Nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn lớp 7

Nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn lớp 7 với các bài văn mẫu hay và đa dạng sẽ giúp các em có thêm tài liệu tham khảo, để học tập tốt môn Ngữ văn 7.

Dàn ý bài văn nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn lớp 7

1. Mở bài: Giới thiệu về câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”

2. Thân bài

a. Giải thích câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn”

  • “Uống nước”: Là thành quả, là kết quả của người khác, chỉ việc hưởng thụ mà không làm gì hết
  • “Nguồn”: Là nơi bắt nguồn của nguồn nước, chúng ta có thể hiểu từ dùng để thể hiện cho sự bắt nguồn của thành quả mà mình hưởng dược.

⇒ Câu tục ngữ như nhắc nhở chúng ta biết ơn những thành quả của thế hệ đi trước hay những người khác để lại

b Lí do cần phải uống nước nhớ nguồn

  • Trong cuộc sống hằng ngày, trong xã hội thì các thành công và thành quả không có cái nào là không có nguồn gốc , không do sức lao động của con người tạo nên
  • Của cải do bàn tay ta lao động tạo nên, con cái do cha mẹ tạo nên, đất nước trở nên giàu đẹp là do cha ông ta đã giữ gìn và xây dựng
  • Lòng biết ơn là một đức tính tốt, ta cần phải có lòng biết ơn

c. Cần làm gì để có được lòng biết ơn

  • Chúng ta cần tự hào với lịch sử anh hùng và truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc
  • Ra sức bảo vệ và tích cực học tập, lao động góp phần xây dựng đất nước.
  • Có ý thức gìn giữ bản sắc, tinh hoa của dân tộc Việt Nam mình và đồng thời tiếp thu một cách có chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài.
  • Có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí khi sử dụng thành quả lao động của mọi người

3. Kết bài

  • Nêu ý nghĩa của câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn”
  • Bài học kinh nghiệm rút ra từ câu tục ngữ

Viết bài văn nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn ngắn gọn

Từ xưa, dân tộc ta đã luôn gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”.

Câu tục ngữ sử dụng hình ảnh ẩn dụ: khi uống nước thì phải nhớ tới nơi tạo ra, bắt đầu của dòng nước ấy. Để nói về lòng biết ơn, kính trọng, nhớ về các thế hệ đi trước, những người đã lao động, sáng tạo để tạo ra những điều mà ta nha nhận được ngày hôm nay.

Đạo lý nhớ ơn đấy, suốt hàng trăm năm nay vẫn luôn hiện diện trong đời sống hằng ngày của mọi người. Bởi vì không có gì trên thế giới này là tự nhiên mà có. Cây xanh tốt là nhờ người chăm bón, đất nước hòa bình là nhờ các anh bộ đội, máy móc hiện đại là nhờ các nhà khoa học… Tất cả đều phải có người gây dựng nên. Vì thế ta cần phải luôn biết ơn và nhớ đến họ. Phẩm chất ấy tạo nên một con người có nhân cách tốt đẹp, cả trong lời nói và ứng xử. Giúp gắn kết mọi người lại gần với nhau hơn.

Chúng ta có thể dễ dàng gặp được sự hiện diện của lòng biết ơn. Qua các tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam ta, qua các ngày lễ tưởng nhớ, biết ơn các thầy cô, thương binh liệt sĩ, ngày của cha, ngày của mẹ… Và còn thể hiện qua từng hành động nhỏ bé như câu cảm ơn, cái ôm ấm áp, những bức thư tay, những bài hát cảm động.

Tất cả đã gián tiếp khẳng định với chúng ta rằng bài học Uống nước nhớ nguồn mà ông cha nhắn nhủ vẫn đang và sẽ được con cháu tiếp bước, kéo dài đến muôn đời.

Viết bài văn nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn mẫu 1

Người ta vẫn thường nói, dân tộc Việt Nam có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Vậy “Uống nước nhớ nguồn” là gì?

Đó là một câu tục ngữ nói về đạo lý biết ơn, nhớ ơn nguồn cội của dân tộc ta. Câu tục ngữ xuất hiện hai hành động là “uống” và “nhớ”. “Uống” là chỉ việc tiếp nhận, thụ hưởng, sử dụng những thành tựu, kết quả mà các thế hệ trước tạo ra. Còn “nhớ” là chỉ việc biết trân trọng, cảm ơn, nhớ đến công lao của những người đi trước. Nước chảy từ nguồn ra, như những thành tựu, của cải, tri thức… quanh ta có được là nhờ cha ông dày công tạo dựng. Vì thế, chúng ta cần phải có lòng biết ơn, trân trọng.

Bài học ấy từ khi còn rất bé chúng ta đã được học, được truyền đạt thông qua các bài hát, câu chuyện. Vì đó là truyền thống vô cùng quý giá của dân tộc. Ta được dạy phải viết vòng tay cảm ơn khi được cho một thứ gì đó. Phải trân trọng hạt gạo, củ khoai vì người nông dân đã rất vất vả để trồng ra chúng. Phải biết ơn các chú bộ đội đã hi sinh để bảo vệ độc lập dân tộc. Phải biết ơn các chú thợ xây đã xây đường đi, xây nhà ở, xây trường học…

Truyền thống ấy còn hiện diện qua những tập tục, ngày lễ ở trong năm của nước ta. Nhà nào cũng có bàn thờ tổ tiên để thờ cúng, cũng làm những ngày giỗ, kị. Rồi cả tục tảo mộ vào đầu năm, ngày cúng Tất Niên để mời ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng. Hay kể về những ngày lễ hội diễn ra trong năm để tưởng nhớ những người có công với đất nước, ghi công những người lao động, cống hiến hăng say. Như ngày nhà giáo, ngày thầy thuốc, ngày của cha mẹ, ngày thương binh liệt sĩ…

Qua đó, ta có thể cảm nhận được bầu không khí nhớ ơn bao trùm lên lối sống của mọi người dân nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại một bộ phận người sống trái với đạo lý đó. Họ chỉ biết hưởng thụ, mặc nhiên đòi lấy mà không hề suy nghĩ, nhớ đến người đã vất vả tạo ra thứ đó. Càng không có lòng biết ơn, quý trọng. Thật đáng phê phán, chê trách thay.

Hiện tượng đó, một phần là do chính bản thân họ chưa hiểu được ý nghĩa của truyền thống nhớ nguồn, biết ơn của dân tộc, từ đó dẫn đến hành động, suy nghĩ lệch lạc. Nhưng một phần cũng do sự ảnh hưởng của những thông tin tiêu cực, bị định hướng sai lầm tràn lan trên internet. Vì vậy, chúng ta cần phải chú trọng hơn nữa về hoạt động tuyên truyền giáo dục. Đặc biệt là qua các bộ phim, ca nhạc và trên môi trường internet.

