Hãy tưởng tượng và kể lại cuộc trò chuyện, tâm sự giữa các đồ dùng học tập

Văn mẫu lớp 6: Hãy tưởng tượng và kể lại cuộc trò chuyện, tâm sự giữa các đồ dùng học tập được VnDoc sưu tầm, tổng hợp giúp các em học sinh có thêm nhiều ý tưởng hoàn thiện cách làm bài văn kể chuyện lớp 6. Mời các em cùng tham khảo chi tiết.

Kể lại cuộc trò chuyện, tâm sự giữa các đồ dùng học tập - Bài tham khảo 1

Đêm đã khuya, tôi đang nằm đọc truyện thì chợt có tiếng nói khe khẽ. Tôi nhìn quanh nhưng chẳng thấy ai. Tôi hơi chột dạ vì mình đã khóa cửa kỹ lắm rồi, mà hình như là có trộm. Nhưng rõ ràng tiếng nói ấy vọng ra từ phía bàn học. Tôi để ý và phát hiện ra, đó là cuộc nói chuyện giữa các bạn đồ dùng học tập và cũng nhờ cuộc trò chuyện đó mà tôi đã hiểu được tâm sự của những người bạn thầm lặng bên mình.

Tôi phải tự thú thật rằng tôi là một đứa con gái chẳng mấy nết na, hiền dịu mà ngược lại, rất nghịch ngợm và chẳng gọn gàng. Học xong là sách vở, bút thước của tôi lại bày bừa khắp mặt bàn. Bố mẹ nhắc tôi rất nhiều nhưng tôi vẫn chưa sửa được cái tính đấy cho đến khi nghe được cuộc nói chuyện này. Đầu tiên là lời than thở của chị hộp bút: "Tôi chẳng biết anh thước kẻ, chị bút chì, mấy cô cậu sách vở sướng hay khổ nhưng tôi thấy mình bị hành hạ ghê quá! Hồi xưa tôi còn là một chiếc hộp bút đẹp đẽ, mới mẻ và trắng trẻo mà giờ đây mặt mũi tôi nhem nhuốc toàn mực là mực, những mảng da thì loang loang lổ lổ. Cô chủ thấy những hình thù nào đẹp là lại dán vào, chán rồi thì lại bóc ra. Những mảng da của tôi cũng dần bị bóc theo. Cái xương sống của tôi giờ cũng sứt mất mấy miếng, đau ơi là đau".

Anh thước kẻ nghe vậy cũng thông cảm cho chị hộp bút và kể lể chuyện của mình:

- Ừ, tôi cũng thấy chị hộp hút khổ thật nhưng tôi nào khác chị. Ngày cô chủ mới mua tôi về, những vạch in số của tôi còn rõ ràng nhưng sau mấy bữa, những con số đó bị cô chủ cậy hết và viết những cái gì linh tinh vào mình tôi. Cô ấy còn lấy dao vạch vạch những hình thù quái dị vào người tôi nữa. Tôi còn là một vũ khí để chiến đấu với mấy thằng con trai hay lấy đồ của cô chủ nên người tôi sứt mấy mảnh liền. Cô chủ thật là…

Mấy cô cậu sách giáo khoa cũng chen ngang vào: "Phải đấy! Phải đấy! Cô chủ thật là vô tâm, chẳng biết thương chúng ta chút nào. Chúng em còn bị dập ghim vào người, cô chủ còn vẽ vời lên người chúng em nữa. Ôi, đau lắm! Đau lắm!". Nghe những lời tâm sự đó, tôi mới ngồi nhớ lại những lần tôi làm chúng bị đau, bị bẩn. Ôi! Các bạn đồ dùng học tập đúng là bị tôi làm xấu, làm hỏng thật nhiều.

Đồ dùng học tập là những người bạn trợ giúp việc học tập của chúng ta thêm tốt hơn. Tôi sẽ và đang cố gắng không bừa bộn và giữ gìn chúng cẩn thận hơn. Nếu bạn nào giống tôi thì cũng phải sửa đấy!

