Giải Tiếng việt lớp 5 VNEN Bài 27B: Đất nước mùa thu

Giải Tiếng việt lớp 5 VNEN: Bài 27B: Đất nước mùa thu bao gồm lời giải và đáp án đầy đủ các phần Sách VNEN Tiếng việt 5 tập 2 trang 98 giúp các em học sinh ôn tập toàn bộ nội dung Tiếng việt lớp 5. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết.

A. Hoạt động cơ bản Bài 27B Tiếng việt lớp 5 VNEN

Câu 1. Quan sát tranh và trả lời câu hỏi:

Giải Tiếng việt lớp 5 VNEN: Bài 27B

a) Tranh vẽ những gì?

b) Những cảnh trong tranh thuộc vùng miền nào của đất nước?

Đáp án:

Quan sát bức tranh em thấy:

a) Tranh vẽ một khung cảnh, ở đó có nhà cửa, ruộng vườn, đồi núi, sông hồ, tàu thuyền, con người và một số loài vật như trâu, voi...

b) Những cảnh trong tranh thuộc vùng trời, vùng biển, vùng đồi núi, cao nguyên, đồng bằng của đất nước.

Câu 2: Nghe thầy cô (hoặc bạn) đọc bài sau:

ĐẤT NƯỚC

(Trích)

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!

Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!

theo Nguyễn Đình Thi

Câu 3. Thay nhau đọc từ ngữ và lời giải nghĩa:

- Đất nước là bài thơ được sáng tác trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện cảm xúc của tác giả giữa mùa thu thắng lợi trên chiến khu Việt Bắc

- Hơi may: gió heo may

- Chưa bao giờ khuất: chưa bao giờ chịu khuất phục; cũng có thể hiểu là bất tử

Câu 4: Cùng luyện đọc

Câu 5. Thảo luận, trả lời câu hỏi:

(1) Những ngày thu đẹp và buồn được tả trong khổ thơ nào?

(2) Nêu một hình ảnh đẹp và vui về mùa thu mới trong khổ thơ thứ ba?

(3) Nêu một, hai từ ngữ, hình ảnh / câu thơ nói lên lòng tự hào về đất nước tự do, về truyền thống bất khuất của dân tộc trong khổ thơ thứ tư và thứ năm.

Đáp án:

(1) Những ngày thu đẹp và buồn được tả trong khổ thơ thứ nhất và khổ thơ thứ hai.

  • Những từ ngữ nói lên ngày thu rất đẹp đó là: gió mát trong, gió thổi mùa thu hương cốm mới.
  • Những từ ngữ nói lên nỗi buồn: sáng chớm lạnh, phố dài xao xác hơi may, người ra đi đầu không ngoảnh lại, thềm nắng lá rơi đầy

(2) Hình ảnh đẹp và vui về mùa thu mới trong khổ thơ thứ ba là:

  • Hình ảnh đẹp: Trời thu trong biếc
  • Hình ảnh vui: rừng tre phấp phới, tiếng nói cười thiết tha

(3)

  • Lòng tự hào về đất nước tự do thể hiện qua những từ ngữ như: Trời xanh đây là của chúng ta, núi rừng đây là của chúng ta, và những hình ảnh những cánh đồng thơm mát, những ngả đường bát ngát, những dòng sông đỏ nặng phù sa.
  • Lòng tự hào về truyền thống bất khuất của dân tộc được thể hiện qua những từ ngữ như: Nước của những người chưa bao giờ khuất và hình ảnh Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất. Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Câu 6. Chọn đọc một khổ thơ em thích và nói cho bạn biết vì sao em thích khổ thơ đó?

Đáp án:

Trong bài thơ đất nước, em thích nhất là khổ thơ cuối:

Nước chúng ta,
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Sở dĩ em thích đoạn thơ này là bởi vì khi đọc những câu thơ này em cảm thấy hào hùng, cảm thấy đầy hãnh diện về một đất nước "chưa bao giờ khuất". Điều này thể hiện tinh thần yêu nước, đoàn kết gắn bó của những con người Việt Nam. Và đó chính là sức mạnh to lớn để chúng ta chống lại kẻ thù, xây dựng đất nước.

