Kể tên 1 vị anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì biển đảo và chiến công của anh

VnDoc.com xin giới thiệu tới các bạn bài viết về các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì biển đảo và chiến công của anh. Đây đều là những tấm gương tiêu biểu chiến đấu anh dũng để bảo về chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

1. Liệt sĩ Tống Văn Quang - Liệt sĩ hi sinh đầu tiên ở Trường Sa

45 năm trước, khi đi Trường Sa, ông Phan Xuân Ạp là trợ lý tham mưu tiểu đoàn đặc công 471 của Quân khu 5. "Khi đánh đảo, lực lượng hỏa lực DKZ của chúng tôi đi cùng để hỗ trợ cho ba mũi đặc công của hải quân. Quang trong mũi đổ bộ đầu tiên. Cậu ấy là khẩu đội trưởng DKZ", ông Ạp cho hay.

Cuộc chiến kéo dài 30 phút rất ác liệt, hạ sĩ Tống Văn Quang hi sinh năm anh mới 22 tuổi.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quế kể giây phút tiễn biệt người đồng đội mới biết tên sáng 14-4-1975: "Lúc đó gần sáng rõ rồi. Anh em tổ chức chôn cất cậu ấy ngay Song Tử Tây, định sau này đưa về. Đồng đội lấy tăng võng bọc lại rồi đào huyệt cát chôn chứ lúc đó không có quan tài đâu. Anh em trên đảo nổ súng chia buồn, tiễn biệt đồng đội".

Chúng tôi tìm trong bản trích lục thông tin về quân nhân hi sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh của Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) và hiện ra những dòng thông tin về liệt sĩ đầu tiên ở Trường Sa: liệt sĩ Tống Văn Quang sinh năm 1949 (tuổi thật là sinh năm 1953 - PV) tại xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái. Nhập ngũ tháng 5-1972. Ngày đi B: tháng 8-1972. Đơn vị: C12, D6, E38, F2 (Quân khu 5). Cấp bậc: hạ sĩ. Ngày hi sinh 14-4-1975, trong trường hợp: chiến đấu. Nơi hi sinh: đảo Song Tử Tây.

Mong muốn tìm hiểu về người liệt sĩ ấy, chúng tôi tìm về quê hương anh. Bắc Thái là tỉnh cũ. Xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ giờ thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Hai cụ thân sinh liệt sĩ Quang đã mất từ lâu. Ông Tống Văn Ngọc, 73 tuổi, anh trai liệt sĩ Quang, cho biết anh Quang là con thứ năm.

"Chú Quang đẻ được ba ngày thì bố mất. Nhà tôi có hai người đi bộ đội. Tôi đi chiến trường B3 tháng 4-1966. Tôi vừa về thì chú Quang đi", ông Ngọc nói.

Người chị dâu của liệt sĩ Quang xúc động kể: "Tôi và mẹ chồng đồ xôi gánh đến đơn vị tiễn chú Quang thì nghe nói đơn vị đã hành quân đến ga Đồng Quang trú chân. Hai mẹ con lại tất tưởi chạy đến nhưng cũng không kịp.

Chú Quang đi bộ đội từ năm 1972 rồi đi một mạch. Từ lúc nhập ngũ cho đến khi đi chiến đấu không có tin tức, thư từ gì. Đến khi chú ấy hi sinh gia đình nhận giấy báo tử mới biết...".

2. Hạ sĩ Ngô Văn Quyền - Liệt sĩ thứ 2 hi sinh ở Trường Sa

Người thứ hai hi sinh ở Trường Sa tháng 4-1975 là hạ sĩ Ngô Văn Quyền, 20 tuổi, chiến sĩ đặc công của trung đoàn đặc công hải quân 126.

Mấy chục năm nay, ông Đào Mạnh Hồng (69 tuổi, hiện sống ở TP Hải Phòng) không dám tìm gặp thân nhân liệt sĩ Quyền.

