Hình ảnh con cá kiếm được thể hiện như thế nào trong đoạn trích Ông già và biển cả của O - nít Hê - minh - uê

Văn mẫu lớp 12: Hình ảnh con cá kiếm được thể hiện như thế nào trong đoạn trích Ông già và biển cả của O - nít Hê - minh - uê được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo.

1. Dàn ý phân tích hình ảnh con cá kiếm

Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: . “Ông già và biển cả” là tiểu thuyết kết tinh tài năng, tư tưởng và những cách tân trong lối viết truyện của Hê-minh-uê.

2. Thân bài

- Cùng với nhân vật ông lão Santiago, con cá kiếm được nhà văn tập trung miêu tả như một nhân vật đặc biệt.

– Con cá kiếm mang đến những ấn tượng đầu tiên qua những vòng lượn mạnh mẽ cùng những cố gắng mãnh liệt để thoát khỏi sự rượt đuổi, vây bắt của một người ngư phủ lành nghề

– Con cá kiếm cũng có dáng vẻ vô cùng đẹp đẽ, khác lạ “cái đuôi lớn hơn cả chiếc lưỡi hái lớn, màu tím hồng dựng trên mặt đại dương xanh thẳm cùng thân hìn đồ sộ và những sóc tía trên mình

– Con cá kiếm hiện lên như một đối thủ đáng gờm của ông lão, những vòng bơi điêu luyện của nó nhanh và uyển chuyển đến mức khiến ông lão hoa mắt, chóng mặt.

3. Kết bài

Con cá kiếm trong tác phẩm không chỉ mang ý nghĩa tả thực mà còn là biểu tượng của thiên nhiên. Cuộc chiến giữa ông lão và con cá trở thành mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

2. Phân tích hình ảnh con cá kiếm mẫu 1

Ơ-nít Hê-minh-uê là nhà văn Mĩ đã để lại dấu ấn sâu sắc trong văn xuôi hiện đại phương Tây, người đã đóng góp một phần quan trọng vào việc đổi mới lối viết truyện và tiểu thuyết. Dù viết về đề tài nào, Hê-minh-uê cũng kiên trì quan niệm nghệ thuật: Viết một áng văn xuôi đơn giản và trung thực về con người. Ông già biển cả (1952) là tác phẩm kết tinh tiêu biểu những nét mới mẻ trong lối viết truyện của Hê-minh-uê.

Con cá kiếm trong tác phẩm được nhà văn tập trung miêu tả như một nhân vật đặc biệt bởi những nét rất khác thường, Ở đầu đoạn trích, con cá chưa xuất hiện ngay mà chỉ tạo ấn tượng bằng bằng những vòng tròn rất lớn. Nó gợi cảm nhận về đường lượn của con cá, tạo nên sự ám ảnh về một hình tượng cụ thể mặc dù nó chưa xuất hiện - ông lão chưa thể nhìn thấy con cá mà chỉ đoán biết nó qua vòng lượn. Sự lặp lại của những vòng lượn của con cá kiếm gợi lên hình ảnh một ngư phủ lành nghề kiên cường: chỉ bằng con mắt từng trải và cảm giác đau đớn nơi bàn tay, ông đã ước lượng được khoảng cách ngày càng gần của con cá. Vì vậy, mặc dù chưa nhìn thấy con cá nhưng ông cũng đoán biết được đối thủ của mình. Hơn nữa, những vòng lượn cũng vẽ lên những cố gắng cuối cùng nhưng hết sức mãnh liệt của con cá, cố gắng thoát khỏi sự níu kéo bủa vây của người ngư phủ: nó cũng dũng cảm kiên cường không kém gì đối thủ của mình.

 Hình ảnh con cá kiếm được thể hiện như thế nào trong đoạn trích Ông già và biển cả của O - nít Hê - minh - uê

