Mở bài và kết bài Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Mở bài và kết bài Vợ chồng A Phủ

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Mở bài và kết bài Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu để học tập nhé. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

I. Mở bài Vợ Chồng A Phủ

1. Mở bài Vợ Chồng A Phủ

Mở bài phân tích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ - Mẫu 1

Nếu chỉ dừng lại ở tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký”, nhà văn Tô Hoài đã rất nổi tiếng, đã làm được cái việc mà như nhà văn Nam Cao nói là “để đời” đối với sự nghiệp của bất cứ người cầm bút nào. Thế nhưng, nhà văn Tô Hoài không dừng lại chú “dế mèn” mà còn đi xa hơn. Khi nghĩ đến ông, người ta cũng nhớ ngay “Vợ chồng A Phủ” - truyện ngắn đã được dựng thành phim và cũng là một tác phẩm tiêu biểu cho văn học hiện thực dân tộc miền núi mà Tô Hoài đã cống hiến.

Mở bài phân tích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ - Mẫu 2

“Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.” (Nguyễn Minh Châu). Với hình tượng nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh ấy khi mang đến cho người đọc một hình tượng nghệ thuật với biết bao vẻ đẹp – nhất là sức sống tiềm tàng mãnh liệt mà không thế lực nào có thể dập tắt được.

Mở bài phân tích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ - Mẫu 3

Thành công nhất của Tô Hoài là những tác phẩm viết về hiện thực cuộc sống, con người vùng Tây Bắc, tiêu biểu là truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Tác phẩm vừa là một bức tranh chân thực về số phận bi thảm của người dân nghèo miền núi dưới ách áp bức phong kiến và thực dân, vừa là một bài ca về sức sống và khát vọng tự do, hạnh phúc của con người.

Mở bài phân tích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ - Mẫu 4

Nguyễn Minh Châu từng có những nhận định sâu sắc về sứ mệnh của nhà văn: "Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực". Quả thực như vậy, một tác phẩm chân chính là hướng đến con người, một nhà văn chân chính là dùng tình thương và ngòi bút của mình để nâng đỡ, trân trọng con người. Ta có thể thấy được sứ mệnh thiêng liêng ấy của nghệ thuật, của người nghệ sĩ thông qua truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài. Qua câu chuyện về số phận, hành trình tìm đến tự do, hạnh phúc của đôi vợ chồng người H'Mông, Tô Hoài không chỉ tái hiện cuộc sống khổ đau, bị chèn ép bởi những bất công, bạo tàn của người nông dân nghèo mà còn ca ngợi, trân trọng những vẻ đẹp bên trong những con người cùng khổ ấy: đó chính là tình thương, là sức sống tiềm tàng bên trong tâm hồn tưởng như đã chai sạn vì đau khổ.

Mở bài phân tích tác phẩm Vợ Chồng A Phủ - Mẫu 5

Nền văn học Việt Nam đã ghi danh nhiều tác giả với những cống hiến quan trọng. Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau lại có những dấu mốc văn học khác nhau. Trong đó, không thể không nhắc đến tác giả Tô Hoài - một nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam, với vốn am hiểu về cuộc sống, phong tục của con người Tây Bắc, ông đã mang đến cho bạn đọc một “Vợ chồng A Phủ” nhiều ý nghĩa sâu xa khiến bạn đọc ám ảnh.

Mở bài phân tích tác phẩm Vợ Chồng A Phủ - Mẫu 6

Năm tháng trôi qua, nhiều thứ đã trở thành dĩ vãng tuy nhiên những giá trị thì vẫn trường tồn cùng thời gian và gây ấn tượng sâu sắc với thế hệ đi sau. Có thể lúc bấy giờ có rất nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu, nhưng mãi sau này chúng ta vẫn còn ấn tượng và yêu quý nhà văn Tô Hoài cùng hình ảnh cô Mị xinh đẹp, đáng thương hay A Phủ tràn đầy sức sống, vô cùng mạnh mẽ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ.

Mở bài phân tích tác phẩm Vợ Chồng A Phủ - Mẫu 7

Để làm nên một tác phẩm thành công, bên cạnh việc lựa chọn chủ đề, xây dựng nhân vật và sử dụng các biện pháp nghệ thuật thì mỗi nhà văn, nhà thơ cần phải có một phong cách nghệ thuật đặc sắc, khác biệt để tác phẩm của mình mang nhiều giá trị, ý nghĩa. Nhà văn Tô Hoài đã vô cùng thành công khi viết truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, qua hình ảnh cô Mị bất hạnh và chàng trai A Phủ mạnh mẽ, ta hiểu hơn về những hủ tục một thời ở vùng cao đã đày đọa con người khốn khổ thế nào.

