Mở bài Chiếc thuyền ngoài xa

Mở bài truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa hướng dẫn các em một số cách viết mở bài hay và điển hình nhất hỗ trợ các em trong quá trình ôn tập và luyện thi môn Ngữ văn 12. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Hướng dẫn viết mở bài và kết bài Chiếc thuyền ngoài xa

Mở bài truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

1. Mở bài phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

Mở bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa 1

Nguyễn Minh Châu – người mở đường tinh anh và tài năng của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Những tác phẩm của ông để lại dấu ấn sâu sắc với người đọc: “Mảnh trăng cuối rừng”, “Bức tranh” và đặc biệt là tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” viết vào những năm đầu thời kì đổi mới.

Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” thể hiện một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa dạng nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng. Đồng thời tác phẩm in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu: với cách khắc họa nhân vật, xây dựng cốt truyện độc đáo và sáng tạo.

Mở bài phân tích truyện chiếc thuyền ngoài xa

Mở bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa 2

Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút xuất sắc nhất của nền văn xuôi Việt nam hiện đại. Ông là người mở đường tinh anh và thành công nhất của nền văn học thời kì đổi mới. Mang một ước nguyện khám phá con người ở bên trong con người, ông đã mang đến cái nhìn đa chiều các sự việc và con người trong cuộc sống vào tác phẩm của mình. "Chiếc thuyền ngoài xa" cùng với nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn là một ví dụ tiêu biểu cho phong cách này của ông. Nhân vật người đàn bà hàng chài được tác giả khắc học và phăm phá bằng cái nhìn đa chiều, từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Có khi được hiện lên từ sự quan sát, cảm nhận của nhân vật Phùng - người nghệ sĩ nhiếp ảnh với tâm hồn nhạy cảm, phong phú, có lúc chị tự bộc lộ mình qua những lời nói, hành động trong mối quan hệ với mọi người xung quanh. Khi khám phá tính cách của người đàn bà hàng chài, ấn tượng đầu tiên Nguyễn Minh Châu muốn đem đến cho người đọc là vẻ ngoài xấu xí, lam lũ cùng với vẻ cam chịu đến nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài này ẩn dấu những vẻ đẹp nhân tâm của phụ nữ Việt nam hiện đại.

Mở bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa 3

Trong văn học cách mạng trước năm 1975, thước đo giá trị chủ yếu của nhân cách là sự cống hiến, hy sinh cho cách mạng, là các tiêu chuẩn đạo đức cách mạng được thể hiện chủ yếu trong mối quan hệ với đồng chí, đồng bào, với kẻ thù. Sau năm 1975, văn chương trở về với đời thường và Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kỳ đổi mới đã đi sâu khám phá đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Khi làm cho người đọc ý thức về sự thật, có khả năng nhìn thẳng vào sự thật, phát hiện nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp, chằng chịt, thì văn chương đã ít nhiều đáp ứng được nhu cầu nhìn nhận và hoàn thiện nhiều mặt của nhân cách con người. Truyện Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là phát hiện về đời sống và con người theo hướng đó.

Mở bài phân tích truyện chiếc thuyền ngoài xa 4

Mở bài Phân tích chiếc thuyền ngoài xa mẫu 4

Nguyễn Minh Châu được mệnh danh là người mở đường tinh anh và tài hoa của nền văn học Việt Nam giai đoạn đổi mới, bằng sự thức thời, nhạy bén của người nghệ sĩ Nguyễn Minh Châu không chỉ nhận ra nhu cầu đổi mới của nền văn học mà còn chủ động đi đầu trong công cuộc tìm kiếm những cách tân nghệ thuật ấy. Nếu trước năm 1975 Nguyễn Minh Châu thường viết về đề tài chiến tranh, người lính với cảm hứng sử thi lãng mạn đậm nét thì sau đổi mới ông lại tập trung bút lực để tìm kiếm, khám phá những vấn đề thế sự nổi cộm. Nguyễn Minh Châu khám phá con người trong cuộc sống mưu sinh thời hậu chiến, đồng cảm, thấu hiểu với hành trình tìm kiếm đầy nhọc nhằn của họ, từ đó phát hiện và trân trọng những hạt ngọc quý ẩn giấu trong tâm hồn con người. Một trong những truyện ngắn tiêu biểu nhất cho tài năng và phong cách sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau đổi mới là Chiếc thuyền ngoài xa.

