Lịch sử 9 bài 18: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời

Lý thuyết Lịch sử lớp 9 bài 18: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời được VnDoc sưu tầm và đăng tải, tổng hợp lí thuyết cơ bản trong chương trình giảng dạy môn Lịch sử lớp 9 bài 18 giúp các em nắm vững kiến thức được học trong bài. Bên cạnh đó là câu hỏi trắc nghiệm Địa lí 9 giúp các em vận dụng lý thuyết vào trả lời câu hỏi dễ dàng hơn. Sau đây mời các bạn tham khảo chi tiết.

A. Giải bài tập Lịch sử 9 bài 18

B. Lý thuyết Lịch sử 9 bài 18

I. Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3-2-1930)

* Bối cảnh lịch sử:

- Sự ra đời của 3 tổ chức cộng sản đã thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng dân tộc, dân chủ phát triển.

- Hoạt động của 3 tổ chức cộng sản mang tính riêng rẽ, công kích lẫn nhau, tranh giành ảnh hưởng của nhau đã gây trở ngại lớn cho phong trào cách mạng.

- Yêu cầu bức thiết lúc này là phải có một đảng cộng sản thống nhất trong cả nước.

- Thực hiện chỉ thị của Quốc tế cộng sản và theo yêu cầu của những người cộng sản Đông Dương, cuối năm 1929 Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất.

* Nội dung hội nghị:

- Hội nghị họp từ ngày 6-1 đến ngày 8-2-1930 tại Cửu Long (Hương Cảng- Trung Quốc)

- Nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập một đảng cộng sản duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Thông qua chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt, điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc dự thảo. Được xem là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo là một cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, mang tính chất dân tộc và tính giai cấp sâu sắc.

- Ngày 24-2-1930, Đông Dương Cộng sản liên đoàn cũng gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Sau này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (9/1960) quyết định lấy ngày 3-2 hàng năm làm ngày kỉ niệm thành lập Đảng.

II. Luận cương chính trị (10-1930)

1. Hoàn cảnh

- Giữa lúc phong trào của quần chúng đang diễn ra quyết liệt, tháng 10/1930 Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng (Trung Quốc) được họp 2. Nội dung

- Đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

- Cử ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức do Trần Phú làm Tổng bí thư

- Thông qua Luận cương chính trị của Đảng.

2. Nội dung Luận cương chính trị tháng 10 - 1930

- Đường lối chiến lược và Sách lược: Cách mạng Đông Dương lúc đầu là cách mạng tư sản dân quyền, sau đó tiến thẳng lên xã hội chủ nghĩa, bỏ qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa. Căn cứ vào đặc điểm của ba nước Đông Dương lúc đó đều là thuộc địa của thực dân Pháp, mâu thuẫn giai cấp ngày càng diễn ra gay gắt.

- Nhiệm vụ chiến lược cách mạng: đánh phong kiến và đánh đế quốc là hai nhiệm vụ có quan hệ khăng khít.

- Động lực cách mạng: công nhân và nông dân.

- Lãnh đạo cách mạng: giai cấp công nhân – Đội tiên phong là Đảng Cộng sản.

- Nêu rõ hình thức, biện pháp đấu tranh, quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.

* Hạn chế

- Chưa nêu được mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Đông Dương.

- Không đưa ngọn cờ dân tộc lên hàng đầu, nặng về đấu tranh giai cấp và cách mạng ruộng đất.

- Đánh giá không đúng khả năng cách mạng của tầng lớp tiểu tư sản, giai cấp tư sản dân tộc, khả năng lôi kéo bộ phận trung, tiểu địa chủ tham gia Mặt trận dân tộc thống nhất, chống đế quốc và phong kiến.

III. Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng

- Đảng ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp ở Việt Nam trong thời đại mới.

- Đảng là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.

- Việc thành lập Đảng là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của giai cấp công nhân và cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kì khủng hoảng về giai cấp lãnh đạo và đường lối giải phóng dân tộc.

- Cách mạng Việt Nam đã trở thành một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới

- Đảng ra đời là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính chất quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt về sau của cách mạng và lịch sử dân tộc Việt Nam.

C. Trắc nghiệm Lịch sử 9 bài 18

Câu 1. Đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản là do

A. Phong trào công nhân đã phát triển đến trình độ hoàn toàn tự giác.

B. Phong trào cách mạng Việt Nam đứng trước nguy cơ bị chia rẽ lớn.

C. Tổng bộ Hội cách mạng Thanh niên nêu ra yêu cầu hợp nhất.

D. Các tổ chức cộng sản trong nước đề nghị hợp nhất thành một đảng.

Đáp án: B

Giải thích: Đầu năm 1930, ba tổ chức cộng sản ra đời hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng với nhau. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Yêu cầu bức thiết là có 1 Đảng CS thống nhất trong cả nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Yêu cầu đó đã thúc đẩy Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản.