Mở bài phân tích tác phẩm Vợ Chồng A Phủ - Mẫu 8

Nếu ai từng một lần đến với Tây Bắc, đến với những bản làng hiền hòa chìm trong sương, đến với những phong cảnh núi rừng hùng vĩ trữ tình, đến với cuộc sống tươi vui của những đứa con nơi núi rừng hẳn không nghĩ rằng, những con người nơi đây từng khổ cực trăm bề. Cảnh đói nghèo cơ cực cùng sức nặng cường quyền và thần quyền đè nặng lên đôi vai những số phận bé nhỏ. Nhưng đằng sau tất cả vẫn là sức sống mãnh liệt, mạnh mẽ. Và Tô Hoài đã phản ánh những điều ấy qua hình tượng nhân vật A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

Mở bài phân tích tác phẩm Vợ Chồng A Phủ - Mẫu 9

Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Tô Hoài tính đến nay đã ngót 80 năm cầm bút. Ông đã để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ bao gồm hơn 200 đầu sách, hàng nghìn bài báo với nhiều thể loại phong phú, đa dạng. Mỗi người yêu văn Tô Hoài từ trong tiềm thức của mình, nhắc đến Tô Hoài trước Cách mạng tháng Tám ta không thể không nhắc đến tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu kí”. Sau Cách mạng, ông lại nổi lên với tập “truyện Tây Bắc” với ba truyện tiêu biểu đó là “Vợ chồng A Phủ”, “Cứu đất cứu Mường” và “Mường Giơn giải phóng”. Trong đó, “Vợ chồng A Phủ” là linh hồn của cả tập truyện.

Mở bài phân tích tác phẩm Vợ Chồng A Phủ - Mẫu 10

Nam Cao và Tô Hoài là hai gương mặt nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Bằng tài năng và tấm lòng nhân đạo sâu sắc, hai nhà văn đều dùng ngòi bút của mình hướng đến phản ánh cuộc sống và số phận của những người nông dân nghèo khổ. Nếu như Nam Cao đi sâu khai thác về bi kịch bị tha hóa của con người thông qua nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên thì Tô Hoài lại tìm đến những người nông dân nghèo khổ, bị chà đạp về thể xác và tinh thần tại vùng núi Tây Bắc, điển hình có thể kể đến là Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.

Mở bài phân tích tác phẩm Vợ Chồng A Phủ - Mẫu 11

Với trên 200 đầu sách được xuất bản, Tô Hoài là một trong những nhà văn có sức sáng tạo dồi dào và có sức ảnh hưởng nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông là người am hiểu sâu sắc về phong tục tập quán của các vùng văn hoá khác nhau trên đất nước ta. Thành công nhất của ông là những tác phẩm viết về hiện thực cuộc sống và con người vùng Tây Bắc, trong đó tiêu biểu nhất truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Tác phẩm vừa là một bức tranh sống động đầy chân thực về số phận bi thảm của người dân nghèo miền núi dưới sự thống trị của phong kiến và thực dân, vừa là một bài ca về sức sống mãnh liệt và niềm tin, khát vọng tự do, hạnh phúc của con người. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất qua …. (tùy thuộc vào đề bài yêu cầu để dẫn dắt).

2. Mở bài phân tích nhân vật Mị

Mở bài phân tích nhân vật Mị - Mẫu 1

Người con gái trong xã hội cũ cường quyền phải chịu nhiều những áp bức bất công. Họ không được lựa chọn số phận, cuộc đời cho chính mình. Nếu Vũ Nương tròn Chuyện người con gái Nam Xương phải chọn cái chết để giải thoát bản thân thì cô Mị trong Vợ chồng A Phủ tuy phải sống trong đau khổ, tủi nhục nhưng cuối cùng cô đã tìm được lối thoát cho chính mình.

Mở bài phân tích nhân vật Mị - Mẫu 2

Xinh đẹp, đa tài, hiếu thảo, yêu tự do là những tính từ chính xác nhất để miêu tả cô Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. Tô Hoài thật khéo léo khi khắc họa thành công một nhân vật “không thể lẫn vào đâu được” để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.