Kể lại cuộc trò chuyện, tâm sự giữa các đồ dùng học tập - Bài tham khảo 2

Tính tôi vốn cẩu thả, học xong đâu vứt đồ ngay xuống đó, nên khắp phòng của tôi chỗ thì thước kẻ chỗ thì bút chì. Mỗi thứ nằm một góc, bàn học cũng lung tung quyển thì đóng, quyển thì mở, quyển thì ngang quyển thì dọc. Tất cả cứ rối tung lên chẳng có nền nếp gì cả.

Nghĩ chúng là vật vô tri nên tôi chẳng để tâm đến, và có lẽ mọi chuyện sẽ cứ diễn ra như vậy nếu như không có chuyện đó xảy ra. Đó là một tối thứ bảy nên tôi đi ngủ sớm hơn thường lệ, đang lúc ngủ say, bỗng tôi giật mình tỉnh giấc bởi những tiếng xôn xao lúc to lúc nhỏ. Tôi hoảng sợ, chẳng lẽ kẻ trộm đột nhập vào nhà, tôi đang định hét toáng lên để gọi mẹ thì bất chợt tôi thấy quyển sách trên bàn động đậy và nó nói rất to, giọng ồm ồm:

- Tôi buồn cho cậu chủ nhà mình lắm. Trước tôi bóng láng và đẹp đẽ như vậy mà cậu chủ chẳng hề quan tâm để tôi bây giờ nhàu nhĩ chẳng khác gì mấy anh giấy vụn. Những bức tranh màu giờ cậu tô vẽ vào đủ thứ, trông khiếp quá. Nhiều lúc tôi chẳng dám nhìn ngắm khuôn mặt của mình nữa. Chiếc áo ni lông mẹ cậu chủ mua để mặc cho tôi, cậu chủ cũng nghịch để nó rách toạc ra và thế là tiện thể cậu xé toan cho vào sọt rác. Mùa đông đến nơi rồi sẽ lạnh lắm đây.

Tôi chợt nhận ra đó chính là quyển sách ngữ văn lớp 6. Chết thật! Bỗng tôi lại nghe tiếng sột soạt, thì ra anh Ba Lô đúng ra phải nằm trên tường lúc này cũng đang nằm vạ vật ở dưới đất, sau một hồi gãi khắp nơi anh cũng lên tiếng:

- Tôi cũng đâu kém anh, khi mẹ cậu chủ mang tôi từ siêu thị về tôi cũng đẹp và sạch sẽ, thế mà giờ đây, sau một thời gian quăng quật, mình tôi đầy đất và cát lúc nào cũng ngứa ngáy khó chịu. Nhiều lúc tôi muốn bỏ quách cậu chủ mà đi.

- Lạch quạt! Lạch quạt! Các anh ơi tôi cũng khổ không kém, dù tôi cũng chỉ là chiếc thước kẻ nhỏ bé, vậy mà cậu chủ cũng hành hạ tôi ra trò. Trước đây tôi lành lặn, bóng bẩy bao nhiêu thì giờ đây đầy mình tôi nham nhở những vết thương mà không bao giờ có thể lành được. Số má thì chữ rõ chữ mờ, vạch cũng vậy, chẳng còn hình hài của cái thước kẻ nữa hu hu.…

Sau một hồi than thở khóc, chị thước kẻ lại nằm dài ra bàn, mắt nhìn lên trần nhà, ra dáng buồn chán lắm. Tưởng như mọi chuyện đến đây là dừng lại, thì bỗng anh bút đang nằm trên bàn bỗng bật dậy, giọng đầy bực tức:

- Tôi định không nói nữa nhưng im lặng mãi tôi không chịu được, các anh xem, tôi bây giờ còn ra dáng một chiếc bút nữa không. Mình mẩy tôi cũng cong queo, sứt sát, cả chiếc ngòi của tôi, trước đây trơn chu đi lại trên giấy dễ dàng đến như vậy, thế mà giờ đây đi trên giấy rất khó vì mấy lần câu ấy cắm xuống đất, hỏng hết cả ngòi. Đấy các anh xem cậu chủ đã đi ngủ từ bao giờ mà đến giờ này bút tôi vẫn chưa được đóng nắp.