Nhà văn có dụng ý để ông lão và độc giả cảm nhận về con cá qua ấn tượng và cảm giác về những vòng lượn ấy. Điều này làm cho mỗi người có hình dung khác nhau về nó. Phải đến khi cái bóng của nó xuất hiện thì Xan-ti-a-gô, một người lâu năm trong nghề câu cá cũng không khỏi kinh ngạc: một cái bóng đen vượt dài qua dưới thuyền, đến mức lão không thể tin nổi độ dài của nó. Con cá kiếm rất lớn và rất đẹp: cái đuôi lớn hơn cả một chiếc lưỡi hái lớn, màu tím hồng dựng trên mặt đại dương xanh thẳm cùng thân hình đồ sộ và những sóc tía trên mình, những cánh vi trên lưng xếp lại, còn bộ vây to sụ bên sườn xòe rộng. Ngoại hình đó toát lên sức mạnh ghê gớm và sự oai phong, đĩnh đạc. Không những con cá rất lớn và đẹp mà nó còn đầy sức mạnh. Những vòng bơi của con cá kiếm khiến ông lão hoa mắt, chóng mặt và choáng váng,... Ông lão cảm nhận được cú quật đột ngột và cú nảy mạnh ở sợi dây do con cá gây ra. Lão không tin ở mắt mình vì con cá quá lớn, phải hơn nửa tấn và người đọc thì trầm trồ vì sức mạnh ghê gớm, sự oai phong đĩnh đạc, nét kì vĩ và cả sự duyên dáng này. Hình ảnh con cá kiếm đã bị mắc câu được miêu tả với những vòng lượn được nhắc lại, gợi lên đặc điểm về cuộc đấu giữa ông lão và con cá kiếm. Đó là cuộc đấu kéo dài suốt hành trình chiếm được con cá, buộc con cá vào mạn thuyền và đưa con cá trở về. Con cá kiếm khổng lồ to khoẻ (đến hơn nửa tấn) cùng con người luôn luôn ở trong tư thế vờn miếng nhau, một bên để thoát thân, một bên để chiếm giữ, chinh phục. Cả hai lúc đầu dồi dào sức lực, sau đó rệu rã, mệt mỏi dần nhưng vẫn cố gắng hết sức phô diễn sự kiêu dũng của mình, không hề chịu lùi bước, ngã gục trước đối thủ.

Hê-minh-uê tập trung tô đậm những chi tiết về sự khôn ngoan của nó. Nó không hề cắn câu ngay mà còn thử lượn vòng. Ngay cả khi ăn mồi rồi, nó cũng không dễ dàng chấp nhận và phản ứng dữ dội: nó bơi đi, nhào người qua lại như đoán được việc ông lão chuẩn bị phóng lao để tiêu diệt nó. Cái chết của con cá kiếm cũng rất khác thường. Nó dường như không chấp nhận cái chết mà phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực. Đó là dáng vẻ của sức mạnh và sự kiêu hùng. Khi sức cùng lực kiệt nhưng con cá vẫn có phong thái hiên ngang và đầy uy dũng. Sự kiêu hùng đó chứng tỏ một tình cảm trân trọng đặc biệt của nhà văn và góp phần nâng cao tầm vóc của ông lão đánh cá Xan-ti-a-gô.

3. Phân tích hình ảnh con cá kiếm mẫu 2

Hê-minh-uê là nhà văn, nhà tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mĩ. Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình ông đã có những đóng góp to lớn cho quá trình đổi mới, cách tân lối viết truyện và tiểu thuyết. Hê-minh-uê đề cao nguyên tắc sáng tác văn xuôi đơn giản nhưng cần trung thực về con người, do đó những tác phẩm của ông thường không có quá nhiều kịch tính, cao trào nhưng chứa đựng được những triết lí sâu sắc về cuộc đời và cuộc đời. “Ông già và biển cả” là tiểu thuyết kết tinh tài năng, tư tưởng và những cách tân trong lối viết truyện của Hê-minh-uê.

Cùng với nhân vật ông lão Santiago, con cá kiếm được nhà văn tập trung miêu tả như một nhân vật đặc biệt. Trong phần đầu đoạn trích, con cá kiếm chưa được miêu tả trực tiếp mà chỉ hiện lên qua những chuyển động mạnh mẽ và qua những cảm nhận tinh tế, lành nghề ông lão đánh cá. Con cá kiếm mang đến những ấn tượng đầu tiên qua những vòng lượn mạnh mẽ cùng những cố gắng mãnh liệt để thoát khỏi sự rượt đuổi, vây bắt của một người ngư phủ lành nghề, giàu kinh nghiệm như ông lão Santiago.

