Giáo án Ngữ văn 9 bài: Ôn tập tập làm văn

Giáo án điện tử môn Ngữ văn lớp 9

Giáo án Ngữ văn 9 bài: Ôn tập tập làm văn được VnDoc sưu tầm và đăng tải để có thể chuẩn bị giáo án và bài giảng hiệu quả, giúp quý thầy cô tiết kiệm thời gian và công sức làm việc. Giáo án môn Ngữ văn lớp 9 này được soạn phù hợp quy định Bộ Giáo dục và nội dung súc tích giúp học sinh dễ dàng hiểu bài học hơn.

I. MỤC TIÊU CẦN ĐẠT:

1. Kiến thức:

  • Khái niệm văn bản thuyết minh và văn bản tự sự.
  • Tái hiện các kiến thức liên quan đến văn bản thuyết minh và văn bản tự sự.
  • Sự kết hợp các phương thức biểu đạt trong văn bản thuyết minh và văn bản tự sự.
  • Hệ thống văn bản thuộc kiểu văn bản thuyết minh và tự sự đã học.

2. Kĩ năng:

  • Tạo lập văn bản thuyết minh và văn bản tự sự.
  • Vận dụng kiến thức đã học để Đọc - hiểu văn bản thuyết minh và văn bản tự sự.

3. Thái độ: Tích cực tự giác rèn luyện viết văn thuyết minh và tự sự.

II. CHUẨN BỊ:

  • GV: Sách GK, giáo án
  • HS: học bài, đọc trước bài, chuẩn bị các câu hỏi SGK

III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC:

1. Ổn định tổ chức:

2. Kiểm tra bài cũ:

(Không kiểm tra bài cũ, thay thế bằng hình thức ôn kiến thức cũ đã học trong nội dung bài học)

3. Bài mới:

*Vào bài:

Trong học kì I, phần Tập làm văn chúng ta đã tìm hiểu và thực hành viết các loại văn bản nào? (Thuyết minh và tự sự). Các loại văn bản này chúng ta đã học ở lớp trước. Lớp 9 chúng ta tiếp tục tìm hiểu và thực hành văn bản thuyết minh và tự sự nhưng với sự kết hợp các yếu tố mới của các loại văn bản khác. Trước khi kết thúc học kì I, bước sang học kì II với việc tiếp tục tìm hiểu và thực hành văn bản nghị luận, chúng ta ôn tập phần tập làm văn đã học -> Tiết 82, bài 17, Ôn tập phần Tập làm văn.

HOẠT ĐỘNG THẦY VÀ TRÒ

NỘI DUNG

*HĐ1: Ôn tập văn bản thuyết minh

- HS thảo luận cặp đôi, hoàn thành sơ đồ tư duy về văn thuyết minh trong 2 phút.

+HS trình bày, GV nhận xét, chốt lại kiến thức

giáo án môn ngữ văn lớp 9

+GV nhấn mạnh thêm khái niệm của văn bản thuyết minh bằng câu hỏi: Thuyết minh là văn bản cung cấp tri thức về sự vật, hiện tượng,… vậy tri thức ấy phải đáp ứng đòi hỏi gì? (khách quan, xác thực, hữu ích cho con người)

- GV nhấn mạnh vai trò của việc sử dụng yếu tố miêu tả và một số biện pháp nghệ thuật bằng bài tập sau:

+HS đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi: (Thảo luận cặp đôi 2 phút)

“Gia đình mai vàng chúng tôi là biểu tượng cho ngày tết cổ truyền ở đất phương Nam. Nếu có dịp về vùng quê Nam Bộ vào những ngày tết, các bạn sẽ dễ dàng bắt gặp sắc vàng rực rỡ của chúng tôi. Tuỳ theo ngày bứt lá của gia chủ mà đến ngày 29, 30 tháng chạp và đặc biệt là ngày mồng một tết là anh em nhà mai chúng tôi nở rộ, điểm tô sắc xuân của đất trời. Từ những búp hoa nõn nà, chúng tôi bung nở ra những cánh hoa vàng tươi thắm. Hoa mai chúng tôi thường có năm cánh. Nhưng cũng có sáu cánh, tám cánh… và đến cả trăm cánh nữa đấy. “Sắc mai tươi sáng, hương hoa nhẹ nhàng” là nhận xét của tổ tiên ta từ thuở mang gươm đi mở cõi. Xuân về, tết đến, không chỉ khoe sắc khoe hương trước sân nhà mà chúng tôi còn là hoa trưng trên bàn thờ tổ tiên, mang lại niềm ước mơ một năm an lành may mắn cho mọi nhà.

