Lắng nghe nhịp sinh học: Phòng bệnh hiệu quả không ngờ

Lắng nghe nhịp sinh học: Phòng bệnh hiệu quả không ngờ

Nhiều người thường truyền tai nhau về khoảng thời gian hay xảy ra bệnh tật. Liệu có mối liên quan về giờ giấc với một số loại bệnh? Bài viết dưới đây xin giới thiệu với các bạn về phương pháp phòng bệnh hiệu quả qua việc lắng nghe nhịp sinh học của bản thân để có một sức khỏe tốt để tham gia học tập và lao động tốt.

Giấc ngủ và sức khỏe

Cơ thể con người là một cỗ máy hoàn hảo, phức tạp và hoạt động bền bỉ. Để duy trì cuộc sống, cỗ máy này phải vận hành những chuyển hóa phức tạp, được lập trình hoàn hảo, giúp duy trì sự sống hàng ngày.

giấc ngủ và sức khỏe

Thời gian gần đây, một trong những khám phá quan trọng của các nhà khoa học là phát hiện ra những gen đặc hiệu điều hòa nhịp sinh học và thời gian hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Các gen đặc hiệu này giúp cho cơ thể con người hoạt động đồng bộ với ánh sáng và bóng tối hay thời gian ban ngày và ban đêm. Nói cách khác, chúng giúp cho các cơ quan trong cơ thể biết khi nào trong ngày cần hoạt động nhiều. Nhờ đó, các bác sĩ điều trị tốt hơn bằng cách điều chỉnh giờ uống thuốc sao cho tác dụng của thuốc tối đa hoặc thay đổi cách điều trị liên quan đến giờ hoạt động của cơ thể, cũng như cách điều trị cho từng loại bệnh.

Trong lúc ngủ, cơ thể phải duy trì trạng thái bất động, nên một số chất khác được cơ thể tiết ra nhằm duy trì thân nhiệt, huyết áp, nhịp tim... Khi ngủ, có nhiều cơ quan vẫn hoạt động và hoạt động mạnh. Ví dụ, dạ dày tiết ra một lượng dịch vị ở ngưỡng đỉnh vào thời điểm từ 23-2h, mục đích của việc tiết ra dịch vị là giúp cơ thể mau chóng tiêu hóa lượng thức ăn của buổi tối. Chính vì hiện tượng này, một số người dễ bị mắc chứng bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Gan, cơ quan dự trữ năng lượng cho cơ thể dưới dạng glycogen (chuỗi các phân tử glucose gắn kết với nhau), sẽ phân giải glycogen, phóng thích đường glucose vào máu ngay trước khi mặt trời thức dậy. Đồng thời, leptin, một hormone của cơ thể làm giảm thèm ăn, cũng được tiết ra với hàm lượng rất cao. Cả hai hiện tượng vừa nêu giúp cho cơ thể giảm cảm giác đói khi thức dậy.

Bên cạnh đó, có một hệ thống cũng gia tăng hoạt động trong lúc ngủ, liên quan đến một số bệnh, đó là hệ thống miễn dịch. Vào ban đêm, hệ thống miễn dịch gia tăng hoạt động, chính điều này, làm cho những bệnh nhân hen suyễn rất dễ lên cơn vào giữa đêm. Những cơn hen khởi phát vào ban đêm thường có biểu hiện nặng. Và, chính vì hệ miễn dịch hoạt động mạnh ban đêm, những người bị viêm khớp rất dễ có biểu hiện sưng khớp khi ngủ dậy.

Vào buổi sáng, khi mở mắt, ánh sáng sẽ tác động vào võng mạc, gửi tín hiệu đến nhân trên giao thoa thị giúp làm ngừng sự bài tiết melatonin. Đầu tiên, cortisol, một hormone thường gia tăng khi bị stress, bắt đầu được tiết ra từ tuyến thượng thận, với nồng độ tăng cao dần, chuẩn bị cho nhu cầu hoạt động của ngày mới. Sự gia tăng này làm cho nhịp tim, thân nhiệt, huyết áp dần dần tăng để phù hợp với hoạt động của cơ thể.

Cũng buổi sáng, chất PAI 1 (Plasminogen Activator Inhibitor 1, một chất có vai trò trong quá trình đông máu) gia tăng đáng kể, với ngưỡng tối đa vào lúc 6g30. PAI 1 chống chảy máu, nhưng làm cho các động mạch xơ vữa dễ bị huyết khối và gây tắc mạch, một trong những nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não do huyết khối. Vì thế, có một tỷ lệ lớn bệnh nhân mắc các bệnh vừa kể vào thời điểm 8-9g.

