Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Đi hội Chùa Hương

Cảm thụ văn học bài Đi hội Chùa Hương

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Đi hội Chùa Hương là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Đi hội Chùa Hương

Đi hội Chùa Hương

Nườm nượp người, xe đi

Mùa xuân về trẩy hội.

Rừng mơ thay áo mới

Xúng xính hoa đón mời.

Nơi núi cũ xa vời

Bỗng thành nơi gặp gỡ.

Một câu chào cỏi mở

Hoá ra người cùng quê.

Bước mỗi bước say mê

Như giữa trang cổ tích.

Đất nước mình thanh lịch

Nên núi rừng cũng thơ.

Dù không ai đợi chờ

Cũng thấy lòng bổi hổi.

Lẫn trong làn sương khói

Một mùi thơm cứ vương

Động chùa Tiên, chùa Hương

Đá còn vang tiếng nhạc.

Động chùa núi Hinh Bồng

Gió còn ngân khúc hát.

Ôi phải đâu lễ Phật

Người mới đi chùa Hương.

Người đi thăm đất nước

Người về trong yêu thương.

Cách đọc

Đọc nhấn vào những tiếng bắt vần và tiếng đối thanh trong mỗi khổ thơ. Ví dụ:

Nơi núi cũ xa vời

Bỗng thành nơi gặp gỡ.

Một câu chào cởi mở

Hoá ra người cùng quê.

Gợi ý cảm thụ

Chùa Hương là một thắng cảnh nổi tiếng của nước ta. Mỗi năm vào dịp lễ hội (tháng giêng đến tháng ba âm lịch) người khắp nước kéo về dâng hương và thưởng thức cảnh đẹp. Bài thơ vừa nói về không khí trẩy hội vừa diễn tả cảm xúc của tác giả đối với một danh thắng của đất nước.

Quang cảnh vùng chùa Hương bước vào mùa lễ hội bỗng trở nên sống động: Nườm nượp người, xe đi; Rừng mơ thay áo mới; Lẫn trong làn sương khói – Một mùi thơm cứ vương… Sức cuốn hút của lễ hội khiến những người xa lạ bỗng thấy gần nhau: gần nhau ở tình cảm mến yêu đất nước, gần nhau ở tấm lòng thành kính đối với Tiên, Phật, ai ai cũng cởi mở, cho nên người xa lạ bỗng thành “người cùng quê”. Mỗi bước đi như lần giở từng trang cổ tích và con người được tắm mình trong không khí nguyên sơ tinh khiết của vũ trụ. Quê hương đất nước trở nên vừa quen vừa lạ, khiến cho lòng người luôn xao xuyến: Dù không ai đợi chờ – Cũng thấy lòng bổi hổi. Và trong niềm vui lâng lâng ấy, người ta tưởng như mọi vật đều như có “tiếng nói”: Đá còn vang tiếng nhạc; Gió còn ngân khúc hát là bởi thế.

Hai câu cuối như một cách tổng kết sau một lần đi chùa Hương ở cả hai chiều đi (thăm đất nước) và về (trong yêu thương). Đi lễ hội rút cục không chỉ là chuyện tôn giáo, tín ngưỡng mà còn là tình yêu đất nước, tình yêu con người.

Ngoài tài liệu môn Tiếng Việt lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Đánh giá bài viết
4 802
Sắp xếp theo

    Tiếng Việt lớp 3 Chương trình mới

    Xem thêm