Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Hội vật

Cảm thụ văn học bài Hội vật

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Hội vật là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Hội vật

Hội vật

1. Tiếng trống vật nổi lên dồn dập. Người tứ xứ đổ về như nước chảy. Ai cũng náo nức muốn được xem mặt, xem tài ông Cản Ngũ. Người ta chen lấn nhau, quây kín quanh sới vật, nhiều người phải trèo lên những cây cao gần đấy xem cho rõ.

2. Ngay nhịp trống đầu, Quắm Đen đã lăn xả vào ông Cản Ngũ. Anh vờn bên trái, đánh bên phải, dứ trên, đánh dưới, thoắt biến, thoắt hoá khôn lường. Trái lại ông Cản Ngũ có vẻ lớ ngớ, chậm chạp. Hai tay ông lúc nào cũng dang rộng, để sát xuống mặt đất, xoay xoay chống đỡ… Keo vật xem chừng chán ngắt.

3. Ông Cản Ngũ bỗng bước hụt, mất đà chúi xuống. Quắm Đen nhanh như cắt, luồn qua hai cánh tay ông, ôm lấy một bên chân ông, bốc lên. Người xem bốn phía xung quanh reo ồ cả lên. Thôi thế là ông Cản Ngũ ngã rồi, nhất định ngã rồi, có khoẻ bằng voi cũng phải ngã!

4. Tiếng trống dồn lên gấp rút, giục giã. Ông cản Ngũ vẫn chưa ngã. ông vẫn đứng như cây trồng giữa sới. Còn Quắm Đen thì đang loay hoay, gò lưng lại, không sao bê nổi chân ông lên. Cái chân tựa như bằng cột sắt chứ không phải là chân người nữa.

5. Ông Cản Ngũ vẫn đứng nghiêng mình nhìn Quắm Đen mồ hôi mồ kê nhễ nhại dưới chân. Lúc lâu, ông mới thò tay xuống nắm lấy khố Quắm Đen, nhấc bổng anh ta lên, coi nhẹ nhàng như giơ con ếch có buộc sợi rơm ngang bụng vậy.

Theo Kim Lân

Cách đọc

Là một bài văn tường thuật và miêu tả một keo vật, một keo vật rất sôi nổi, đầy bất ngờ, cho nên tuỳ diễn biến mà đọc tốc độ khác nhau: đọc hơi chậm đoạn 1 để hình dung quang cảnh toàn hội vật; đọc nhanh đoạn 2, 3, 4 để thấy khí thế dồn dập và ưu thế nổi trội của anh Quắm Đen; đọc chậm đoạn 5 để làm nổi bật động tác chậm rãi, chính xác, chắc thắng của ông Cản Ngũ

Gợi ý cảm thụ

Hội vật là một truyền thống của nhiều làng quê Việt Nam xưa (và nay nhiều nơi vẫn còn). Hội thường tổ chức về mùa xuân, thu hút đông đảo cả người thi đấu và người xem.

Nếu em nào có dịp đọc cả truyện này (truyện ông Cản Ngũ) sẽ thấy đây là một hội vật đặc biệt của làng năm ấy. Ông Cản Ngũ, người từng vô địch năm tỉnh lớn nhất xứ Bắc, là khách phương xa đến tham gia “phá giải” của làng.

Làng cử anh Quắm Đen, một đô vật vào bậc nhất của tỉnh Bắc Ninh, học trò yêu của cụ Cả Lẫm, được cụ truyền cho những miếng bí truyền, ra đấu với ông Cản Ngũ. Đoạn trích Hội vật trong sách giáo khoa kể về trận đấu này.

Vào đầu trận đấu, Quắm Đen cậy khoẻ và nhanh, ra đòn tới tấp. Ông Cản Ngũ thì chậm chạp, lúng túng. Khi ông Cản Ngũ bước hụt, mất thế, ai cũng tưởng ông thua, nhưng điều bất ngờ đã xảy ra: dù Quắm Đen gò lưng lại nhưng không sao bê nổi chân ông lên, vì cái chân tựa như bằng cột sắt chứ không phải là chân người nữa. Cuối cùng, ông Cản Ngũ thò tay xuống nắm lấy khố Quắm Đen, nhấc bổng anh ta lên, nhẹ nhàng như giơ con ếch.

Như vậy thực ra không phải ông Cản Ngũ kém tài. Thực ra ông trên “cơ” Quắm Đen nhiều lần nên không cần đánh lại. Ông cứ để cho Quắm Đen trổ tài, để người xem hồi hộp. Khi muốn kết thúc, chỉ cần một đòn nhẹ nhàng là ông thắng tuyệt đối.

Nếu đọc cả phần sau của truyện, ta thấy thực ra việc đi vật của ông Cản Ngũ chỉ là cách đi tìm người tài cho nghĩa quân Bãi Sậy. Ông Cản Ngũ yêu quý tài năng và tinh thần chiến đấu của Quắm Đen vô cùng. Sau hội vật này, ông đã nhận anh làm học trò.

Ngoài tài liệu môn Tiếng Việt lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Đánh giá bài viết
1 163
Sắp xếp theo

    Tiếng Việt lớp 3 Chương trình mới

    Xem thêm