"Khi đưa con người ta từ Bắc vào Nam chiến đấu thì mình đưa đi, nhưng khi con người ta hi sinh thì mình không biết. Đến chỗ chôn ở đâu mình cũng không biết. Về gặp gia đình cậu ấy, tôi biết ăn nói thế nào...", người cựu binh thở dài.

45 năm trước, đánh đảo Song Tử Tây, ông Đào Mạnh Hồng là phân đội trưởng phân đội 1 (đại đội 1 - trung đoàn đặc công hải quân 126) và thân thiết nhất với hạ sĩ Quyền. Chiến trận Song Tử Tây kéo dài 30 phút nhưng 15 phút đầu rất ác liệt.

"Quyền trong tổ chiến đấu đầu tiên cùng tôi. Cậu ấy là người che đạn cho tôi. Đáng lẽ viên đạn đó găm vào tôi... Tôi đang lao về phía trước thì Quyền đi sau phát hiện đối phương trong giao thông hào giơ súng nhô ra, cậu ấy lao lên đỡ đạn cho tôi...", người cựu chiến binh rớm nước mắt khi nhớ lại khoảnh khắc không thể quên ấy.

Tiểu đội trưởng Ngô Văn Quyền bị một viên đạn găm vào bụng vẫn cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu. "Mấy phút sau quay lại, tôi hỏi thì Quyền bảo em không sao. Thấy Quyền bị thương, tôi để cậu ấy nằm nghỉ, còn mọi người thu dọn chiến trường", ông Hồng kể tiếp.

45 năm đã trôi qua, người cựu chiến binh giải phóng đảo nhớ mãi đêm trước khi chia tay người em, người đồng đội thân thiết về đất liền.

"Tôi và Quyền trải võng ra trong hầm vòm, nằm cạnh nhau tâm sự. Quyền nói sau này chiến tranh kết thúc, anh em mình giao lưu thường xuyên chứ các đồng đội kia ở xa quá chắc ít gặp. Tôi bảo đời quân ngũ mình chỉ có một thời điểm nhất định thôi. Sau này trên quãng đường còn lại, anh em mình thế nào cũng gặp nhau", ông Hồng kể.

Ngày hôm sau, hạ sĩ Quyền theo tàu chở hàng binh về Đà Nẵng. Lúc này anh đau đến nỗi không đi được. Ông Hồng phải bế ra xuồng để đưa lên tàu.

"Lúc đó tôi ôm Quyền khóc - ông Hồng xúc động nhớ lại giây phút chia tay mà không ngờ là lần gặp nhau cuối cùng. Tôi bảo em cứ an tâm điều trị, anh em mình sẽ gặp lại nhau khi cùng tiến vào Sài Gòn. Nó còn cười bảo: các anh cứ yên tâm ở lại. Em khỏe là theo đơn vị chiến đấu ngay".

Một tháng sau khi về Sài Gòn, ông Hồng mới biết hạ sĩ Ngô Văn Quyền đã hi sinh. "Không ai nghĩ Quyền sẽ hi sinh. Nhưng nó lại hi sinh...", người cựu binh bần thần nói.

"Chúng tôi nghe đồng đội anh Quyền kể chỉ còn 35 hải lý nữa vào đến Đà Nẵng thì tàu bị chết máy. Nếu suôn sẻ thì ba ngày về đến đất liền, nhưng tàu chết máy mất sáu ngày mới vào đến bờ.

Dọc đường anh tôi cứ gọi tên bố mẹ, các em, rồi anh hát những bài hát quê hương Hải Phòng. Trên đường chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng, máu chảy nhiều quá, anh hi sinh khi chưa kịp vào bệnh viện...", ông Ngô Văn Đại, em trai liệt sĩ Quyền, xúc động kể.

Bà Ngô Thị Huế, 62 tuổi, em gái liệt sĩ Quyền, rưng rưng hồi tưởng người anh đã khuất: "Anh Quyền hiền lành, học giỏi lắm. Từ lớp 1 đến lớp 7 năm nào cũng đứng đầu lớp. Anh đi học về là ra đồng chăn trâu, 13 - 14h mới về.

