Luyện tập về từ vựng – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9

Luyện tập về từ vựng

Luyện tập về từ vựng – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9 được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Mời các bạn tham khảo, chuẩn bị tốt cho kỳ thi HSG lớp 9 sắp tới

Bài tập

Xác định và phân tích giá trị của việc sử dụng từ trái nghĩa trong các đoạn trích sau:

“Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một Con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại. Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích luỹ ngày đêm mà có. Các thành quả đó sở dĩ không bị vùi lấp đi, đều là do sách vở ghi chép, lưu truyền lại. Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hoá học thuật của nhân loại. Nếu chúng ta mong tiến lên từ văn hoá, học thuật của giai đoạn này, thì nhất định phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát. Nếu xoá bỏ hết các thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ, thì chưa biết chừng chúng ta đã lùi điểm xuất phát về đến mấy trăm năm, thậm chí là mấy nghìn năm trước.

(Chu Quang Tiềm, Bàn về đọc sách)

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

(Hữu Thỉnh, Sang thu)

a) Phân biệt từ đồng âm và từ nhiều nghĩa.

b) Giải thích nghĩa của từ lợi trong bài ca dao sau. Đó là hiện tượng từ đồng âm hay từ nhiều nghĩa? Tại sao?

Bà già đi chợ cầu Đông

Bói xem một quẻ lấy chồng lợi (1) chăng

Thầy bói gieo quẻ nói rằng

Lợi (2) thì có lợi (3) mà răng không còn

a) Tìm các từ thuộc trường từ vựng phong cảnh đất nước trong đoạn thơ

sau:

Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi

Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt

Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát

Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca.

(Tố Hữu, Ta đi tới)

b) Sử dụng các từ cùng một trường từ vựng như vậy đem đến hiệu quả gì cho đoạn thơ?

Tiếng Việt thường hay sử dụng hiện tượng đồng âm để thực hiện biện pháp tu từ nào? Chọn và phân tích một ví dụ trong thơ văn để thấy nét đặc sắc trong hiện tượng đồng âm của tiếng Việt.

Cho đoạn thơ sau:

Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.

Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Xét về nguồn gốc, các từ ngữ in đậm trên thuộc loại từ nào? Nêu khái niệm của loại từ ngữ ấy.

Nêu tác dụng của việc sử dụng những từ ngữ đó trong đoạn thơ của Nguyễn Du.

Tìm từ địa phương ương các đoạn trích sau và đổi sang từ toàn dân. Nhận xét cách sử dụng từ địa phương của tác giả trong mỗi đoạn trích. Từ đó, hãy cho biết vai trò của việc sử dụng từ ngữ địa phương trong văn chương.

Vân Tiên ghé lại bên đàng,

Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.

Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”

(Nguyễn Đình Chiểu)

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

(Thanh Hải)

Ông Hai đi mãi đến sẩm tối mới về. Cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên. Mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy… Vừa đến ngõ, ông lão đã lên tiếng:

– Chúng mày đâu rồi, ra thầy chia quà cho nào.

Dứt lời ông lão lại lật đật đi thẳng sang bên gian bác Thứ.

Chưa đến bực cửa, ông lão đã bô bô!

(Kim Lân)

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa

Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng.

(Y Phương)

a) Xác định từ ngữ địa phương trong đoạn trích sau đây và tìm các từ ngữ toàn dân tương ứng với những từ ngữ địa phương đó.

Và má muôn đời Nam Bộ vẫn chờ tôi.

Má ngước đầu lẽn má biểu: “Thằng hai”.

Gặp bữa con ngồi xuống đây ăn cơm với má.

(Xuân Diệu)

Theo anh/chị, việc sử dụng từ ngữ địa phương tạo hiệu quả gì cho văn bản nghệ thuật nói chung và đoạn trích nói riêng?

Tìm và phân tích vai trò của việc sử dụng thành ngữ trong các đoạn trích

sau:

Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thoả tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thần như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp.

(Nguyễn Dữ)

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai.