Chiếc giá sách trên tường thì xuýt xoa kêu:

- Tôi lạnh lẽo và cô đơn quá, chẳng có chị vở, anh sách nào lên đây chơi với tôi cả, bụi phủ kín cả rồi. Tôi cũng chẳng còn được đẹp như lúc mới mua về nữa. Cả sách và vở cùng lên tiếng:

- Tôi cũng muốn lên đó lắm nhưng cậu chủ đâu có cho chúng tôi lên. Chúng tôi bị quăng quật khắp nơi. Đau hết cả mình mẩy. Nghe những đồ dùng học tập nói về mình như vậy, tôi giật mình nhận ra quả là tôi quá cẩu thả và vô tâm.

Vừa nghĩ đến đó, tôi chợt nghe anh sách ngữ văn lên tiếng:

- Thôi chúng ta hãy bỏ đi đi, tôi không thể ở cùng cậu chủ cẩu thả lười biếng được nữa. Tất cả sách vở lục tục đứng dậy, bỏ ra phía cửa. Thấy vậy, tôi giật mình hét to:

- Không! Tôi không phụ lòng các anh nữa. Tôi hứa sẽ giữ gìn và cất đồ dùng học tập cẩn thận.

Đúng lúc đó tôi giật mình tỉnh giấc. Ôi hoá ra chỉ là một giấc mơ. Tôi vội vã nhìn quanh, may quá sách vở vẫn còn nguyên nhưng quả thật mỗi thứ một nơi, lung tung, bừa bộn. Tôi vội vã vùng dậy thu dọn sách vở lên giá sách. Sau đó mới lên giường ngủ và trước khi đi ngủ, tôi tự hứa với mình sẽ không bao giờ đối xử với đồ dùng học tập như trước nữa.

Kể lại cuộc trò chuyện, tâm sự giữa các đồ dùng học tập - Bài tham khảo 3

Kể lại cuộc trò chuyện tâm sự của các đồ dùng học tập

Một thói quen xấu của tôi bị mọi người phê phán đã nhiều lần đó là bừa bộn. Đi học về tôi thường bỏ cặp sách bừa bộn, tối học xong tôi thường để luôn sách vở trên bàn, nhìn cũng bừa bộn nhưng tôi thấy bình thường. Thế rồi một hôm tôi nghe được cuộc trò chuyện giữa các đồ dùng học tập của tôi, tôi thấy xấu hổ và đã thay đổi cách sống của mình.

Đó vào một đêm hè, tôi đang ôn thi, khi ấy đã 1h đêm, tôi để nguyên sách vở trên bàn rồi tắt đèn đi ngủ, mắt đang lim dim thì bỗng có tiếng nói chuyện thì thào phát ra từ góc học tập. Tôi nằm im và lắng nghe, thì ra đó là cuộc tâm sự của các đồ dùng học tập của tôi. Đầu tiên là cặp sách tâm sự:

- Mọi người ơi tôi thấy buồn lắm, trong các thứ của cô chủ, tôi là người khổ nhất. Cặp thì nhét bao nhiêu là thứ sách, sách vở thì không nói làm gì, đằng này có cả truyện tranh, quà vặt. Nhiều lúc mấy thứ quà ấy rơi vãi, cô chủ không lấy ra làm tôi mốc meo cả lên. Hồi xưa tôi đẹp đẽ bao nhiêu thì bây giờ tôi xấu xí, tàn tạ bấy nhiêu. Nhìn cặp của các cô chủ khác mà tôi xấu hổ, thèm được trân trọng giống như họ.

Hộp bút ở góc bàn cũng bức xúc lên tiếng:

- Ối giời, cậu tưởng rằng chỉ có mình cậu bị nản hả? Tôi nói cho các cậu biết nhé: Tôi nè, trong mình nhét bao nhiêu là bút, thước, tẩy, còn cả mấy thứ linh tinh của con gái nữa, làm cho tôi bao giờ cũng căng phồng lên như người béo phì. Có lúc tưởng nứt toác ra rồi ấy chứ!, ngòi bút nhiều khi cô chủ không đóng lại, làm mực giây ra đầy tôi, vừa bẩn vừa xấu, làm tôi mất hết tự tin với mọi người.

Mấy quyển sách vừa học xong tôi còn đang để trên bàn, cũng nhao nhao cất tiếng nói:

- Chúng tôi thì có hơn gì đâu, tối nào học xong cô chủ cũng để nguyên chúng tôi trên bàn, bụi bặm rơi đấy vào. Có khi cô cầm cả chúng tôi lên giường, vừa nằm vừa học, rồi ngủ luôn, sáng dậy thì chúng tôi nhàu nát hết cả. Những cái áo bọc của chúng tôi thì nhàu nát hết, thi thoảng cô chủ còn vẽ lên chúng tôi nữa.