Ở phần đầu, nhà văn đã dụng ý để cho người đọc và cả ông lão Santiago mường tượng, suy đoán về con cá kiếm thông qua những cảm giác và ấn tượng. Dẫu biết con cá mà ông lão tìm kiếm được không phải là một “chiến lợi phẩm” bình thường nhưng khi nó xuất hiện với hình dáng khổng lồ thì không chỉ độc giả mà một người dày dạn kinh nghiệm như ông lão Santiago cũng phải ngạc nhiên: “một cái bóng đen vượt dài qua dưới thuyền, đến mức lão không thể tin nổi độ dài của nó”. Con cá kiếm cũng có dáng vẻ vô cùng đẹp đẽ, khác lạ “cái đuôi lớn hơn cả chiếc lưỡi hái lớn, màu tím hồng dựng trên mặt đại dương xanh thẳm cùng thân hìn đồ sộ và những sóc tía trên mình, những cánh vi trên lưng xếp lại còn bộ vây to sụ bên sường xòe rộng”.

Con cá kiếm hiện lên như một đối thủ đáng gờm của ông lão, những vòng bơi điêu luyện của nó nhanh và uyển chuyển đến mức khiến ông lão hoa mắt, chóng mặt. Sức lực của ông lão cũng bị rút cạn vì những cũ quật đột ngột, cũ nảy mạnh của con cá. Phải khó khăn lắm ông lão mới có thể chinh phục được con cá, một người dùng cả cuộc đời trên biển như ông lão cũng phải ngạc nhiên, trầm trồ trước sức mạnh ghê gớm và sự oai phong đĩnh đạc của con cá.

Cuộc chiến căng thẳng của ông lão với con cá được đặc tả qua những vòng lượn và những hành động kinh nghiệm và trí tuệ của ông lão. Đó là cuộc chiến gay cấn, căng thẳng đến những phút cuối cùng, cả ông lão Santiago và con cá kiếm đều cố gắng giữ thế thượng phong và trong tư thế vờn miếng nhau, nếu con cá cố gắng thoát thân thì ông lão cố gắng chiếm giữ và chinh phục thành quả của mình. Lúc đầu cả hai đều dồi dào sức lực nhưng sau đó đều mệt mỏi, rệu rã nhưng không bên nào chịu từ bỏ và mà cố gắng phô diễn hết sức mạnh, sự kiêu dũng trước đối thủ.

Con cá kiếm trong tác phẩm không chỉ mang ý nghĩa tả thực mà còn là biểu tượng của thiên nhiên. Cuộc chiến giữa ông lão và con cá trở thành mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Con và và thiên nhiên vốn có mối quan hệ mật thiết với nhau, tuy nhiên cũng có lúc sức mạnh của tự nhiên trở thành kẻ thù số một của con người. Do đó trong quá trình chinh phục tự nhiên, bên cạnh việc cải tạo thiên nhiên theo ý mình thì con người còn cần yêu mến, tôn trọng và sống hài hòa với tự nhiên.

Con cá kiếm còn là biểu tượng cho vẻ đẹp và sức mạnh của tự nhiên, đó cũng là những trông gai và thử thách mà con người phải vượt qua trong cuộc đời để đạt được những thành quả giá trị.

Nhân vật con cá kiếm trong tác phẩm được xây dựng với những vẻ đẹp và sức mạnh như một đối thủ thực thụ của ông lão Santiago, đây cũng là nhân vật quan trọng góp phần làm nên phần ý nghĩa “chìm” bên dưới tảng băng trôi của tác phẩm.

4. Phân tích hình ảnh con cá kiếm mẫu 3

“Ông già và biển cả” là tiểu thuyết xuất sắc của nhà văn Hê-minh-uê từng đoạt giải Nobel văn học. Trong truyện, cùng với việc tái hiện cuộc rượt bắt đầy căng thẳng của ông lão đánh cá và con cá kiếm mà nhà văn Hê-minh –uê còn xây dựng thành công hình tượng con cá kiếm với tư cách là một biểu tượng cho thiên nhiên và cuộc đời.

Con cá kiếm xuất hiện với hình dáng khổng lồ và vẻ đẹp lộng lẫy với chiếc đuôi lớn hơn chiếc lưỡi hái, màu hồng dựng trên mặt đại dương xanh thẳm, thân hình đồ sộ, bộ vây to lớn. Không chỉ sở hữu dáng vẻ to lớn, đẹp đẽ mà con cá kiếm còn mang trong mình những sức mạnh ghê gớm, nhà văn Hê-minh-uê không trực tiếp miêu tả sức mạnh của con cá mà để cho người đọc tự cảm nhận qua những vòng lượn của nó.

