Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Mưa

Cảm thụ văn học bài Mưa

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Mưa là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Mưa

Mưa

Mây đen lũ lượt

Kéo về chiều nay

Mặt trời lật đật

Chui vào trong mây.


Chớp đông chớp tây

Rồi mưa nặng hạt

Cây lá xoè tay

Hứng làn nước mát

Gió reo gió hát

Giọng trầm giọng cao

Chớp dồn tiếng sấm

Chạy trong mưa rào.

Bà xỏ kim khâu

Chị ngồi đọc sách

Mẹ làm bánh khoai

Lửa reo tí tách.

Chỉ thương bác ếch

Lặn lội trong mưa

Xem từng cụm lúa

Phất cờ lên chưa.

(Trần Tâm)

Cách đọc

Trong mỗi khổ thơ, đọc nhấn vào các tiếng bắt vần và đối thanh điệu (đối thanh):

Chớp đông chớp tây

Rồi mưa nặng hạt

Cây lá xoè tay

Hứng làn nước mát.

(tây vần với tay, hạt vần với mát; tây với hạt đối thanh, tay với mát đối thanh)

Ngoài ra đọc nhấn vào các từ gợi tả: lũ lượt, lật đật, tí tách, lặn lội.

Gợi ý cảm thụ

Những hình ảnh được miêu tả trong bài thơ cho ta thấy đây là một cơn mưa đầu mùa, tức vào khoảng tháng ba âm lịch (tháng tư dương lịch) : trước khi mưa thường có dông gió rất mạnh, trời tối sầm và khi mưa thì cây cối hả hê đón nước mưa mới sau một mùa khô hạn. Đặc biệt, đối với cây lúa, lúc này đang thì con gái, được mưa mới lớn rất nhanh. Tục ngữ có câu:

Lúa chiêm lấp ló đầu bờ,

Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên.

Tất cả các sự vật trong thiên nhiên đều được nhân hoá, trở nên rất sinh động và gần gũi. Mây đen (loại mây gây mưa) lũ lượt (rất nhiều, đám nọ tiếp đám kia) kéo về (tập trung về một hướng, một chỗ). Mặt trời bị mây che nhanh quá được miêu tả bằng từ lật đật (vội vàng) chui vào mây ẩn trốn. Cây lá thì không sợ mưa, trái lại, xoè tay để hứng được nhiều nước mát nhất. Gió, sấm, chớp là những “nhân vật” phụ hoạ cho mưa, nên reo, dồn, chạy cổ vũ cho mưa thêm nhanh, mạnh và vui.

Trong khi ngoài trời náo động dữ dội như thế thì trong nhà là một không khí ấm cúng, bình yên. Mỗi người mỗi việc và những việc đặc thù của ngày mưa, tức là những việc làm lúc rỗi rãi: bà khâu vá, mẹ làm bánh (vì không ra đồng hoặc chạy chợ), chị ngồi đọc sách (vì mưa không đi chơi hoặc đi theo giúp mẹ). Đây là một không khí rất quen thuộc của nông thôn ngày mưa.

Duy có người bố không thấy nói đến, nhưng cuối bài lại có hình ảnh bác ếch lặn lội trong mưa. Hình ảnh bác ếch vừa rất thực, đó là khi mưa rào đầu mùa, ếch chui ra khỏi hang (đã nằm suốt mùa đông) tìm nước mới, lại vừa có ý nghĩa ẩn dụ, chỉ bác nông dân đi thăm đồng. Đó rất có thể là người bố. Ngày mưa, không phải tất cả mọi người ở nhà. Người bố vốn dày dạn kinh nghiệm đồng áng và có sức khoẻ xông pha mưa gió, đã ra đồng để thăm nom, kịp thời điều chỉnh lượng nước trong mộng, giúp cho cây lúa “phất cờ mà lên”.

Ngoài tài liệu môn Tiếng Việt lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Đánh giá bài viết
10 862
Sắp xếp theo

    Tiếng Việt lớp 3 Chương trình mới

    Xem thêm