Giải thích ý kiến: Con người không có mục đích nào khác ngoài mục đích trở thành người chân chính

Văn mẫu lớp 12: Giải thích ý kiến: Con người không có mục đích nào khác ngoài mục đích trở thành người chân chính dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Giải thích về ý kiến dưới đây: Con người không có mục đích nào khác ngoài mục đích trở thành người chân chính mẫu 1

Mới nghe qua sao mà khó thế? Thời buổi này có thắp đuốc giữa ban ngày cũng không dễ gì kiếm cho ra được người chân chính, thế thì tại sao lại đưa chủ đề này ra để làm gì nhỉ? Rất nhiều người sẽ đặt câu hỏi như vậy.

Chân thật! Chính trực! Ôi, nghe sao mà xa xôi quá? Cuộc sống bon chen chụp giật hằng ngày mấy khi ta bắt gặp được những từ ngữ đẹp đẽ này? Trẻ em bây giờ học đạo đức cũng có coi qua rồi quên bẵng đi mất, vì cha mẹ chúng còn phải giục đi học thêm Anh văn, vi tính, học đàn, học múa v.v… và v.v… Mấy ai đề cập đến những điều xa vời này. Thi thoảng thì mỗi khi trẻ phạm tội nói dối chẳng hạn thì bố mẹ thường la rầy một chút xíu rồi cho qua, nghiêm khắc lắm thì quất nhẹ một roi vào mông cho trẻ nhớ là từ nay không nên và không được nói dối nữa, thế là xong. Rất ít người giảng giải cho trẻ vì sao là cần phải nói thật, và sự chân thật đáng quý như thế nào. Thói quen này hình thành trong tư duy mỗi con người từ lúc trẻ, cho nên họ cho việc nói dối là chuyện thường ngày ở… huyện! Do vậy mà từ ngữ “Chân thật” dần dà mất đi chỗ đứng trong tâm hồn mỗi người.

Ngày ấy tôi mới lên năm, có lần tôi nói dối mẹ. Hôm sau tưởng phải ăn đòn, nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn, ôm tôi hôn lên mái tóc…

– Con ơi, trước khi nhắm mắt, cha con dặn con suốt đời phải làm một người chân thật!

– Mẹ ơi, chân thật là gì?

– Con ơi, một người chân thật, khi vui muốn cười cứ cười, khi buồn muốn khóc là khóc. Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, dù ai ngon ngọt nuông chiều cũng không nói yêu thành ghét. Dù ai cầm dao dọa giết cũng không nói ghét thành yêu.

Từ ấy người lớn hỏi tôi:

– Bé ơi, bé yêu ai nhất?

Nhớ lời mẹ, tôi trả lời:

– Bé yêu những người chân thật!

Những câu thơ của Phùng Quán viết cách đây hơn năm mươi năm nay đọc lại vẫn còn thấy thấm thía. Sự chân thật đã được người mẹ dạy cho con như thế. Vậy mà ngày nay chúng ta tự mình lãng quên đi điều tốt đẹp ấy trong rất nhiều góc cạnh của cuộc sống, từ xã hội, công sở, trường học rồi đến gia đình, mấy ai còn giữ được tính chân thật đẹp đẽ như vốn nó đã có. Mà nếu không giữ được chân thật thì làm sao trở thành người chính trực được?

Ngay chính người viết bài này cũng đâm ra xấu hổ, vì có được làm người chân chính đâu? Nói thì dễ quá, nhưng thực hành là một chuyện khác, giữ cho mình được sự chân chính thật khó biết bao? Song chẳng lẽ vì lý do đó mà chúng ta lại lãng quên sao? Hãy nhìn lại mình, hãy tự vấn lương tâm mình đi! Làm người chân chính thật khó đấy, nhưng nếu bạn nhận ra được rằng, mình đang cố gắng nhưng chưa sống trọn vẹn ý nghĩa hai từ chân chính cao quý ấy được, thì ít ra bạn cũng là người chân chính rồi, vì bạn đã dũng cảm nhận ra những yếu kém của mình, thế cũng đã là chân chính!

Giải thích về ý kiến dưới đây: Con người không có mục đích nào khác ngoài mục đích trở thành người chân chính mẫu 2

“Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người với người, sống để yêu nhau”

(Tố Hữu)

Tình người như những làn sóng muôn đời dào dạt vỗ nhịp vào cuộc sống con người. Đẹp biết bao, đáng trân trọng biết bao hình ảnh của những con người sống với đúng nghĩa làm người, sống đẹp bằng những cách dâng những làn sóng ấy đến với mọi người xung quanh. Một nhà văn đã từng khẳng định rằng:

“Con người không có mục đích nào khác ngoài mục đích trở thành người chân chính".

Sống để đạt đến mục đích của mình, và mục đích ấy chính là thành người chân chính. Một chân lý đã được nêu lên với tất cả tinh thần làm người, trách nhiệm làm người.

