Giải Toán lớp 5 VNEN bài 95: Bài toán về chuyển động ngược chiều

Giải Toán lớp 5 VNEN bài 95: Bài toán về chuyển động ngược chiều - Sách VNEN toán 5 tập 2 trang 91, 92, 93 bao gồm chi tiết lời giải cho từng bài tập giúp các em học sinh củng cố, rèn kỹ năng giải Toán Chương 4 lớp 5. Mời các em học sinh tham khảo lời giải hay sau đây.

A. Hoạt động cơ bản bài 95 Toán VNEN lớp 5

1. Chơi trò chơi "đố tìm vận tốc, quãng đường và thời gian".

Các bạn đố nhau trong nhóm. Chẳng hạn:

Bạn A cho biết quãng đường là 60km, thời gian đi là 2 giờ. Đố bạn tính vận tốc.

Bạn B cho biết vận tốc là 10 m/giây. Thời gian chạy là 30 giây. Đố bạn tìm quãng đường.

Bạn C cho biết quãng đường là 200km, vận tốc là 50 km/giờ. Đố bạn tìm thời gian đi.

Hướng dẫn giải

Áp dụng các quy tắc :

+ Muốn tìm vận tốc ta lấy quãng đường chia cho thời gian.

+ Muốn tìm quãng đường ta lấy vận tốc nhân với thời gian.

+ Muốn tìm thời gian, ta lấy quãng đường chia cho vận tốc.

Đáp án

Ví dụ : ta sẽ giải ví dụ đã cho ở đề bài.

+) Vận tốc là : 60 : 2 = 30 (km/giờ)

+) Quãng đường là : 10 × 30 = 300 (m)

+) Thời gian đi là : 200 : 50 = 4 (giờ)

2. Đọc kĩ và nghe thầy/cô giáo hướng dẫn (sgk)

Ví dụ: Quãng đường AB dài 200km. Một ô tô đi từ A đến B với vận tốc 60 km/giờ, cùng lúc đó một xe máy đi từ B đến A với vận tốc 40 km/giờ. Hỏi kể từ lúc bắt đầu đi, sau mấy giờ ô tô gặp xe máy ?

Nhận xét:

Sau mỗi giờ, cả ô tô và xe máy đi được quãng đường là:

60 + 40 = 100 (km)

Thời gian đi để ô tô gặp xe máy là:

200 : 100 = 2 (giờ)

3. Viết tiếp vào chỗ chấm trong bài giải của bài toán sau:

Bài toán: Quãng đường AB dài 276km. Hai ô tô khởi hành cùng một lúc, một xe đi từ A đến B với vận tốc 40km/giờ, một xe đi từ B đến A với vận tốc 52km/giờ. Hỏi kể từ lúc bắt đầu đi, sau mấy giờ hai ô tô gặp nhau?

Sau mỗi giờ, hai ô tô đi được quãng đường là :

…… + …… = …… (km)

Thời gian để hai ô tô gặp nhau là:

…… : …… = …… (giờ)

Đáp số : ……

Bài giải:

Sau mỗi giờ, hai ô tô đi được quãng đường là:

40 + 52 = 92 (km)

Thời gian để hai ô tô gặp nhau là:

276 : 92 = 3 (giờ)

Đáp số: 3 giờ

B. Hoạt động thực hành bài 95 Toán VNEN lớp 5

Câu 1: Trang 92 toán VNEN lớp 5 tập 2

Quãng đường CD dài 108km. Hai xe máy khởi hành cùng một lúc, một xe đi từ C đến D với vận tốc 35km/giờ, một xe đi từ D đến C với vận tốc 37km/giờ. Hỏi kể từ lúc bắt đầu đi, sau mấy giờ hai xe máy gặp nhau.

Hướng dẫn giải

- Tính quãng đường cả hai xe đi được trong 1 giờ.

- Tính thời gian đi để hai xe gặp nhau ta lấy độ dài quãng đường CD chia cho quãng đường cả hai xe đi được trong 1 giờ.

Đáp án

Sau mỗi giờ, cả hai xe máy đi được số quãng đường là:

35 + 37 = 72 (km)

Vậy thời gian để hai xe máy gặp nhau là:

108 : 72 = 1,5 (giờ)

Đáp số: 1,5 giờ

Câu 2: Trang 92 toán VNEN lớp 5 tập 2

Cùng lúc 8 giờ 15 phút sáng có một xe máy đi từ tỉnh A đến tỉnh B với vận tốc 40 km/giờ và một ô tô đi từ tỉnh B đến tỉnh A với vận tốc 55 km/giờ. Quãng đường từ tỉnh A đến tỉnh B là 190km. Hỏi hai xe gặp nhau lúc mấy giờ?

Hướng dẫn giải

- Tính quãng đường cả hai xe đi được trong 1 giờ.

- Tính thời gian đi để hai xe gặp nhau ta lấy độ dài quãng đường từ tỉnh A đến tỉnh B chia cho quãng đường cả hai xe đi được trong 1 giờ.