?Trong đoạn văn trên, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì để giới thiệu về hoa mai vàng? (tự thuật theo lối nhân hóa)

?Chỉ ra yếu tố miêu tả trong đoạn văn? (Từ những búp hoa nõn nà, chúng tôi bung nở ra những cánh hoa vàng tươi thắm. Hoa mai chúng tôi thường có năm cánh. Nhưng cũng có sáu cánh, tám cánh… và đến cả trăm cánh nữa đấy. “Sắc mai tươi sáng, hương hoa nhẹ nhàng”)

?Vai trò của yếu tố miêu tả và biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh?( giúp cho việc thuyết minh thêm cụ thể, sinh động, hấp dẫn và làm cho đối tượng thuyết minh được nổi bật, gây ấn tượng)

- GV trình bày thêm: cần chú ý khi kết hợp các yếu tố miêu tả và biện pháp nghệ thuật vào bài văn thuyết minh phải hợp lí, tránh lạm dụng, việc sử dụng các phương pháp thuyết minh để cung cấp kiến thức khách quan là quan trọng.

à hoàn thành nội dung về vai trò của việc sử dụng các yếu tố miêu tả và một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh.

*HĐ2: Ôn tập văn bản tự sự:

*Khái niệm:

?Văn bản tự sự là gì?

- Tự sự là phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa.

- Tự sự giúp người kể giải thích sự việc, tìm hiểu con người, nêu vấn đề và bày tỏ thái độ khen, chê.

- Chuyển ý: Em hãy cho biết trong bài viết số 3 về văn tự sự vừa qua, yêu cầu chúng ta cần có kết hợp thêm hai yếu tố nào? (miêu tả nội tâm và nghị luận)

*Miêu tả nội tâm và nghị luận trong văn bản tự sự:

- HS thảo luận cặp đôi: đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi:

“Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm. Những người nghèo nhiều tự ái vẫn thường như thế. Họ dễ tủi thân nên rất hay chạnh lòng. Ta khó mà ở cho vừa lòng họ… Một hôm, tôi phàn nàn việc ấy với Binh Tư. Binh Tư là một người láng giềng khác của tôi. Hắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá. Hắn bĩu môi và bảo:

- Lão làm bộ đấy! Thật ra thì lão chỉ tâm ngẩm thế, nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu: Lão vừa xin tôi một ít bả chó…

Tôi trố to đôi mắt, ngạc nhiên. Hắn thì thầm:

- Lão bảo có con chó nhà nào, cứ đến vườn nhà lão… Lão định cho nó xơi một bữa. Nếu trúng lão với tôi uống rượu.

Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết. Một người như thế ấy!... Một người đã khóc vì trót lừa một con chó!... Một người nhịn ăn để tiền lại làm ma, bởi không muốn liên luỵ đến hàng xóm, láng giềng… Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư? Cuộc đời này quả thật cứ mỗi ngày thêm một đáng buồn. (Nam Cao, Lão Hạc).

?Chỉ ra các câu có yếu tố nghị luận và miêu tả nội tâm?

?Vai trò của các yếu tố này? Trong đoạn văn và trong văn bản tự sự nói chung?

?Cách thực hiện?

I. Văn bản thuyết minh:

Học sinh hoàn thành sơ đồ về văn bản thuyết minh

II.Văn bản tự sự:

1.Ôn khái niệm:

(SGK Ngữ văn 6 tập 1, trang 28)

2.Miêu tả nội tâm và nghị luận trong văn bản tự sự:

- Vai trò:

+Yếu tố nghị luận: gây sự chú ý cho người đọc (người nghe), làm cho câu chuyện thêm phần triết lí.

+Yếu tố miêu tả nội tâm: đó là biện pháp quan trọng xây dựng nhân vật, làm cho nhân vật sinh động.

- Cách thực hiện:

+Yếu tố nghị luận: sử dụng lập luận, câu phủ định khẳng định có cặp quan hệ từ hô đáp( tuy- nhưng, nếu- thì…); các từ tại sao, mặt khác…

+Yếu tố miêu tả nội tâm: bằng hai cách trực tiếp (bằng cách diễn tả những suy nghĩ, cảm xúc, tình cảm của nhân vật) và gián tiếp (bằng cách miêu tả cảnh vật, nét mặt, cử chỉ, trang phục,… của nhân vật).

IV. CỦNG CỐ- HD HS HỌC Ở NHÀ

*Củng cố: Cho biết cách thực hiện miêu tả nội tâm nhân vật của nhân vật Thuý Kiều trong Kiều ở lầu Ngưng Bích của Nguyễn Du và nhân vật ông Hai trong Làng của Kim Lân?

*HD: Vẽ lại sơ đồ phần I, nắm vững các kiến thức đã học, tìm thêm các đoạn văn tự sự có yếu tố nghị luận, miêu tả nội tâm; chuẩn bị phần ôn tập còn lại và tiếp theo.

Đánh giá bài viết
1 1.614
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 9

    Xem thêm