Bác tủ đựng sách vở cũng bức xúc không kém, kể mọi chuyện:

- Ôi thôi, chúng ta gặp cô chủ này thì cùng chung số phận rồi, tôi cũng giống các bạn thôi. Tôi đựng đồ dùng cho cô chủ, nhưng có khi cô mở tủ lấy đồ mà có đóng vào đâu, cứ mở tênh hênh ra, bụi bẩn bay bám đầy lên người tôi mà có bao giờ cô lau đâu. Nhiều khi mở lấy thì cô kéo cánh cửa âm ầm, làm tôi đau đớn.

Tôi thấy trằn trọc không ngủ được, thấy xấu hổ vô cùng. Từ trước đến nay tôi đã không gọn gàng, không biết quý trọng những người bạn thân thiết của mình. Tôi không ngủ nữa mà dậy bật đèn, dọn dẹp sách vở ngăn nắp gọn gàng, lau tủ sạch sẽ. Từ hôm đó tôi đã tự có ý thức chăm sóc và bảo vệ đồ dùng của mình hơn.

Kể lại cuộc trò chuyện, tâm sự giữa các đồ dùng học tập - Bài tham khảo 4

Trong gia đình người bừa bộn nhất có lẽ là tôi. Mặc dù ba mẹ đã nhắc nhở nhiều mà tôi vẫn không nghe và chính việc ấy tôi đã tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa các đồ dùng học tập của mình.

Lúc tôi nghe được câu chuyện thì trời cũng đã khuya. Tôi là con gái mà không gọn gàng, không những thế còn ham chơi nữa chứ. Và điều đó tôi biết được là nhờ cây bút chì thân yêu. Bút chì tập hợp gia đình đồ dùng học tập lại và nói:

– Này các cô bác ơi! Tôi thấy cô chủ chúng ta ngày càng bừa bộn. Chúng ta phải giúp cô ấy mới được!

Bỗng dưng anh thước kẻ ôn tồn nói:

– Chao ôi! Cô chủ chúng ta bừa bộn thì mặc kệ, liên quan gì tới gia đình mình, cũng chỉ vì tính bừa bộn của cô mà tôi bị biết bao vết bẩn vẽ lên chiếc áo màu trắng trong suốt đây này.

Bút chì gỗ chưa kịp nói thì tẩy nói chen vào:

– Anh thước nói chí phải đấy! Tôi thì khác gì? Tấm áo đẹp của tôi cũng bị vẽ bẩn, không những thế mà còn bị móc cả mác ra nữa chứ! Đấy mọi người xem còn ra cục tẩy trắng nữa không?

Tiếp lời của tẩy, cuốn sách lại than vãn đủ điều:

– Bìa vở tôi đẹp thế tại sao cô chủ vẽ vào. Có lẽ tôi là người khổ nhất. Mới đầu mẹ cô chủ mua về tôi là một cuốn vở bìa vẫn rất đẹp nhưng chỉ vì cô chủ mà tôi bị vẽ bẩn, nhãn vở không có, gáy vở thì rách, chẳng ra thể thống gì cả?

– Bác nói sai rồi, tôi mới là người khổ nhất, cây bút mực lên tiếng:

Tôi bị cô ấy vặn hết sang bên này lại sang bên kia, lại còn đem ra làm vũ khí nữa chứ.

Bút chì bây giờ mới có cơ hội nói:

– Tôi biết là vậy nhưng các bạn cũng phải thông cảm cho cô ấy chứ, tôi thì khác gì các bạn.

Bút chì vừa nói thì tất cả im lặng.

Tôi chợt tỉnh giấc và mới biết rằng mình đang trong một giấc mơ. Và cũng từ giấc mơ này tôi nhận ra mình phải ngăn nắp gọn gàng thì sẽ không gây ra cuộc tranh luận của đồ dùng trong giấc mơ.

