7 Lưu ý khi bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết để hợp phong thủy

7 Lưu ý khi bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết để hợp phong thủy

Bài trí bàn thờ là công việc được chú trọng đầu tiên của một cái Tết. Bài trí bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Dưới đây là những lưu ý khi bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết để hợp phong thủy cho các bạn cùng tham khảo.

Đối với người Việt bàn thờ gia tiên chính là nơi linh thiêng nhất thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên cùng với những nguyên tắc sắp xếp riêng. Theo phong thủy nếu việc thờ cúng không tốt, vị trí bàn thờ gia tiên không phù hợp thì có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến vận khí và sự may mắn của gia chủ. Năm mới sắp về việc chăm chút và bài trí trên bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và cũng là công việc được tất cả các gia đình chú ý trước tiên.

Những thứ không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên ngày Tết

Ngoài hoành phi, câu đối, tượng hoặc ngai thờ, ảnh, lư hương, bài vị… (tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình) thì việc bài trí bàn thờ gia tiên cũng cần có những thứ như: Bát hương, nước tinh khiết, đèn nến và thoáng khí, không gian trang nghiêm, thanh tịnh.

Bốn thứ đó tượng trưng cho tứ đại: Đất - Nước - Lửa - Gió và cũng là tượng trưng cho tấm thân tứ đại của mỗi người. Bên cạnh đó chúng ta cũng không thể thiếu những thứ đồ dâng cúng như hoa quả, tịnh vật, tịnh tài, cỗ bàn, bánh trái, trầu cau… để tượng trưng cho lòng thành hiếu kính của con cháu, tín chủ cúng dâng lên cho gia tiên, tiền chủ, hộ pháp, thần linh nhưng cũng đồng thời là tượng trưng cho quy luật Nhân – Duyên – Quả trong vũ trụ.

Giải thích từ ngữ:

  • Hoành phi: tấm bảng nằm ngang vốn là bức thư họa (tranh chữ)
  • Ngai thờ hay còn gọi là ỷ thờ được đặt vị trí ở giữa và trong cùng trên ban thờ, bên trong ngai thường đặt thần chủ hay được gọi là bài vị tượng trưng cho sự hiện diện của người đã khuất trong gia đình.
  • Tịnh vật: đồ cúng phải là đồ thật, còn mới
  • Tịnh tài: tiền thật
  • Tấm thân tứ đại là con người bằng xương bằng thịt.

Đặc biệt là chuối và bưởi là không thể thiếu vì nó tượng trưng cho vuông - tròn, âm - dương. Tuy là 5 thứ quả nhưng cũng không nên tùy tiện, các thứ quả được lựa chọn phải tròn trịa, có hương, có sắc. Tránh những thứ quả có gai, có lá sắc để không mang sát khí hoặc những quả có mùi thơm không thuần phác như dứa, mít, sầu riêng…

Theo phong tục cổ truyền của người Việt thì bánh chưng, bánh dày là hai thứ tượng trưng cho Trời - Đất, nó cũng là thứ bánh làm bằng lương thực, tượng trưng cho sự no ấm, thịnh vượng, là lễ vật không thể thiếu. Khi bày lễ chú ý rằng bánh chưng phải để theo cặp (2 chiếc) cho trọn vẹn quan hệ phu - phụ thuận hòa. Ngoài các lễ vật trên thì sẽ có thêm đĩa trầu cau, chén nước, và các loại bánh trái, vật thực khác.

Những thứ không nên bày trên bàn thờ gia tiên ngày Tết

Bàn thờ là nơi thờ cúng gia tiên nên những thứ không liên quan đến thờ cúng thì chúng ta tuyệt đối không bày lên bàn thờ. Các gia đình cũng phải lưu ý rằng không nên bày các đồ tanh hôi, sát sinh, hoa quả cũ thối rữa lên bàn thờ, vì điều này sẽ làm mất đi sự trang nghiêm, thanh tịnh.

Nhiều gia đình thường có thói quen bày hoa giả trên bàn thờ vì vừa tiết kiệm chi phí, không phải mất công thay nước. Tuy nhiên, không nên bày hoa nhựa, hay đèn điện nhấp nháy trên bàn thờ. Mặc dù có đắt hơn hoa giả đôi chút, nhưng hoa thật, quả thật thể hiện được sự chân thành, sự thành kính của con cháu. Không nên đi bất cứ đến chùa chiền, đền phủ nào cũng xin lộc về đặt lên bàn thờ. Nếu tới di tích mua những cành vàng lá ngọc đó dâng lên, thì nên hóa đi, không nên mang về nhà để bày biện.