Câu 2. Vì sao sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) là bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam?

A. Kết thúc thời kỳ phát triển của khuynh hướng cách mạng dân chủ tư sản.

B. Đưa giai cấp công nhân và nông dân lên lãnh đạo cách mạng.

C. Chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo.

D. Chấm dứt tình trạng chia rẽ giữa các tổ chức chính trị ở Việt Nam.

Đáp án: C

Giải thích: Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) là bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam vì đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo. Từ đây cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của một chính đảng duy nhất, là cơ sở quan trọng cho mọi thắng lợi sau này.

Câu 3: Việc chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam đầu thế kỉ XX được đánh dấu bằng sự kiện

A. Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

B. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại và sự tan rã của Việt Nam Quốc dân Đảng.

C. Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Véc-xai “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”.

D. Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập với Cương lĩnh chính trị đúng đắn.

Đáp án: D

Giải thích: Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) ra đời đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo.

Câu 4. Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) được tổ chức tại đâu?

A. Sài Gòn.

B. Hương Cảng (Trung Quốc)

C. Moskva (Nga)

D. Băng Cốc (Thái Lan).

Đáp án: B

Giải thích: (sgk - trang 69)

Câu 5. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là

A. Luận cương chính trị.

B. Tuyên ngôn thành lập Đảng.

C. Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt.

D. Bản yêu sách của nhân dân An Nam.

Đáp án: C

Giải thích: sgk-trang 70

Câu 6: Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương là ai?

A. Nguyễn Ái Quốc.

B. Hồ Tùng Mậu.

C. Trịnh Đình Cửu.

D. Trần Phú.

Đáp án: D

Giải thích: sgk-trang 70

Câu 7: Ý kiến nào không phải là hạn chế trong Luận cương chính trị của Trần Phú?

A. Không đưa ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu mà nặng về đấu tranh giai cấp.

B. Đánh giá không đúng khả năng cách mạng của tầng lớp tư sản, tiểu tư sản, địa chủ dân tộc.

C. Chưa xác định rõ kẻ thù của dân tộc.

D. Xác định giai cấp lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản.

Đáp án: D.

Giải thích: Luận cương chính trị của Trần Phú đã xác định đúng đắn giai cấp lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản. Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định để cách mạng đi đến thành công.

Câu 8. Việc ba tổ chức Cộng sản có sự chia rẽ, sau đó được hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) để lại kinh nghiệm gì cho cách mạng Việt Nam?

A. Xây dựng khối liên minh công-nông vững chắc.

B. Xây dựng mặt trận thống nhất dân tộc rộng rãi.

C. Kết hợp hài hòa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp.

D. Luôn chú trọng đấu tranh chống tư tưởng cục bộ

Đáp án: D

Giải thích: Việc ba tổ chức Cộng sản được hợp nhất để lại kinh nghiệm đoàn kết, chống lại tư tưởng cục bộ, sự chia rẽ nội bộ dân tộc thì cách mạng mới đi đến thành công.

Câu 9. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam có điểm khác gì so với Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương?

A. Khẳng định vai trò lãnh đạo thuộc về chính đảng vô sản.

B. Xác định được công nhân và nông dân là lực lượng cách mạng.

C. Đánh giá đúng khả năng chống đế quốc của giai cấp bóc lột.

D. Xác định đúng nhiệm vụ cách mạng là đánh đổ đế quốc.

Đáp án: C

Giải thích: Cương lĩnh chính trị đầu tiên xác định rất đúng khả năng cách mạng của các tầng lớp và giai cấp trong xã hội ( lực lượng cách mạng bao gồm: công nhân, nông dân là nòng cốt, ngoài ra còn có tiểu tư sản, tri thức, phú nông, trung tiểu địa chủ và tư sản thì lợi dụng hoặc trung lập). Còn Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương đánh giá không đúng khả năng cách mạng của tầng lớp tiểu tư sản, khả năng chống đế quốc và phong kiến ở mức độ nhất định của giai cấp tư sản dân tộc trung, tiểu địa chủ.

Câu 10. Tổ chức cách mạng nào dưới đây được coi là tiền thân chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam?

A. Việt Nam Quang phục hội.

B. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

C. Việt Nam Quốc dân đảng.

D. Đông Dương Cộng sản đảng.

Đáp án: B

Giải thích: Tháng 6/1925, Hồ Chí Minh thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Hội có vai trò rất lớn trong việc truyền bá con đường cách mạng vô sản của Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam, là tiền thân chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Câu 11. Hội nghị thành lập Đảng 3/2/1930 đã thông qua những vấn đề gì?