Lê Thanh Thùy Dương (học sinh)

Kể lại cuộc trò chuyện, tâm sự giữa các đồ dùng học tập - Bài tham khảo 5

Tôi là một đứa trẻ sống rất bừa bộn. Dù mọi người đã nhắc nhở nhưng tôi vẫn chứng nào tật ấy. Tôi sẽ khó mà sửa đổi được nếu không có một lần tôi tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa các đồ dùng học tập.

Cái đêm hôm ấy, khi tôi vừa trèo lên giường và lim dim mắt thì bỗng có tiếng nói chuyện thì thào phát ra từ góc phòng. Tôi bật dậy và lắng nghe, thì ra đó là cuộc tâm sự giữa các đồ dùng học tập của tôi. Đầu tiên là cặp sách than thở:

– Trong các thứ của cô chủ, tôi là người khổ nhất. Cặp thì nhét bao nhiêu là thứ, sách vở thì không nói làm gì, đằng này có cả truyện, quà vặt. Nhiều lúc mấy thứ quà ấy rơi vãi, cô chủ không lấy ra làm cho người tôi mốc meo cả. Hồi đó tôi đẹp đẽ bấy nhiêu thì bây giờ xấu xí bấy nhiêu.

Không chịu thua, hộp bút góp phần kể lể:

– Cậu tưởng rằng chỉ có mình cậu bị nạn hả? Tôi nói cho biết nhé: Tôi nè, trong mình nhét bao nhiêu là bút, thước, tẩy còn cả mấy thứ linh tinh của con gái nữa làm cho tôi bao giờ cũng căng phồng lên. Có khi tưởng nứt toác ra rồi ấy chứ!

Đang thao thao bất tuyệt thì bỗng có tiếng nói của anh em sách vở từ trong tủ vọng ra:

– Các bác ơi, các bác mở cửa cho chúng em với.

Thế là cậu cặp sách và chị hộp bút cố sức kéo cánh cửa tủ ra. Bác tủ nhăn mặt:

– Làm cái gì thế? Làm cái gì thế? Đêm hôm khuya khoắt không ngủ kéo nhau dậy làm gì?

Cặp sách chưa kịp nói gì thì chị hộp bút đã nhanh nhảu nói lại mọi chuyện. Khi đó, bác tủ nói:

– À! Thì ra là thế. Sao không gọi tôi để tôi góp chuyện với. Cô chủ của chúng ta rất nghịch ngợm…

Không để cho bác tủ nói hết, anh em sách vở đã cắt ngang:

– Mấy người làm gì ngoài đó mà lâu thế, mở cửa cho chúng tôi đi chứ. Bác tủ lại nặng nề mở cửa ra:

– Có gì đâu mà gọi ầm lên thế!

– Xin lỗi bác tủ. Chúng cháu thấy mọi người nói chuyện đúng quá nên chúng cháu cũng muốn kể. Vốn trước đây chúng cháu đẹp lắm nhưng tại cô chủ nên cháu mới tàn tạ như thế này. Bộ áo của cháu bị bung hết ra. Đối với cô chủ, chúng cháu không chỉ dùng để học mà còn dùng làm vũ khí nữa. Mỗi lần cô chủ bị mấy đứa con trai trêu thì y như rằng lại lấy chúng cháu ra mà phang, mà ném.

Bỗng tôi giật mình tỉnh dậy, thì ra là một giấc mơ. Tôi bước tới bàn học sắp xếp lại sách vở vương vãi trên mặt bàn, bọc lại cẩn thận. Tôi cũng lấy bớt mấy thứ ra khỏi hộp bút, cặp sách. Tôi tự nhủ rằng: “Sẽ đối xử thật tốt với các đồ dùng học tập của mình”. Thỉnh thoảng trong gió tôi nghe thấy tiếng hò reo đồng tình cặp sách, hộp bút, sách vở và bác tủ.