Mở bài Phân tích chiếc thuyền ngoài xa mẫu 5

Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam trong giai đoạn đổi mới, ông là người tiên phong trong việc khám phá đời sống con người trong sự phức tạp, đa diện thời hậu chiến. Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn tiêu biểu cho tài năng và sự tinh anh trong vai trò "người mở đường" của Nguyễn Minh Châu. Truyện ngắn viết về bi kịch hạnh phúc, bi kịch đói nghèo trong gia đình người đàn bà hàng chài, qua đó nhà văn không chỉ thể hiện những phát hiện về nghịch lí trong cuộc sống của con người mà còn gửi gắm những thông điệp sâu sắc về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa người nghệ sĩ và nhân dân.

Mở bài Phân tích chiếc thuyền ngoài xa mẫu 6

Thông qua khắc họa bi kịch trong cuộc sống của người đàn bà hàng chài, nhà văn Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa không chỉ phơi bày hiện thực cuộc sống vẫn còn những nghịch lí, đau khổ thời hậu chiến mà còn gửi gắm rất nhiều những thông điệp về nghệ thuật cũng như trách nhiệm của người nghệ sĩ với cuộc đời cũng như với những sản phẩm tinh thần của con người: Nghệ thuật phải gắn bó với cuộc đời, người nghệ sĩ chân chính không thể nhìn cuộc đời, con người bằng ánh nhìn hời hợt như chiếc thuyền ngoài xa mà cần đi sâu khám phá để không chỉ thấy được những vẻ đẹp lung linh, đẹp đẽ. mà thấy cả những góc tối xù xì, những nghịch lí vẫn lẩn khuất trong cuộc sống con người.

Mở bài Phân tích chiếc thuyền ngoài xa mẫu 7

Bước qua khói lửa chiến tranh, những tưởng con người sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc, yên bình. Thế nhưng, trong cuộc sống thời hậu chiến, những con người nhỏ bé, đáng thương vẫn phải "vật lộn" với những lo toan, mưu sinh, để rồi bao bi kịch, nghịch lí nảy sinh từ đói nghèo. Hiện thực cuộc sống với tất cả những phức tạp, đa diện ấy được Nguyễn Minh Châu phát hiện và thể hiện đầy tinh tế trong truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa". Truyện ngắn không chỉ thể hiện sự trăn trở, xót xa trước những nghịch cảnh, góc khuất của cuộc đời mà còn đặt ra trách nhiệm của nghệ thuật cũng như điểm nhìn, tư tưởng của người nghệ sĩ: Nghệ thuật cần hướng đến cuộc đời, người nghệ sĩ cần gắn bó để đồng cảm với những nỗi đau của con người.

Mở bài Phân tích chiếc thuyền ngoài xa mẫu 8

Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu cho nền văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Ông là người đi đầu trong việc khám phá đời sống con người. Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn tiêu biểu cho tài năng và sự quan sát tỉ mỉ của ông. Truyện ngắn chính là bi kịch hạnh phúc, bi kịch đói nghèo trong gia đình người đàn bà hàng chài.

Mở bài Phân tích chiếc thuyền ngoài xa mẫu 9

Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Với lối viết lãng mạn nhưng vẫn chân thực và giàu cảm xúc. Khi chiêm nghiệm về cuộc đời và nghệ thuật, ông đã viết lên chuyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa với hai bức tranh đối lập giữa cái đẹp của nghệ thuật và sự thật đau đớn phũ phàng của đời thực.

Mở bài Phân tích chiếc thuyền ngoài xa mẫu 10

Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa thể hiện một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người một cách nhìn đa dạng nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài đồng thời tác phẩm là cách tự sự triết lý của Nguyễn Minh Châu.

Mở bài Phân tích chiếc thuyền ngoài xa mẫu 11

Nhà văn Nam Cao từng khẳng định "nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than". Người nghệ sĩ phải dùng đôi mắt đa diện, thấu hiểu để nhìn nhận những vẻ đẹp đạo đức và nhân văn, không nên chạy theo những vẻ đẹp dù hào nhoáng mà trống rỗng vô hồn. Với quan niệm ấy, nhà văn Nguyễn Minh Châu trong các sáng tác của mình đã làm rõ khởi nguồn của nghệ thuật, thông qua số phận đau khổ bất hạnh của nhân vật. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa là thước phim quý giá được nhà văn sáng tác ngay sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. Tác phẩm không chỉ khắc họa trên thực hình ảnh cuộc sống thời hậu chiến mà còn bộc lộ nỗi trăn trở, xót xa trước những góc khuất của người lao động. Thông qua đoạn trích, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện nỗi cảm thông sâu sắc trước số phận vô cùng bất hạnh của người đàn bà hàng chài.