Có như vậy, thì chúng ta mới ngày càng gìn giữ và phát triển hơn nữa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” đáng quý của dân tộc.

Viết bài văn nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn mẫu 2

Truyền thống nhớ ơn là truyền thống tốt đẹp mà bao đời nay người dân ta vẫn gìn giữ và phát huy. Từ khi còn bé, chúng ta đã được ông bà, bố mẹ dạy về bài học “Uống nước nhớ nguồn”.

Câu tục ngữ có dạng cấu trúc bốn chữ ngắn gọn vô cùng quen thuộc. Một trong các lí do tiêu biểu nhất để các câu tục ngữ ngắn như thế chính bởi muốn cho mọi người dễ nhớ, dễ truyền đạt. Hành động “uống nước” trong câu tục ngữ chính chỉ sự hưởng thụ, sử dụng những điều đã có sẵn, ở đây chỉ những sản phẩm mà thế hệ trước tạo ra. Từ đó, nhắn nhủ chúng ta phải biết “nhớ nguồn”, nghĩa là phải biết ghi nhớ, biết ơn các thế hệ đi trước đã tạo dựng cho ta những điều đã được nhận.

Bài học về sự biết ơn ấy đã in sâu vào tiềm thức của mỗi người dân ta, làm cho truyền thống tốt đẹp ấy cứ thế mà truyền qua biết bao thế hệ. Chúng ta đều hiểu rằng, để có được độc lập tự do như ngày hôm nay, biết bao chiến sĩ đã phải hi sinh thân mình. Để đất nước phát triển như thế này, bao nhiêu công nhân, nhà khoa học đã làm việc vất vả. Để có môi trường sạch đẹp, bao nhiêu cô chú lao công đã quét dọn cật lực. Để có cuộc sống bình yên, bao nhiêu chiến sĩ công an, bộ đội đã túc trực ngày đêm. Chẳng có gì là tự nhiên mà có cả. Đằng sau tất cả những thứ chúng ta được tận hưởng, dù là nhỏ bé nhất cũng có những con người cần mẫn ở phía sau. Vì vậy, chúng ta phải biết ơn và ghi nhớ những công lao, những con người đáng kính ấy.

Bài học về sự biết ơn đã được khéo léo lồng ghép vào trong các trang sách, các bài hát, các ngày lễ kỉ niệm, tưởng nhớ. Mỗi người, mỗi tổ chức lại có những hoạt động thể hiện sự biết ơn khác nhau. Như tổ chức lễ hội, biểu diễn ca nhạc; tổ chức sáng tác thơ văn, âm nhạc, hội họa; tổ chức đại hội thể thao, trồng cây; tổ chức mít-tin, đi bộ; tổ chức liên hoan, vui chơi… Tất cả tuy khác nhau về hình thức nhưng đều có một điểm chung là nhằm thể hiện sự vui vẻ, náo nhiệt và gửi gắm tấm lòng biết ơn đến thế hệ đi trước.

Lớn lên trong môi trường đậm đà truyền thống nhớ ơn, tự lúc nào em đã thấm nhuần bài học ấy. Lúc nào, em cũng biết ơn và kính trọng những người xung quanh mình đã có công tạo dựng những điều mình được tận hưởng. Em biết ơn cô lao công đã quét dọn lớp học sạch sẽ, biết ơn chú thợ xây đã xây mái che cho nhà xe của trường, biết ơn cô đầu bếp đã nấu những bữa cơm thật ngon, biết ơn cô giáo đã dạy em bài học bổ ích. Càng như thế, em lại càng khát khao được cống hiến, được làm nên một điều gì đó có ích cho xã hội, cho mọi người. Để cũng được những người khác nhớ đến và cảm ơn.

Dù cho cuộc sống hiện đại đến thế nào, thay đổi ra sao, thì bài học “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông ta vẫn sẽ mãi còn nguyên giá trị như thưở nào.

Viết bài văn nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn mẫu 3

Câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn là câu tục ngữ chứa đựng một truyền thống quý báu của đất nước ta. Đó là truyền thống nhớ ơn nguồn cội, tổ tiên.

“Uống nước” là từ chỉ hành động đón nhận, nhận lấy những thành tựu, thành quả do người khác tạo ra. Còn “nhớ nguồn” chính là hành động nhớ đến, biết ơn, kính trọng dành cho những người đã lao động, cống hiến để tạo ra thành quả cho mình đón nhận. Từ đó, câu tục ngữ khuyên nhủ chúng ta rằng cần phải biết quý trọng, biết ơn những người đã có công xây dựng nên những thứ mình được hưởng thụ ngày hôm nay.

Truyền thống nhớ ơn trong câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” là một truyền thống văn hóa tốt đẹp mà nhân dân ta vẫn luôn gìn giữ và phát huy lâu nay. Nó chính là sự kết nối giữa con người của các thế hệ khác lại với nhau. Những người đi trước đã tạo ra, khám phá ra những công trình, những bài học, những liều thuốc, những vùng đất mới… để ngày hôm nay, chúng ta được sử dụng. Quá trình ấy, không hoàn toàn là bằng phẳng mà có những chông gai, mất mát. Vì vậy, chúng ta cần phải biết quý trọng những gì chúng ta đang có, và luôn nhớ đến công lao của các thế hệ đi trước.

Tinh thần nhớ ơn ấy luôn thấm nhuần trong mỗi cá nhân chúng ta ngay từ tấm bé. Nó đi vào tiềm thức qua các bài học ở trường, các ca khúc, bộ phim, câu chuyện vẫn được nghe, được kể, được chứng kiến hằng ngày. Chính điều đó đã gián tiếp thể hiện được sự coi trọng của nhân dân ta với cội nguồn, tổ tiên. Và trực tiếp hơn, thì ta dễ dàng nhận biết truyền thống nhớ ơn ấy qua các ngày lễ, ngày kỉ niệm và tôn vinh những thế hệ đi trước. Như ngày thầy thuốc, ngày quân đội, ngày nhà giáo, ngày phụ nữ, ngày của cha mẹ… Và rõ nét hơn nữa, chính là những ngày Tết Nguyên Đán, Tết Độc lập. Vào những ngày ấy, mọi người cùng nhau chúc tụng, ca ngợi những người đã có công cống hiến cho đất nước, cho gia đình. Và thể hiện niềm kính yêu của mình qua những món quà, ca khúc, qua các mâm cúng thịnh soạn và sự tụ hội, sum vầy của cả gia đình.

Chính truyền thống nhớ ơn ấy, đã giúp gắn kết các thế hệ và mọi người lại với nhau. Đồng thời, thôi thúc các thế hệ sau noi gương thế hệ trước mà tiếp tục cố gắng phấn đấu hơn nữa. Điều đó hiện diện qua các phong trào lao động học tập hăng say của chúng em và tất cả mọi người.