Nguyễn Quỳnh Văn (học sinh)

Kể lại cuộc trò chuyện, tâm sự giữa các đồ dùng học tập - Bài tham khảo 6

Tôi đã từng là một đứa con gái chẳng mấy ngăn nắp gọn gàng trong mọi việc, nhất là tôi chẳng bao giờ cẩn thận nổi trong việc sắp xếp và dọn dẹp đồ đạc của chính bản thân mình. Thế nhưng bây giờ, tôi đã ý thức được và trở thành một người chỉn chu hơn rất nhiều. Nguyên do khiến tôi quyết tâm thay đổi cũng chính là nhờ việc nghe được cuộc trò chuyện kì lạ hôm ấy…

Hôm ấy là một buổi sáng thứ hai như thường lệ, tôi vội vã chạy ù ra khỏi nhà để kịp giờ học. Chết rồi, đã sắp bảy giờ, tôi sẽ muộn mất! Ù té chạy đến trường, tôi chợt ngơ ngác khi thấy cánh cửa đóng kín, cũng chẳng có bóng dáng học sinh nào cả. Tôi mới sực nhớ ra hôm nay nhà trường cho nghỉ, thế mà tôi theo thói quen lại chạy ào đi học mà quên mất. Lững thững trở về nhà, vừa định mở cửa bước vào phòng, tôi chợt nghe thấy có tiếng xì xầm to nhỏ. Cả nhà đều đã đi làm hết, còn ai ở nhà vậy nhỉ? Tôi thầm nghĩ rồi len lén mở cánh cửa ra khẽ khàng nhất có thể. Qua khe cửa, tôi bất ngờ khi nhìn thấy những đồ dùng học tập trên bàn đang trò chuyện với nhau. Đáng lẽ ra chúng phải ở trong cặp tôi chứ nhỉ, à, có lẽ sáng nay vội quá nên tôi đã quên không bỏ vào cặp. Chợt lúc ấy cây bút bi cất tiếng cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:

- Cô chủ lại quên không mang chúng ta đi học nữa rồi, hôm qua cô chủ học xong còn không cho chúng ta gọn gàng vào hộp bút nữa…..

- Đúng vậy đấy- hộp bút lên tiếng - mà các anh nhìn tôi này, mới ngày nào tôi còn sạch sẽ mới toanh và luôn hãnh diện về những hoa văn sặc sỡ trên thân mình, vậy mà bây giờ… Bây giờ người tôi lấm lem hết cả, bị cô chủ quăng quật lung tung, bao nhiêu bụi bẩn bám vào người mà cũng không được đem đi giặt. Chao ôi, giờ trông tôi thật thảm hại biết bao!

Tôi có thể nghe được tiếng thở dài đồng thanh vang lên. Bỗng cây thước kẻ lại tiếp lời:

- Còn tôi thì cũng đâu khác là bao, cô chủ hay đem tôi giả vờ làm kiếm đánh nhau với lũ bạn, rồi tôi xước hết cả mình mẩy. Giờ đến cả mấy con số trên thân tôi cũng chẳng còn rõ ràng nữa mà mờ đi hết rồi….

- Các anh phải nhìn tôi đây, tôi vốn từng là một cục tẩy xinh đẹp và thơm tho, vậy mà bây giờ tôi cũng chỉ còn một nửa, lớp vỏ bọc thì đã bị bay đi đâu mất !

Một khoảng lặng diễn ra, tôi cứ nghĩ rằng cuộc nói chuyện đã dừng lại, nhưng chợt một giọng nói khác khe khẽ cất lên:

- Các anh ạ, sách vở chúng tôi cũng thấy buồn lắm! Bìa sách của tôi bị rách nham nhở, một số trang còn bị long ra nữa, vậy mà cô chủ cũng chẳng chịu dán lại, làm các trang sách càng ngày càng xấu tệ!

Nghe xong toàn bộ cuộc trò chuyện, tôi bất giác cảm thấy rất hối hận và thầm xin lỗi những đồ dùng học tập của mình. Đêm ấy, tôi đã sửa sang lại và nâng niu những người bạn ấy. Tôi cũng tự hứa với bản thân rằng sẽ luôn thật ngăn nắp và biết quý trọng những đồ dùng của bản thân.

Kể lại cuộc trò chuyện, tâm sự giữa các đồ dùng học tập - Bài tham khảo 7

Có bao giờ những thứ vô tri vô giác xung quanh chúng ta lại biết nói lên lời không? đó quả là một điều kì diệu và lạ thường cứ như có phép thuật vậy. Em đã không tin vào mắt mình khi bắt gặp cuộc trò chuyện giữa những đồ dùng học tập của em ngày hôm nay.