(Nguyễn Du)

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

(Chính Hữu)

Sắp xếp các từ sau vào các nhóm từ (từ đơn, từ láy, từ ghép): kẹo, kẹo lạc, nhà, nhà tranh, bánh rán, đèm đẹp, máy bay, xe cộ, tốt đẹp, trăng trắng, long lanh, bối rối, khập khễnh, xanh thẫm, xanh xanh, xanh xao.

Cho các từ láy sau: nhè nhẹ, trăng trắng, chắc chắn, thỏ thẻ, mằn mặn, cao cao, sát sạt, lụ khụ, nhàn nhạt, mờ mờ, khít khịt, thánh thót, lạnh lẽo, long lanh, đủng đỉnh, gắt gỏng.

Xếp các từ láy trên thành ba nhóm theo các cách láy.

Xếp các từ láy trên thành hai nhóm theo nghĩa của từ láy.

Đọc và xác định từ láy có trong các đoạn trích sau. Phân tích giá trị của các từ láy đó.

Tà tà bóng ngả về tây,

Chị em thơ thẩn dan tay ra về.

Bước dần theo ngọn tiểu khê,

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.

Nao nao dòng nước uốn quanh,

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

(Nguyễn Du)

Ông lão náo nức bước ra khỏi phòng thông tin, rẽ vào quán dặn vợ mấy việc rồi đi thẳng ra lối huyện cũ. Ở đây, những tốp người tản cư mới ở dưới xuôi lên đứng ngồi lố nhố cả dưới mấy gốc đa xù xì, cành lá rườm rà ken vào nhau, rải xuống mặt đường và bãi cỏ một vùng bóng mát rộng [… ]. Dưới chân đồi, những thủa ruộng lúa xanh mượt, uốn quanh co dưới trời nắng, lấp loáng như một khúc sông. Có mấy bóng cò trắng bay dật dờ…

(Kim Lân)

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

(Hữu Thỉnh)

a) Chép lại đoạn thơ tả cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh ở đoạn trích Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du).

b) Đoạn thơ thể hiện tài năng bậc thầy của đại thi hào Nguyễn Du trong nghệ thuật tả cảnh. Hãy phân tích nét đặc sắc trong việc sử dụng từ ngữ ở đoạn thơ này.

Gợi ý

– Các từ trái nghĩa: câu a: cá nhân – nhân loại; tiến lên – lùi; câu b: dềnh dàng – vội vã.

Các từ trái nghĩa được sử dụng để tạo các hình tượng tương phản, gây ấn tượng mạnh, làm cho lời văn thêm sinh động.

a) Phân biệt từ đồng âm và từ nhiều nghĩa

Từ đồng âm là những từ có cách phát âm giống nhau nhưng nghĩa khác xa nhau, không liên quan gì đến nhau.

Từ nhiều nghĩa là một từ có nhiều nội dung ý nghĩa, trong đó có một nghĩa gốc và các nghĩa chuyển.

b) – lợi (1): có ích) lợi (2), (3): phần thịt bao giữ xung quanh chân răng.

Đây là hiện tượng đồng âm vì những tà lợi này có cách phát âm giống nhau nhưng nghĩa khác xa nhau, không liên quan gì đến nhau.

a) Các từ thuộc trường từ vựng phong cảnh đất nước trong đoạn thơ: đẹp, rừng, đồi, đồng, nắng, sông, bến nước.

b) Sử dụng các từ cùng một trường từ vựng như vậy đem đến hiệu quả diễn đạt cho đoạn thơ, thể hiện vẻ đẹp nhiều vùng miền của quê hương, đất nước.

– Tiếng Việt thường hay sử dụng hiện tượng đồng âm để thực hiện biện pháp tu từ chơi chữ nhằm làm cho câu văn thêm hấp dẫn, thú vị.

HS chọn và phân tích một ví dụ trong thơ văn để thấy nét đặc sắc trong hiện tượng đồng âm của tiếng Việt.

Ví dụ: nghệ thuật tu từ chơi chữ trong bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan được thể hiện ở hai câu thơ:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Tác giả đã sử dụng hiện tượng đồng âm của từ ngữ để chơi chữ. Quốc quốc, gia gia là hai từ láy tượng thanh mô phỏng tiếng kêu của chim quốc, chim gia gia (tức chim đa đa) ở Đèo Ngang. Từ âm thanh khắc khoải của hai con chim ấy tác giả muốn gửi gắm nỗi niềm nhớ nước (quốc) thương nhà (gia).