Nhà chỉ có bát cơm nguội phần anh. Sau này anh đi làm thuê trên Lào Cai, mỗi lần về là tắm rửa cho các em. Làm thuê mấy năm, có lệnh nhập ngũ là anh đi". Và rồi anh Quyền của bà đã đi mãi không về...

3. Liệt sĩ Nguyễn Văn Tiến - Tấm gương hy sinh vì biển, đảo quê hương

Liệt sỹ Nguyễn Văn Tiến sinh ngày 19/01/1997 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại quê hương cách mạng xã Quảng Cát, TP Thanh Hoá. Tuổi thơ của anh trôi đi cùng tình yêu thương của gia đình và sự đùm bọc của bà con thôn xóm. Ngoài việc chăm chỉ học tập, anh luôn nỗ lực giúp đỡ cha mẹ công việc nhà cửa, ruộng đồng. Sau khi học hết trung học phổ thông, nhận thức rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của một người thanh niên với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đồng chí đã tình nguyện đăng ký khám tuyển và trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Tháng 02/2016, đồng chí Nguyễn Văn Tiến nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 10, Tiểu đoàn 884, Lữ đoàn Công binh 131, Quân chủng Hải quân. Kết thúc 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, đồng chí được điều động về thực hiện nhiệm vụ xây dựng công trình quân sự. Ngày 21/4/2017, đồng chí Nguyễn Văn Tiến đã anh dũng hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đồng chí Đại tá Đào Văn Bạn - Phó Bí thư Đảng uỷ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 131, Quân chủng Hải quân cho biết, trong quá trình công tác tại đơn vị, đồng chí Nguyễn Văn Tiến đã luôn giữ bản lĩnh vững vàng, không quản gian khổ, khó khăn; luôn phấn đấu, rèn luyện đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Tiến có lối sống khiêm tốn, giản dị, gần gũi, thân ái với đồng đội; được đồng đội tin yêu, quý mến. Quá trình công tác, đồng chí đã nhiều lần được lãnh đạo, chỉ huy các cấp biểu dương, khen thưởng. “Đồng chí Nguyễn Văn Tiến đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng; qua đó tô thắm thêm truyền thống “Anh dũng sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” của Lữ đoàn Công binh 131”, Đại tá Đào Văn Bạn nhấn mạnh.

Sự hy sinh và đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Tiến là vô cùng to lớn; đã góp phần tô thắm thêm truyền thống anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng Hải quân nói chung và truyền thống của quê hương cách mạng xã Quảng Cát, TP Thanh Hoá; Lữ đoàn Công binh 131 nói riêng. Ghi nhận sự hy sinh cao cả đó, ngày 03/02/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 188 công nhận Liệt sỹ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sỹ Nguyễn Văn Tiến.

Có mặt tại Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công, trước di ảnh của Liệt sỹ Nguyễn Văn Tiến, người thân, bà con hàng xóm cùng các đồng chí, đồng đội đã không thể cầm được nước mắt, mọi người cùng thắp những nén hương tri ân người chiến sĩ Quân đội đã hy sinh thân mình vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quê hương. Được biết, sau khi Liệt sỹ Nguyễn Văn Tiến anh dũng hy sinh, Đảng ủy, Chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 131 Quân chủng Hải quân đã thường xuyên chia sẻ, động viên gia đình vượt lên mất mát để ổn định cuộc sống.

Theo bà Phạm Thị Thuý - Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Thanh Hoá, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Liệt sỹ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sỹ Nguyễn Văn Tiến là sự ghi nhận kịp thời, xứng đáng đối với những hy sinh lớn lao của đồng chí Nguyễn Văn Tiến và gia đình. Tấm gương hy sinh anh dũng của Liệt sỹ Nguyễn Văn Tiến có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ TP Thanh Hóa hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong mọi hoàn cảnh, sự hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn là hành động đáng trân trọng, khâm phục. Càng trân trọng và khâm phục hơn khi hành động đó diễn ra giữa thời bình. Họ đã anh dũng ngã xuống để giữ cho cuộc sống thanh bình, để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Sự hy sinh đó thực sự thiêng liêng!