Mở bài Phân tích chiếc thuyền ngoài xa mẫu 12

Nhà văn Nguyễn Khải tự nhận xét về tác giả Nguyễn Minh Châu Ông là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này". Với sự chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời, Nguyễn Minh Châu đã mang đến cho người đọc những tác phẩm hay và đặc sắc. Trong số đó phải kể tới tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. Chiếc thuyền ngoài xa đã được tác giả gửi gắm những thông điệp đặc biệt mà mình đã trải nghiệm về cuộc sống con người và đặc biệt là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

Mở bài Phân tích chiếc thuyền ngoài xa mẫu 13

Bước ra khói lửa chiến tranh, những tưởng con người sẽ được sống một cuộc sống hạnh phúc, yên bình. Thế nhưng trong cuộc sống thời hậu chiến của những con người nhỏ bé đáng thương vẫn phải vật lộn với những lo toan, mưu sinh. Những phát hiện đau đớn đó đã được Nguyễn Minh Châu thể hiện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Đó không chỉ là nỗi trăn trở do trước những đau đớn của cuộc đời mà còn đặt ra trách nhiệm nghệ thuật cũng như tư tưởng của người nghệ sĩ.

Mở bài Phân tích chiếc thuyền ngoài xa mẫu 14

Maxim Gorki từng khẳng định "văn học là nhân học". Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu đã ấn tượng sâu vào trong lòng người đọc không chỉ vì cảnh thiên nhiên tươi đẹp mà còn là hình ảnh của người đàn bà hàng chài với những câu văn thấm đẫm tinh thần nhân đạo của nhà văn. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa đã khắc họa thành công hình tượng người đàn bà làng chài thông qua lăng kính nghệ thuật của mình. Đó là người phụ nữ mới về ngoài xấu xí, lam lũ nhưng vẻ đẹp trong tâm hồn của chị là một người phụ nữ Việt Nam cần cù, chịu khó.

2. Mở bài cảm nhận về truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

Mở bài cảm nhận về Chiếc thuyền ngoài xa 1

Nguyễn Minh Châu là người suốt đời đi tìm cái đẹp và cái thật, tha thiết kiếm tìm “hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người”. Trước 1975, Nguyễn Minh Châu được biết đến với những tác phẩm đậm chất sử thi như: Cửa sông, Miền cháy, Dấu chân người lính. Thế nhưng, sau 1975, chính Nguyễn Minh Châu lại là người đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học. Chiếc thuyền ngoài xa được in năm 1983 là một bước tiến dài rất đáng trân trọng trong hành trình khám phá vào tầng chìm, vào chiều sâu của cuộc sống và con người của văn xuôi Nguyễn Minh Châu.

Mở bài cảm nhận về Chiếc thuyền ngoài xa 2

Một trong những cái tên nổi tiếng của làng văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới chính là Nguyễn Minh Châu. Ông được coi là người “mở đường tinh anh và tài năng nhất”. Trước năm 1975, ông là một cây bút sử thi lãng mạn, viết nhiều về đề tài người lính. Tuy nhiên, sau năm 1980, sáng tác của ông đi sâu vào cảm hứng đời tư thế sự với vấn đề đạo đức, và triết lý chân thực. Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách ấy là "Chiếc thuyền ngoài xa".

Đề thi thử THPT quốc gia 2020 môn Văn (Đề 3)

Mở bài cảm nhận về Chiếc thuyền ngoài xa 3

Không phải ngẫu nhiên mà có người cho rằng Nguyễn Minh Châu là nhà văn của những biểu tượng. Bởi lẽ, trong tác phẩm của mình, Nguyễn Minh Châu thường không trực tiếp phát biểu những suy nghĩ, quan điểm mà chỉ bộc lộ những suy nghĩ cách nhìn về cuộc đời của mình qua những biểu tượng, những hình tượng đa nghĩa. Cách đặt tên tác phẩm, tên nhân vật và xây dựng hình tượng trong truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” của ông là một ví dụ. Và có lẽ hình tượng “chiếc thuyền ngoài xa” trong truyện ngắn cùng tên của ông cũng như vậy.

