Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Người lính dũng cảm

Cảm thụ văn học bài Người lính dũng cảm - Tiếng Việt lớp 3

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Người lính dũng cảm là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của cốt truyện. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Người lính dũng cảm

Người lính dũng cảm

1. Bắn thêm một loạt đạn vẫn không diệt được máy bay địch, viên tướng hạ lệnh:

– Vượt rào, bắt sống nó!

Hàng rào là những cây nứa tép dựng xiên ô quả trám. Cậu lính bé nhất nhìn thủ lĩnh, ngập ngừng:

– Chui vào à?

Nghe tiếng “chui”, viên tướng thấy chối tai:

– Chỉ những thằng hèn mới chui.

2. Cả tốp leo lên hàng rào, trừ chú lính nhỏ. Chú nhìn cái lỗ hổng dưới chân hàng rào rồi quyết định chui qua đó. Nhưng chú mới chui được nửa người thì hàng rào đổ. Tướng sĩ ngã đè lên luống hoa mười giờ. Còn hàng rào thì đè lên chú lính.

Chiếc máy bay (là một chú chuồn chuồn ngô) giật mình cất cánh. Quân tướng hoảng sợ lao ra khỏi vườn.

3. Giờ học hôm sau, thầy giáo nghiêm giọng hỏi:

– Hôm qua em nào phá đổ hàng rào, làm giập hoa trong vườn trường?

Thầy nhìn một lượt những khuôn mặt học trò, chờ đợi sự can đảm nhận lỗi.

Chú lính nhỏ run lên. Chú sắp phun ra bí mật thì một cú véo nhắc chú ngồi im. Thầy giáo lắc đầu buồn bã:

– Thầy mong em nào phạm lỗi sẽ sửa lại hàng rào và luống hoa.

4. Khi tất cả túa ra khỏi lớp, chú lính nhỏ đợi viên tướng ở cửa, nói khẽ: “Ra vườn đi!”.

Viên tướng khoát tay:

– Về thôi!

– Nhưng như vậy là hèn.

Nói rồi, chú lính quả quyết bước về phía vườn trường.

Những người lính và viên tướng sững lại nhìn chú lính nhỏ.

Rồi, cả đội bước nhanh theo chú, như là bước theo một người chỉ huy dũng cảm.

Cách đọc

Giọng người dẫn chuyện gọn, rõ, nhanh. Nhấn giọng tự nhiên ở những từ ngữ: hạ lệnh, ngập ngừng, chui, chối tai,… Giọng viên tướng tự tin, ra lệnh dứt khoát. Giọng chú lính nhỏ rụt rè, bối rối ở phần đầu truyện chuyển thành quả quyết ở cuối truyện. Giọng thầy giáo lúc nghiêm khắc, lúc dịu dàng, buồn bã.

Gợi ý cảm thụ

Bài Người lính dũng cảm mở đầu cho chủ điểm Tới trường. Tới trường, ngoài học tập, các em còn được vui chơi với các bạn. Biết bao trò chơi lí thú mà các bạn nhỏ tuổi yêu thích đều được diễn ra ở sân trường, vườn trường, lớp học. Nếu các bạn nữ thích nhảy dây, chơi ô ăn quan, chơi chắt chơi chuyền, hát múa, thì các bạn nam lại thích những trò chơi vận động chạy nhảy, trốn tìm, đuổi bắt, đá bóng, chơi trận giả. Trò chơi nào cũng đầy thú vị, cuốn hút. Và qua mỗi cuộc chơi, các em lại có thêm bạn, học thêm được nhiều điều mới mẻ, bổ ích. Trò chơi của tuổi thơ làm cho nụ cười luôn sáng bừng trên khuôn mặt các em. Câu chuyện Người lính dũng cảm thật vui, thật hay, thể hiện tình cảm mến yêu của nhà văn dành cho các em nhỏ.

