Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Nhớ lại buổi đầu đi học

Cảm thụ văn học bài Nhớ lại buổi đầu đi học - Tiếng Việt lớp 3

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Nhớ lại buổi đầu đi học là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Nhớ lại buổi đầu đi học

Nhớ lại buổi đầu đi học

Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. cảnh vật xung quanh tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.

Cũng như tôi, mấy học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ.

Cách đọc

Đọc chậm rãi, thể hiện được những cảm xúc bâng khuâng, hoài niệm, tâm trạng hồi hộp, phấn chấn, náo nức, cảm giác bỡ ngỡ của tác giả trong ngày đầu tiên đi học. Nhấn mạnh các động từ, tính từ chỉ trạng thái cảm xúc của nhân vật “tôi”. Chú ý ngắt nghỉ đúng chỗ, đặc biệt ở những dấu chấm xuống dòng, dấu hai chấm.

Gợi ý cảm thụ

Dòng cảm xúc của nhân vật “tôi” được khơi mở từ một tín hiệu thời gian – thời điểm cuối thu: “Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều…”. Hình ảnh lá vàng rơi là tín hiệu đặc trưng của mùa thu. Cứ mỗi độ thu về, lòng người trở nên xốn xang trước những thay đổi rõ rệt của cảnh vật: lá úa vàng, dần rơi rụng, hơi thu se lạnh, sương thu bàng bạc khắp không gian vào mỗi buổi sớm mai,… Riêng với nhân vật “tôi”, những hình ảnh ấy đã khơi gợi một hoài niệm đẹp đẽ về buổi đầu đi học. Dòng cảm xúc này đã được tác giả Thanh Tịnh chuyển tải bằng nghệ thuật tự sự xen miêu tả và biểu cảm, với những rung động tinh tế.

Ở đoạn văn đầu, nhân vật “tôi” đã bộc bạch những suy nghĩ, cảm xúc của mình qua một hình ảnh so sánh: “những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Cảm giác trong tâm hồn của con người được so sánh với hình ảnh một bầu trời trong sáng, quang đãng với những cánh hoa tươi tắn, rạng rỡ, một ấn tượng cảm xúc được so sánh với một ấn tượng thị giác. Cảm xúc ấy trở nên trong trẻo và thánh thiện hơn khi nó được soi sáng bởi ánh sáng mặt trời rạng rỡ. Trong hai câu văn , tác giả đã sử dụng khá nhiều những từ láy như: nao nức, mơn man. Các từ láy này đã làm cho lời văn dạt dào cảm xúc, sống động. Qua lời kể của nhân vật “tôi”, những kỉ niệm về buổi tựu trường đầu tiên cũng sống dậy trong lòng độc giả.

Đoạn văn tiếp theo là đoạn văn tả cảnh để khắc hoạ một sự thay đổi lớn, một sự kiện, một bước ngoặt trong cuộc đời: “hôm nay tôi đi học”. Dấu hai chấm (:) đặt giữa câu văn như một nốt son trong bản nhạc về buổi sớm mùa thu “đầy sương thu và gió lạnh”, “trên con đường làng dài và hẹp”. Vẫn là cảnh ấy, người ấy, chỉ có cảm xúc là khác lạ, là thay đổi, đất quen mà bỗng dưng trở nên lạ, người lạ rồi sẽ thành quen. Đoạn văn đã diễn tả những rung động tinh tế của tâm hồn một cậu bé trên con đường bước tới ngưỡng cửa của trường tiểu học. Tâm trạng của cậu đầy bỡ ngỡ, hồi hộp.

Đoạn văn cuối mô tả hình ảnh những cậu học trò nhỏ, cũng như “tôi”, “đứng nép bên người thân, chỉ dám đi từng bước nhẹ”. Biện pháp so sánh đã làm nổi rõ tâm trạng ngập ngừng, hồi hộp, lo âu và cả chút vui sướng “như con chim nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ”.

Bằng việc sử dụng những từ ngữ giàu hình ảnh, câu văn giàu nhạc điệu được tạo nên bởi các tiếng phần lớn là thanh bằng, lời văn giàu chất trữ tình, đoạn trích đã đem lại ấn tượng sâu sắc về một kỉ niệm ai cũng từng trải qua trong thời thơ ấu. Yếu tố miêu tả, biểu cảm được sử dụng trong văn tự sự đã góp phần diễn tả cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật, khiến cho những rung động trong tâm hồn nhân vật hiện lên chân thực, sâu sắc, đẹp đẽ, phong phú.

Có rất nhiều bài hát, bài thơ nói về ngày đầu tiên đi học nhưng những cảm xúc diễn tả trong Tôi đi học của Thanh Tịnh mãi làm xao xuyến trái tim độc giả thuộc nhiều thế hệ khác nhau là bởi ai cũng thấy trong đó có phần rung động của lòng mình trong những ngày đầu tiên cắp sách tới trường.

Ngoài tài liệu lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Đánh giá bài viết
1 109
Sắp xếp theo

    Tiếng Việt lớp 3 Chương trình mới

    Xem thêm