A. Chính cương vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo.

B. Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc dự thảo.

C. Luận cương Chính trị do Trần Phú soạn thảo.

D. Chính cương, Sách lược và Điều lệ vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc dự thảo.

Đáp án: D

Câu 12. Nội dung chủ yếu của cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo là gì?

A. Cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: Cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng XHCN

B. Cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới.

C. Làm cách mạng giải phóng dân tộc sau đó tiến lên chủ nghĩa xã hội.

D. A và B đúng

Đáp án: A

Câu 13. Điều gì chứng tỏ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo là đúng đắn, sáng tạo, thắm đượm tính dân tộc và nhân văn?

A. Nêu cao vấn đề dân tộc lên hàng đầu.

B. Đánh giá đúng khả năng cách mạng của các giai cấp trong xã hội Việt Nam.

C. Thấy được khả năng liên minh có điều kiện với giai cấp tư sản dân tộc, khả năng phân hóa, lôi kéo một bộ phận giai cấp địa chủ trong cách mạng giải phóng dân tộc.

D. Cả 3 ý trên đều đúng.

Đáp án: D

Câu 14. Tính chất của cách mạng Đông Dương lúc đầu là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, sau khi cách mạng tư sản dân quyền thắng lợi sẽ tiếp tục phát triển, bỏ qua thời kỳ tư bản mà tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nội dung của:

A. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo.

B. Điều lệ của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo.

C. Chính cương vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo.

D. Luận cương Chính trị 1930 do Trần Phú khởi thảo.

Đáp án: D

Câu 15. Nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền ở Việt Nam là gì?

A. Đánh đổ phong kiến địa chủ giành đất cho dân cày.

B. Đánh đổ đế quốc Pháp giành độc lập dân tộc.

C. Đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến và tư sản phản cách mạng làm cho Việt nam độc lập, thành lập chính phủ công nông binh.

D. Đánh đổ giai cấp tư sản và địa chủ phong kiến.

Đáp án: C

Câu 16. Trong các nội dung sau đây, nội dung nào không thuộc Luận cương Chính trị (10/1930)?

A. Cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: Cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng XHCN

B. Cách mạng do Đảng của giai cấp vô sản theo chủ nghĩa Mác-Lênin lãnh đạo

C. Cách mạng Việt Nam là một bộ phân của cách mạng thế giới

D. Lực lượng để đánh đuổi đế quốc và phong kiến là công nông, đồng thời phải biết liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông... để kéo họ vào phe vô sản giai cấp

Đáp án: D

Câu 17. Những điểm hạn chế cơ bản của Luận cương chính trị 1930?

A. Chưa nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ chống đế quốc giành độc lập dân tộc.

B. Nặng về đấu tranh giai cấp.

C. Chứa thấy rõ được khả năng cách mạng của các tầng lớp khác ngoài công nông.

D. Cả ba ý trên đều đúng.

Đáp án: B

Câu 18. Đúng hay sai?

A. Luận cương Chính trị do đồng chí Trần Phú soạn thảo được thông qua tại Hội nghị lần thứ nhất của Đảng (Hương Cảng-Trung Quốc) tháng 10/1930.

B. Hội nghị tháng 10/1930 của Đảng quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

C. Hội nghị tháng 10/1930 chỉ định Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.

D. Đồng chí Trần phú được bầu làm Tổng bí thư của Đảng.

Đáp án:  (A.(đ), B(s), C(s), D(đ)) 

Câu 19. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 là kết quả tất yếu của:

A. Phong trào dân tộc dân chủ trong những năm 1919-1926.

B. Cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp ở Việt Nam trong thời đại mới.

C. Phong trào công nhân trong những năm 1925-1927

D. Phong trào công nhân trong những năm 1919-1925.

Đáp án: B

Câu 20. Đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của giai cấp công nhân và của cách mạng Việt Nam, đó là ý nghĩa sự kiện lịch sử nào?

A. Thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng

B. Thành lập An Nam Cộng sản Đảng

C. Thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn

D. Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Đáp án: D

................................

Ngoài Lý thuyết Lịch sử lớp 9 bài 18: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chi tiết và cụ thể, các bạn có thể tham khảo thêm tài liệu: Giải bài tập Lịch sử 9,Lịch sử lớp 9, Giải Tập bản đồ Lịch Sử 9, Giải bài tập Lịch Sử 9 ngắn nhất,Giải Vở BT Lịch Sử 9, Tài liệu học tập lớp 9 được cập nhật liên tục trên VnDoc.

Đánh giá bài viết
10 33.847
Sắp xếp theo

    Lý thuyết Lịch sử 9

    Xem thêm