Nhan đề của truyện gợi nhớ tới những trận chiến ác liệt, gay cấn. Trong mọi cuộc chiến, bao giờ cũng có những người lính dũng cảm, vậy người lính dũng cảm trong câu chuyện nhỏ này là ai, có làm chúng ta cảm phục không?

Cái tài của tác giả là tạo tình huống rất bất ngờ: tường thuật lại một trò chơi đánh trận giả mà như thật. Phải đến hai chi tiết nhỏ là “luống hoa mười giờ” và “chiếc máy bay (là một chú chuồn chuồn ngô)”, chúng ta mới thực sự thích thú và nhận ra đây đích xác là một cuộc tập trận giả trên vườn hoa sân trường của các bạn nhỏ, say sưa đến đổ cả hàng rào của những luống hoa.

Diễn biến của cuộc tấn công rất căng thẳng, hồi hộp. Viên tướng phát lệnh “vượt rào”, chỉ có chú lính nhỏ ngập ngừng quyết định chui qua lỗ hổng dưới chân rào dù vị thủ lĩnh đã tuyên bố “Chỉ những thằng hèn mới chui”. Phải đến phần thứ ba của câu chuyện chúng ta mới hiểu lí do tại sao chú lính nhổ không trèo rào. Không phải vì vóc dáng nhỏ bé, mà là vì chú lính sợ làm đổ hàng rào vườn trường. Khi nghe thầy giáo hỏi, chú lính nhỏ run lên, vì lo lắng căng thẳng hay vì chú quyết định nhận lỗi? Lời của thầy giáo như một sự thôi thúc chú bé hành động: nếu phạm lỗi, cần tự giác “sửa lại hàng rào và luống hoa”. Đó là nút thắt của câu chuyện.

Tình huống đảo ngược đã tạo sức hấp dẫn cho truyện. Theo lời kể, chú lính nhỏ ban đầu có dáng vẻ của sự lùi bước, “hèn nhát” vì không dám trèo rào mà lại chọn cách chui rào; thứ hai, khi thầy giáo hỏi, chú “run lên”, “sắp phun ra bí mật” của cả đội. Đoạn kết truyện giàu kịch tính, hồi hộp. Tuyên bố của viên tướng: “Chỉ những thằng hèn mới chui” ở đầu truyện đến đây bị thay thế bởi một tuyên bố khác của chú lính nhỏ: nếu về mới là “hèn”. Nói và làm ngay, “chú lính quả quyết bước về phía vườn trường”. Hành động này khiến cả đội “sững lại”. Và câu cuối cùng của mẩu chuyện đã chỉ ra người chỉ huy thực sự, người lính dũng cảm đáng để các bạn noi theo. Chú lính đã chui qua lỗ hổng dưới chân hàng rào lại trở thành người lính dũng cảm vì đã dám nhận lỗi và sửa lỗi.

Câu chuyện đưa ta vào những tình huống thử thách để từ đó có những nhận thức và hành động đúng. Leo qua rào không có nghĩa là dũng cảm. Chui qua rào không phải là hèn nhát. Run lên, khai thật không có nghĩa là hèn nhát. Biết nhận lỗi, sửa lỗi mới là dũng cảm. Chú lính bé nhỏ trong đội quân tập trận tại vườn hoa của trường thật đáng yêu. Câu chuyện kết thúc nhưng niềm vui vẫn còn lan toả mãi trong lòng chúng ta. Chuyện của trẻ con nhưng cũng là một bài học nhẹ nhàng, thấm thìa.

Với giọng kể linh hoạt, không khí truyện hồi hộp, căng thẳng, với cái nhìn đôn hậu và ấm áp, trìu mến, nhà văn Đặng Ái đã dành cho trẻ thơ một món quà tặng giàu ý nghĩa.

Ngoài tài liệu lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Đánh giá bài viết
1 329
Sắp xếp theo

    Tiếng Việt lớp 3 Chương trình mới

    Xem thêm