Thành kính tưởng nhớ những chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh vì cuộc sống hòa bình, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có Liệt sỹ Nguyễn Văn Tiến, mỗi chúng ta như thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

4. Đảo Phan Vinh - sáng mãi tên người anh hùng cách mạng

Liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh sinh năm 1933, tỉnh Quảng Nam, nhập ngũ tháng 7/1954. Hòn đảo mang tên người anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh ngày 29/2/1968 trên con tàu C235, đoàn 125, quân chủng Hải quân trong chuyến chở hàng và vũ khí vào chi viện cho Miền Nam.

Đến với đảo Phan Vinh, chúng tôi những nhà báo đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc đều thấy rõ được sự hy sinh, cống hiến của các chiến sỹ nơi đây đã làm nên sức sống mãnh liệt cho hòn đảo, tạo thế trận vững chắc nơi đầu sóng xưng danh với tên gọi của nó - Phan Vinh, người anh hùng cách mạng.

Đảo Phan Vinh trước đây có tên gọi là Hòn Sập, nằm ở tọa độ 8 độ 58 phút vĩ Bắc, 113 độ 41 phút kinh Đông, nằm cách bãi Tốc Tan 12 hải lý về phía Tây, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 430 hải lý, cách cảng Cam Ranh 300 hải lý (khoảng gần 600km) về phía đông.

Đảo nằm trên nền san hô hình vành khuyên, dài khoảng 5 hải lý theo hướng đông bắc. Phía bắc và đông bắc cách đảo khoảng 7.000m có bãi san hô, khi thủy triều xuống thấp san hô nổi lên. Đảo gồm 2 điểm đảo: Phan Vinh A và Phan Vinh B. Đảo Phan Vinh A nằm trên nền san hô hình vành khuyên, dài khoảng 5 hải lý theo hướng đông bắc, còn Phan Vinh B nằm ở phía tây. Là một trong những hòn đảo có vị trí quan trọng trong vành đai thế trận đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa.

Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, Bộ tư lệnh Hải quân cũng đã nhanh chóng triển khai lực lượng ra để bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Do còn nhiều khó khăn của thời kỳ mới giải phóng nên đến năm 1978, mới đưa được bộ đội ra đóng giữ đảo Hòn Sập.

Tháng 5/1978, trong 1 lần đi kiểm tra công tác tại đây, Thiếu tướng Giáp Văn Cương, Tư lệnh quân chủng Hải quân đã đề nghị đổi tên đảo Hòn Sập thành hòn đảo mang tên người thuyền trưởng anh hùng Trung úy Nguyễn Phan Vinh hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Được chứng kiến cuộc sống và làm việc trên đảo, chúng tôi phần nào mới hiểu được sự nỗ lực cố gắng của cán bộ chiến sĩ Hải quân đảo Phan Vinh đã và đang viết tiếp truyền thống hào hùng, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những người lính trên đảo luôn chắc tay súng bảo vệ biển đảo, tích cực, sáng tạo tăng gia sản xuất, làm tốt công tác dân vận, xây dựng hòn đảo ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Trong năm 2019, đảo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính trị, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, canh gác chặt chẽ vùng trời, vùng biển đảm bảo không bị động bất ngờ.

Ngoài làm nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ của đảo đã làm tốt công tác dân vận, hướng dẫn giúp đỡ nhiều lượt tàu thuyền và ngư dân tránh trú bão. Năm 2019 đã cấp cứu cho 7 ngư dân, khám chữa bệnh, cấp thuốc điều trị cho 188 lượt người dân khi làm ăn trên biển bị mắc bệnh, thực hiện 14 ca phẫu thuật, đồng thời đón 5 đoàn khách từ đất liền ra thăm và động viên cán bộ, chiến sỹ trên đảo chu đáo, trọng thị.