Cho đến hôm nay, và cả mai sau nữa, truyền thống nhớ ơn vẫn sẽ mãi được giữ gìn và phát huy trong lòng người dân Việt. Đúng như những gì cha ông ta vẫn luôn nhắn nhủ “Uống nước nhớ nguồn”.

Viết bài văn nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn mẫu 4

Từ xưa, ông cha ta đã sáng tạo ra rất nhiều những câu ca dao, tục ngữ, ẩn chứa các bài học tinh thần quan trọng và ý nghĩa. Những bài học ấy được truyền đạt một cách ngắn gọn và dễ hiểu. Tiêu biểu như câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn.

“Uống nước” là hành động nhận lấy, hưởng thụ những thành quả, hiện vật do người khác tạo nên. Còn “nhớ nguồn” chính là suy nghĩ, hành động luôn nhớ đến, ghi nhớ và biết ơn những người, những tập thể đã tạo ra thành quả cho chúng ta sử dụng. Như vậy, qua câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn, ông cha đã dạy chúng ta bài học về sự biết ơn trong cuộc sống này.

Trong xã hội hiện nay, gần như tất cả mọi thứ đều trải qua bàn tay lao động của con người. Từ nước uống, đồ ăn, bàn ghế, sách vở, chương trình tivi, áo quần, nhà cửa, đường đi… Tất cả đều là thành quả từ sức lao động của con người, chẳng có gì là tự nhiên mà có cả. Mà những thứ đó, ai trong chúng ta mà không sử dụng chứ. Ai cũng phải đi đường, cũng phải ăn uống, cũng phải mặc áo quần, cũng phải giải trí… Vì vậy, khi hưởng thụ những sản phẩm ấy, chúng ta cũng cần ghi nhớ, biết ơn công lao những người đã làm ra nó. Không chỉ thế, quan trọng hơn, chúng ta còn cần biết ơn, cảm tạ những người đã ra tay nâng đỡ, giúp đỡ chúng ta, dù là những điều nhỏ nhặt nhất.

Lòng biết ơn được thể hiện từ trong những suy nghĩ của chúng ta, rồi mới đến những hành động cụ thể. Đôi khi, chúng ta quên thể hiện lòng biết ơn của mình đối với người khác. Hai từ cảm ơn chính là một cách thể hiện lòng biết ơn dễ dàng nhất. Như khi nhận được một chiếc bánh thơm ngon từ người bán hàng, ta nói cảm ơn. Khi bước vào một căn phòng được cô lao công quét dọn sạch sẽ, ta nói cảm ơn. Rộng lớn hơn nữa, là chúng ta có những hành động thực tế để thể hiện lòng biết ơn của mình. Khi biết ơn người nông dân cực khổ trồng lúa, ta nâng niu từng hạt gạo chứ không bỏ phí. Khi biết ơn những người lính đã hi sinh vì độc lập tự do của đất nước, thì ta cố gắng rèn luyện, học tập thật tốt để giúp đất nước phát triển vững mạnh. Khi tất cả mọi người sống với trái tim biết cảm ơn những gì mình đã nhận được, biết hành động để thể hiện sự biết ơn đó, thì xã hội này sẽ trở nên bình yên và hạnh phúc biết mấy.

Dù vậy, hiện nay, vẫn tồn tại một nhóm người sống mà không hề có một sự biết ơn nào với những thứ mình nhận được. Họ mặc nhiên hưởng thụ, tiêu xài một cách phung phí. Không hề nghĩ đến công sức mà người khác đã bỏ ra, đồng thời cũng chẳng nghĩ ngợi gì đến việc cảm ơn những người ấy. Thật là đáng chê trách.

Là một học sinh, em đã được lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của ông bà, cha mẹ. Mỗi món ăn, chiếc áo, quyển sách được sử dụng, em đều nâng niu và quý trọng. Bởi em thấu hiểu được những vất vả, công sức mà người lao động đã bỏ ra.

Biết ơn là một đức tính đáng quý của con người. Hiểu được điều đó, ông cha ta đã gói ghém bài học quý giá vào trong câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn.

Viết bài văn nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn mẫu 5

Dân tộc ta từ xưa đến nay được biết đến với những truyền thống đạo đức tốt đẹp và quý giá. Như truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết, truyền thống trung thực… Trong đó, không thể không nhắc đến truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.

Vậy “Uống nước nhớ nguồn” là gì? Đó là một câu nói với những hình ảnh ẩn dụ, giúp cô đọng lại một bài học quý giá trong một câu tục ngữ ngắn gọn. “Nước” chính là từ chỉ những tài nguyên, những điều tốt đẹp mà ta được nhận từ người khác. Đó có thể là những món đồ vật chất cụ thể, nhưng cũng có thể chỉ là những lời nói động viên, những cái ôm, những cái nâng đỡ khi cần. Quan trọng là nó đã đem lại và giúp cho chúng ta một điều gì đó. Còn “nguồn” , đó là nơi tạo ra những thứ mà chúng ta tận hưởng, nhận được. Đó chính là những con người đã chia sẻ, đã tạo ra cái cho chúng ta được nhận. Đại ý câu tục ngữ đã răn dạy chúng ta bài học về lòng biết ơn, rằng khi nhận lại thì phải biết cảm ơn, trân trọng người cho đi.

Lòng biết ơn là thái độ, là suy nghĩ, là hành động biết trân trọng, nâng niu và cảm ơn những gì chúng ta được nhận, dù lớn hay bé. Ngay từ khi sinh ra, chúng ta đã được nhận rồi. Nhận tình thương của cha mẹ, nhận dòng sữa mát lành của mẹ, nhận cái ôm vững chãi của cha, nhận không khí trong lành của trái đất, nhận trái ngọt của thiên nhiên… Chính vì thế, chúng ta cần phải biết nuôi dưỡng cho mình một tấm lòng biết ơn. Để biết cảm ơn những người đã ban cho mình, để biết trân trọng những gì mình nhận được. Khi đó, tình cảm giữa con người và con người sẽ tự nhiên mà trở nên yêu thương, gần gũi. Mọi người khi trao đi và được nhận lại lòng biết ơn thì sẽ cảm thấy ấp áp, thỏa mãn và rồi lại tiếp tục trao đi. Cứ như thế, cả xã hội sẽ trở nên tuyệt vời biết mấy.

Dù ý nghĩa và giá trị của lòng biết ơn vẫn luôn hiện tồn rõ mồn một đến vậy, nhưng cũng chẳng khó khăn gì để tìm ra một cá thể không có lòng biết ơn ở giữa xã hội này. Đó là những con người vô tư nhận về cho bản thân mình, vô tư hưởng thụ những gì người khác mang lại, mà chẳng bao giờ có sự biết ơn, trân trọng và suy nghĩ hồi báo lại. Như những đứa trẻ vô tư hưởng thụ tình thương, sự hi sinh của cha mẹ mà chẳng có sự biết ơn, quý trọng, suốt ngày chìm trong trò chơi, bỏ mặc cha mẹ vất vả. Thật là sai trái và tai hại, cần chấn chỉnh ngay.