Chúng ta chỉ nên cúng tịnh tài, tịnh vật, không nên cúng đồ cũ, đồ mã, tiền giả… Ngoài ra trên bàn thờ không nên đặt chậu cây cảnh mà chủ yếu dùng hoa tươi để thờ phụng.

Cách bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết

Mỗi gia đình phải làm sao cho thật đẹp và tiện sử dụng khi bày trí bàn thờ ngày Tết. Thông thường mâm ngũ quả sẽ được xếp ở ngay chính giữa bàn thờ còn các vị trí hai bên và xung quanh thì xếp đặt các thứ khác. Với từ đường phía trước bát hương có thể đặt mâm ngũ quả ở giữa. Lọ lục bình, lọ hoa, cây nến, hạc đồng… thì ta để ở hai bên sao cho đối xứng.

Bên trái để trầu cau và rượu bên phải để bánh chưng. Với các hộ gia đình có bàn thờ gia tiên nhỏ thì mâm ngũ quả thường đặt bên phải (tay trái nhìn vào, tay phải nhìn ra), lọ hoa đặt bên trái. Ở giữa để 5 chén nước nhỏ còn những chỗ còn lại thì đặt trầu cau, tiền vàng, bánh kẹo, thuốc lá, bánh chưng…

Ngoài ra trong việc bài trí bàn thờ ngày Tết khá nhiều gia đình gặp phải những sai lầm như: Không có đèn hoặc nến, đèn dầu để đốt mỗi khi hành lễ. Đây thực sự là điều không nên vì chúng tượng trưng cho âm dương, có đèn mang lại sự ấm áp, gợi sáng trí tuệ, thông minh, xua tan mọi ám khí âm u.

Giải thích từ ngữ:

+ Đỉnh đồng còn có tên gọi là lư hương thường được dùng ở đình chùa, đền miếu, bàn thờ gia tiên với công dụng đốt trầm hương, tạo hương trầm cho không gian thờ cúng.

Cách trình bày mâm ngũ quả

Về phần mâm ngũ quả thì thường được bài trí bằng 5 loại quả khác nhau đủ các màu sắc sao cho đẹp và trang nghiêm. Ngũ quả một mặt biểu tượng cho Ngũ hành (trong văn hóa phương Đông) là vạn vật dung hòa cùng trời đất, mặt khác thì nó là đại diện cho 5 điều mà ta mong ước nhất là: Phú (giàu) – Quý (sang trọng) – Thọ (sống lâu) – Khang (khỏe mạnh) – Ninh (bình yên).

Tùy theo đặc trưng của từng vùng miền về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà chúng ta sẽ chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả. Người miền Bắc thì dùng chuối xanh, hồng hoặc quýt đỏ, bưởi vàng, lê trắng, hồng xiêm xám là phổ biến. Ngoài ra cũng có thể cắm thêm một vài cành đào, cành mai và đèn nháy để làm bàn thờ thêm lung linh, huyền diệu.

Người miền Nam thì thường bày mâm ngũ quả theo mong muốn “cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả sau: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Bên cạnh đó còn có thêm quả thơm (dứa) với ước mong con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu để cầu may mắn.

Trong khi đó người miền Bắc hướng đến ý nghĩa biểu trưng nhiều hơn, quả phật thủ hay nải chuối như bàn tay che chở của đức phật cho tất cả mọi người; quả bưởi, dưa hấu thể hiện cho sự đầy đặn, trọn vẹn căng đầy sức sống; màu sắc thắm tươi của quýt, hồng tượng trưng cho sự may mắn, phồn thịnh cát tường.

Ngày nay mâm quả trên bàn thờ tết người Việt phong phú hơn về chủng loại bởi sự góp mặt của những hoa quả ngoại nhập. Với tính dung hợp trong văn hóa, người Việt Nam luôn có thể tìm thấy tất cả những yếu tố thích hợp, có giá trị ý nghĩa đối với đời sống tâm linh của dân tộc mình. Cuối cùng những sản vật đẹp mắt nhất, tinh tuý nhất được dâng bày với những tình cảm hiếu kính, trang trọng và thiết thân nhất. Bàn thờ tết không chỉ là nơi mà mọi người bày tỏ tình cảm gia đình, huyết thống mà đó còn là nơi chúng ta gửi gắm những lời chúc may mắn và một năm mới an khang, thịnh vượng hơn.

Sai lầm cần tránh khi bày mâm ngũ quả ngày Tết

Sai lầm 1: Không hiểu hết ý nghĩa các loại quả.