- Tìm thời gian lúc hai xe gặp nhau ta lấy thời gian lúc hai xe khởi hành cộng với thời gian đi để hai xe gặp nhau.

Đáp án

Sau mỗi giờ, cả hai xe đi được số km là:

40 + 55 = 95 (km)

Thời gian để hai xe gặp nhau là:

190 : 95 = 2 (giờ)

Vậy số giờ hai xe gặp nhau là:

8 giờ 15 phút + 2 = 10 giờ 15 phút

Đáp số: 10 giờ 15 phút

C. Hoạt động ứng dụng bài 95 Toán VNEN lớp 5

Câu 1: Trang 93 toán VNEN lớp 5 tập 2

Em tìm hiểu độ dài quãng đường từ A đến B. Sau đó dự kiến đi bằng phương tiện nào đó với vận tốc thích hợp, rồi tính thời gian đi được và điền vào bảng theo mẫu sau (sgk)

Hướng dẫn giải

Em có thể hỏi người lớn về khoảng cách giữa một số địa điểm nào đó. Sau đó tự suy nghĩ và dự kiến đi bằng phương tiện nào đó với vận tốc thích hợp rồi điền vào bảng.

Để tính thời gian ta lấy quãng đường chia cho vận tốc.

Ví dụ mẫu:

Nơi đi (A)

Nơi đến (B)

Khoảng cách AB

Vận tốc dự kiến

Thời gian

Nhà em

Trường em

1500 m (Xe đạp)

100 m/phút

15 phút

Trường em

Công viên

500 m (đị bộ)

50 m/ phút

10 phút

Nhà em

Bà ngoại

3000 m (xe máy)

30 km/ giờ

0,1 giờ = 6 phút

>> Bài tiếp theo: Giải Toán lớp 5 VNEN bài 96: Bài toán về chuyển động cùng chiều

D. Lý thuyết cần nhớ về chuyển động ngược chiều

1. Lý thuyết 

Bài toán tổng quát 1 - Bài toán chuyển động ngược chiều, xuất phát cùng lúc

Cho hai địa điểm A và B cách nhau một đoạn s xe thứ nhất xuất phát tại A đi về phía B. Cùng lúc đó, xe thứ hai cũng xuất phát tại B đi về phía A, sau một thời gian, hai xe gặp nhau. Hỏi khoảng thời gian đi của hai xe gặp nhau bằng bao nhiêu?

Cách giải:

Tổng hai vận tốc: v1 + v2

Thời gian gặp nhau của hai xe: s : (v1 + v2)

Bài toán tổng quát 2 - Bài toán chuyển động ngược chiều, xuất phát không cùng lúc

Cho hai địa điểm A và B cách nhau một đoạn s xe thứ nhất xuất phát tại A đi về phía B. Một thời gian sau, xe thứ hai cũng xuất phát tại B đi về phía A, sau một thời gian, hai xe gặp nhau. Hỏi khoảng thời gian đi của hai xe gặp nhau bằng bao nhiêu?

Cách giải:

Tìm thời gian xe thứ nhất đi được trước khi xe thứ hai xuất phát t1

Tìm quãng đường xe thứ nhất đi trước: s1 = v1 x t1

Tìm quãng đường còn lại: s2 = s - s1

Tìm tổng vận tốc hai xe: v = v1 + v2

Khi đó thời gian gặp nhau của 2 xe là: t = s2 : (v1 + v2)

Thời gian xe thứ nhất đi là: t1 + t

Thời gian xe thứ hai đi là: t

2. Một số dạng bài tập

Dạng 1: Tìm thời gian đi để hai xe gặp nhau

Thời gian đi để gặp nhau = quãng đường : tổng hai vận tốc

Dạng 2: Tìm độ dài quãng đường

Quãng đường = tổng hai vận tốc × thời gian đi để gặp nhau

Dạng 3: Tìm tổng hai vận tốc

Tổng hai vận tốc = Quãng đường : thời gian đi để gặp nhau

Chú ý: Đề bài thường cho tỉ số giữa hai vận tốc hoặc hiệu hai vận tốc, từ đó ta áp dụng bài toán tìm hai số khi biết tổng và tỉ số hoặc tìm hai số khi biết tổng và hiệu của hai số để tìm vận tốc của mỗi xe.

Dạng 4: Xác định đia điểm gặp nhau cách A (hoặc cách B) bao nhiêu

>> Xem thêm: Lý thuyết Toán lớp 5: Hai vật chuyển động ngược chiều

Ngoài giải bài tập Toán 5 VNEN, VnDoc còn giúp các bạn giải toán lớp 5 sách giáo khoa. Các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo để luyện tập hoặc dạy các con em của mình. Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm cả phần Lý thuyết Toán lớp 5; Trắc nghiệm Toán lớp 5.

Xem thêm:

Đánh giá bài viết
116 51.333
Sắp xếp theo

    Giải Toán lớp 5 VNEN

    Xem thêm