Mở bài phân tích nhân vật Mị - Mẫu 3

Người ta thường nói: “Hồng nhan bạc phận”. Xưa, những cô gái xinh đẹp, tài hoa ắt sẽ gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống, khó có được hạnh phúc. Chính câu nói ấy đã vận vào cuộc đời Mị khiến cô chịu không ít đau khổ, tổn thương. Nhà văn Tô Hoài vô cùng tài tình khi khắc họa thành công hình ảnh cô gái xinh đẹp nhưng số phận đầy đau khổ.

Mở bài phân tích nhân vật Mị khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra

Tâm hồn con người như một khu rừng. Có khu rừng xanh tươi, rộn tiếng chim, muôn loài sinh sống vô cùng trù phú, tràn đầy sức sống; ấy cũng là những con người vui tươi, hạnh phúc. Có những khu rừng lại xơ xác, không tiếng ca, không cây cỏ xanh tốt, đó tượng trưng cho những con người cằn cỗi, sống trong đau khổ, bất hạnh, không tình yêu thương. Cô Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài cũng không ngoại lệ. Trước khi về làm dâu, tâm hồn cô đầy vui tươi như khu rừng xanh tốt; nhưng sự đau khổ, bất hạnh nhà thống lí đã làm khu rừng ấy trở nên cằn cỗi, biến cô gái vui vẻ thành một con người buồn rầu không buồn cũng chẳng vui.

Mở bài phân tích diễn biến tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân

Người con gái xinh đẹp nhất là người con gái hạnh phúc và có một tâm hồn phong phú. Tâm hồn là sức sống của con người. Mị vốn là cô gái có tâm hồn đẹp, tha thiết yêu đời, nhưng tâm hồn ấy dường như bị chôn vùi khi cô làm dâu gạt nợ. Và chất xúc tác là đêm tình mùa xuân đã đánh thức và làm tâm hồn ấy trỗi dậy mạnh mẽ.

Mở bài Mở bài phân tích tâm trạng của Mị khi giải cứu A Phủ

Đọc Vợ chồng A Phủ, ta thật sự ấn tượng với cô Mị hiền lành, hiếu thảo nhưng đầy bất hạnh. Một cô gái nhỏ bé nhưng phải chịu áp bức cùng cực. Mình phải trải qua bao nhiêu khổ sở, thiệt thòi, Mị vẫn cam chịu nhưng khi nhìn thấy A Phủ - người có hoàn cảnh giống mình bị đàn áp, Mị không thể nào làm ngơ và đã giải cứu anh. Nội tâm sâu sắc của Mị trong đêm đó để lại cho ta nhiều ấn tượng sâu sắc.

3. Mở bài phân tích nhân vật A Phủ

Mở bài phân tích nhân vật A Phủ - Mẫu 1

Nhà văn Tô hoài đã thực sự thành công trong việc xây dựng nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. Tuy nhiên, để làm nên thành công vang dội cho tác phẩm không thể không nhắc đến nhân vật A Phủ. Qua đoạn trích, ta càng thêm yêu mến nhân vật này.

Mở bài phân tích nhân vật A Phủ - Mẫu 2

“Cây ngay không sợ chết đứng” là thành ngữ diễn tả chính xác nhất tính cách của A Phủ. A Phủ là hình ảnh đại diện cho chính nghĩa của xã hội bấy giờ. Không nhún nhường trước áp bức, cường quyền. Bằng tài hoa của mình, nhà văn Tô Hoài đã khắc họa thành công nhân vật này khiến chúng ta yêu quý và khâm phục.

Kết bài vợ chồng A Phủ

II. Kết bài Vợ chồng A Phủ

1. Kết bài Vợ chồng A Phủ

Kết bài Vợ chồng A Phủ - Mẫu 1

Gấp lại những trang sách của Tô Hoài mà dư âm về nhân vật Mị, về cô gái Mèo với sức sống mãnh liệt, về số phận đáng thương của người dân nghèo dưới chế độ chủ nô phong kiến miền núi vẫn in đậm trong tâm khảm của bạn đọc. Sức sống của Mị hay sức hút của ngòi bút Tô Hoài quả thực có sức lay động lòng người để lại những day dứt, ám ảnh không nguôi.

