Một số biện pháp tổ chức tiết Sinh hoạt tập thể lớp 5

Một số biện pháp tổ chức tiết Sinh hoạt tập thể

Một số biện pháp tổ chức tiết Sinh hoạt tập thể lớp 5 là sáng kiến kinh nghiệm hay cho các thầy cô tham khảo lên kế hoạch chuẩn bị cho các tiết Sinh hoạt lớp hiệu quả cao.

Thực tế để giáo dục học sinh tốt trong giờ sinh hoạt chủ nhiệm thì người giáo viên chủ nhiệm cần phải tổ chức tốt giờ sinh hoạt lớp, tổ chức làm sao cho học sinh thích học từ đó sẽ giáo dục các em học tốt hơn. Sinh hoat chủ nhiệm lớp nhằm xác định một cách chính xác lớp học của chúng ta đạt được kết quả như thế nào? Lớp cần phải làm gì? Cần giáo dục những ai? Xử lí ra sao?...Giáo viên chủ nhiệm quản lí toàn diện tập thể học sinh một lớp học. Muốn làm tốt công tác chủ nhiệm lớp trước hết giáo viên chủ nhiệm cần phải có kĩ năng tổ chức giờ sinh hoạt lớp hợp lí.

Sáng kiến kinh nghiệm lớp 5

A. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong phân phối chương trình giảng dạy ở Tiểu học, ngoài các tiết chính như toán, tiếng Việt, khoa học, lịch sử, địa lí… còn có thêm một tiết sinh hoạt tập thể vào các buổi dạy cuối tuần, đây là một tiết học có tầm quan trọng góp phần làm phong phú thêm chương trình giảng dạy ở tiểu học và nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh. Thông qua tiết sinh hoạt lớp sẽ rèn được các năng lực và phẩm chất cho các em như: tính tự giác, tinh thần giúp đỡ, cùng nhau hợp tác, kĩ năng tự đánh giá mình và đánh giá bạn, khả năng nhìn nhận lại sự tiến bộ của bản thân với các bạn để từ đó có ý thức phấn đấu vươn lên; bồi dưỡng cho học sinh tình cảm yêu thương, gắn bó, sự chia sẻ cảm thông với bạn bè, sẵn sàng tham gia công việc chung của trường của lớp.

Đặc biệt đối với học sinh lớp 5 các em luôn xem lớp học là ngôi nhà thứ hai, nơi gắn bó và để lại trong các em những hồi ức êm đềm, những kỉ niệm đẹp đẽ khó quên từ mái trường tiểu học. Tiết sinh hoạt tập thể ở lớp là những ấn tượng tốt đẹp giúp các em hưng phấn, tươi vui khi đến lớp, biết đoàn kết, hoà nhập với bạn bè, sau giờ sinh hoạt tập thể sẽ để lại cho các em những bài học về kĩ năng sống quý báu để các em vững tin bước vào lớp 6.

Vậy làm thế nào để hoạt động của tiết sinh hoạt tập thể có hiệu quả cao? Làm sao để từ những hoạt động của tiết sinh hoạt tập thể, giúp các em, hình thành nhân cách, biết tự nhận xét về mình, về bạn, biết học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tự rèn luyện, tự hoàn thiện mình? Làm sao để thông qua tiết học này giáo viên chủ nhiệm giáo dục học sinh, đem lại niềm vui sự hứng khởi cho các em học tốt các môn học khác? Vì thế tôi đã mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm: Một số biện pháp tổ chức tiết sinh hoạt tập thể ở lớp 5.

B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

I. Thực trạng

a. Đối với nhà trường:

Trong những năm qua mặt dù tiết sinh hoạt tập thể đã được thực thi một cách ổn định ở các trường tiểu học. Tuy nhiên vẫn chưa được chú trọng đúng mức đến các hình thức tổ chức. Việc dự giờ thao giảng rút kinh nghiệm về tiết này trong các nhà trường chưa mang tính phổ biến.

b. Đối với giáo viên:

Đa số giáo viên thường chú trọng hình thức như lớp trưởng và tổ trưởng báo cáo tình hình tuần qua về chuyên cần, vệ sinh, trật tự … và sau đó giáo viên nhận xét phổ biến kế hoạch tuần tới là xong.