Con người là tạo vật vĩ đại và hoàn hảo nhất của tạo hóa. Ai đó đã từng nói “Con người – tôi xin cúi đầu trước Người”. Nhưng điều đáng nói là con người – hiểu theo nghĩa hẹp – có xứng đáng là một "con người chân chính” hay không? Điều ấy hoàn toàn tùy thuộc vào mục đích sống. Mục đích – đó là cái mà người ta hướng tới, và cao hơn là vươn tới để một lúc nào đó đạt đến nó. Mục đích tốt đẹp và lí tưởng sống, là chân lý sống, và lẽ sống của con người. Theo đó, mục đích cao đẹp “trở thành người chân chính" chính là trở thành một con người với đúng nghĩa là người, xứng đáng là người chủ của thế giới, của thiên nhiên, của vạn vật. Con người chân chính là con người có trái tim và có trí tuệ hướng thiện, sống đúng nghĩa, biết suy nghĩ, hành động và lí tưởng đẹp mà mình lựa chọn, biết mang đến hạnh phúc cho mọi người, từ đó tự làm cho mình hạnh phúc. Câu nhận định trên xuất phát chính từ cuộc sống con người – một cuộc sống phong phú, muôn màu muôn vẻ, đã nêu lên một chân lý thực sự về đời sống, vì lý tưởng sống của loài người nói chung. Đó là phải luôn tự hoàn thiện mình, để đi đến một mục đích cao đẹp trở thành người chân chính.

Một danh nhân đã từng nhận định rằng: “Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được gì cả nếu như mục đích tầm thường Câu danh ngôn “con người không có mục đích nào khác ngoài mục đích trở thành người chân chính” đã nhấn mạnh đến một lí tưởng sống cao đẹp là hướng tới sự hoàn thiện nhân cách con người, sống bằng tất cả trách nhiệm của mình đối với cuộc sống, đối với mọi người xung quanh. Theo vòng xoay lịch sử, xã hội loài người đang tiến triển không ngừng. Tất cả đều vận động, đều làm việc hăng say, vì thế là một con người, chúng ta phải sống đẹp cuộc sống của mình với tất cả trách nhiệm và nghĩa vụ làm người, để xứng đáng là chủ thể của vạn vật xung quanh mình. Điều phân biệt giữa con người với các động vật khác chính là trí tuệ và trái tim, nói cách khác, chính là ý thức trong lao động, chiến đấu và học tập. Nhờ có lao động và sáng tạo chúng ta đã thoát ra khỏi cuộc sống của bầy vượn, để rồi từng bước, từng bước chúng ta đã tự hoàn thiện mình, cải thiện cuộc sống của mình để trở thành con người ngày nay. Và ngay trong cuộc sống đời thường, từng sự việc rất nhỏ tưởng chừng không đáng để ý cũng chính là cái giúp chúng ta hoàn thiện mình hơn. Những học sinh đi học, lao động và học tập trở thành người có đức, có tài, hữu dụng cho đất nước mai sau.

Những hành động bình thường như suy nghĩ để giải một bài tập, như cúi xuống nhặt một mảnh rác bên đường… đều có thể góp phần làm đẹp tính cách chúng ta. Giữa cuộc sống cuồn cuộn như dòng thác, giữa bao gian nan, vất vả, lo toan của đời thường, con người đã dần tiến đến mục đích của mình: trở thành người chân chính. Con người nghĩa là sáng tạo, và sáng tạo nghĩa là hoàn thiện. Vì vậy, khi chúng ta sống “sống" khác với “tồn tại” chúng ta đã tự tìm đến với chính mình, tìm đến với con người hoàn thiện về cả lý trí lẫn trái tim. Sống giữa một cộng đồng, nhận được tất cả những tình cảm đoàn kết, thân ái, tương trợ của mọi người, chúng ta đã tin tưởng, thương yêu và giúp đỡ mọi người. Các Mác có nói “Hạnh phúc là đấu tranh" và “Người nào mang đến hạnh phúc cho nhiều người nhất chính là người hạnh phúc nhất". Đến với hạnh phúc, đến với chân lí, đến với lí tưởng là một quá trình đấu tranh mãnh liệt giữa cái tốt và cái xấu, cái Thiện và cái Ác trong một cộng đồng, một tập thể nói chung và trong mỗi con người nói riêng. Sự đấu tranh ấy chính là nguyên nhân và động lực phát triển của xã hội và nhân cách của mỗi con người. Một bông hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời dù rằng nó không phải là mặt trời. Một con người khó bao giờ có thể đạt đến sự hoàn thiện tuyệt đối nhưng luôn sống và hướng đến sự hoàn thiện ấy. Điều ấy chính là lí do vì sao đã có nhận định: "Con người không có mục đích nào khác ngoài mục đích trở thành người chân chính.

Trong xã hội con người ngày nay, và trong bất cứ một xã hội nào, con người vẫn luôn sống vì mục đích hoàn thiện nhân cách mình. Xã hội không ngừng phát triển theo guồng quay của lịch sử, và Ph.Ăng-ghen có nói: “Vấn đề không phải ở chỗ giải thích thế giới, mà là chỗ cải tạo thế giới". Để làm được điều đó, ngay từ bây giờ, chúng ta không thể chỉ nói ra những lời nói suông, mà phải hành động, phải đặt ra mục đích làm người chân chính để sống và phấn đấu làm việc cho mục đích ấy. Một hành động nhỏ như giúp người qua đường, như một lời hỏi thăm ân cần đối với cha, mẹ, như một chút đỡ đần cho cha mẹ những công việc hàng ngày, một hoạt động từ thiện xã hội… đều là những hành động mang nhiều ý nghĩa đối với việc hình thành nhân cách con người chúng ta.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Giải thích ý kiến: Con người không có mục đích nào khác ngoài mục đích trở thành người chân chính cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 12 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 và biết cách soạn bài lớp 12 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Đánh giá bài viết
1 45
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 12

Xem thêm