Xây dựng hình tượng con cá kiếm, nhà văn Hê-minh-uê không chỉ hướng đến khắc họa hình ảnh thực của con cá ngoài đại dương mà kì công xây dựng để con cá kiếm trở thành một trong những biểu tượng đặc sắc, ý nghĩa nhất trong lịch sử văn học của thế giới.

Con cá kiếm xuất hiện trong đoạn trích không chỉ là một sinh vật biển thông thường, đối tượng đánh bắt thông thường của người ngư dân mà nó đã trở thành hình tượng văn học kì vĩ mang tính người. Ở con cá kiếm toát lên vẻ đẹp cao thượng, dũng mãnh, hiên ngang ngay cả trong tình cảnh hiểm nguy có thể dê dọa đến tính mạng.Ngay cả khi kiệt sức, bị ông lão đánh cá chinh phục thì con cá cũng lựa chọn cái chết vô cùng đàng hoàng. Qua hình tượng con cá kiếm, nhà văn Hê-minh-uê muốn đề cao vẻ đẹp của sự cao thượng trong cuộc đời.

Con cá kiếm còn là biểu tượng đẹp đẽ của thiên nhiên, qua đó chỉ ra mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người. Tác giả muốn gửi gắm thông điệp cần tôn trọng, yêu mến và sống hòa thuận với thiên nhiên, bởi thiên nhiên chứa đựng những cơ hội để con người chinh phục, khám phá nhưng nó cũng có sức mạnh khôn lường có thể đe dọa tới an nguy của con người nếu con người không biết tôn trọng và chinh phục đúng cách.

Ở phương diện nghệ thuật, hình ảnh con cá kiếm còn là biểu tượng cho mơ ước sáng tạo không ngừng nghỉ của con người trong hành trình tìm kiếm những đổi mới, cách tân.

Qua việc xây dựng hình ảnh con cá kiếm, ta cảm nhận trọn vẹn về tài năng, tư tưởng cùng sự nhạy bén, tinh tế trong miêu tả và xây dựng các hình tượng nghệ thuật của nhà văn Hê-minh-uê.

5. Phân tích hình ảnh con cá kiếm mẫu 4

Xan-ti-a-gô là một ông già đánh cá ở vùng nhiệt lưu. Đã ba ngày hai đêm ông ra khơi đánh cá. Khung cảnh trời biển mênh mông chỉ một mình ông lão. Khi trò chuyện với mây nước, khi đuổi theo con cá lớn, khi đương đẩu với đàn cá mập xông vào xâu xe con cá. Cuối cùng kiệt sức vào đến bờ con cả kiếm chỉ còn trơ lại bộ xương. Câu chuyện đã mở ra nhiều tầng ý nghĩa. Một cuộc tìm kiếm con cá lớn nhất, đẹp nhất đời, hành trình nhọc nhằn dũng cảm của người lao động trong một xã hội vô hình, thể nghiệm về thành công và thất bại của người nghệ sĩ đơn độc khi theo đuổi uớc mơ sáng tạo rồi trình bày nó trước mắt người đời...