Bản thân em, là một học sinh lớp 7, em vẫn luôn cố gắng nuôi dưỡng cho mình một tâm hồn đẹp. Từ những bài học mà thầy cô, bố mẹ dạy dỗ. Đặc biệt là lòng biết ơn. Từ những điều nhỏ bé đến to lớn trong cuộc sống. Như biết cảm ơn khi được xe ô tô nhường sang đường, biết cảm ơn khi được thầy cô chỉ bảo, biết cảm ơn khi được bố mẹ quan tâm, chăm sóc… Và cũng từ đó, dấy lên trong em khát vọng được chia sẻ với người khác, để ai cũng được sống trong bầu yêu thương giống như mình.

Càng học tập, rèn luyện, em càng thấm nhuần được lối sống ấm áp mà cha ông gửi gắm trong câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn. Đây thực sự là một bài học ý nghĩa và giá trị còn trường tồn mãi với thời gian.

Viết bài văn nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn mẫu 6

Dân tộc Việt Nam ta có một kho tàng ca dao tục ngữ vô cùng đồ sộ. Ở đó chứa đựng biết bao tinh hoa của dân tộc ta, với những lời răn, lời dạy, lời nhắn nhủ mà cha ông truyền lại cho con cháu. Một trong những bài học đầu tiên mà đứa trẻ nào cũng được dạy, chính là Uống nước nhớ nguồn.

Nước ở đây là hình ảnh ẩn dụ cho những tài nguyên, những điều tốt đẹp mà chúng ta được nhận, được hưởng từ người khác. Nguồn dùng để chỉ người, hay cái gốc, cái nơi đã tạo ra thứ mà chúng ta đang được tận hưởng, được hưởng thụ. Câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn muốn nói với chúng ta về sự biết ơn. Rằng, khi tận hưởng, sử dụng bất kì thứ gì chúng ta cũng cần biết ơn người đã tạo ra nó.

Vậy biết ơn là gì? Biết ơn chính là sự trân trọng, giữ gìn, nâng niu, tự hào và cảm kích dành cho những điều, những thứ mà ta được nhận. Dù đó là điều lớn lao hay nhỏ bé, dù người trao cho chúng ta có cần sự biết ơn hay không. Biết ơn là hành động một chiều, được xuất phát từ chính trái tim chúng ta mà không cần ai đòi hỏi. Đó mới thực sự là lòng biết ơn.

Lòng biết ơn thực sự rất quan trọng đối với cuộc sống của con người. Thử tưởng tượng mà xem, nếu như mọi người đều sống mà không có lòng biết ơn thì sao nhỉ? Những người lao công bận rộn, vất vả dọn dẹp cả ngày nhưng chẳng ai để tâm, vẫn xả rác vô tư. Những người mẹ đi làm về vôi vã chuẩn bị cơm tối, người con lại chẳng để tâm đến. Những người bộ đội liều mình giúp dân trong cơn bão lũ chẳng màng hiểm nguy nhưng không ai biết ơn. Nếu thật là như vậy, thì tình người, mối quan hệ giữa người với người sẽ trở nên nhạt nhòa dần. Và sẽ chẳng có ai buồn cống hiến, buồn chia sẻ, trao đi vô điều kiện nữa. Chính nhờ đó, ta hiểu được sức mạnh của lòng biết ơn. Nó đem con người lại gần hơn với nhau, giúp tình người trở nên nồng thắm. Một người sống biết ơn, chính là người sống thấu tình đạt lý với trái tim nhân hậu.

Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng sống với lòng biết ơn trong mình. Vẫn tồn tại một nhóm người sống vô tư, cho rằng những điều mình được hưởng là hiển nhiên. Rằng dọn dẹp là việc người lao công phải làm, giúp dân đương nhiên là việc của bộ đội, chăm sóc con cái là việc tất nhiên của người mẹ. Họ cứ vô tư hưởng thụ mà không hề biết ơn hay trân trọng. Đó là thái độ và tư tưởng hết sức lệch lạc, cần thay đổi ngay.

Bản thân em, từ nhỏ vẫn luôn thấm nhuần bài học Uống nước nhớ nguồn mà cha ông đã dạy. Em sống chan hòa và luôn có lòng biết ơn với những gì mình được nhận. Thấu hiểu sự vất vả, khó nhọc của mọi người, mỗi cốc nước, mỗi đoạn đường sạch em luôn trân quý và cố gắng giữ gìn, tiết kiệm hết sức có thể. Điều đó khiến bản thân em cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Cảm thấy mình đã giúp được một phần nhỏ nào đó cho những người xung quanh mình.

Uống nước nhớ nguồn là bài học quý giá dành cho tất cả mọi người. Giúp chúng ta rèn luyện cho mình một phẩm chất tốt và trong sạch.

Viết bài văn nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn mẫu 7

Uống nước nhớ nguồn là một câu tục ngữ đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam bao đời nay. Dưới hình thức rất đỗi giản dị, câu tục ngữ này là bài giáo dục về nhân cách làm người của cha ông ta, thể hiện sâu sắc truyền thống đạo lí của người Việt Nam: luôn luôn trân trọng, biết ơn người đi trước.

Giải thích câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn

Theo nghĩa đen, “nguồn” là nơi bắt đầu của dòng nước. Theo nghĩa bóng, “nguồn” là ẩn dụ chỉ công lao tạo lập nên những thành quả của con người đi trước dành cho các thế hệ sau. “Nước có nguồn” nên “uống nước” hiểu theo nghĩa bóng là thừa hưởng thành quả mà người đi trước, thế hệ trước để lại. Câu tục ngữ mượn mối quan hệ khăng khít giữa “nguồn” và “nước” trong tự nhiên để nói với chúng ta một cách thấm thía về triết lí sống: Khi hưởng thụ một thành quả nào đó, người ta phải nhớ ơn và đền ơn xứng đáng những người đã đem lại thành quả mà mình đang được hưởng.

Triết lí sống “uống nước nhớ nguồn” là hoàn toàn đúng đắn. Lẽ thường, khi hưởng thụ một thành quả, người ta thường quên đi sự khó nhọc của những người đã làm nên thành quả ấy. Chính vì thế, người lao động xưa đã chọn thời điểm “bưng bát cơm đầy” thời điểm của sự hưởng thụ - để cất lên tiếng nhắn nhủ thật thấm thía:

“Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Thì ra cái “dẻo thơm” của giờ phút hưởng thụ lại bắt nguồn từ giọt mồ hôi của:

“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”.