Cuộc trò chuyện giữa cây bút chì mà em yêu thích cùng với quyển vở và cây thước. Em ra ngoài và khi trở lại và tình cờ nghe thấy cuộc nói chuyện của chúng. Ban đầu em không tin vào mắt mình khi nhìn thấy chúng nói chuyện với nhau, em chỉ nghe chúng nói qua cánh cửa phòng của mình.

Bút chì lên tiếng:

- Mình thật hạnh phúc khi được cô chủ quan tâm và bảo vệ, hãy nhìn mình này vẫn mới làm sao không một vết xước.

Quyển vở lên tiếng:

- Cậu cũng hãy nhìn mình đi, mình vẫn mới như ngày nào còn được cô chủ ưu ái khoác cho lớp băng dính ngoài mép vở cho đỡ lát và cong… mình tự tin khoe với những bạn vở khác cùng bàn.

Bút chì lại cất lời:

- Nhưng thời gian mình ở với cô chủ đã lâu rồi, mình được ở với cô chủ trước cậu nên cậu mới hơn mình thì chẳng có gì là thắc mắc cả.

Vở lại lên tiếng:

- Ừ, thì cho là vậy đi. Nhưng ít ra chúng ta đều được cô chủ yêu quý và bảo vệ. Không giống như những người bạn khác của cô chủ.

Bút chì đáp lại:

- Bạn nói đúng, cái bạn bút chì gần mình cũng vậy, thân hình đâu mà xước rồi lại long sòng sọc à! Xấu xí lắm

Bút chì và vở nói chuyện vui vẻ với nhau mà không để ý xem cây thước kẻ đang ngồi buồn bên cạnh. Thước kẻ chỉ lẳng lặng quan sát những người bạn khoe về diện mạo của mình mà không nói gì.

Lúc này bút mới lên tiếng:

- Này bạn thước sao bạn im lặng vậy? Bạn thấy cô chủ chăm sóc bảo vệ bạn ra sao?

Vở đáp lại:

- Bút chì cậu không thấy thân hình cậu ấy sứt mẻ vậy sao còn hỏi?

Thước lên tiếng:

- Không cô chủ đối xử rất tốt với mình, chẳng qua thời gian trôi đi chẳng có gì gọi là vẹn nguyên cả… Cũng giống như con người vậy sinh ra là một đứa trẻ đáng yêu nhưng thời gian thay đổi cũng sẽ thay đổi con người họ, họ chính chắn hơn và họ cũng thay đổi thân xác đến khi về già họ sẽ chết đi. Tôi ở với cô chủ từ khi cô ấy bắt đầu đi học đến bây giờ cũng đã mấy năm trời… thân xác tôi vẫn còn nguyên vẹn chẳng qua thời gian trôi cũng phải bị sứt mẻ, nhưng cảm ơn cô chủ đã coi tôi là người bạn tốt luôn luôn cho tôi đi bên cạnh cô ấy.

Nghe xong câu chuyện, em cảm thấy thật hạnh phúc. Qua đó cho thấy, chúng ta cần phải biết gìn giữ những gì mình có, phải biết nâng niu và bảo vệ chúng cẩn thận vì chúng gắn liền với cuộc đời học sinh mỗi người và là những người bạn tốt của ta.

Kể lại cuộc trò chuyện, tâm sự giữa các đồ dùng học tập - Bài tham khảo 8

Mẹ đã nhắc nhở tôi rất nhiều lần nhưng xem chừng cái tính cẩu thả của tôi chẳng có tiến triển chút nào. Tôi vẫn quăng quần áo, sách bút lung tung và thỉnh thoảng còn tiện thế... ngủ ngay trên bàn học. Thế mà chỉ cách đây không đầy một tháng, tôi đã tự nhủ phải sửa đi cái tính cẩu thả của mình. Tất cả bà đầu vào buổi trưa hôm ấy.

Cô giáo dặn ngày mai có một bài kiểm tra Văn học. Thế nên bữa ấy, cơm trưa xong, tôi oằn mình ra bàn học đế gò cho bằng được cái dàn ý của bài văn. Nhưng để bài cô cho tuần này khó thật! Mệt mỏi và chán nản, tôi gục ngay xuống đống vở văn.

Ôi! Đau quá, cái mặt của bác sách méo xệch hẳn đi.

