Giải bài tập SGK Giáo dục công dân 10 bài 12

Giải bài tập SGK Giáo dục công dân 10 bài 12: Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình

Giải bài tập SGK Giáo dục công dân 10 bài 12: Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình được VnDoc sưu tầm và đăng tải, tổng hợp bài tập và lời giải ngắn gọn của các câu hỏi trong sách giáo khoa nằm trong chương trình giảng dạy môn Giáo dục công dân lớp 10. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh. Mời các quý thầy cô và các bạn cùng tham khảo

Bài 1 trang 86 GDCD 10: Hiện nay, trong học sinh có những bạn nam và nữ chơi thân với nhau và giúp đỡ nhau trong học tập cũng như trong hoạt động hàng ngày. Chúng ta có nên gán ghép và cho rằng hai bạn đó yêu nhau hay không? Theo em, ở lứa tuổi này đã nên yêu đương hay chưa? Vì sao?

Trả lời:

- Chúng ta không nên gán ghép rằng hai bạn đó yêu nhau vì như vậy là nhầm lẫn giữa tình yêu và tình bạn, dễ khiến hai bạn nảy sinh những hiểu lầm, ngại ngùng, ảnh hưởng xấu đến tình bạn.

- Theo em, ở lứa tuổi này chưa nên yêu vì nhiệm vụ chính là học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân; chỉ nên giữ ở tình bạn trong sáng, hồn nhiên.

Bài 2 trang 86 GDCD 10: Trong bài học nêu lên một số điều nên tránh trong tình yêu. Em có đồng ý với những điều đó không? Nếu có ý kiến gì khác, em hãy cho biết ý kiến của mình.

Trả lời:

- Em đồng ý với những điều nên tránh trong tình yêu.

- Vì nếu yêu quá sớm, yêu một lúc nhiều người, yêu để chứng tỏ khả năng chinh phục bạn khác giới hoặc yêu đương vì mục đích vụ lợi, quan hệ tình dục trước hôn nhân có thể dẫn đến những hệ lụy và hậu quả xấu, ảnh hưởng đến tâm lí, sức khỏe, sự nghiệp tương lai của bản thân. Vì vậy trước khi yêu đương cần suy nghĩ chín chắn, có đủ kiến thức về sức khỏe, tâm lí, biết tự chịu trách nhiệm với những hành động của mình.

Bài 3 trang 86 GDCD 10: Hiện nay, có một số người chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không muốn đăng kí kết hôn vì ngại sự ràng buộc của pháp luật. Em có đồng tình với cách sống này không? Vì sao?

Trả lời:

- Em không đồng tình với cách sống này.

- Vì sống với nhau như vợ chồng nhưng không kết hôn theo quy định của pháp luật thì không được coi là vợ chồng.

- Việc chung sống như vợ chồng khi chưa đăng kí kết hôn sẽ gây ra những hậu quả xấu về sức khỏe, tâm lí, ảnh hưởng tới gia đình và người thân.

- Lối sống này phản ánh sự thiếu tinh thần trách nhiệm với bản thân và xã hội.

Bài 4 trang 86 GDCD 10: Theo em, điểm khác biệt lớn nhất trong chế độ hôn nhân hiện nay ở nước ta với chế độ hôn nhân trong xã hội phong kiến trước đây là gì?

Trả lời:

Điểm khác biệt lớn nhất của chế độ hôn nhân hiện nay ở nước ta với chế độ hôn nhân trong xã hội phong kiến trước đây là hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

- Chế độ hôn nhân nước ta hiện nay:

+ Hôn nhân 1 vợ 1 chồng, vợ chồng hoàn toàn bình đẳng.

+ Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ dựa trên tình yêu chân chính: Tự nguyện: Cá nhân tự do kết hôn theo luật định; tiến bộ: bảo đảm về mặt pháp lí (có đăng kí kết hôn). Hôn nhân tự nguyện và tiến bộ còn thể hiện ở việc bảo đảm nguyên tắc tự do li hôn.

- Chế độ hôn nhân trong xã hội phong kiến trước kia:

+ Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng.

+ Hôn nhân cho cha mẹ sắp đặt, tiêu chuẩn là sự môn đăng hộ đối.

+ Trong nhà người chồng có vai trò quan trọng nhất, phụ nữ không có tiếng nói.

+ Nữ thập tam, nam thập lục (tảo hôn).

Bài 5 trang 86 GDCD 10: Trước đây, quan niệm về một gia đình có phúc là “con đàn, cháu đống”. Em thấy quan niệm này còn phù hợp trong xã hội ngày nay không? Vì sao?

Trả lời:

- Quan niệm này không còn phù hợp trong xã hội ngày nay.

- Vì:

+ Trước đây, nền kinh tế nông nghiệp lúa nước cần nhiều sức lao động nên các gia đình nhiều con sẽ có lợi trong sản xuất, hỗ trợ kinh tế gia đình.

+ Ngày nay, kinh tế phát triển hơn, tuy vậy sinh nhiều con sẽ tạo nên gánh nặng cho kinh tế gia đình, tạo áp lực về dân số cho xã hội.

Bài 6 trang 86 GDCD 10: Em hãy sưu tầm một số câu ca dao, tục ngữ về tình yêu, hôn nhân và gia đình.

Trả lời:

- “Tay bưng chén muối đĩa gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”

- “Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”

- “Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”

- “Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn”

- “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”

Đánh giá bài viết
1 1.166
Sắp xếp theo

    Giải bài tập Địa lí 10 ngắn nhất

    Xem thêm