B. Hoạt động thực hành bài 27B Tiếng việt lớp 5 VNEN

Câu 1. Đọc bài văn sau đây và trả lời câu hỏi:

Cây chuối mẹ

Mới ngày nào nó chỉ là cây chuối con mang tàu lá nhỏ xanh lơ, dài như lưỡi mác, đâm thẳng lên trời. Hôm nay, nó đã là cây chuối to, đĩnh đạc, thân bằng cột hiên. Các tàu lá ngả ra mọi phía như những cái quạt lớn, quạt mát cả góc vườn xanh thẫm. Chưa được bao lâu, nó đã nhanh chóng thành mẹ. Sát chung quanh nó, dăm cây chuối bé xíu mọc lên từ bao giờ. Cổ cây chuối mẹ mập tròn, rụt lại. Vài chiếc lá ngắn cũn cỡn, lấp ló hiện ra đánh động cho mọi người biết rằng hoa chuối ngoi lên đến ngọn rồi đấy.

Cái hoa thập thò, hoe hoe đỏ như một mầm lửa non. Nó càng ngày càng to thêm, nặng thêm, khiến cây chuối nghiêng hẳn về một phía.

Khi cây mẹ bận đơm hoa, kết quả thì các cây con cứ lớn nhanh hơn hớn.

Để làm ra buồng, ra nải, cây mẹ phải đưa hoa chúc xuôi sang một phía. Lẽ nào nó đành để mặc cái hoa to bằng cái chày giã cua hoặc buồng quả to bằng cái rọ lợn đè giập một hay hai đứa con đứng sát nách nó.

Không, cây chuối mẹ khẽ khàng ngả hoa sang cái khoảng trống không có đứa con nào.

Theo Phạm Đình An

a) Cây chuối trong bài văn trên được tả theo trình tự nào? Em có thể tả cây cối theo trình tự khác nào?

b) Cây chuối đã được tả theo cảm nhận của giác quan nào? Em còn có thể quan sát cây cối bằng những giác quan nào khác?

c) Tìm các hình ảnh so sánh, nhân hóa được tác giả sử dụng đế tả cây chuối.

Đáp án:

a) Cây chuối trong bài văn trên được tả theo trình tự của từng thời kì phát triển của cây: cây chuối con → cây chuối to → cây chuối mẹ.

Ta còn có thể tả cây cối theo trình tự khác là tả từ bao quát đến chi tiết từng bộ phận. Ví dụ tả bao quát cây chuối → từng bộ phận: lá, thân, buồng chuối....

b) Trong bài văn, cây chuối được tả theo cảm nhận của thị giác về hính dáng của cây chuối.

Ngoài ra, có thể quan sát và miêu tả cây chuối thông qua ấn tượng bằng xúc giác (ví dụ khi sờ thân cây chuối có lớp vỏ trơn bóng), bằng khứu giác (khi tả mùi thơm của quả chuối chín trên cây), vị giác (khi tả độ ngọt, mát của những trái chuối chín)....

c) Những hình ảnh so sánh và nhân hóa được tác giả sử dụng khi miêu tả cây chuối là:

- Hình ảnh so sánh:

  • Tàu lá nhỏ xanh lơ, dài như lưỡi mác
  • Các tàu lá ngả ra... như những cái quạt lớn
  • Cái hoa thập thò, hoe hoe đỏ như một mầm lửa non.

- Hình ảnh nhân hóa:

  • Nó đã là cây chuối to đĩnh đạc
  • Chưa được bao lâu, nó đã nhanh chóng thành mẹ
  • cổ cây chuối mẹ mập tròn, rụt lại
  • Vài chiếc lá ngắn cũn cỡn, lấp ló hiện ra đánh động cho mọi người biết
  • Các cây con cứ lớn nhanh hơn hớn
  • Khi cây mẹ bận đơm hoa...
  • Lẽ nào nó đành để mặc... để giập một hai đứa con sát nách nó
  • Cây chuối mẹ khẽ khàng ngả hoa...