3. Mở bài phân tích hình tượng Chiếc thuyền ngoài xa

Mở bài phân tích hình tượng Chiếc thuyền ngoài xa mẫu 1

Không phải ngẫu nhiên mà có người cho rằng Nguyễn Minh Châu là nhà văn của những biểu tượng. Bởi lẽ, trong tác phẩm của mình, Nguyễn Minh Châu thường không trực tiếp phát biểu ra những suy nghĩ, quan điểm mà chỉ bộc lộ những suy nghĩ, cách nhìn về cuộc đời qua những biểu tượng, những hình tượng đa nghĩa. Và có lẽ, hình tượng “chiếc thuyền ngoài xa” trong truyện ngắn cùng tên của ông cũng như vậy.

Mở bài phân tích hình tượng Chiếc thuyền ngoài xa mẫu 2

Một tác phẩm hay hấp dẫn và thành công không chỉ ở nội dung và hình thức mà còn là ở hình tượng của tác phẩm đó. Hình tượng có thể là con người và cũng có thể là vật, miễn sao sự vật con người ấy nói lên được ý nghĩa mà nhà văn muốn truyền tải tới bạn đọc. Nếu như Nguyễn Tuân lấy hình tượng con sông Đà để giới thiệu vẻ đẹp hung bạo và trữ tình của nó thì Nguyễn Minh Châu lấy hình tượng chiếc thuyền ngoài xa để nói lên những dụng ý nghệ thuật của mình. Vậy dụng ý nghệ thuật của nhà văn qua hình tượng ấy là gì?.

Mở bài phân tích hình tượng Chiếc thuyền ngoài xa mẫu 3

Nguyễn Minh Châu (1930-1989), là một cây bút sử thi lãng mạn, trước năm 1975 các tác phẩm của ông chủ yếu viết nhiều về đề tài người lính. Tuy nhiên sau năm 1980, sáng tác của ông đi sâu vào cảm hứng đời tư thế sự với vấn đề đạo đức và triết lí chân thực. Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách ấy, nhắc đến tác phẩm người đọc sẽ không thể quên hình tượng chiếc thuyền. Một hình tượng xuyên suốt cả tác phẩm.

4. Mở bài phân tích Hai phát hiện của nhiếp ảnh Phùng

Mở bài phân tích Hai phát hiện của nhiếp ảnh Phùng mẫu 1

Nguyễn Minh Châu là nhà văn gắn với những sáng tác thể hiện niềm đam mê đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người Việt Nam. Trong đó, tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" là tiêu biểu cho quan điểm của ông rằng văn học phải gắn bó, gần gũi với cuộc sống. Nhân vật Phùng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh có niềm đam mê nghệ thuật, trong chuyến đi công tác của mình, anh đã có được hai phát hiện độc đáo về nghệ thuật và cuộc đời.

Mở bài phân tích Hai phát hiện của nhiếp ảnh Phùng mẫu 2

Nguyễn Minh Châu là một nhà văn giàu tâm huyết, luôn trăn trở về một nền văn học xứng đáng với tầm vóc dân tộc và với sự kỳ vọng của nhân dân. Từ cảm hứng sử thi lãng mạn huyền ảo đã từng tạo nên vẻ đẹp rực rỡ trong các tác phẩm thời kì chiến tranh như Mảnh trăng cuối rừng, Dấu chân người lính, Cửa sông, ... ông dần dần chuyển sang tính chất triết luận về những giá trị nhân bản đời thường, khám phá bản chất con người trong cuộc sống mưu sinh, trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Chiếc thuyền ngoài xa sáng tác năm 1983 là truyện ngắn rất tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai. Đây là tác phẩm in đậm phong cách của Nguyễn Minh Châu: tự sự - triết lí nhân sinh. Trong tác phẩm này, nhà văn đã để cho nhân Phùng phát hiện ra vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm mờ sương cùng những nghịch lý trớ trêu của gia đình hàng chài, qua đó thể hiện những chiêm nghiệm sâu sắc về nghệ thuật và cuộc đời.