Một số gia đình thường băn khoăn về việc màu sắc mâm ngũ quả có nhất định phải đủ các loại quả có màu theo Ngũ hành (Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng) hay không? Trong khi đó vẫn muốn bày thêm nhiều loại quả khác nhằm thể hiện mong muốn của gia chủ. Để giải thích cho điều này thì chúng ta cần biết rằng: Theo cổ truyền, Ngũ hành không phải quan niệm trên ban thờ nên không có ý nghĩa thực tiễn trong tâm linh. Chính vì thế việc chọn quả theo màu sắc của Ngũ Hành được thì càng tốt nếu không thì vẫn có thể chọn những quả theo ý nghĩa riêng, miễn làm sao thể hiện được mong muốn của gia chủ.

Sai lầm 2: Rửa quả cho sạch sẽ để bày mâm ngũ quả đẹp.

Nhiều gia đình khi mua quả về thường rửa chúng thật cẩn thận sao cho quả bóng, đẹp. Tuy nhiên việc rửa quả sẽ làm quả sớm bị héo hay thối nếu có chỗ đọng nước. Chính vậy nên chúng ta chỉ cần dùng khăn giấy ẩm lau sạch quả là được. Với những quả bưởi mà vỏ bị ố vàng hoặc mốc xanh chúng ta có thể hòa chút nước vôi sạch, thấm vào một chiếc khăn rồi lau đều sẽ giúp cho vỏ bưởi vàng mà không lo đọng nước, héo bưởi.

Sai lầm 3: Chọn ngay quả chín đẹp.

Thông thường mâm ngũ quả cần được chuẩn bị trước đêm 30 Tết và được các gia đình bày biện vào sáng hoặc chiều 30 Tết. Tuy nhiên việc mua quả sẽ được được tiến hành sớm hơn nhiều. Vậy nên nếu không tính đến việc mâm quả sẽ còn để từ 30 Tết đến vài ngày sau mà ta chọn mua những quả đã chín đẹp, vừa mắt thì khi bày lên mâm cỗ quả đã có thể bị chín quá, mũm vỏ, lá héo. Chính vì thế dựa vào thời gian mua mà ta nên chọn những quả già nhưng chưa chín quá. Chuối nhất định phải là chuối xanh, còn các loại quả xoài, đu đủ, hồng, mãng cầu… chúng ta nên mua quả vẫn còn độ cứng để khi bày lên mâm cỗ thì chúng không bị thối.

Giữ bàn thờ sạch bày tỏ lòng hiếu kính

Bàn thờ là nơi ngự vị của các bậc tiền nhân trong gia đình vì thế nó thường được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất trong nhà. Điều này không chỉ để tránh sự va chạm mà còn tránh gió, bụi bặm và côn trùng. Việc lau dọn sạch sẽ bàn thờ là công việc trước tiên và được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ. Công việc chăm chút bàn thờ là cách để con cháu bày tỏ lòng yêu kính và tưởng nhớ đế ông bà tổ tiên.

Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng và rất hạn chế sự chung đụng. Nước lau bàn thờ thường được dùng từ nguồn nước sạch sẽ có người còn dùng nước mưa thậm chí nước nấu từ lá trầu, lá bồ đề để lau. Trong tâm thức người Việt người đã khuất và người còn sống luôn có một mối quan hệ mật thiết với nhau.

Không gian thờ tự là không gian thiêng liêng trong gia đình, là nơi lưu giữ nhiều ẩn ức tình cảm giữa các thế hệ chính vì thế việc giữ gìn bàn thờ luôn sạch sẽ, mát mẻ không chỉ thể hiện sự chăm sóc và tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên mà còn là sự chăm sóc đến cái tôi tâm linh ở mỗi con người. Không phải đợi lúc năm hết tết đến nhân dịp giỗ chạp hay vào những ngày sóc vọng người ta mới dọn dẹp và chăm chút bàn thờ. Tuy nhiên phải vào những ngày cận Tết chúng ta mới thấy hết được không khí bận bịu, tất bật của việc dọn dẹp và chuẩn bị sắm sửa đồ thờ.

Từ việc đánh sáng lại bộ lư đồng, lau chùi khung ảnh, thay cát bát hương (nhang)… đều thể hiện cho nhu cầu giao hòa, gắn kết mật thiết giữa thế giới hữu tình và thế giới tâm linh thiêng liêng. Công việc quét tước nhà cửa thường là việc của phụ nữ trong nhà vì nó đòi tính cẩn thận, tỉ mỉ. Song việc bày bàn thờ ngày Tết lại được ưu ái dành cho quý ông, đơn giản vì việc ấy nặng nhọc hơn. Hơn thế người đàn ông là chủ gia đình, phải đại diện chăm lo nơi cư ngụ của tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính. Phụ nữ trong nhà thì lo việc bếp núc, nấu nướng và dọn dẹp gian bếp. Đó là cách nhìn từ văn hóa truyền thống xưa kia. Ngày nay nhất là nơi đô thị chúng ta không còn biệt rạch ròi việc này như trước.