Cách chơi chữ của tác giả đã đem đến cho bài thơ hiệu quả nghệ thuật cao. Đây chính là nét độc đáo của bút pháp tả cảnh ngụ tình. Qua âm thanh của chim quốc, chim gia gia nhà thơ muốn gửi gắm tâm sự thầm kín, tinh tế nỗi niềm nhớ nước thương nhà.

a) – Xét về nguồn gốc, các từ thanh minh, tiết, tảo mộ, đạp thanh, yến anh, bộ hành, xuân, tài tử giai nhân thuộc loại từ Hán Việt.

Nêu khái niệm của từ Hán Việt: là những từ gốc Hán nhưng được đọc theo âm của người Việt.

b) Tác dụng của những từ đó: góp phần miêu tả, giới thiệu cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh sinh động, mang sắc thái trang trọng, cổ kính, thể hiện nét đẹp của văn hoá dân tộc.

– Từ địa phương trong các đoạn trích và từ toàn dân tương ứng: câu a: đàng – đường, vô – vào, kêu – nói, bớ- này; câu b: chi – gì.; câu c: thầy – bố, bực – bậc; câu d: người đồng mình – người vùng/ miền mình.

Cách sử dụng từ địa phương của các tác giả: Các tác giả đã sử dụng từ ngữ địa phương rất hợp lí, nhuần nhuyễn, phù hợp với đặc điểm, tính cách, nguồn gốc của nhân vật; thể hiện sự thâm nhập, am hiểu của các tác giả về từ ngữ địa phương.

Vai trò của việc sử dụng từ ngữ địa phương trong văn chương: từ ngữ địa phương nếu được sử dụng hợp lí sẽ đóng góp vai trò không nhỏ trong các tác phẩm văn chương. Những từ ngữ địa phương sẽ tạo màu sắc vùng miền qua lời ăn tiếng nói của nhân vật; đem đến màu sắc giản dị, mộc mạc, tự nhiên cho tác phẩm. Từ đó tạo cảm xúc thân quen, gắn bó, thể hiện tình yêu quê hương, yêu tiếng nói dân tộc.

a) Từ địa phương trong các đoạn trích và từ toàn dân tương ứng: má – mẹ, ngước – ngẩng, biểu – bảo, gặp bữa – đến bữa.

– Sử dụng từ ngữ địa phương đúng lúc, đúng chỗ trong văn bản nghệ thuật sẽ tạo được sắc thái riêng cho văn bản, nhất là trong việc thể hiện tính cách nhân vật (qua ngôn ngữ, suy nghĩ, hành động…) và đặc điểm của vùng đất được nói đến trong văn bản. Từ đó, đem đến cho văn bản nét mộc mạc, giản dị, gần gũi.

Trong đoạn thơ, tác giả Xuân Diệu đã sử dụng từ ngữ địa phương rất nhuần nhuyễn khiến người đọc cảm nhận nét gần gũi, thân quen của một người mẹ Nam Bộ hiền hoà, giản dị, giàu tình yêu thương cán bộ.

– Thành ngữ trong các đoạn trích:

Câu a: tô son điểm phấn: trang điểm; ngõ liễu tường hoa: chỉ quan hệ trai gái không đứng đắn; mất nết hư thân, hư hỏng, không đứng đắn.

Câu b: nghiêng nước nghiêng thành: sắc đẹp tuyệt vời của người phụ nữ.

Câu c: nước mặn, đồng chua: chỉ vùng quê nghèo khổ.

Việc sử dụng thành ngữ trong các đoạn trích góp phần làm cho cách diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, tinh tế, lời ít ý nhiều. Thành ngữ cũng góp phần tăng tính hình tượng cho câu văn, câu thơ.

HS cần căn cứ vào cấu tạo từ để sắp xếp các từ thành ba nhóm sau:

Từ đơn: nhà, kẹo.

Từ ghép: nhà tranh, kẹo lạc, bánh rán, máy bay, xe cộ, tốt đẹp, xanh thẫm.