Mở rộng ra, mọi thành quả mà chúng ta có được hôm nay đều có nguồn gốc từ công sức của bao người. Đất nước Việt Nam hôm nay là thành quả của tổ tiên ta suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, ta lớn lên trong bao sự tích: sự tích bánh chưng, bánh giầy, sự tích tre đằng ngà với chiến công của người anh hùng làng Gióng, sự tích trầu cau, sự tích hòn Trống Mái... Mọi thứ quanh ta: trang sách, ngòi bút, con đường đến trường, hàng cây bên đường, bài giảng của thầy có... tất cả đều ẩn chứa một sự tích, nguồn gốc đều là kết tinh từ công sức của bao người. Bản thân sự trưởng thành của mỗi chúng ta cũng nhờ thầy cô, cha mẹ.

Như vậy, trong cuộc sống, không có ,thành quả nào mà không có công lao của một ai đó tạo nên. Chính vì thế, trong kho tàng tục ngữ Việt Nam luôn có những lời thấm thía nhắc nhở ta về lòng biết ơn với người nghệ sĩ và công lao của những người đi trước:

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Và:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Hoặc:

Không thầy đố mày làm nên.

Triết lí sống “uống nước nhớ nguồn” đã hóa thân thành những tập tục đẹp đẽ của người Việt Nam. Biết ơn các vua Hùng dựng nước, dân ta có ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Biết ơn các thương binh, liệt sĩ đã đổ xương máu để giữ hòa bình, chúng ta có ngày 27-7. Triết lí sống “uống nước nhớ nguồn" đã trở thành bản lĩnh sống, là một nét nhân cách đẹp đẽ. Nguyễn Trãi ăn "lộc" vua nhưng lại tâm niệm “đền ơn kẻ cấy cày”. Trần Đăng Khoa biết từ những khó nhọc của cha mẹ để thấy rõ hơn trách nhiệm của mình:

“Áo mẹ mưa bạc màu
Đầu mẹ nắng cháy tóc
Mẹ ngày đêm khó nhọc
Con chưa ngoan chưa ngoan”

(Khi mẹ vắng nhà)

Trong thực tế, không phải không có những kẻ vô ơn, thậm chí quay lưng phản bội lại những người đã có công lao đối với mình. Đó là những kẻ ích kỉ, giả dối, như nhân vật Lí Thông trong truyện cổ tích “Thạch Sanh”. Những kẻ vô ơn đó bị xã hội khinh ghét và sớm muộn cũng sẽ phải trả giá cho sự vô ơn của mình.

Dạy cho con người lòng biết ơn, câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” có một giá trị nhân văn đẹp đẽ. Lòng biết ơn khiến con người biết sống thủy chung, ân nghĩa. Nhờ lòng biết ơn mà các thế hệ kết nối với nhau bởi tình người. Lòng biết ơn khi hóa thân thành hành động cụ thể là động lực đề giữ gìn, xây dựng cuộc sống ngày một đẹp hơn. Bác Hồ nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói ấy đã thể hiện cao nhất hành động “nhớ nguồn”. “Nhớ nguồn” là phải giữ gìn, bảo vệ thành quả của những người đi trước, khiến nó trở nên phóng phú, đẹp đẽ hơn. Chúng ta là thành quả của cha mẹ, thầy cô. Đến lượt mình, chúng ta phải đi xa hơn nữa, vươn tới những chân trời mới. Có như thế mới thật sự đền đáp công ơn dưỡng dục, sinh thành của thầy cô, cha mẹ. “Nhớ nguồn”, ở đây cũng đồng thời là lối sống có trách nhiệm, vị tha. Biết vì thế hệ sau - đó là biểu hiện đẹp nhất của “nhớ nguồn”. Có như thế, chúng ta chẳng những tỏ lòng biết ơn mà còn xứng đáng với nhân cách, tấm lòng của thế hệ đi trước. Một điều rất quan trọng nữa là phải biết tự tạo lập cho mình những thành quả cho thế hệ sau.

“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lí làm người được đúc kết từ bao đời nay. Đó cũng là “nguồn nước” trong trẻo mà cha ông ta đã bao đời gạn đục, khơi trong để truyền lại cho chúng ta hôm nay. Chúng ta phải biết giữ gìn “nguồn nước" ấy và biến nó thành hiện thực trong nhân cách sống và lối sống của mỗi con người. Đối với học sinh chúng ta, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi là cách đền ơn thiết thực nhất với công lao của cha mẹ, thầy cô và xã hội.

Viết bài văn nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn mẫu 8

Từ ngàn đời xưa, ông cha ta đã để lại cho thế hệ sau những bài học đáng giá và đáng để chúng ta học hỏi và suy ngẫm. Những câu ca dao tục ngữ đó được đúc kết từ những bài học kinh nghiệm quý giá. Một trong những câu tục ngữ có tính chất răn dạy con người chúng ta chính là câu tục ngữ. “Uống nước nhớ nguồn”. Ngay ở câu tục ngữ khi chúng ta đọc lên cũng có thể suy luận ra nhiều bài học đáng giá.

“Uống nước nhớ nguồn” là một câu tục ngữ đã được đúc rút từ hàng nghìn đời nay và cho tới bây giờ nó vẫn chứa đựng nhiều ý nghĩa và răn dạy cho những người thế hệ sau đặc biệt là thế hệ trẻ có bổn phận học hỏi và ghi nhớ những công ơn của những con người đi trước.

Theo nghĩa đen của câu tục ngữ. “Uống nước nhớ nguồn” thì chúng ta có thể hiểu rằng. Mỗi con sông mỗi con suối đều bắt nguồn từ một nguồn lớn và cho dù hàng trăm dòng chảy lớn bé như thế nào thì cũng bắt đầu từ một nguồn. Chính vì vậy mỗi khi chúng ta lấy nước lấy nước để ăn uống để sinh hoạt thì càng phải biết ơn những nguồn lớn đã sản sinh ra những dòng nước như bây giờ cho chúng ta sinh hoạt, cho chúng ta có để uống để tưới tiêu. Đây chính là lúc mà con người chúng ta cần phải biết ơn từ những cái đơn giản nhất, biết ơn thiên nhiên vì tạo hóa đã cho ta đã ban tặng cho ta một nguồn sống quý giá.

Câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn theo nghĩa bóng cũng mang tới cho chúng ta những bài học mang tính giáo dục sâu sắc. Câu tục ngữ khuyên răn chúng ta phải biết sống biết ơn, ghi nhớ những công lao và những gì người khác đã phải hi sinh xương máu để giành giật được. Câu tục ngữ mang ý nghĩa xuyên suốt nhiều mặt của cuộc sống của mỗi con người

Từ khi chúng ta sinh ra trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước có biết bao con người đã hi sinh và nằm xuống bỏ lại mạng sống của chính họ nơi chiến trường mà cũng có thể là viễn xứ để đánh đổi lấy cuộc sống yên bình cho những người dân Việt Nam. Và để có cuộc sống ấm no như bây giờ thì chúng ta cần biết ơn những người đã nằm xuống vì cuộc sống hòa bình hiện tại.

