Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Hướng dẫn cảm thụ văn học lớp 3 bài Về quê ngoại

Cảm thụ văn học bài Về quê ngoại - Tiếng Việt lớp 3

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Về quê ngoại là tài liệu tham khảo giúp các em học sinh có thêm nhiều vốn từ phong phú để cảm nhận tốt về bài đọc, hiểu được nội dung chính của bài văn. Tài liệu này sẽ giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng viết văn và cách hoàn thành những bài văn cảm thụ hoàn chỉnh.

Cảm thụ văn học lớp 3 bài Về quê ngoại

Về quê ngoại

Em về quê ngoại nghỉ hè,

Gặp đầm sen nở mà mê hương trời.

Gặp bà tuổi đã tám mươi,

Quên quên nhớ nhớ những lời ngày xưa.

Gặp trăng gặp gió bất ngờ,

Ở trong phố chẳng bao giờ có đâu.

Bạn bè ríu rít tìm nhau

Qua con đường đất rực màu rơm phơi.

Bóng tre mát rợp vai người

Vầng trăng như lá thuyền trôi êm đềm.

Về thăm quê ngoại, lòng em

Yêu thêm cuộc sống, yêu thêm con người:

Em ăn hạt gạo lâu rồi

Hôm nay mới gặp những người làm ra.

Những người chân đất thật thà

Em thương như thể thương bà ngoại em.

(Hà Sơn)

Cách đọc

Đọc chậm rãi, giọng đọc tình cảm, tha thiết. Nhịp thơ chả yếu là nhịp chẵn. Mười câu thơ đầu đọc với giọng ngạc nhiên, thích thú như một tiếng reo vui. Sáu câu cuối bài đọc với giọng trìu mến, thân thương.

Gợi ý cảm thụ

Bài thơ là lời tâm tình của một em bé. Em kể lại một kỉ niệm đẹp nhân dịp nghỉ hè về thăm quê ngoại. Những ấn tượng, cảm xúc về cảnh quê và người quê lưu lại trong tâm trí em thật sâu sắc, xúc động. Những vần thơ lục bát uyển chuyển, nhịp thơ chẵn (2/2/2, 2/4, 2/2/4, 4/4) rất thích hợp trong việc diễn tả tâm tư tình cảm con người.

Điệp từ “gặp” được lặp lại ba lần diễn tả ba cuộc gặp gỡ đầy thú vị: có ngỡ ngàng đến ngây ngất, say mê khi gặp đầm sen nở: “Gặp đầm sen nở mà mê hương trời”; có niềm thương yêu, trìu mến, đầy hứng thú với “những cái ngày xửa ngày xưa bà thường hay kể”, dù trong những lời kể của người bà “tuổi đã tám mươi” đã có phần “quên quên nhớ nhớ”; có cả những bất ngờ, sững sờ trước vẻ đẹp của một đêm trăng thanh gió mát “Gặp trăng, gặp gió bất ngờ”,… Những vẻ đẹp nên thơ, như trong cổ tích, như lạc vào thế giới thần tiên mà em nhỏ khẳng định chắc chắn rằng: “ở trong phố chẳng bao giờ có đâu”.

Vẻ đẹp quê hương hiện lên qua hương vị thanh khiết, lan rộng, ngào ngạt của sen trong đầm. Đó là mùi vị quen thuộc của quê hương trong những buổi chiều hè, nhất là vào những đêm trăng thanh gió mát. Hình ảnh hoán dụ “hương trời” đã đặc tả mùi hương sen toả ngát trong không gian. Em nhỏ say sưa thưởng thức khí trời trong lành, “hương trời” tràn ngập khắp không gian của chiều quê yên bình, của đêm trăng sáng lung linh,…

Các từ láy “ríu rít”, “êm đềm” đã tái hiện khung cảnh làng quê với hình ảnh các em nhỏ cùng gặp gỡ vui đùa dưới ánh trăng trong. Con đường làng vào ngày mùa được mô tả “rực màu rơm phơi”. Tính từ “rực” ở đây được sử dụng như một động từ để đặc tả ánh nắng chói chang của mùa hè đã nhuộm vàng màu rơm rạ.

Vầng trăng hiện lên đẹp đẽ, lung linh qua hình ảnh so sánh “Vầng trăng như lá thuyền trôi êm đềm”, vầng trăng ấy mang chở những khát khao mơ ước của các em nhỏ. Phải chăng đó là vầng trăng gợi ra không khí của cổ tích – có chú Cuội, và cả cây thuốc quý mỗi năm chỉ rụng một chiếc lá linh thiêng để thực hiện những ước mơ của con người?

Những câu thơ đầu đã mô tả cảnh đẹp thân thương của một vùng quê thanh bình, trù phú trong ngày mùa, với đầm sen ngát hương, với đêm trăng sáng, và đặc biệt là hình ảnh người bà kính yêu kể cho cháu nghe những câu chuyện ngày xửa ngày xưa…

Cuộc gặp này nối tiếp những cuộc gặp kia, thêm cảnh, thêm người, thêm ý nghĩ, tâm tư, nhen nhóm lên tình yêu quê hương tha thiết, gặp cảnh – nhớ cảnh, gặp người – mến yêu người:

Về thăm quê ngoại, lòng em

Yêu thêm cuộc sống, yêu thêm con người.

Nhịp thơ 4/4 và kết cấu tiểu đối góp phần tăng lên, nhân lên tình cảm yêu thương dành cho quê hương. Em nhỏ như chợt nhận ra một điều thiêng liêng, quý giá trong lần về thăm quê: cần phải biết ơn những người làm ra hạt gạo. Bài học sâu sắc rút ra không phải là lí thuyết, đó là những ý nghĩ trong trẻo, hồn nhiên mà thật cao đẹp:

Những người chân đất thật thà

Em thương như thể thương bà ngoại em.

Hình ảnh so sánh tương đồng với điệp từ “thương” đã gợi ra tình cảm thắm thiết, trìu mến, nghĩa tình sâu nặng, cả lòng biết ơn của em bé với những con người đáng kính, gần gũi thương yêu nhất – những người nông dân chân lấm tay bùn, trong đó có cả người bà vô cùng kính yêu của em.

Bài thơ mộc mạc, giản dị, nhưng đầy ắp những hình ảnh đẹp; những tình cảm vừa trong sáng, thiêng liêng, vừa gần gũi ấm áp. Tình bà cháu, tình bạn, tình yêu quê hương đất nước, con người đã làm sáng đẹp tâm hồn của mỗi chúng ta.

Ngoài tài liệu môn Tiếng Việt lớp 3 trên, các em học sinh có thể tham khảo thêm các dạng Đề thi học kì 1 lớp 3Đề thi học kì 2 lớp 3 mới nhất được cập nhật.

Đánh giá bài viết
1 186
Sắp xếp theo

    Tiếng Việt lớp 3 Chương trình mới

    Xem thêm