Mở bài phân tích Hai phát hiện của nhiếp ảnh Phùng mẫu 3

Vẻ đẹp của cuộc sống luôn thường trực xung quanh chúng ta. Mỗi con người có một cách cảm nhận về vẻ đẹp khác nhau. Dưới ngòi bút tài hoa của mình, nghệ sĩ Nguyễn Minh Châu đã vẽ ra trước mặt bạn đọc bức tranh tuyệt đẹp dưới con mắt của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng, nhưng đằng sau vẻ đẹp ấy là những sự thật đau lòng.

Mở bài phân tích Hai phát hiện của nhiếp ảnh Phùng mẫu 4

Kho tàng văn học Việt Nam đã ghi dấu của bao tác giả, tác phẩm nổi tiếng. Những tác phẩm đó không chỉ giúp cho cuộc đời tươi đẹp hơn mà còn khắc họa vẻ đẹp của cuộc sống để bạn đọc cùng cảm nhận. Tiêu biểu trong đó là truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa với hai phát hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2020 môn Văn vào đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

5. Mở bài phân tích nhân vật người đàn bà làng chài

Mở bài phân tích nhân vật người đàn bà làng chài mẫu 1

Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu, với phong cách sáng tác giàu tính biểu tượng trong nền văn học nước nhà. Những tác phẩm của ông luôn khiến người đọc phải trằn trọc, suy nghĩ rất nhiều. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” là một câu chuyện giàu sức gợi như thế. Hình ảnh người đàn bà làng chài là hình ảnh để lại trong lòng người nhiều ám ảnh, trăn trở về cuộc sống của con người trong thời kì đổi mới.

Mở bài phân tích nhân vật người đàn bà làng chài mẫu 2

Trong cuộc sống phức tạp này, sự thật đôi khi không phải là điều ngay trước mắt mà sự thật là cái ẩn giấu bên trong. Vì vậy muốn nhìn nhận đúng về cuộc sống về con người, chúng ta phải nhìn vào cái bên trong, bản chất thật, nhìn cuộc sống một cách đa diện. Giống như nhân vật người đàn bà làng chài của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn chiếc thuyền ngoài xa. Mang vẻ bề ngoài xấu xí, nhưng phẩm chất bên trong lại vô cùng tốt đẹp.

Mở bài phân tích nhân vật người đàn bà làng chài mẫu 3

Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu thời chống Mĩ, cũng là cây bút tiên phong thời kì đổi mới. Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn xuất sắc ở thời kì sau, viết về lần giáp mặt của một nghệ sĩ với cuộc sống đầy nghịch lí của một gia đình hàng chài, qua đó thể hiện lòng xót thương, nỗi lo âu đối với con người và những trăn trở về trách nhiệm của người nghệ sĩ. Tác phẩm được xây dựng với nhiều nhân vật, nhưng có lẽ nhân vật để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc nhất là nhân vật người đàn bà hàng chài.

6. Một số mở bài nâng cao sáng tạo và độc đáo

Mở bài 1: Mở bài phân tích những chân lý được gửi gắm trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa

Chân lý là sự nhận thức đúng đắn hiện thực khách quan trong bộ óc con người. Vì vậy chân lý sẽ phát triển cùng nhận thức của xã hội. Có những khẳng định được đúng một cách hiển nhiên và cũng có những chân lý được chứng minh và kiểm nghiệm thực tế, thể hiện tính chất phổ quát và không tìm được sự kiện trái ngược. Từ những đúc kết ấy Nguyễn Minh Châu đã mang người đọc đến những chân lý mà ông đã gửi gắm trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.

Mở bài 2: Mở bài cảm nhận hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua Chiếc thuyền ngoài xa

Nguyễn Minh Châu người đã thổi một làn gió mới vào văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Với sự chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời, Nguyễn Minh Châu đã mang đến cho người đọc Chiếc thuyền ngoài xa. Nơi mà tác giả gửi gắm những thông điệp đặc biệt mà mình đã trải nghiệm về cuộc sống, con người và đặc biệt là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam.

Mở bài 3: Mở bài phân tích hình ảnh người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa

Muốn biết ý nghĩa của hòa bình, hãy hỏi những người chiến binh vừa trở về từ nơi lửa đạn. Muốn biết giới hạn của thời gian, hãy lắng nghe niềm khao khát còn được nhìn thấy bình minh của những kẻ đang phải mang bệnh hiểm nghèo. Và để cảm nhận được tầm vóc của người phụ nữ Việt Nam, xin hãy nhìn vào sự hy sinh và những giọt nước mắt của những người phụ nữ ấy dành cho gia đình của mình. Và đại diện cho hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng trước là người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.

