Giáo án Tiếng Việt 5 tuần 3: Tập làm văn - Luyện tập tả cảnh (tiếp theo)

Giáo án Tiếng việt lớp 5

Giáo án Tiếng Việt lớp 5 tuần 3: Tập làm văn - Luyện tập tả cảnh (tiếp theo) là bộ giáo án chuẩn kiến thức, kỹ năng giúp các em học sinh ôn tập, luyện tập cách làm bài văn miêu tả, lập dàn ý và viết đoạn văn miêu tả cảnh vật. Mời các thầy cô tham khảo giảng dạy.

Tập làm văn

Luyện tập tả cảnh

I. Mục tiêu

1. Biết hoàn chỉnh những đoạn văn dựa vào nội dung chính của từng đoạn.

2. Biết chuyển một phần dàn ý của bài văn tả cơn mưa thành một đoạn văn miêu tả chân thực, tự nhiên.

II. Đồ dùng dạy - học

- Dàn ý của bài văn miêu tả cơn mưa của từng HS.

- Bảng phụ ghi nội dung chính của 4 đoạn văn tả cơn mưa (BT1).

- Giấy 6 tờ giấy khổ to và bút dạ cho một đến hai HS làm bài.

III. Các hoạt động dạy - học

Hoạt động dạy

Hoạt động học

A . Kiểm tra bài cũ

- Yêu cầu HS đọc lại dàn bài của bài văn tả cảnh cơn mưa. Bài làm của Bài tập 2 tiết Tập làm văn trước mà HS đã hoàn thiện ở nhà.

- Hai đến ba HS lên bảng thực hiện theo yêu cầu của GV.

- GV nhận xét, cho điểm.

B. Bài mới

1. Giới thiệu bài

- Các em đã được quan sát và lập dàn ý cho bài văn tả cơn mưa rào. Vậy từ dàn ý ấy chuyển sang thành một đoạn văn như thế nào? Bài học hôm nay chúng ta cùng thực hành.

- HS lắng nghe.

- GV ghi tên bài lên bảng.

- HS nhắc lại tên đầu bài và ghi vào vở.

2. Hướng dẫn HS luyện tập

Bài tập 1

- GV yêu cầu một HS đọc toàn bộ nội dung bài tập. Lưu ý đọc là ba chấm chỗ có dấu (...).

- Một HS đọc bài. Cả lớp theo dõi đọc thầm trong SGK.

- Bài tập này yêu cầu chúng ta làm gì?

- Hoàn chỉnh lại đoạn văn mà bạn Quỳnh Liên đang viết dở.

- Bạn Quỳnh Liên làm một bài văn có đề bài như thế nào?

- Tả quang cảnh sau cơn mưa.

- GV yêu cầu HS đọc thầm bốn đoạn văn của bạn Quỳnh Liên đang làm dở trong SGK, trao đổi, thảo luận theo nhóm đôi và cho biết nội dung của mỗi đoạn.

- HS đọc thầm, trao đổi thảo luận theo nhóm đôi và trả lời: Nội dung của mỗi đoạn là:

+ Đoạn 1: Giới thiệu cơn mưa rào rồi tạnh ngay.

+ Đoạn 2: ánh nắng và các con vật sau cơn mưa.

+ Đoạn 3: Cây cối sau cơn mưa.

+ Đoạn 4: Đường phố và con người sau cơn mưa.

- GV yêu cầu HS làm việc cá nhân, mỗi HS chọn hoàn chỉnh một hoặc hai đoạn (trong số bốn đoạn đã cho). GV nhắc các em chú ý viết dựa trên nội dung chính của từng đoạn. Ví dụ: Đoạn 3 có nội dung chính là tả cây cối sau cơn mưa thì chỉ viết thêm về cây cối.

- GV phát giấy khổ to và bút dạ cho bốn HS, nhắc các em viết bài trên giấy khổ to, mỗi HS viết bổ sung một đoạn. Mỗi chỗ trống ... tương ứng với một tờ giấy. Sau khi HS làm xong yêu cầu HS trao đổi với bạn theo nhóm đôi kết quả bài làm của mình.

- HS ghi ra vở nháp những câu văn cần bổ sung theo từng đoạn.

- Bốn HS nhận giấy khổ to và bút dạ thực hiện theo yêu cầu của GV. Sau khi làm xong, HS trao đổi với bạn ngồi bên cạnh để sửa chữa và học tập lẫn nhau.

- Gọi HS trình bày và nhận xét bài làm của bạn.