Bản thân chúng ta sinh ra mỗi người con người cháu lại có bổn phận phải biết ơn kính trọng những người lớn tuổi phải biết kính trên nhường dưới kính trọng ông bà cha mẹ. Họ là những người sinh ra chúng ta là người dạy dỗ chỉ bảo cho chúng ta nên người. Có họ mới có cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay.

Những hạt lúa hạt gạo thơm dẻo là công lao bao ngày chăm sóc của những người nông dân chân lấm tay bùn, khi chúng ta cầm bát cơm lên chúng ta phải biết những gì là quan trọng những gì là quý giá. Có họ chúng ta mới có cơm ăn mới có ấm no.

Những bài học làm người bắt đầu từ sự biết ơn và lời nói cảm ơn. Những hành động nhỏ nhặt đó sẽ không mất nhiều thời gian của chúng ta nhưng đổi lại thì mỗi chúng ta lại thấy bản thân làm được những điều có ý nghĩa vô cùng. Nó sưởi ấm và đổi lại nụ cười của mỗi con người trên môi. Lòng biết ơn quý trọng những người đã tạo cho mình cuộc sống này, hãy biết ơn rằng chính hôm nay bạn phải cảm ơn cha mẹ cảm ơn bạn bè cảm ơn những người nông dân vì đã cho bạn một sự sống đáng quý hơn thế.

Viết bài văn nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn mẫu 9

Qua quá trình lao động của nhân dân ta và trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã chống lại ngoại xâm và thiên tai khắc nghiệt đã lập nên bao chiến công hiển hách, những trang sử vẻ vang. Chính đặc điểm lịch sử đó đã tạo nên một truyền thống tốt đẹp và quý báu của dân tộc ta, đó là đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và trong cuộc sống ngày hôm nay lời dạy đó càng trở nên sâu sắc.

Trước hết, chúng ta phải hiểu thế nào là “uống nước nhớ nguồn”. “Uống nước” là sự thừa hưởng hoặc sử dụng thành quả lao động, đấu tranh cách mạng của các thế hệ trước. “Nguồn” chỉ nguồn gốc, nguồn cội hay có thể hiểu rộng ra là nguyên nhân dẫn đến con người hoặc tập thể làm ra thành quả đó. “Nhớ nguồn” là hành động mang tính đạo đức cao, hưởng thụ những thành quả không tự nhiên mà có. Câu tục ngữ như một lời khuyên lời nhắc nhủ của ông cha ta đối với lớp người đi sau, đối với tất cả những ai đã, đang và sẽ thừa hưởng những thành quả công lao của những người đi trước đã để lại cho ta.

Trong cuộc sống không gì gọi là tự nhiên có sẵn. Không gì là không có nguồn gốc. Và chúng ta được sống trong một xã hội hòa bình và hạnh phúc như ngày hôm nay thì đã có biết bao nhiêu mồ hôi và xương máu ông cha ta phải đổ xuống. Chúng ta đã cố gắng làm được nhiều việc để đền đáp công ơn thương binh, liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với nước. Vào dịp 27-7 hằng năm, ngày thương binh liệt sĩ, toàn Ðảng, toàn dân ta có dịp nhìn lại những việc đã làm để đền ơn đáp nghĩa thương binh, liệt sĩ. Cùng với đó là hàng loạt hoạt động tri ân khác cũng đồng loạt diễn ra với sự thành kính, biết ơn những người đã ngã xuống. Chắc khó có nơi nào trên thế giới, hoạt động đền ơn đáp nghĩa lại có sức lan tỏa rộng khắp như ở Việt Nam, “Uống nước, nhớ nguồn”… Dân tộc Việt Nam là vậy, con người Việt Nam là vậy – chung thủy, nghĩa tình. Gần gũi với chúng ta hơn đó là cha mẹ.. Ai ai cũng lớn lên qua những câu hát chứa chan tình thương của mẹ. Rồi chính bố là người dẫn dắt ta đi khắp nẻo đường đời. Tình thương của cha mẹ luôn là trời bể. Các thầy cô giáo là những người dạy dỗ chúng ta nên người. Thầy cô trang bị cho chúng ta những hành trang vững chắc nhất để vào đời, đó là kiến thức. Do đó, ai cũng rất yêu mến cha mẹ, kính trọng thầy cô, không quên công lao to lớn của họ đã giúp chúng ta khôn lớn. Một lần nữa, đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” được thể hiện cụ thể nhất. Vì thế, ‘nhớ nguồn’ là bổn phận tất yếu, là đạo lý làm người, là một tình cảm đẹp đẹp xuất phát từ trong chính mỗi con người chúng ta, xuất phát từ ý thức ghi nhớ công lao người đã tạo nên những điều tốt đẹp đến với ta.

Một đất nước, gia đình, xã hội mà giữ được đạo lí “uống nước nhớ nguồn” thì đất nước, gia đình, xã hội ấy tốt đẹp, thân ái biết bao. Song trong cuộc sống không phải ai cũng hiền lành, trung thực, đạo đức tốt, cũng có lắm kẻ giả dối, vong ân bội nghĩa những người làm ra thành quả. Câu tục ngữ thể hiện thật chính xác và sâu sắc ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn” nhằm khuyên răn những kẻ “có mới nới cũ”, “qua cầu rút ván”, “ăn cháo đá bát”,…

Mỗi khi được hưởng một thành quả nào, chúng ta phải có nghĩa vụ giữ gìn, trân trọng và phát huy những gì mà ông cha ta đã cố gắng gây dựng và bảo vệ như các bản sắc văn hóa quê hương, văn hóa dân tộc. Không chỉ có thế, chúng ta còn phải biết tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa của nhân loại để làm cho truyền thống văn hóa ta ngày càng phong phú. Bản thân là một trong những thanh niên của xã hội mới, ta phải cố gắng học tập thật nghiêm túc, cần cù lao động, tạo ra những thành quả không chỉ cho riêng chúng ta mà còn cho xã hội. Đó chính là biểu hiện cụ thể của tấm lòng “uống nước nhớ nguồn”.

“Uống nước nhớ nguồn” là lời nhắn nhủ hết sức ngắn gọn và giản dị, là bài học sâu sắc, có giá trị từ ngàn xưa và cho đến mai sau. “Uống nước nhớ nguồn” – Sống cho trọn nghĩa trọn tình: Nhớ ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, công ơn dạy dỗ của thầy cô, công ơn của những thế hệ đi trước … Từ đó phải biết học tập và làm việc sao cho xứng đáng với đạo lý làm người và truyền thống dân tộc ta.