Loạn nhịp sinh học, phát sinh nhiều bệnh

Giờ sinh học đôi khi cũng làm phiền toái cơ thể. Ví dụ như "hiện tượng trái múi giờ". Chẳng hạn, một người ở Việt Nam, đi du lịch sang Mỹ, cơ thể vẫn sẽ hoạt động như đang ở ban đêm trong khi thời điểm là ban ngày. Do đó, vào những ngày đầu tiên, cơ thể chưa thích ứng với sự thay đổi thời gian để dần thích nghi với môi trường mới, do giờ sinh học bị thay đổi. Ngay sau đó, cơ thể phải tự điều chỉnh giờ sinh học bằng cách gia tăng hoặc làm chậm dần nhịp sinh học.

Khi các hành vi hoạt động trong ngày và nhịp sinh học của cơ thể không đồng hành với nhau thì hàng loạt những vấn đề sức khỏe sẽ biểu hiện bằng những bệnh lý như: đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh lý tim mạch, đột quỵ, nhồi máu não và nhiều rối loạn khác.

Ở Mỹ, có khoảng 10% công nhân làm việc ca đêm, và theo báo cáo nghiên cứu, họ có tỷ lệ mắc các bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh mạch vành, béo phì, đột quỵ nhồi máu não và các rối loạn khác cao hơn những người làm việc ca sáng. Nguyên nhân chính yếu cũng liên quan đến sự không đồng bộ trong nhịp thời gian của cơ thể và hành vi sinh hoạt.

Nhiều người có thói quen thay đổi giờ giấc sinh hoạt vào cuối tuần như thức khuya hơn, ngủ dậy trễ hơn, rồi đến sáng đầu tuần, buộc phải dậy sớm đi làm, lúc đó cơ thể sẽ cảm thấy uể oải, giới chuyên môn gọi là "hội chứng sáng thứ Hai".

Điều này được giải thích rằng, những người thay đổi hành vi sinh hoạt vào cuối tuần, ngủ trễ hơn, thức muộn hơn, vô tình đẩy lùi nhịp sinh học. Vào sáng thứ Hai, khi phải thức dậy sớm, nhịp sinh học không thích ứng kịp vì cơ thể xem như vẫn còn "đang ngủ". Thời gian sinh học ở người bình thường là vậy, thế thời gian sinh học ở những người có vấn đề sức khỏe tâm thần ra sao?

Theo phân tích của các chuyên gia, những người mắc các bệnh lý tâm thần như: trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và các loại rối loạn tâm thần khác đều bị phá vỡ nhịp sinh học, đồng thời giấc ngủ của họ không ổn định, dễ bị đứt quãng... Ví dụ điển hình: những người mắc bệnh tâm thần thường ít ngủ, hoặc ngủ thất thường.

Càng lớn tuổi, nhịp sinh học càng dễ thay đổi, cụ thể là giấc ngủ của họ sớm hơn, ngắn hơn và dễ bị ngắt quãng hơn. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh chính sự thay đổi nhịp sinh học, người lớn tuổi đối diện với nhiều nguy cơ mắc bệnh như sa sút trí tuệ, trầm cảm, thậm chí tử vong. Đối với người lớn tuổi bị bệnh Alzheimer, sự thay đổi nhịp sinh học càng rõ ràng hơn, toàn bộ giấc ngủ, nhiệt độ cơ thể, và các chỉ số sinh học khác đều thay đổi thất thường.

Tóm lại, nhịp sinh học, thời gian sinh học đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Khỏe mạnh hay sinh bệnh có thể xảy ra khi những hoạt động của bạn không đồng bộ với nhịp sinh học. Vì vậy, các chuyên gia khuyên hãy lắng nghe nhịp sinh học của cơ thể bạn để tự điều chỉnh những hành vi và hoạt động của mình cho phù hợp. Và điều quan trọng không kém là sự điều độ trong sinh hoạt giúp bạn tránh được rất nhiều bệnh tật.

Một số khuyến cáo sử dụng thuốc phù hợp với nhịp sinh học

Buổi sáng:

  • Thuốc lợi tiểu: để tránh hiện tượng tiểu nhiều trong đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Thuốc chống loãng xương: uống khi dạ dày trống, giúp hấp thụ tốt nhất.
  • Thuốc chống viêm khớp: dùng trước khi các triệu chứng bùng phát trong ngày.

Buổi chiều tối:

  • Thuốc ức chế bài tiết axít: nên dùng vào thời điểm buổi tối, giúp làm giảm sự tăng tiết ngưỡng đỉnh axít vào ban đêm.
  • Thuốc điều trị mạch vành, aspirin: nên sử dụng vào ban đêm để hạn chế bị nhồi máu cơ tim, não thường xảy ra vào buổi sáng sớm.
  • Thuốc điều trị rối loạn lipid dạng statin: nên uống vào thời điểm khi đi ngủ, giúp làm giảm những loại lipid xấu trong cơ thể.
  • Thuốc corticoid điều trị hen suyễn.

Theo Luân Nguyễn/Báo Phụ Nữ TP HCM

Đánh giá bài viết
1 52
Sắp xếp theo