Việc bày biện hay thắp hương (nhang) trên bàn thờ không phân biệt nam nữ, tuổi tác như ở thôn quê. Tuy nhiên để giữ nếp xưa, mọi nhà vẫn mời người lớn tuổi nhất họ hay nhất nhà ra khấn và thắp hương cho ông bà tổ tiên trong những ngày quan trọng như: Tất niên, đêm giao thừa, mừng năm mới, cúng tiễn…

Vị trí bài trí bàn thờ gia tiên

Trong cách bài trí bàn thờ người ta thường bố trí vị trí cao nhất, chính giữa phía trong cùng là nơi để Bài vị - là tấm bia gỗ ghi tên, thụy hiệu của các đối tượng được thờ cúng nếu cầu kỳ thì bài vị này có thể được đặt trong một ngai thờ, hoặc một khám thờ.

Do hầu hết các gia đình đều chỉ có một nơi thờ tự do đó sẽ “phối thờ” cả gia tiên nhiều đời và cả thần linh cho nên thường thì vị trí này là bài vị chung cho tất cả. Hai bên Bài vị chung thì bố trí hoặc bài vị, hoặc ảnh thờ của những người đã khuất thân cận trong gia đình như ông bà, cha mẹ ... tùy theo ngôi thứ mà đặt cho đúng trái, phải, trước, sau.

Trước các bài vị bố trí lư hương tùy theo kích cỡ bàn thờ mà chọn cho vừa. Thông thường để cho đẹp thì lư hương ở chính giữa có kích thước lớn nhất. Trên bàn thờ nhất thiết phải có 2 ngọn đèn hoặc đèn dầu hoặc nến để đốt lên mỗi khi hành lễ. Trên bàn thờ phía phải và phía trái sẽ bố trí thêm bình hương, lọ hoa, mâm bồng, đế đèn.

Không đặt bàn thờ ở lối đi lại. Nếu đặt ở lối đi lại ồn ào sẽ làm mất đi sự thanh tịnh của nơi thờ cúng. Như vậy gia đình sẽ ít có may mắn và tài lộc. Bát hương thờ tổ tiên nên có tay cầm, bát hương thờ thần không nên có tay cầm. Vật liệu bát hương tốt nhất là dùng bằng sứ sau đó đến đồng, không nên dùng đá hoa cương.

Bóng đèn phía trước không nên xung với ban thờ, không nên dùng đèn chiếu. Ban thờ cũng không đặt ở vị trí dưới xà nhà, nếu không có vị trí tốt hơn thì phải làm trần, ngoài ra bên trên không được có máy móc như máy điều hòa, máy hút mùi, loa đài. Không đặt bàn thờ nhìn ra hướng Ngũ Quỷ: Hướng Đông Bắc, hướng Tây Nam. (Không đặt bàn thờ hướng Đông Bắc nhìn Tây Nam hoặc ngược lại). Không đặt bàn thờ ở hướng Đông, Đông Nam nhìn hướng Tây. Không đặt bàn thờ trên nóc tủ. Không lấy gỗ đã qua sử dụng để làm bàn thờ. Bàn thờ Thần và Phật có thể để chung, song không nên để bát hương sát nhau. Bàn thờ tổ tiên không nên đặt ở trung tâm nhà, vì sợ hung. Thay vào đó bàn thờ Phật có thể đặt ở trung tâm nhà. Bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Phật không nên đặt đối nhau trong 1 gian phòng. Không nên treo ảnh người quá cố cao hơn bàn thờ.

Trong ngày tết cổ truyền của dân tộc ta, ngoài lễ cúng tất niên giao thừa, thì lễ cúng giỗ ông bà tổ tiên trong 3 ngày đầu năm luôn là việc không thể thiếu. Mời các bạn tham khảo Văn khấn gia tiên mùng 1, Văn khấn mùng 2 Tết Văn khấn mùng 3 Tết để thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với các bậc thần phật, ông bà tổ tiên.

Mời tham khảo những bài văn khấn thường dùng trong dịp Tết nguyên đán cổ truyền:

  1. Bài Cúng ông Công ông Táo
  2. Bài Cúng Giao Thừa Ngoài Trời
  3. Bài Cúng Giao Thừa Trong Nhà
  4. Bài cúng Tất Niên
  5. Cách bày mâm ngũ quả đúng phong tục truyền thống
Đánh giá bài viết
1 50
Sắp xếp theo

    Tết Nguyên Đán 2024

    Xem thêm