Mở bài 4: Mở bài phân tích quan điểm về cuộc sống, con người và nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu

Mỗi khi cầm bút, người nghệ sĩ dù muốn hay không, dù không nói ra hay bộc lộ trực tiếp thì đều viết dưới ánh sáng của một “tuyên ngôn nghệ thuật” nào đấy. Ta từng bắt gặp nhiều tuyên ngôn nghệ thuật của những nhà văn nhà thơ lớn của dân tộc như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh… Những tuyên ngôn nghệ thuật ấy không còn của riêng các ông nữa, chúng đã trở thành tuyên ngôn nghệ thuật của cả một thế hệ cầm bút, hơn nữa còn là tuyên ngôn nghệ thuật của cả một thời đại văn học. Viết Chiếc thuyền ngoài xa nhà văn Nguyễn Minh Châu muốn qua đó phát biểu những suy nghĩ, quan điểm của mình về cuộc sống, con người và nghệ thuật.

7. Kết bài chiếc thuyền ngoài xa

Kết bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa mẫu 1

Nguyễn Minh Châu là một trong những người tiên phong trong việc đi sâu khám phá những "ngóc ngách" của đời sống, phát hiện ra những góc khuất, những phức tạp của cuộc sống ấy. Chiếc thuyền ngoài xa không chỉ là phát hiện của ông về góc tối trong cuộc sống của những con người nghèo khổ mà qua đó ông còn đặt ra mối trăn trở về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa người nghệ sĩ với con người đồng thời đặt ra trách nhiệm của những người nghệ sĩ, khi nhìn nhận, đánh giá về cuộc sống cần có cái nhìn sâu rộng, cảm thông để thấy được bản chất dù là xù xì, xấu xí bên trong thay vì cái nhìn phiến diện như chiếc thuyền ở ngoài xa.

Kết bài phân tích truyện chiếc thuyền ngoài xa 4

Kết bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa mẫu 2

Bằng vốn am hiểu về cuộc sống con người cùng tấm lòng nhân đạo sâu sắc, nhà văn Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa không chỉ mang đến một câu chuyện xót xa, đáng suy ngẫm về cuộc sống của người đàn và hàng chài mà còn đặt ra trách nhiệm cho nghệ thuật và người nghệ sĩ: Cần nhìn cuộc sống bằng cái nhìn cảm thông, da diện, đa chiều và một tác phẩm nghệ thuật chân chính là khi tác phẩm ấy phản ánh được cuộc sống, phát hiện được những bề sâu, góc khuất của sống sống ấy thay vì vẻ hào nhoáng nhưng vô thực.

Kết bài phân tích truyện chiếc thuyền ngoài xa 2

Kết bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa mẫu 3

Như vậy, qua việc xây dựng tình huống truyện mang tính phát hiện, khám phá về những phức tạp trong cuộc sống con người sau giải phóng, nhà văn Nguyễn Minh Châu không chỉ đề nhân vật Phùng và Đẩu thay đổi về nhận thức về cuộc sống của người đàn bà hàng chài và cũng là cuộc sống của bao con người nghèo khổ khác ngoài kia mà còn đặt ra điểm nhìn của người nghệ sĩ, cần nhìn cuộc sống ở bề sâu, trong cái đa diện để thấy được bản chất bên trong. Qua truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" nhà văn còn khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa nghệ thuật và hiện thực của cuộc sống.

Kết bài phân tích truyện chiếc thuyền ngoài xa 3

Kết bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa mẫu 4

Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau đổi mới, đây cũng là tác phẩm thể hiện tuyên ngôn nghệ thuật của ông, theo đó nghệ thuật cần sát sao, phản ánh được hiện thực cuộc sống, người nghệ sĩ cần nhìn cuộc đời bằng cái nhìn đa diện, sâu sắc để thấy hết được bề sâu, cái phức tạp của cuộc sống ấy. Nghệ thuật đích thực là khi nó hướng đến con người, phản ánh hiện thực vốn có của đời sống, cái đẹp mà nghệ thuật mang đến cho cuộc đời trước hết phải là sự thật. Cuộc sống vốn đa chiều, đa diện nên khi nhìn nhận, đánh giá chúng ta cần có cái nhìn tỉnh táo, toàn diện để thấy được bản chất, sự thật bên trong.

