Giáo án Sinh học 12 bài 28: Loài

Giáo án môn Sinh học lớp 12

Giáo án Sinh học 12 bài 28: Loài để có thể chuẩn bị giáo án và bài giảng hiệu quả, giúp quý thầy cô tiết kiệm thời gian và công sức làm việc. Giáo án môn Sinh học 12 này được soạn phù hợp quy định Bộ Giáo dục và nội dung súc tích giúp học sinh dễ dàng hiểu bài học hơn.

Giáo án Sinh học 12 bài 25: Học thuyết Đacuyn

Giáo án Sinh học 12 bài 26: Học thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại

Giáo án Sinh học 12 bài 27: Học thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại (tiếp theo)

I. MỤC TIÊU BÀI HỌC.

1. Kiến thức:

  • Giải thích được khái niệm loài sinh học (ưu và nhược điểm) theo quan niệm của Mayơ.
  • Nêu các tiêu chuẩn để phân biệt hai loài thân thuộc.
  • Nêu và giải thích được các cơ chế cách li trước và sau hợp tử.
  • Giải thích được vai trò của các cơ chế cách li trong quá trình tiến hóa.

2. Kĩ năng: Phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát.

3. Thái độ: Thấy được vấn đề loài xuất hiện và tiến hóa như thế nào và chỉ dưới ánh sáng sinh học hiện đại mới được quan niệm và giải quyết đúng đắn.

II. CHUẨN BỊ.

  • - Giáo viên: Giáo án, SGK, Tranh ảnh về chim sẻ ngô, chó, mèo, ngựa vằn...
  • - Học sinh: SGK, đọc trước bài học.

III. PHƯƠNG PHÁP:Vấn đáp tìm tòi

IV. TIẾN TRÌNH TỔ CHỨC DẠY HỌC.

1. Ổn định tổ chức lớp học: Ổn định lớp, kiểm tra sĩ số.

2. Kiểm tra bài cũ:

  • Tại sao phần lớn đột biến gen đều có hại cho cơ thể sinh vật nhưng đột biến gen vẫn được coi là nguồn phát sinh biến dị di truyền cho chọn lọc tự nhiên?
  • Giao phối không ngẫu nhiên làm thay đổi thành phần kiểu gen của quần thể như thế nào?

3. Bài mới:

Hoạt động của thầy và trò

Nội dung kiến thức cơ bản

* Hoạt động 1: Tìm hiểu khái niệm loài sinh học.

GV: Khái niệm loài theo Mayơ nhấn mạnh vấn đề gì? (cách li sinh sản). Tại sao 2 loài khác nhau lại có những đặc điểm giống nhau? Khái niệm loài sinh học không áp dụng được cho những trường hợp nào?

HS: Nghiên cứu thông tin SGk để trả lời câu hỏi.

GV: Nhận xét và bổ sung.

* Hoạt động 2: Tìm hiểu về các cơ chế cách li sinh sản giữa các loài.

GV: Các cơ chế cách li sinh sản được hiểu là các trở ngại trên cơ thể sinh vật như ngăn cản các cá thể sinh vật giao phối với nhau hoặc ngăn cản việc tạo ra con lai hữu thụ ngay cả khi các sinh vật này sống cùng một chỗ. Các cơ chế cách li sinh sản được chia làm 2 loại: Cách li trước hợp tử và cách li sau hợp tử. Cách li trước hợp tử là gì? Bao gồm các kiểu cách li nào? Đặc điểm của mỗi kiểu ra sao? Cho ví dụ?

HS: Nghiên cứu thông tin SGK để trả lời.

GV: Thế nào là cách li sau hợp tử? Các hình thức cách li sau hợp tử và đặc điểm của mỗi hình thức? Cho ví dụ?

HS: Nghiên cứu thông tin SGK để trả lời.

GV: Cho HS quan sát rau rền gai và rau rền cơm -> đó là những loài khác nhau.

Dựa vào đâu người ta xếp chúng vào 2 loài khác nhau? (dựa vào đặc điểm hình thái).

HS: Thảo luận nhóm nhanh để trả lời.

GV giới thiệu: Ngựa hoang trung á và ngựa vằn châu phi, bang Tếchdớt Mỹ có 40 loài ruồi giấm sống trong cùng một khu vực nhưng không có dạng lai.

I. KHÁI NIỆM LOÀI SINH HỌC.

- Khái niệm: Loài là một hoặc một nhóm quần thể gồm các cá thể có khả năng giao phối với nhau trong tự nhiên và sinh ra đời con có sức sống có khả năng sinh sản và cách li sinh sản với các nhóm quần thể khác.

- Các tiêu chuẩn phân biệt loài:

+ Cách li sinh sản.

+ Hình thái, sinh hóa, phân tử.

II. CÁC CƠ CHẾ CÁCH LI SINH SẢN GIỮA CÁC LOÀI

1. Cách li trước hợp tử.

* KN: Những trở ngại ngăn cản các sinh vật giao phối với nhau được gọi là cách li trước hợp tử. Thực chất là ngăn cản sự thụ tinh tạo ra hợp tử.

* Các kiểu cách li:

- Cách li nơi ở (sinh cảnh).

- Cách li tập tính.

- Cách li thời vụ.

- Cách li cơ học.

2. Cách li sau hợp tử.

* Khái niệm: Cách li sau hợp tử là những trở ngại ngăn cản việc tạo ra con lai hoặc ngăn cản việc tạo ra con lai hữu thụ.

* Các dạng cách li sau hợp tử:

- Hợp tử bị chết: Tạo được hợp tử, nhưng hợp tử bị chết.

VD: Lai cừu với dê.

- Con lai giảm khả năng sống: Con lai chết ngay sau khi lọt lòng hoặc chết trước tuổi trưởng thành.

- Con lai sống được nhưng không có khả năng sinh sản: Con lai khác loài quá trình phát sinh giao tử bị trở ngại do không tương hợp 2 bộ NST của bố mẹ.

VD: Lai ngựa với lừa.

4. Củng cố:

  • Khi nào có thể kết luận chính xác 2 cá thể sinh vật nào đó thuộc 2 loài khác nhau?
  • Điều gì sẽ xảy ra nếu giữa các loài khoog có sự cách li sinh sản?
  • Nhiều loài vịt trời khác nhau chung sống trong cùng một khu vực địa lí và làm tổ ngay cạnh nhau, không bao giờ giao phối với nhau. Khi nuôi các cá thể khác giới thuộc 2 loài khác nhau trong điều kiện nhân tạo thì chúng giao phối với nhau và cho ra con lai hữu thụ. Ta có thể lí giải hiện tượng này như thế nào?

5. Dặn dò:

  • Ôn tập kiến thức và trả lời các câu hỏi cuối bài trong SGK.
  • Đọc trước bài 29.
Đánh giá bài viết
1 3.066
Sắp xếp theo

Giáo án Sinh học lớp 12

Xem thêm