Kết bài Vợ chồng A Phủ - Mẫu 2

Tóm lại, nhân vật Mị là linh hồn là hơi thở của tác phẩm. Xây dựng nhân vật Mị là một thành công đặc sắc của nhà văn Tô Hoài. Qua việc miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ, Tô Hoài đã khẳng định sức sống tiềm tàng mãnh liệt và khát vọng tự do của nhân dân lao động Tây Bắc dưới sự thống trị của bọn lãnh chúa thổ ty miền núi. Có nhà phê bình đã cho rằng: “Văn học nằm ngoài mọi sự băng hoại. Chỉ riêng mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết”. Đúng vậy, sức sống tiềm tàng mãnh liệt của nhân vật Mị cũng đã làm nên sức sống trường tồn, vĩnh cửu của tác phẩm Vợ Chồng A Phủ.

Kết bài Vợ chồng A Phủ - Mẫu 3

Qua việc khắc họa cuộc sống và số phận của những người nông dân cùng khổ: Mị, A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã mở ra bức tranh hiện thực tăm tối, ngột ngạt của người dân miền núi Tây Bắc dưới chế độ phong kiến đen tối, nơi giai cấp thống trị có thể tự do áp bức, tước đoạt đi tự do, hạnh phúc và cả quyền sống của những người dân nghèo vô tội. Quá trình vượt qua nghịch cảnh, giải phóng bản thân, đi theo cách mạng của Mị và A Phủ cũng chính là quá trình giác ngộ cách mạng của đồng bào dân tộc miền núi. Truyện ngắn không chỉ thể hiện tinh thần nhân đạo của Tô Hoài khi bênh vực, đồng cảm với số phận con người mà còn thể hiện niềm tin của tác giả vào cách mạng, khẳng định chỉ có đi theo cách mạng con người mới có thể thực sự tìm thấy tự do, phá bỏ xiềng xích áp bức để hướng đến cuộc sống hạnh phúc.

Kết bài Vợ chồng A Phủ - Mẫu 4

Thông qua những miêu tả chi tiết về thái độ cũng như những chuyển biến tâm lí của nhân vật Mị, nhà văn Tô Hoài trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ đã làm nổi bật lên vẻ đẹp của sức sống tiềm tàng bên trong Mị hay cũng chính là sức sống của những người nông dân nghèo vùng núi Tây Bắc. Giá trị nhân văn sâu sắc của truyện ngắn này còn thể hiện ở chỗ Tô Hoài không chỉ hướng đến phản ánh cuộc sống khổ đau của người nông dân mà còn hướng họ đến con đường "sáng" - đi theo cách mạng để giải phóng bản thân, giải phóng quê hương, đất nước.

Kết bài Vợ chồng A Phủ - Mẫu 5

Truyện “Vợ chồng A Phủ” chứa đựng những giá trị hiện thực sâu sắc và giá trị nhân đạo cao cả. Thông qua tác phẩm, nhà văn Tô Hoài muốn tố cáo chế độ phong kiến và giai cấp thống trị bóc lột con người bằng hình thức cho vay nặng lãi. Vì món nợ của cha mẹ mà Mị bị mang ra làm vật thế mạng. Ông cũng lên án những hủ tục lạc hậu như “cúng trình ma” đã buộc con người vào vòng mê tín, khiến họ không dám thoát ra vòng vây để tự cứu lấy mình.

Đồng thời, tác giả cũng thể hiện lòng xót xa, cảm thông với những người dân lao động miền núi phải cam chịu sự áp bức của tầng lớp thống trị thủ đoạn, gian ác. Tô Hoài ca ngợi sức sống mãnh liệt tiềm tàng trong con người họ. Chính sức sống ấy đã giúp họ giải thoát họ khỏi cuộc đời nô lệ để đến với cách mạng, đến với cuộc sống tự do.

Kết bài Vợ chồng A Phủ - Mẫu 6

Bằng tấm lòng gắn bó cùng vốn am hiểu sâu sắc về đời sống, văn hóa của vùng đất Tây Bắc, trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài không chỉ dựng lên bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, khoáng đạt mà còn giúp người đọc hiểu hơn về văn hóa, về cuộc sống, thân phận những người nông dân Tây Bắc trước cách mạng. Đó là những con người khốn khổ bị vây hãm, chà đạp bởi cường quyền, thần quyền: Mị, A Phủ, thế nhưng dù bị áp bức đến tận cùng thì họ vẫn mang theo niềm tin, sự sống mãnh liệt để vươn lên khỏi cái bạo tàn để giải phóng bản thân.