Câu 2. Viết một đoạn văn ngắn tả một bộ phận của cây (lá hoặc hoa, quả, rễ, thân)

Đoạn văn tham khảo:

Tả quả cam

Bà em kể rằng, cây cam đã gắn bó với mảnh đất khu vườn nhà từ ngày em mới sinh. Em rất thích ngắm nhìn cây cam mỗi mùa ra hoa kết trái. Đầu tiên, chỉ là những bông hoa li ti, trắng muốt và thoang thoảng hương thơm dễ chịu. Ít ngày sau, những trái cam bé bé xíu xuất hiện rồi dần dần lớn lên bằng hòn bi ve. Khi còn nhỏ, trái cam có màu xanh thẫm và rất cứng. Thế rồi, trái cam lớn nhanh như thổi, thoáng chốc đã bằng chiếc chén uống nước của bà. Chiếc áo khoác xanh thẫm của quả được thay bằng màu xanh nhạt và dần chuyển sang màu vàng tươi. Chẳng bao lâu sau, cây cam đã xum xuê những quả căng mọng, vàng óng, thấp thoáng trong vòm lá xanh tươi trước sân nhà. Bà em thường hái những trái cam đầu mùa dâng lên bàn thờ tổ tiên. Mỗi trái cam là kết tinh vị ngọt lành của đất, hương thơm tinh túy của trời ban tặng cho con người.

Tả thân gốc, cành cây phượng

Cây phượng vĩ đã nhiều tuổi lắm rồi. Dưới gốc phượng có đến mấy cái rễ to, nhỏ khác nhau. Cái thì trồi lên trên mặt đất vài mét mới chui xuống dưới, cái thì ngoằn ngoèo, cái thì thẳng đuột hút đầy đủ chất dinh dưỡng để nuôi cây phát triển. Cây cao lắm, cao hơn cả tòa nhà ba tầng của trường em hẳn một khúc dài. Thân cây to lớn, đến phải bốn người ôm mới xuể. Các cành cây thì cành nào cành nấy to cứ như là bắp chân vậy. Các nhánh con thì nhiều không đếm hết, đan cài vào nhau tỏa ra các hướng.

Tả lá thân cây hoa hồng

Hoa hồng có nhiều loại, nhiều màu sắc như vàng, trắng, cam nhưng phổ biến nhất vẫn là hoa hồng nhung đỏ. Thân cây khẳng khiu màu xanh thẫm nhưng có nhiều gai, những chiếc gai nhọn nhô lên như để bảo vệ cho bông hoa của mình. Lá cây hoa nhỏ, có đường viền hình răng cưa, trên mặt lá là những đường gân hình xương cá, phía dưới là lớp phấn mỏng trắng muốt. Đặc biệt nhất vẫn là bông hoa. Hoa hồng nhung có rất nhiều cánh, khi hoa chưa nở, những cánh hoa nhỏ úp vào nhau, tạo thành những nụ hoa chúm chím như đôi môi đỏ hồng của người thiếu nữ. Khi hoa đã nở rộ, những cánh hoa to dần và dần dần tách rời, xếp chồng vào nhau thành các lớp. Cánh hoa mỏng manh, mềm mại như làn da em bé.