- HS lần lượt trình bày kết quả bài làm của mình. Cả lớp theo dõi, nhận xét.

- GV nhận xét, đánh giá bài làm của HS; tuyên dương khen ngợi các HS viết được các câu văn hay thể hiện sự quan sát tinh tế phù hợp với đoạn văn.

- HS lắng nghe.

Ví Dụ:

Đoạn 1:

Lộp độp, lộp độp. Mưa rồi. Cơn mưa ào ào đổ xuống làm mọi hoạt động dường như ngừng lại. Mưa ào ạt. Mưa xối xả như trút cơn giận dữ xuống trần gian, cảnh vật như nhoà đi, cây cối nghiêng ngả. Một lát sau, mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn.

Lưu ý: đề bài tả quang cảnh sau cơn mưa, vì vậy trong đoạn mở đầu này chỉ cần thêm một câu tả mưa là đủ.

Đoạn 2:

Ánh nắng lại chiếu sáng rực rỡ trên những thảm cỏ xanh. Nắng lấp lánh như đùa giỡn, nhảy nhót với những gợn sóng trên dòng sông Nhuệ. Mấy chú chim không rõ tránh mưa ở đâu giờ đang đậu trên cành cây cất tiếng hót véo von. Chị gà mái tơ rời khỏi bụi cây góc vườn vừa luôn mồm cục cục nhắc nhở đàn con vừa tranh thủ giũ giũ bộ lông ướt sũng. Đàn gà con với bộ lông vàng óng còn khô nguyên tung tăng chạy nhảy. Chú mèo khoang co ro từ trong bếp bước ra ngoài sân khoan thai đi lại dưới ánh nắng mặt trời ra vẻ khoan khoái lắm.

Đoạn 3:

Sau cơn mưa có lẽ cây cối, hoa lá là tươi đẹp hơn cả. Những hàng cây ven đường được tắm gội thoả thuê, gột rửa hết bụi bặm thường ngày trở nên xanh biếc. Những cây hoa thược dược, hoa hồng,... cho đến cả những cây rau trong vườn vốn bình dị là thế mà giờ đây tràn đầy kiêu hãnh mơn mởn khoe sắc, toả hương.

Đoạn 4:

Con đường trước cửa đang khô dần. Trên con đường, xe cộ lại nườm nượp như mắc cửi. Tiếng còi, tiếng máy, tiếng người cười nói, tiếng đi lại rộn rịp. Con đường như tươi trẻ hả hê hơn khi trở về với nhịp sống hối hả vốn có thường ngày. Góc phố, mấy cô bé đang chơi nhảy dây. Những bím tóc tun ngủn vung vẩy theo từng nhịp chân nhảy.

Lưu ý đây là bài văn tả quang cảnh một thị xã nhỏ, vì vậy có cả cảnh đàn gà trong vườn lẫn xe cộ chạy trên đường phố. Do vậy, khi thêm câu hoặc từ ngữ vào chỗ trống, nên có chừng mực. Nếu sa đà miêu tả quá nhiều cảnh, nội dung các đoạn có thể không thống nhất với nhau.

Bài tập 2

- Gọi HS đọc bài tập.

- Một HS đọc bài tập, cả lớp theo dõi trong SGK.

- GV kiểm tra việc chuẩn bị của các em và gọi một HS dàn ý của bài văn tả cơn mưa đã chuẩn bị trước.

- HS mở vở nháp để GV kiểm tra. Một HS đọc to dàn ý của bài văn.

- Yêu cầu HS thực hiện bài tập.

- HS làm việc cá nhân để thực hiện bài tập.

- Gọi HS trình bày kết quả bài làm trước lớp. GV nhận xét, đánh giá bài làm của HS; tuyên dương khen ngợi các HS viết được đoạn văn hay, thể hiện được sự quan sát riêng, lời văn chân thực, sinh động; trình bày kết quả rõ ràng, rành mạch.

- HS lần lượt đứng lên trình bày kết quả bài làm. Cả lớp theo dõi nhận xét bài làm của bạn.

3. Củng cố, dặn dò

- GV nhận xét giờ học.

- HS lắng nghe.

- Dặn HS về nhà hoàn chỉnh lại đoạn văn và quan sát trường học của mình ngay sau giờ học, ghi lại những điều quan sát được vào vở nháp.

- HS lắng nghe và về nhà thực hiện theo yêu cầu của GV.

Đánh giá bài viết
2 1.446
Sắp xếp theo

Giáo án điện tử Tiếng việt 5

Xem thêm