Kết bài Vợ chồng A Phủ - Mẫu 7

Mị trong Vợ chồng A Phủ là một nhân vật điển hình cho nhiều đồng bào miền núi phía Bắc có số phận bất hạnh, phải chịu cảnh áp bức bóc lột của cả cường quyền và thần quyền trong giai đoạn trước cách mạng tháng tám. Với tình cảm gắn bó tha thiết và đôi mắt thấu hiểu của mình Tô Hoài không chỉ phản ánh hiện thực xã hội đầy khắc nghiệt mà còn thông qua đó bộc lộ những vẻ đẹp tiềm ẩn trong từng nhân vật, mà ở Mị là vẻ đẹp tài năng, nhan sắc, nhân cách, sự khao khát tự do mãnh liệt, tình yêu cuộc sống tha thiết, sự phản kháng mạnh mẽ đối với những bất công mà cô phải gánh chịu, để tự giải thoát cho chính bản thân và cả người khác.

Kết bài Vợ chồng A Phủ - Mẫu 8

Khen thay cho tài năng xây dựng nhân vật của nhà văn Tô Hoài. Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân chúng ta càng thấy rõ hơn điều đó. Việc miêu tả chi tiết, đặc tả diễn biến tâm trạng và hành động của Mị cho thấy nhà văn đã thực sự nhập tâm vào nhân vật. Ông đã biến chính mình thành Mị đã suy nghĩ, để hành động và cảm nhận. Nhờ thế, mà nhân vật của nhà văn vô cùng sinh động, chân thực và có chiều sâu hơn về tâm lý. Sự thay đổi tâm lý, tâm trạng của Mị trong đêm tình ấy đã nung nấu trong lòng cô ngọn lửa đấu tranh, khát khao sống tự do. Nó mang tới cho bạn đọc thông điệp, tận sâu trong tim mỗi người luôn có một sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Vì thế hãy sống sao cho ý nghĩa, đừng sống hoài sống phí.

Kết bài Vợ chồng A Phủ - Mẫu 9

Đọc Vợ chồng A Phủ, ta mới thấy được tài năng của Tô Hoài trong việc khắc hoạ tâm lí nhân vật. Mỗi hành động, mỗi cử chỉ đều gắn với những tính cách, những chuyển biến tâm lí đầy tinh vi của nhân vật được thể hiện rõ nét. Truyện đã vạch trần được những tội ác, sự bất công ngang trái của xã hội xưa, nói lên tiếng nói thương cảm của nhà văn với những người dân miền núi chịu nhiều khổ cực. Ngoài ra, Tô Hoài còn đưa đến một thông điệp về giá trị sống: Trong cực khổ, bần hàn vẫn cần cố gắng, sống và quyết tâm vươn tới những chân trời tự do, tin tưởng ở tương lai tươi đẹp.

Kết bài Vợ chồng A Phủ - Mẫu 10

Vợ chồng A Phủ qua việc khắc họa sâu sắc cuộc đời, số phận, tính cách Mị đã tố cáo hùng hồn, đanh thép những thế lực phong kiến, thực dân tàn bạo áp bức bóc lột, đọa đày người dân nghèo miền núi. Đồng thời qua phân tích nhân vật Mị nó cũng khẳng định khát vọng tự do hạnh phúc, sức sống mạnh mẽ và bền bỉ của những người lao động. Đặc biệt đề cao sự đồng cảm giai cấp, tình hữu ái của những người lao động nghèo khổ. Chính điều này đem lại sức sống và sự vững vàng trước thời gian của Vợ chồng A Phủ.

Kết bài Vợ chồng A Phủ - Mẫu 11

Xuất sắc chấm màu xanh lá ngón vào bức tranh xô bồ của thời cuộc, Tô Hoài đã đưa “lá ngón” từ chỗ độc dược ngàn đời của núi rừng, là cái chết từ thiên nhiên, nay bỗng nhiên lại là sự giải thoát. Lá ngón xuất hiện ba lần với ba tầng ý nghĩa ngày càng sâu sắc hơn, dữ dội hơn. Cái độc của lá ngón vậy ra vẫn còn thua cái độc của xã hội. Lá càng độc là đớn đau đồng bào chịu càng nhiều. Lá ngón trở thành dấu hiệu báo động cho sự khẩn thiết, cầu cứu của đồng bào miền cao đối với Cách mạng còn quá xa và cũng chính là tư tưởng nhân đạo cao đẹp mà tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta qua hồn thiêng gió núi của đại ngàn Tây Bắc xa xăm!