Bên cạnh đó, đảo còn thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, Luật Biển giúp cho ngư dân nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, an ninh, chủ quyền biển đảo, khai thác hợp lý, duy trì và bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản cho thế hệ mai sau.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Bệnh xá trưởng đảo Phan Vinh đã chia sẻ: "Những kết quả, thuận lợi và khó khăn trong công tác khám chữa bệnh cho quân và dân trên đảo. Thực tế hiện nay, mặc dù đã có sự quan tâm lớn của các cấp nhưng trang thiết bị khám chữa bệnh vẫn còn thiếu, số giường bệnh còn ít, đặc biệt người dân ra khơi đánh bắt hải sản khi mắc bệnh đã không ghé vào đảo để khám ngay mà thường vào đảo khi bệnh đã khá nặng nên công tác cấp cứu, khám chữa cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên nhìn lại thành tích đạt được trong thời gian qua thì cơ bản công tác bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và ngư dân đã đạt được những kết quả tích cực."

Những khó khăn phải kể đến thời điểm này mà cán bộ chiến sỹ trên đảo gặp phải đó vẫn là vấn đề thiếu nước ngọt và rau xanh. Nước ngọt chỉ được lấy và hứng từ những cơn mưa, sau đó trữ để dùng dần một cách hết sức tiết kiệm. Còn rau xanh thì cán bộ chiến sỹ đã cố gắng trồng và đến nay trên đảo đã xây dựng được khu trồng rau xanh mới đưa vào hoạt động và hy vọng vấn đề rau xanh sẽ được cải thiện đáng kể.

Đến với đảo Phan Vinh, không thể không ghé thăm chùa Vinh Phúc ở giữa biển khơi mênh mông, ngôi chùa mang một nét đẹp bình dị mà thâm trầm, uy nghiêm. Trước đây, Vinh Phúc tự chỉ là một am nhỏ nơi ngư dân dừng chân để thắp nhang, lễ Phật cầu cho những chuyến đi biển được bình yên, tôm cá đầy khoang. Giờ đây, chùa đã được trùng tu, sửa chữa lại khang trang theo lối kiến trúc truyền thống, với số gian lẻ là một gian hai chái, hệ mái cong...

Cũng như bao ngôi chùa khác ở Trường Sa, chính Điện chùa Vinh Phúc cũng hướng về Thủ đô Hà Nội - nơi trái tim của cả nước. Ở quần đảo Trường Sa, những ngôi chùa không chỉ là chỗ dựa về mặt tinh thần cho quân và dân trên đảo cùng ngư dân bám biển mà còn là “cột mốc văn hóa” góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi sớm bình minh, mỗi buổi chiều tà tiếng chuông chùa vẫn vang vọng giữa biển trời bao la. Đó là âm thanh của sự bình yên nơi đảo nhỏ thân thương.

Trải qua 41 năm xây dựng và phát triển, đảo Phan Vinh luôn là lá cờ đầu trong phong trào thi đua quyết thắng, luôn là hòn đảo kiên cường, hiên ngang giữa biển khơi - hòn đảo duy nhất trong quần đảo Trường Sa được mang tên người anh hùng liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh của những đoàn tàu không số năm xưa.

Đảo Phan Vinh hiện nay đã khang trang hơn trước rất nhiều, đời sống vật chất và tinh thần của quân và dân trên đảo đã được nâng cao, tất cả hợp thành nên một đảo Phan Vinh có thế trận vững chắc về quốc phòng, an ninh, địa chỉ tin cậy của ngư dân khi vươn khơi bám biển, xứng đáng là hòn đảo vững chắc nơi đầu sóng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đánh giá bài viết
2 155
Sắp xếp theo

    Biểu mẫu Giáo dục - Đào tạo

    Xem thêm