- Có chuyện gì thế bác! Chị thước ngay cạnh quan tâm.

- Cậu chủ chằng ý tứ tí nào. Cứ nhè ngay cái mặt của tôi mà lăn ra ngủ làm tôi vặn cả cái xương sườn rồi. Mà chị biết không, lúc bà chủ mới mua tôi về, người tôi thơm phức, mặt mày sáng láng vô cùng lại còn phẳng phiu đến mức nào. Thế mà bây giờ chị xem đây! Cái mặt tôi thì nguệch ngoạc không biết bao nhiêu những hình siêu nhân quái dị. Cái vỏ áo cứng của tôi thì bị gập nát không sao làm phẳng ra được như trước. Đấy là chưa kể những nét gạch lung tung và một vài manh áo của tôi còn bị rách bươm ra nữa.

- Hoàn cảnh của bác kể ra cũng tội. Nghe bác thở than cháu cũng muốn nói ra vài tâm sự của mình. Trước đây cháu màu xanh ngọc. Những vạch kẻ, những con số trên người đều rõ ràng, chính xác. Thế mà bây giờ bác thấy! Mặt mũi cháu thì sứt sở, số má mờ hết chẳng còn gì. Hôm nữa ở trên lớp cháu bị cậu chủ giẫm đúng giữa lưng. Cũng may tại qua nạn khỏi, nếu không chắc bây giờ cháu đã nằm bên dưới bãi rác thải rồi. Thật cậu chủ chẳng ra thể thống gì cả! .

Từ nãy đến giờ dù vẫn nằm yên trên giá nhưng nghe xong câu chuyện, anh bút cũng chẳng còn giữ được vẻ điềm tĩnh hàng ngày:

- Đúng là mỗi người một cảnh. Bác và chị đã khổ, tôi tự thấy mình lại càng buồn lòng hơn nữa. Sự vô ý của cậu chủ đã biến tôi thành một kẻ tội đồ. Tôi đau lòng lắm khi cứ phải theo tay cậu chủ mà vạch ngang vạch dọc lên mặt bác, mặt chị và còn biết bao anh chị khác. Bản thân tôi dù ngày nào cũng tận tâm cùng cậu chỉ nhưng có bao giờ tôi được tắm táp sạch sẽ đầu. Đã vậy lại còn bị dán lên mặt không biết bao nhiêu hình hài khác lạ và đầu chỉ có vậy, cứ không thích cậu chủ lại xé ra, những lần ấy có khi tôi còn bị sứt cả mảng lưng đau điếng mà chẳng nói dám gì. Nghĩ mà thấy bất bình lắm bác ạ!

- Cậu chủ ơi! Tại sao chúng tôi rất tận tâm mà cậu lại hư như vậy! Hư lắm! Hư lắm! Hư lắm. Ối! Ối... ối!

- Phương à! Con làm sao vậy?

Mẹ mở cửa chạy vào, khi tôi đã đứng lên mà mồ hôi vẫn chảy ròng ròng

- Con không sao! Con ngủ mê mẹ ạ!

Mẹ tôi lặng lẽ bước ra, lúc bấy giờ tôi mới hoảng hồn nhìn lại đống sách vở trên bàn học của mình. Thấy lộn tung hết cả, tôi bèn nhanh tay sắp hết lên giá rồi cầm chiếc bút máy mà tôi vẫn viết hàng ngày đi ra đường sân giếng.

Hãy tưởng tượng và kể lại cuộc trò chuyện, tâm sự giữa các đồ dùng học tập bao gồm 8 bài văn mẫu cho các em học sinh tham khảo, củng cố làm bài văn kể chuyện tưởng tượng lớp 6, ôn tập phần tập làm văn lớp 6, chuẩn bị cho các bài viết trên lớp đạt kết quả cao.

Bên cạnh đó, việc chuẩn bị sớm cho kì thi học kì 1 cũng rất quan trọng. Làm trước các đề thi học kì 1 lớp 6đề thi học kì 2 lớp 6 sẽ giúp các em có thêm kiến thức, kinh nghiệm làm các dạng đề bài khác nhau. Chúc các em học tốt.

Tham khảo các bài văn mẫu lớp 6 khác:

Đánh giá bài viết
480 68.717
Sắp xếp theo

Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức

Xem thêm