồm:

  • Quốc hội
  • Hội đồng nhân dân tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương)
  • Hội đồng nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh)
  • Hội đồng nhân dân xã (phường, thị trấn)

Cơ quan hành chính nhà nước gồm:

  • Chính phủ
  • Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương)
  • Ủy ban nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh)
  • Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn)

Các cơ quan xét xử gồm

  • Tòa án nhân dân tối cao
  • Tòa án nhân dân tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương)
  • Tòa án nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh)
  • Các tòa án quân sự

Cơ quan kiểm sát gồm

  • Viện kiểm sát nhân dân tối cao
  • Viện kiểm sát nhân dân tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương)
  • Viện kiểm sát nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh)
  • Các viện kiểm sát quân sự

c) Vì sao Quốc hội được gọi là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất?

Trả lời

Vì Quốc hội là cơ quan bao gồm những người có tài, có đức do nhân dân lựa chọn bầu ra, đại diện cho mình để tham gia những việc quan trọng nhất của nhà nước như:

  • Làm Hiến pháp và Luật để quản lí nhà nước, quản lí xã hội.
  • Quyết định các chính sách cơ bản về đối nội (kinh tế - xã hội, tài chính, an ninh, quốc phòng...) và đối ngoại của đất nước.
  • Quyết định những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và hoạt động của công dân.

d) Vì sao Hội đồng nhân dân được gọi là cơ quan đại biểu của nhân dân địa phương và là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương?

Trả lời

Bởi vì, Hội đồng nhân dân là cơ quan bao gồm những người có tài, có đức do nhân dân từng địa phương lựa chọn và bầu ra, đại diện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương để tham gia công việc của nhà nước ở địa phương.

đ) Vì sao Chính phủ được gọi là cơ quan chấp hành của Quốc hội?

Trả lời

Chính phủ được gọi là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Vì Chính phủ do Quôc hội bầu ra để điều hành công việc hành chính nhà nước trong toàn quốc. Chính phủ được giao những nhiệm vụ sau:

  • Tổ chức thi hành Hiến pháp, các luật và nghị quyết của Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội
  • Tổ chức điều hành thống nhất trong toàn quốc việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và đối ngoại, nhằm làm cho đất nước phát triển, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

e) Vì sao Ủy ban nhân dân được gọi là cơ quan chấp hành của Hội đổng nhân dân?

Trả lời

Vì ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu ra để quản lí, điều hành những công việc nhà nước ở địa phương theo đúng hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

g) Theo em, công dân có quyền và nghĩa vụ gì đối với đại biểu do mình bầu ra và đối với cơ quan nhà nước?

Trả lời

Quyền:

  • Làm chủ.
  • Giám sát các đại biểu và các cơ quan đại diện do mình bầu ra.
  • Góp ý kiến vào hoạt động của các đại biểu và các cơ quan đại diện do mình bầu ra.

Nghĩa vụ:

  • Công dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật của nhà nước.
  • Bảo vệ các cơ quan nhà nước
  • Giúp đỡ các cán bộ nhà nước thi hành công vụ

Câu 4:

a) Giải thích vì sao Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân?

Trả lời

Nhà nước ta là thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 do nhân dân ta tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bộ máy Nhà nước ta do nhân dân bầu ra. (nhân dân bầu ra đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp). Nhà nước hoạt động vì lợi ích của nhân dân.

b) Theo em, những cơ quan nào trong bộ máy nhà nước ta được gọi là cơ quan đại biểu của nhân dân và là cơ quan quyển lực nhà nước? Cơ quan nào là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất? Tại sao?

Trả lời

Những cơ quan trong bộ máy nhà nước được gọi là cơ quan đại biểu của nhân dân và là cơ quan quyền lực của nhà nước: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội.

Bởi vì. Quốc hội là cơ quan bao gồm những người có tài, có đức do nhân dân lựa chọn bầu ra, đại diện cho mình để tham gia làm những công việc quan trọng nhất của nhà nước như:

  • Làm Hiến pháp và Luật để quản lí nhà nước quản lí xã hội.
  • Quyết định các chính sách cơ bản về đối nội (kinh tế - xã hội, tài chính, an ninh, quốc phòng...) và đôi ngoại của đất nước.
  • Quyết định các nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và hoạt động của công dân.

c) Những cơ quan nào được gọi là cơ quan hành chính nhà nước? Cơ quan nào là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất?

Trả lời

Những cơ quan hành chính nhà nước bao gồm: Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp. Cơ quan hành chính nhà nước cao nhất là Chính phủ.

d) Em hãy chọn câu trả lời mà em cho là đúng.

- Chính phủ làm nhiệm vụ:

(1) Biểu quyết thông qua Hiến pháp, luật

(2) Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật.

- Chính phủ do

(1) Nhân dân bầu ra

(2) Quốc hội bầu ra.

- Ủy ban nhân dân do:

(1) Ủy ban nhân dân cấp trên bầu ra

(2) Nhân dân bầu ra

(3) Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra.

Trả lời

  • Chính phủ làm nhiệm vụ: (2)
  • Chính phủ do: (2)
  • Ủy ban nhân dân do: (3)

đ) Vì sao công dân có nghĩa vụ tuân theo pháp luật?

Trả lời

  • Nhà nước ban hành luật và đặt ra các quy định pháp luật để quán lí nhà nước, quản lí xã hội.
  • Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân lập nên, hoạt động vì lợi ích của nhân dân vì thế công dân có quyền và trách nhiệm giám sát, góp ý kiến vào hoạt động của các đại biểu và các cơ quan đại diện do mình bầu ra, đồng thời có nghĩa vụ thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ các cơ quan nhà nước, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các cán bộ, công chức nhà nước thi hành công vụ.

e) Em hãy kể một số việc mà bản thân hay gia đình em đã đến cơ quan nhà nước để giải quyết?

Trả lời

Một số việc mà bản thân hay gia đình em đã đến cơ quan nhà nước để giải quyết như: đăng ký kết hôn của bố mẹ, làm giấy khai sinh cho em, xin các loại giấy tờ được sự đồng ý của xã, phường.

Đánh giá bài viết
8 3.242
Sắp xếp theo

    Lớp 7 môn khác

    Xem thêm