Giải bài tập SGK Giáo dục công dân 7 bài 16

Giải bài tập SGK Giáo dục công dân 7 bài 16: Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo

Giải bài tập SGK Giáo dục công dân 7 bài 16: Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo được VnDoc sưu tầm và đăng tải, tổng hợp lý thuyết và lời giải ngắn gọn của các câu hỏi trong sách giáo khoa nằm trong chương trình giảng dạy môn Giáo dục công dân lớp 7. Hi vọng rằng đây sẽ là những tài liệu hữu ích trong công tác giảng dạy và học tập của quý thầy cô và các bạn học sinh.

Trả lời Gợi ý GDCD 7 Bài 16 trang 52

a) Hãy kể tên một số tôn giáo mà em biết.

Trả lời:

Ấn Độ giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái, Hồi giáo...

b) Thế nào là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo?

Trả lời:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

c) Thế nào là mê tín dị đoan? Tại sao phải chống mê tín dị đoan?

Trả lời:

- Mê tín dị đoan là tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không phù hợp với lẽ tự nhiên (tin vào bói toán, chữa bệnh bằng phù phép...) dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về sức khoẻ, thời gian, tài sản, tính mạng.

- Mê tín dị đoan là một biểu hiện của suy thoái, tác động tiêu cực đối với sự phát triển của xã hội, làm cho đời sống văn hóa tinh thần của xã hội vẩn đục, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Vì vậy cần đấu tranh chống mê tín, dị đoan.

d) Pháp luật của Nhà nước ta quy định như thế nào về quyền tự do tín ngưỡng?

Trả lời:

Nhà nước ta luôn quan tâm đến tôn giáo, tôn trọng hoạt động của các tôn giáo vì vậy đã có những chủ trương, chính sách thích hợp với tôn giáo trong từng thời kì:

- Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII: Tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của dân; Thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc...

- Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Điều 24 quy định: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật...

đ) Theo em, tín ngưỡng, tôn giáo khác mê tín dị đoan như thế nào?

Trả lời:

- Tôn giáo là niềm tin vào đối tượng siêu hình, mà những người cùng niềm tin này đã quy tụ lại thành tổ chức, có nhiệm vụ truyền giáo, có giáo luật chặt chẽ...Ví dụ: tôn giáo Cao đài.

- Tín ngưỡng là niềm tin vào đối tượng siêu hình, chưa quy tụ thành tổ chức, chưa có người truyến giáo, chưa có giáo luật...Ví dụ: tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

- Mê tín dị đoan là những niềm tin mang tính chất mê muội, cực đoan, kỳ dị vào các đối tượng siêu hình. Ví dụ: niềm tin có ma.

Trả lời Câu hỏi GDCD 7 Bài 16 trang 53, 54

a) Theo em, người có đạo có phải là người có tín ngưỡng không?

Trả lời:

Người có đạo là người có tín ngưỡng. Vì bất kì đạo nào đó suy cho cùng đều là tôn giáo, mà tôn giáo là hình thức tổ chức tín ngưỡng cao.

b) Hãy phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo với mê tín dị đoan.

Trả lời:

Xét về giống nhau thì mê tín dị đoan và tín ngưỡng, tôn giáo đều tin vào một điều thần bí, hư ảo, vô hình. Nhưng:

- Mê tín, dị đoan lại tin một cách thái quá, không hợp với lẽ thường, được lập ra để lợi dụng lòng tin của người khác và hoạt động vì mục đích kiếm tiền là chính.

- Khác với mê tín, dị đoan, tín ngưỡng - tôn giáo hướng cho chúng ta đến vs những điều tốt đẹp, làm cho con người tin tưởng những quan niệm giáo lí đúng với lẽ tự nhiên như ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ.

c) Những hành vi như thế nào là vi phạm pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo?

Trả lời:

Những hành vi nhạo báng, thiếu tôn trọng, nghiêm cấm các tôn giáo hoạt động là những hành vi vi phạm pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Ví dụ:

+ Thu hồi trái phép tài sản của tôn giáo.

+ Nhạo báng một tôn giáo nào đó.

+ Nghiêm cấm các tôn giáo tổ chức các hoạt động...

d) Chính sách tôn giáo và pháp luật của Nhà nước ta đã quy định như thế nào về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo?

Trả lời:

Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Điều 24 quy định:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

đ) Em sẽ làm gì để thực hiện tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân?

Trả lời:

Để thực hiện tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân em sẽ:

+ Không nhạo báng các tôn giáo khác tôn giáo của mình.

+ Tôn trọng hoạt động của các tôn giáo.

+ Có lập trường vững vàng để không bị dụ dỗ, lôi kéo....

+ Thực hiện các quy định của nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

e) Theo em những hành vi nào sau đây thể hiện sự mê tín dị đoan?

(1) Xem bói;

(2) Xin thẻ;

(3) Lên đồng;

(4) Yểm bùa;

(5) Cúng bái trước khi đi thi để được điểm cao;

(6) Thắp hương trên bàn thờ tổ tiên;

(7) Đi lễ chùa;

(8) Đi lễ nhà thờ.

Trả lời:

Các hành vi thể hiện sự mê tín: (1) (2) (3) (4) (5)

g) Theo em, trong học sinh hiện nay có hiện tượng mê tín dị đoan không? Cho ví dụ. Theo em, làm cách nào để khắc phục hiện tượng đó?

Trả lời:

Theo em, học sinh ngày nay có hiện tượng mê tín dị đoan. Chẳng hạn:

+ Rủ nhau đi xem bói về đường công danh, sự nghiệp, học hành, tình yêu.

+ Kiêng ăn trứng, thịt vịt trước khi thi.

Để không bị các hiện tượng mê tín, dị đoan ảnh hưởng. Theo em, chúng ta nên nâng cao mức hiểu biết của mình về tín ngưỡng và các vấn đề mê tín, dị đoan. Bên cạnh đó, chúng ta chuyên tâm vào học hành, nâng cao tri thức, nâng cao năng lực giải quyết vấn đề để không bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Đánh giá bài viết
3 1.712
Sắp xếp theo

Giải bài tập GDCD 7 ngắn nhất

Xem thêm