Viết bài văn nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn mẫu 10

Từ xa xưa, Cha ông ta đã để lại cho thế hệ mai sau rất nhiều bài học quý giá và đáng để mỗi con người chúng ta phải học hỏi, suy ngẫm. Tất cả những câu ca dao đó được đúc kết từ rất nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Một trong những câu tục ngữ mà có tính chất dạy bảo, răn dạy con người chúng ta chính là câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn". Câu tục ngữ này ngay cả khi chúng ta mới đọc lên cũng có thể suy luận logic ra được rất nhiều điều đáng giá.

"Uống nước nhớ nguồn" đây là một trong những câu tục ngữ đã được các cụ ngày xưa đúc rút ra từ hàng nghìn đời nay và cho tới tận ngày nay và nó vẫn còn lưu truyền mãi mãi. Câu tục ngữ này chứa đựng rất nhiều ý nghĩa và để răn dạy cho các thế hệ mai sau đặc biệt chủ yếu là các thế hệ trẻ vẫn còn bồng bột và có bổn phận học hỏi, ghi nhớ những công ơn của các thế hệ đi trước.

Câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn" theo nghĩa đen thì chúng ta có thể hiểu rằng, mỗi con sông, mỗi con suối đều được bắt nguồn từ một nguồn lớn và cho dù có hàng trăm hàng nghìn dòng chảy lớn bé như thế nào thì cũng sẽ bắt đầu từ một nguồn. Chính vì vậy, mỗi con người chúng ta trước khi lấy nước để ăn uống, sinh hoạt thì càng phải biết ơn những nguồn lớn đã sinh ra dòng nước như bây giờ để cho chúng ta có thể sử dụng chúng nhằm vào mục đích sinh hoạt, cho chúng ta một nguồn nước dồi dào để tưới tiêu và làm nhiều điều khác. Đây cũng chính là lúc mà mỗi con người chúng ta cần phải biết ơn từ những điều đơn giản nhất, biết ơn thiên nhiên vì tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta một nguồn sống quý giá.

Câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn" theo nghĩa bóng có thể hiểu một cách sâu sắc là nó mang đến cho chúng ta những bài học mang tính giáo dục cao. Câu tục ngữ có ý khuyên răn mỗi con người chúng ta phải biết sống biết ơn, phải ghi nhớ những công lao và những gì thế hệ trước đã phải hi sinh xương máu mới giành giật được. Câu tục ngữ này mang ý nghĩa xuyên suốt nhiều mặc trong cuộc sống của mỗi con người chúng ta.

Từ khi chúng ta được sinh ra trong quá trình dựng nước và giữ nước đã có biết bao nhiêu con người đã phải hi sinh, đổ máu bỏ lại mạng sống của chính họ nơi chiến trường tàn khốc mà cũng có thể là viễn xứ để có thể đánh đổi lấy một cuộc sống bình yên cho những người dân Việt Nam, và để có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc như bây giờ thì mỗi chúng ta cần phải biết ơn những người anh hùng đã hi sinh nằm xuống vì cuộc sống hòa bình hiện tại.

Bản thân mỗi chúng ta khi sinh ra phải có bổn phận biết ơn và kính trọng những người lớn tuổi hơn, phải biết kính trên nhường dưới, kính trọng ông bà, cha mẹ chúng ta đã nuôi chúng ta khôn lớn và dậy cho ta rất nhiều điều bổ ích để góp phần xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh. Họ đều là những người sinh ra chúng ta, là những người dạy dỗ chỉ bảo cho mỗi chúng ta thành người, có họ thì mới có cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay.

Công sức của những người nông dân chân lấm tay bùn đã tạo ra những hạt gạo thơm dẻo, mỗi khi chúng ta cầm bát cơm lên thì chúng ta cần phải biết những điều gì là quan trọng và những điều gì là quý giá nhất. Có họ thì chúng ta mới có cơm ăn, mới có cuộc sống ấm no.

Những bài học làm người sẽ bắt đầu từ sự biết ơn và lời nói cảm ơn. Chỉ những hành động nhỏ nhặt đó sẽ không làm mất quá nhiều thời gian của chúng ta, nhưng đổi lại thì mỗi con người chúng ta lại thấy bản thân mình làm được điều có ý nghĩa vô cùng. Nó giúp sưởi ấm và đổi lại nụ cười của mỗi con người trên môi. Lòng biết ơn quý trọng những thế hệ đi trước tạo cho mình cuộc sống này, hãy biết ơn rằng chính ngày hôm nay bạn phải cảm ơn cha mẹ, cảm ơn bạn bè và cảm ơn những người nông dân vì đã cho bạn một sự sống vô cùng đáng quý.

Viết bài văn nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn mẫu 11

Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay có nhiều truyền thống quý báu được gìn giữ và lưu truyền. Một trong những truyền thống đạo lí tốt đẹp nhất được thể hiện qua câu tục ngữ "Uống nước nhớ nguồn", câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta phải biết ơn những người đã giúp đỡ ta, đây là lời dạy mà mỗi người Việt Nam phải luôn ghi nhớ. Đến ngày nay, lời dạy của người xưa càng sâu sắc hơn.

Vậy "Uống nước nhớ nguồn" là như thế nào?

"Uống nước" ở đây là thừa hưởng thành quả lao động của những người đi trước, thừa hưởng những gì mà họ đã bỏ công sức để tạo ra, để có được. "Nguồn" chính là nơi xuất phát, nơi khởi đầu của dòng nước, và ở đây "nguồn" chính là những thế hệ trước, những con người mà đã tạo ra "dòng nước" hay nói cách khác là tạo ra thành quả mà chúng ta đã hưởng ngày hôm nay. Câu tục ngữ chính là lời răn dạy, nhắc nhở chúng ta, những lớp người đi sau, những thế hệ đang thừa hưởng thành quả phải luôn nhớ ơn công lao của thế hệ trước.

Trong vũ trụ, thiên nhiên và xã hội, mọi sự vật đều có nguồn gốc. Của cải, vật chất, tinh thần đó chính là công sức do con người làm ra. Như việc chúng ta thưởng thức một chén cơm, ta cảm thấy vị ngọt, nhưng thực ra thì chúng thật mặn, mặn vì những giọt mồ hôi, mặn vì những ngày dầm mưa dãi nắng. Họ đã phải sáng nắng chiều mưa làm việc ở ngoài đồng, nhổ mạ cấy lúa, gặt lúa, đập lúa...Bên cạnh đó, còn có sự hi sinh xương máu của các vị anh hùng dân tộc, các chiến sĩ yêu nước vì sắc áo của dân tộc để rồi xây dựng đất nước giàu đẹp phát triển đến ngày hôm nay. Lòng biết ơn phải xuất phát từ tình cảm, từ ý thức ghi nhớ công ơn của những người tạo ra thành quả phục vụ cuộc sống của chúng ta, đó chính là "nhớ nguồn", là đạo lý làm người tất yếu mà mỗi người cần có. Có câu:

"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba
Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba thì về..."

