Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Luôn nghĩ đến miền Nam

Cảm thụ văn học bài Luôn nghĩ đến miền Nam - Tiếng Việt lớp 3

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Luôn nghĩ đến miền Nam là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Luôn nghĩ đến miền Nam

Luôn nghĩ đến miền Nam

Đầu năm 1969, một chị cán bộ miền Nam ra Bắc được gặp Bác Hồ.

Chị thưa với Bác:

– Chúng cháu đánh giặc Mĩ đến một trăm năm cũng không sợ. Chỉ sợ một điều là Bác… trăm tuổi.

Chị đã nói ra cái điều mọi người hằng nghĩ nhưng không ai dám nhắc đến.

Năm ấy, Bác bảy mươi chín tuổi. Nghe vậy, Bác mỉm cười, hóm hỉnh:

– Còn hai mươi mốt năm nữa Bác mới trăm tuổi cơ. Bác kêu gọi các cô, các chú đánh Mĩ năm năm, mười năm, hai mươi năm chứ có nói hai mươi mốt năm đâu. Nếu hai mươi năm nữa mà ta thắng Mĩ thì Bác cũng còn một năm để vào thăm đồng bào miền Nam.

Thật ra, lúc ấy Bác đã yếu rồi. Tối mồng 1 tháng 9 năm 1969, Bác mệt nặng. Những lúc tỉnh lại, Bác vẫn hỏi:

– Trong Nam mấy hôm nay đánh giặc thế nào?

Sắp ra đi mãi mãi, Bác vẫn nghĩ đến miền Nam.

Theo tập sách Bác Hồ kính yêu Sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”.

Theo tập sách Bác Hồ kính yêu

Cách đọc

Đọc giọng kể chuyện, chậm rãi, cảm động. Câu nói của Bác đọc giọng vui, tếu táo nhưng ẩn chứa sự khắc khoải, mong đợi. Chú ý phân biệt lời dẫn và lời các nhân vật.

Gợi ý cảm thụ

Bài văn nói tới tình cảm bao la của Bác Hồ dành cho đồng bào miền Nam cũng như tình cảm kính yêu của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ. Các em hình dung câu chuyện được nói tới trong bài văn diễn ra vào đầu năm 1969, khi đó Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã 79 tuổi. Trong câu chuyện cảm động này có hai sự việc đáng lưu ý. Trước hết là sự việc chị cán bộ miền Nam thưa chuyện với Bác Hồ. Trong lời nói của chị cán bộ miền Nam: “Chúng cháu đánh giặc Mĩ đến một trăm năm cũng không sợ. Chỉ sợ một điều là Bác… trăm tuổi”, câu thứ nhất bày tỏ quyết tâm đánh Mĩ và thắng Mĩ của đồng bào miền Nam lúc ấy. Ở câu thứ hai, chị cán bộ miền Nam đã dùng cách “nói tránh” và nội dung câu nói được hiểu theo nghĩa bóng (sợ Bác trăm tuổi có nghĩa là sợ Bác mất). Nhưng thật thú vị, Bác Hồ lại dùng cách nói đùa vui, hóm hỉnh, khai thác chữ “trăm tuổi” theo nghĩa đen, để trả lời chị cán bộ miền Nam. Vì vậy, Bác nói: “Còn hai mươi mốt năm nữa Bác mới trăm tuổi cơ”. Rồi Bác nhắc lại “Lời kêu gọi chống Mĩ, cứu nước” ngày 17 – 7 – 1966 của Bác, trong đó có mấy câu quen thuộc: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do…”, nhưng lại nói một cách hóm hỉnh, đùa vui. Đến câu cuối trong lời nói của Bác: “Nếu hai mươi năm nữa mà ta thắng Mĩ thì Bác cũng còn một năm để vào thăm đồng bào miền Nam”, chúng ta thấy thực sự xúc động. Nội dung câu nói này của Bác chỉ là một giả định nhưng ẩn chứa trong đó là tấm lòng, tình cảm sâu nặng của Bác đối với đồng bào miền Nam lúc đó đang sống đau thương dưới gót giày của bọn xâm lược. Riêng câu “Bác cũng còn một năm để vào thăm đồng bào miền Nam” thể hiện sự khắc khoải, nỗi mong đợi bấy lâu nay của Bác – một niềm mong ước của vị lãnh tụ mà mỗi con dân Việt Nam khi nhắc lại đều không cầm lòng được. Ta càng thấm thìa hơn câu nói của Bác lúc sinh thời: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”.

Sự việc thứ hai trong câu chuyện cảm động này cũng liên quan đến những điều đã được nói tới ở trên. Cụ thể, như ta biết, ngày 2-9-1969 Bác mất. Nhưng tối mồng 1 tháng 9, những lúc tỉnh lại, Bác vẫn nhắc tới miền Nam. Như vậy, không phút giây nào Bác không nghĩ đến miền Nam, kể cả trước lúc Bác đi xa mãi mãi.

Ngoài tài liệu môn Tiếng Việt lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Đánh giá bài viết
1 49
Sắp xếp theo

    Tiếng Việt lớp 3 Chương trình mới

    Xem thêm