Câu 3. Kể cho các bạn nghe một kỉ niệm về thầy (cô) giáo của em, qua đó thể hiện lòng biết ơn của em với thầy cô

Bài tham khảo

Cuối năm học vừa qua, em được nhận phần thưởng Học sinh xuất sắc. Thầy cô và bạn bè khen ngợi nhưng cũng chính những lời khen ấy lại làm cho em xấu hổ vô cùng. Chuyện là thế này:

Em vốn là học sinh giỏi Toán. Bài kiểm tra nào em cũng đạt điểm 9, điểm 10. Mỗi lần thầy yêu cầu xướng điểm, em trả lời rất rành rọt trước sự thán phục của bạn bè trong lớp. Một hôm, trong giờ ôn tập, em chủ quan không học bài cũ. Theo thường lệ, thầy giáo gọi học sinh lên bảng. Em đã có điểm kiểm tra miệng nên tin chắc là thầy sẽ chẳng gọi đến mình. Vì vậy em ung dung ngồi ngắm trời qua khung cửa sổ và tưởng tượng đến trận đá bóng chiều nay giữa đội lớp em với lớp 6B.

Nhưng một chuyện bất ngờ xảy ra. Thầy giáo yêu cầu cả lớp lấy giấy ra làm bài. Biết làm sao bây giờ? Mọi khi làm bài một tiết, thầy thường báo trước. Còn hôm nay, sao lại thế này? Đây đó trong lớp nổi lên tiếng xì xào thắc mắc của một số bạn. Em ngơ ngác nhìn quanh một lượt. Bạn Hoa ngồi cạnh huých cùi tay vào sườn, nhắc nhở: Kìa, chép đề đi chứ!

Em có cảm giác là tiết kiểm tra như kéo dài vô tận. Em loay hoay viết rồi lại xóa. Vì mất bình tĩnh nên đầu óc cứ rối tinh lên. Thời gian đã hết, em nộp bài mà lòng cứ thắc thỏm, lo âu.

Tuần sau, thầy giáo trả bài. Như mọi lần, em nhận bài từ tay thầy để phát cho các bạn. Liếc qua bài mình, thấy bị điểm 3, tim em thắt lại. Em không để cho ai kịp nhìn thấy và cố giữ nét mặt thản nhiên, vẻ mặt ấy che giấu bao nhiêu bối rối trong lòng. Thật là chuyện chưa từng có. Ăn nói làm sao với thầy, với bạn, với bố mẹ bây giờ? Em quay cuồng lo nghĩ và bất chợt nảy ra một ý...

Thầy giáo gọi điểm vào sổ. Đến tên em, em bình tĩnh xướng to: Tám ạ! Thầy gọi tiếp bạn khác. Em thở phào nhẹ nhõm và tự nhủ chắc thầy giáo sẽ không để ý vì có gần chục bài bị điểm kém cơ mà!

Để xóa sạch mọi dấu vết, tối hôm ấy em làm lại bài rồi lấy bút đỏ ghi điểm 8 theo nét chữ của thầy. Ngày qua ngày, cứ nghĩ đến lúc thầy giáo yêu cầu xem lại bài mà em lạnh cả người. May sao, mọi chuyện rồi cũng trôi qua và tưởng chừng em đã quên bẵng chuyện ấy.

Cuối năm, em đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc. Những tràng vỗ tay, những lời khen ngợi chân thành, vẻ hài lòng và tự hào của cha mẹ... Tất cả những điều ấy vô tình khơi dậy sự day dứt và xấu hổ trong em. Em không xứng đáng. Em muốn nói lên sự thật xấu xa ấy nhưng không đủ can đảm.

Thời gian đã đẩy lùi mọi chuyện vào dĩ vãng nhưng nỗi ân hận vẫn còn nguyên đó. Giờ em kể lại chuyện này mà lòng chưa hết day dứt. Mong thầy cô, cha mẹ và các bạn tha thứ cho em. Em hứa không bao giờ mắc lỗi lầm đó nữa.

----------------------------------------------------

Ngoài giải bài tập Tiếng việt 5 VNEN: Bài 27B: Đất nước mùa thu, VnDoc còn giúp các bạn giải vở bài tập Tiếng việt lớp 5 SGK Tiếng Việt lớp 5.

Đánh giá bài viết
98 43.804
Sắp xếp theo

Giải Tiếng Việt lớp 5 VNEN

Xem thêm