Đó là lòng biết ơn của nhân dân nên hằng năm cả nước ta làm lễ "Giỗ tổ Hùng Vương" để ghi nhớ công lao của các vua Hùng đã dựng nước và giữ nước, hay hằng năm, để mừng sinh nhật Bác, cả nước đã cùng ôn lại chặng đường mà Bác đã đi qua, ca ngợi sự hy sinh của Bác để giành lại độc lập tự do cho nước nhà, đó cũng là một hình thức "nhớ nguồn" của chúng ta, thể hiện một tình cảm đẹp, một đạo lý đẹp của dân tộc ta.

Lòng biết ơn giúp ta gắn bó hơn với những người đi trước, sẽ trân trọng những thành quả và công sức của tiền nhân, gần gũi hơn với tập thể...và từ đó sẽ tạo nên một xã hội đoàn kết, thân ái hơn giữa mọi người. Điều đó cho ta thấy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" là một truyền thống vô cùng cao đẹp. Nếu con người không có lòng biết ơn thì sẽ trở nên rất ích kỉ, không hiểu biết, thờ ơ với mọi người xung quanh và có thể sẽ trở thành con người ăn bám xã hội. Ví dụ một con người không có lòng biết ơn, không nhớ đến cội nguồn, chỉ biết hưởng thụ mà không làm, không hiểu được lao động là như thế nào về lâu dài sẽ thành kẻ ăn bám, ngồi một chỗ mà hưởng thành quả lao động.

Viết bài văn nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn mẫu 12

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu ca dao tục ngữ hay nói về truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Một trong số đó là câu tục ngữ: "Uống nước nhớ nguồn" mang đến cho chúng ta một đạo lý sâu sắc ở đời.

Câu tục ngữ có hai lớp nghĩa: Lớp nghĩa đen và nghĩa bóng. Lớp nghĩa đen là lớp nghĩa hiện trực tiếp lên qua từng từ ngữ mà ta không phải suy luận, lớp nghĩa này là khi chúng ta có được dòng nước trong lành tươi mát để uống và sinh hoạt thì hãy nhớ đến ngọn nguồn của dòng nước đó. Còn lớp nghĩa bóng là lớp nghĩa không hiện trực tiếp qua từng từ ngữ mà ta phải suy luận thì mới tìm ra được lớp nghĩa này. Lớp nghĩa này là có thể hiểu là khi được thừa hưởng những thành quả tốt đẹp thì hãy nhớ đến nguồn cội hay chính xác hơn là công sức của những người tạo ra thành quả đó.

Câu tục ngữ nêu lên một đạo lý cho chúng ta hãy biết nhớ đến công ơn của những lớp người đi trước để chúng ta có được thành quả như hôm nay. Bởi vì những gì chúng ta đang thừa hưởng hôm nay không phải tự nhiên mà có, để có được độc lập dân tộc, sự ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay các thế hệ đi trước đã phải đánh đổi cả bằng máu và nước mắt, biết bao anh hùng đã ngã xuống để đổi lấy độc lập tự do cho cả một dân tộc, họ đã phải hi sinh hạnh phúc cá nhân để đổi lấy hạnh phúc cho một dân tộc.

Để đổi lấy hạt gạo mà ta ăn hàng ngày người nông dân đã phải đổ biết bao nhiêu mồ hôi công sức, dãi dầu sớm nắng chiều mưa, bán mặt cho đất bán lưng cho trời để cho ta những hạt gạo chắc mẩy, thơm ngon. Đã có những câu chuyện rất hay về đạo lí này, chuyện kể rằng có một chàng sĩ tử nghèo không có tiền mua gạo nên thường hay đợi nhà hàng xóm bên cạnh ăn cơm xong là sang mượn nồi về nấu cơm nhưng thực chất là để lấy phần cơm thừa và phần cháy để ăn. Khi chàng trai này đi thi và đỗ trạng nguyên thì có xin với vua đúc một cái nồi bằng vàng về để báo đáp vợ chồng người hàng xóm và kể rõ câu chuyện về những lần mượn nồi của mình cho mọi người nghe, ai cũng vô cùng xúc động về thái độ sống biết ơn người đã giúp đỡ mình. Đấy là truyện, còn trong thực tế thì dân tộc Việt Nam là một dân tộc giàu truyền thống nhân nghĩa, để tưởng nhớ về các thế hệ đi trước đã ngã xuống ta có ngày Thương binh liệt sĩ, tổ chức dâng hoa lên các nghĩa trang liệt sĩ để tưởng nhớ về những người có công với đất nước, thăm hỏi và tặng quà các gia đình chính sách, việc làm này cũng giúp phần nào họ nguôi ngoai đi nỗi đau mất mát người thân. Những thương binh, bệnh binh mất một phần hoặc toàn bộ sức lao động cũng được hưởng những chế độ ưu tiên đặc biệt, được Nhà nước chu cấp một phần về kinh tế, còn đối với gia đình liệt sĩ thì thân nhân của những liệt sĩ đó được hưởng chế độ này. Đó cũng là một hành động thiết thực thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.

Tuy nhiên có một số người không hiểu được đạo lý này, mọi người thì "ăn cây nào rào cây ấy" nhưng họ lại "ăn cây táo rào cây sung", không biết nhớ đến công ơn của những người đã vất vả bỏ công sức tạo dựng thành quả cho họ hưởng thụ, ông cha ta cũng đã có một số câu tục ngữ như: "qua cầu rút ván" hay "ăn cháo đá bát" nhằm đả kích, phê phán những người có thái độ sống vô ơn, vong ân bội nghĩa, dựa vào người khác để đạt được mục đích nhưng khi đạt được mục đích rồi thì lại "lấy oán báo ân", tráo trở, quay lưng với những người đã giúp đỡ mình khi họ gặp khó khăn.

Ngày nay, câu tục ngữ vẫn còn nguyên giá trị của nó và đạo lý mà câu tục ngữ đưa ra là một bài học quý báu để mỗi người chúng ta học tập và noi theo.

-------------------------------------------------

Trên đây là tài liệu Nghị luận về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn lớp 7. Ngoài ra, mời các bạn tham khảo thêm đề thi giữa kì 1 lớp 7, đề thi học kì 1 lớp 7, đề thi giữa kì 2 lớp 7đề thi cuối kì 2 lớp 7 tất cả các môn. Chúc các bạn học tập tốt và đạt kết quả cao trong năm học này.

Đánh giá bài viết
434 240.510
2 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Phạm Thị Ngọc Anh
    Phạm Thị Ngọc Anh

    Nhiều mẫu quá, cảm ơn bạn

    Thích Phản hồi 10/05/22
  • Bánh Bao
    Bánh Bao

    Rất hay

    Thích Phản hồi 10/05/22

Văn mẫu lớp 7 CTST

Xem thêm