Kết bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa mẫu 5

Qua truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu đã nêu lên bài học về cái nhìn đa diện, cái nhìn khám phá trong sáng tạo nghệ thuật đối với các nghệ sĩ chân chính. Từ tình huống truyện có ý nghĩa khám phá, phát hiện về sự thật đời sống và qua sự thay đổi nhận thức của Phùng, của Đẩu, tác giả đã khẳng định mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực. Theo ông, bổn phận của người nghệ sĩ là phải phát hiện ra bản chất của cuộc đời. Cái Đẹp, cái Thiện trước hết phải là sự chân thực, Cuộc sống vốn phức tạp, chúng ta không thể đơn giản, sơ lược khi nhìn nhận con người và cuộc sống mà cần có cái nhìn tỉnh táo, sâu sắc cùng với sự tìm tòi, phát hiện để hiểu đúng bản chất của nó.

Kết bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa mẫu 6

Nếu hình tượng tác giả trong văn Nguyễn Huy Thiệp hàm ẩn với bao chiêm nghiệm suy tư về thân phận con người, về cuộc đời với những thiên truyện mang ngôn ngữ trần thuật sắc gọn, hàm súc, nhiều khi trơ trụi, nếu cái Tôi trong thơ Huy Cận là “một linh hồn nhỏ, mang mang thiên cổ sầu” thì hình tượng tác giả trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu chính là một người nghệ sĩ luôn hướng tới cái đẹp trong cuộc sống thực của mỗi kiếp người. Đó cũng chính là nét đặc sắc nổi bật mà nhà văn đã thể hiện trong Chiếc thuyền ngoài xa.

Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu thể hiện sâu sắc những đổi mới cơ bản của văn học Việt Nam sau 1975. Văn học đã trở về với những vấn đề của đời sống nhân sinh, quan tâm nhiều hơn đến các đề tài đạo đức – thế sự (như câu chuyện của người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn này). Khác với giai đoạn trước- chủ yếu khắc hoạ con người, ở giai đoạn này, văn học đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm phức tạp và đầy mâu thuẫn của con người trong cuộc sống thường nhật (đời sống tâm hồn của người đàn bà vùng biển).

Kết bài phân tích Chiếc thuyền ngoài xa mẫu 7

Từ thiên hướng khai thác hiện thực đời sống thuận chiều, một chiều trước 1975, với những tác phẩm đậm đà chất lãng mạn cách mạng và sử thi, những tác phẩm ở chặng sáng tác thứ hai của Nguyễn Minh Châu trở về với chủ nghĩa hiện thực tỉnh táo nhằm khám phá những phức tạp mới nảy sinh sau chiến tranh.

Sự đổi mới trong cách nhìn hiện thực, khát vọng của mình về khả năng tác động kì diệu của văn học đối với đời sống và con người; đặt vấn đề về mối quan hệ giữa văn học và đời sống, điều này đã được thể hiện rõ nét qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa.”

Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tạo nên những tình huống truyện khá độc đáo, tạo cho người đọc sự suy nghĩ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống và đặt ra một vấn đề hết sức quan trọng của xã hội là khi nhìn cuộc sống chúng ta phải có cái nhìn đa chiều, chúng ta mới hiểu cuộc sống sâu sắc hơn. Nếu nhìn cuộc sống một cách hời hợt, theo cảm tính, theo sách vở… thì chúng ta chưa thể hiểu hết được những nghịch lí nhưng có lí của thực tế cuộc sống.

Video Mở - Kết bài Chiếc thuyền ngoài xa

---------------------

VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Mở bài truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Bài viết đã gửi tới bạn đọc những mẫu mở bài và kết bài Chiếc thuyền ngoài xa. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích hỗ trợ các em ôn tập và đạt kết quả cao. Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm mục Soạn văn 12...

Đánh giá bài viết
11 146.759
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Bánh Tét
    Bánh Tét

    Đầy đủ cả mở bài và kết bài cảm ơn bạn

    Thích Phản hồi 10/06/22
    • Lê Jelar
      Lê Jelar

      May quá, đang chưa nghĩ ra viết mở bài kết bài như nào cho hay :)

      Thích Phản hồi 10/06/22
      • Friv ッ
        Friv ッ

        Mình xin ít tài liệu phân tích tác phẩm này nhé

        Thích Phản hồi 10/06/22

        Mở bài lớp 12 hay

        Xem thêm