2. Kết bài phân tích nhân vật Mị

Kết bài phân tích nhân vật Mị - Mẫu 1

Câu chuyện đã cho ta thấy rõ và hiểu hơn về cô gái chịu nhiều đau khổ, tổn thương nhưng vẫn luôn chứa đựng những sức sống dồi dào. Mị không chỉ là đại diện cho những người con gái thời bấy giờ mà còn là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất đáng quý xứng đáng để chúng ta học tập và noi theo dù ở bấy cứ thời đại nào.

Kết bài phân tích nhân vật Mị - Mẫu 2

Trải qua nhiều năm tháng nhưng cô Mị cùng truyện ngắn Vợ chồng A Phủ đã làm rung động bao trái tim con người và xứng đáng trở thành một tuyệt tác của nền văn học Việt Nam. Ở Mị không chỉ toát lên một vẻ đẹp, sự đáng thương mà còn là một sức sống tuy âm thầm nhưng mãnh liệt khiến nhiều người phải ám ảnh và suy ngẫm.

Kết bài phân tích nhân vật Mị - Mẫu 3

Dưới đôi bàn tay tài hoa và óc sáng tạo uyên bác của mình, nhà văn Tô Hoài đã mang đến cho chúng ta một cô Mị với nhiều phẩm chất, tính cách và nội tâm khơi gợi được nhiều cung bậc cảm xúc và tình cảm khác nhau nơi bạn đọc. Dù năm tháng có phôi phai nhưng cô Mị nói riêng và câu chuyện Vợ chồng A Phủ nói chung mãi để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều người.

3. Kết bài phân tích nhân vật A Phủ

Kết bài phân tích nhân vật A Phủ - Mẫu 1

Với vẻ đẹp mạnh mẽ cùng chí khí hơn người của mình, nhân vật A Phủ đã gây được ấn tượng độc đáo và có chỗ đứng riêng trong lòng mỗi độc giả, anh đã trở thành một tấm gương để bao con người học tập và noi theo.

Kết bài phân tích nhân vật A Phủ - Mẫu 2

Nhà văn Tô Hoài đã vô cùng thành công trong việc khắc họa hình ảnh nhân vật A Phủ không chỉ có ngoại hình rắn rỏi mà còn có tính cách và chí khí hơn người; từ đó làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn, cuốn hút hơn và gây được ấn tượng độc đáo, là điểm nhấn quan trọng cho sự thành công của tác phẩm.

Kết bài phân tích nhân vật A Phủ - Mẫu 3

Bằng khả năng khắc họa nhân vật tài tình, Tô Hoài đã xây dựng được một nhân vật hết sức tiêu biểu cho những chàng trai miền Tây Bắc – A Phủ. Một chàng trai khỏe mạnh, có tài năng và cá tính mạnh mẽ. A Phủ là một biểu tượng của chàng trai núi rừng mộc mạc, chân chất. Đồng thời, xây dựng nhân vật A Phủ cũng góp phần thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo của truyện ngắn này.

Kết bài phân tích nhân vật A Phủ - Mẫu 4

Nhân vật A Phủ đã được khắc họa thành công, sở trường quan sát nhạy bén và khả năng thiên phú trong việc nắm bắt cá tính con người là hai yếu tố giúp nhà văn dựng được một hình tượng đặc sắc chỉ bằng mấy nét đơn sơ. Thông qua nhân vật A Phủ, giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm càng đậm nét.

Đánh giá bài viết
19 68.585
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • ebe_Yumi
    ebe_Yumi

    Cho mình xin phần tóm tắt tác phẩm với ad

    Thích Phản hồi 18/06/22
    • Chuột Chít
      Chuột Chít

      Mình xin tài liệu phân tích nhân vật Mị

      Thích Phản hồi 18/06/22
      • Gấu Bắc Cực
        Gấu Bắc Cực

        Kiểu này hay á, nhiều mở bài kết bài để tham khảo, cảm ơn bạn nha

        Thích Phản hồi 18/06/22

        Mở bài lớp 12 hay

        Xem thêm