Từ láy: đèm đẹp, trăng trắng, long lanh, bối rối, khập khễnh, xanh xanh, xanh xao.

a) Xếp các từ láy thành ba nhóm theo cách láy:

Láy toàn bộ: nhè nhẹ, trăng trắng, mằn mặn, cao cao, sát sạt, khít khịt, nhàn nhạt, mờ mờ.

Láy bộ phận âm đầu: chắc chắn, thỏ thẻ, lạnh lẽo, long lanh, thánh thót, đủng đỉnh, gắt gỏng.

Láy bộ phận vần: lụ khụ.

b) xếp các từ láy thành hai nhóm theo nghĩa của từ láy:

Từ láy giảm nghĩa: nhè nhẹ, trăng trắng, thỏ thẻ, mằn mặn, cao cao, nhàn nhạt, mờ mờ.

-Từ láy tăng nghĩa: chắc chắn, sát sạt, lụ khụ, khít khịt, thánh thót, lạnh lẽo, long lanh, đủng đỉnh, gắt gỏng.

a) – Các từ láy: tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ.

Giá trị của các từ láy: làm tăng giá trị biểu đạt cho đoạn thơ, góp phần gợi tả cụ thể, chi tiết không khí buổi chiều mùa xuân sau lễ hội trong tiết Thanh minh và cảnh chị em Kiều du xuân trở về.

– Các từ láy: náo nức, lố nhố, xù xì, rườm rà, lấp loáng, dật dờ.

Giá trị của các từ láy: làm tăng giá trị biểu đạt cho đoạn văn, góp phần gợi tả cụ thể hình ảnh làng quê vào buổi trưa, cảnh yên bình với những nét đặc trưng của một làng quê.

– Các từ láy: dềnh dàng, vội vã.

Giá trị của các từ láy: làm tăng giá trị biểu đạt cho đoạn thơ, góp phần khắc hoạ vẻ đẹp của thời điểm giao mùa từ hạ sang thu ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những từ láy này đã gợi tả cụ thể, chi tiết hình ảnh thiên nhiên lúc giao mùa. Cảnh sắc thiên nhiên đẹp, gợi cảm, nồng nàn, với sự chuyển biến nhẹ nhàng của đất trời.

a) HS chép chính xác đoạn thơ tả cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh (từ câu “Thanh minh trong tiết tháng ba” đến câu “Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”).

Đoạn thơ thể hiện tài năng bậc thầy của đại thi hào Nguyễn Du trong nghệ thuật tả cảnh. Tám câu thơ gợi tả khung cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh. Với hệ thống từ ngữ linh hoạt, giàu chất tạo hình, đoạn thơ đã làm sống lại không khí lễ hội mùa xuân.

Những tò láy, tò ghép là danh từ, động từ, tính từ được Nguyễn Du sử dụng biến hoá thần tình: gần xa, yến anh, chị em… gợi lên không khí lễ hội thật rộn ràng; trong đó, các danh từ yến anh, chị em, tài tử, giai nhân gợi sự đông vui của các thành phần đi hội; các động từ sắm sửa, dập dìu gợi tả sự rộn ràng, náo nhiệt của ngày hội; các tính từ: gần xa, nô nức làm rõ hơn không khí, tâm trạng của người đi hội.

Qua 8 câu thơ đã khẳng định tài năng bậc thầy của đại thi hào Nguyễn Du trong nghệ thuật tả cảnh. Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên, lễ hội mùa xuân tươi đẹp, trong sáng, được gợi lên qua từ ngữ miêu tả giàu chất tạo hình của Nguyễn Du.

Trên đây VnDoc đã chia sẻ tới các bạn bài Luyện tập về từ vựng – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9. Nội dung gồm nhiều bài tập luyện từ vựng, chuẩn bị tốt cho kì thi HSG lớp 9 sắp tới

.......................................................................

Ngoài Luyện tập về từ vựng – Bồi dưỡng HSG Ngữ Văn 9. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo thêm Soạn văn 9, soạn bài 9 hoặc đề thi học học kì 1 lớp 9, đề thi học học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì 2 lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt

Đánh giá bài viết
1 834
Sắp xếp theo

    Bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn 9

    Xem thêm