Đoạn trích ở gần cuối tác phẩm có hai hình tượng: ông lão và con cá kiếm. Hai hình tượng mang một vẻ đẹp song song tương đồng trong một tình huống càng thẳng đối lập. Con cá kiếm mắc câu bắt đầu những vòng lượn "vòng tròn rất lớn", "con cá đã quay tròn". Nhưng con cá vẫn chậm rãi lượn vòng". Những vòng lượn được nhắc lại rất nhiều lần gợi ra được vẻ đẹp hùng dũng, ngoan cường của con cá trong cuộc chiến đấu ấy, ông lão ở trong hoàn cảnh hoàn toàn đơn độc "mệt thấu xương" "hoa mắt" vẫn kiên nhẫn vừa thông cảm với con cá vừa phải khuất phục nó. Cuộc chiến đấu đã tới chặng cuối, hết sức căng thẳng nhưng cũng hết sức đẹp đẽ. Hai đối thủ đều dốc sức tấn công và dốc sức chống trả, cảm thấy chóng mặt và choáng váng nhưng ỏng lão vẫn ngoan cường "ta không thể tự chơi xỏ mình và chết trước một con cá như thế này được" lão nói, ông lão cảm thấy "một cú quặt đột ngột và cú nảy mạnh ở sợi dây mà lão đang níu bằng cả hai tay". Lão hiểu con cá cũng đang ngoan cường chống trả. Lão biết con cá sẽ nhảy lên, lão mong cho điều đó đừng xảy ra "đừng nhảy, cá" lão nói, "đừng nhảy"; nhưng lão cũng hiểu "những cú nhảy để nó hít thở không khí", ông lão nương vào gió chờ "lượt tới nó lượn ra, ta sẽ nghỉ". "Đến vòng thứ ba, lão lần đầu tiên thấy con cá". Lão không thể tin nỗi độ dài của nó " "không" lão nói, "Nó không thể lớn như thế được". Những vòng lượn của con cá hẹp dần. Nó đã yếu đi nhưng nó vẫn không khuất phục, "lão nghĩ: "Tao chưa bao giờ thấy bất kì ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng hơn mày", ông lão cũng đã rất mệt có thể đổ sụp xuống bất kì lúc nào. Nhưng ông lão luôn nhủ "mình sẽ cố thêm lần nữa". Dồn hết mọi đau đớn và những gì còn lại của sức lực và lòng kiêu hãnh, lão mang ra để đương đầu với cơn hấp hối của con cá. Ông lão nhấc cao ngọn lao phóng xuống sườn con cá "cảm thấy mũi sắt cắm phập vào, lão tì ngươi lên ấn sâu rồi dồn hết trọng lực lên cán dao". Đây là đòn đánh quyết định cuối cùng để tiêu diệt con cá. Lão rất tiếc khi phải giết nó, nhưng vẫn phải giết nó.

"Khi ấy con cá, mang cái chết trong mình, sực tỉnh phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lổ, vẻ đẹp và sức lực của nó". Cái chết của con cá cũng bộc lộ vẻ đẹp kiêu dũng hiếm thấy của ông lão và con cá đều là kì phùng địch thủ. Họ xứng đáng là đối thủ của nhau. Nhà văn miêu tả vẻ đẹp của con cá cũng là để đề cao vẻ đẹp của con người. Đối tượng chinh phục càng cao cả, đẹp đẽ thì vẻ đẹp của con người đi chinh phục càng được tôn lên. Cuộc chiến đấu gian nan với biết bao thử thách đau đớn đã tôn vinh vẻ đẹp của người lao động: giản dị và ngoan cường thực hiện bằng được ước mơ của mình.

Hình tượng con cá kiếm được phát biểu trực tiếp qua ngôn từ của người kể chuyện, đặc biệt là qua những lời trò chuyện của ông lão với con cá ta thấy ông lão coi nó như một con người. Chính thái độ đặc biệt, khác thường này đã biến con cá thành "nhân vật" chính thứ hai bên cạnh ông lão, ngang hàng với ông. Con cá kiếm mang ý nghĩa biểu tượng. Nó là đại diện cho hình ảnh thiên nhiên, tiêu biểu cho vẻ đẹp, tính chất kiêu hùng vĩ đại của tự nhiên. Trong mối quan hệ phức tạp của thiên nhiên với con người không phải lúc nào thiên nhiên cũng là kẻ thù. Con người và thiên nhiên có thể vừa là bạn vừa là đối thủ. Con cá kiếm là biểu tượng của ước mơ vừa bình thường giản dị nhưng đổng thời cũng rất khác thường, cao cả mà con người ít nhất từng theo đuổi một lần trong đời.

Đoạn văn tiêu biểu cho phong cách viết độc đáo của Hê-minh-uê: Luôn đặt con người đơn độc trước thử thách. Con người phải vượt qua thử thách vượt qua giới hạn của chính mình để luôn vươn tới đạt được ước mơ khát vọng của mình. Hai hình tượng ông lão và con cá kiếm đều mang ý nghĩa biểu tượng gợi ra nhiều tầng nghĩa của tác phẩm. Đoạn văn tiêu biểu cho nguyên lý "Tảng băng trôi" của Hê-minh-uê.

-------------------------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Hình ảnh con cá kiếm được thể hiện như thế nào trong đoạn trích Ông già và biển cả của O - nít Hê - minh - uê. Bài viết đã gửi tới bạn đọc dàn ý và các bài văn mẫu. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để học tập nhé. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12 mời các bạn tham khảo thêm một số bài tiêu biểu:

Đánh giá bài viết
2 21.554
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 12

Xem thêm