Đôi khi một số giáo viên còn dùng thời gian thừa của tiết sinh hoạt tập thể để ôn tập các môn chính như toán, tiếng việt… Chính điều này làm cho học sinh cảm thấy chán ngán, mệt mỏi.

b. Đối với học sinh:

Học sinh chưa quen với quy trình sinh hoạt bằng nhiều hình thức, đa dạng phong phú mang tính cộng đồng và sáng tạo.

Một số học sinh tham gia tiết sinh hoạt tập thể còn lơ là, với tinh thần trách nhiệm chưa cao, vì nhận thức ở một số em cho rằng đây là môn phụ nên ít chú trọng.

II. Các biện pháp đã tiến hành để giải quyết vấn đề:

Xuất phát từ tình hình thực tế nêu trên, để một buổi sinh hoạt lớp thật sự đem lại nhiều tác dụng với học sinh đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị, lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp, sau đây là một số biện pháp mà tôi đã thực hiện:

1. Vai trò của giáo viên và học sinh trong tiết sinh hoạt lớp:

a. Học sinh: Trong tiết sinh hoạt lớp, người hoạt động chủ yếu là học sinh. Các em phải là những chủ nhân thực sự, chiếm lĩnh hầu hết các hoạt động trong tiết học. Các em không những là diễn viên hoàn toàn làm chủ sân khấu với những hình thức phong phú, đa dạng mà còn cùng hợp tác với giáo viên chủ nhiệm trong khâu dựng kịch bản cũng như làm đạo diễn.

b. Giáo viên: Đối với tiết sinh hoạt lớp, giáo viên chủ nhiệm nên tránh hai khuynh hướng sau:

+ Cho rằng giờ sinh hoạt là của HS, dành cho HS hoạt động là chính; từ đó GV không làm gì cả, khoán trắng, phó mặc cho HS muốn làm thế nào cũng được dẫn đến sự đơn điệu, buồn tẻ, mất tác dụng.

+ Quá chuyên quyền nên không cho HS được trình bày, được bộc lộ ý kiến, hoặc chỉ cứng nhắc tập trung vào việc diễn giảng, thuyết lý về đạo đức, thậm chí tiết sinh hoạt nào cũng rầy la, trách mắng không ngớt về những sai phạm của học sinh.

Trong tiết tiết sinh hoạt lớp, giáo viên chỉ cần làm việc rất ít để trao quyền ưu tiên cho học sinh hoạt động với thời lượng tối đa có thể được ; giáo viên là người bao quát, chỉ đạo sát sao để đảm bảo cho hoạt động của học sinh đúng hướng và đạt hiệu quả cao.

2. Lựa chọn nội dung:

- Cần lựa chọn nội dung sinh hoạt một cách linh hoạt, đạt hiệu quả.

-Vừa bám sát vào nhiệm vụ dạy – học của nhà trường vừa vận dụng tình hình của địa phương, vừa căn cứ vào nhiệm vụ và đặc điểm của lớp, của các đối tượng học sinh để có thể lựa chọn nội dung trong tiết sinh hoạt lớp một cách phù hợp nhất.

- Sau đây là một số nội dung chủ yếu trong tiết sinh hoạt lớp :

+ Sơ kết hoạt động tuần qua (nhận xét, đánh giá, bình chọn, kiểm điểm ...)

+ Phổ biến công tác (của trường, lớp, đoàn thể...) thảo luận, bàn bạc về kế hoạch và biện pháp thực hiện nhiệm vụ.

+ Vui chơi, giải trí (trò chơi, văn nghệ, thể thao, thi giải câu đố, ...) theo chủ điểm của tháng.

+ Lao động (vệ sinh trường lớp, tôn tạo, trồng chăm sóc cây, bảo quản cơ sở vật chất trường lớp).

+ Bổ sung, củng cố kiến thức, kĩ năng (kiến thức học đường, kiến thức xã hội, kĩ năng học tập, kĩ năng sống ...)

+ Hoạt động từ thiện, công ích ...

Có thể linh hoạt lồng ghép các nội dung trên sao cho tiết sinh hoạt luôn phong phú, mới mẻ, hấp dẫn và có tác dụng giáo dục cao, không theo khuôn mẫu chung cho một tiết cụ thể.

3. Sử dụng phương pháp và hình thức:

a. Có thể vận dụng một vài phương pháp cơ bản sau đây :

- Phương pháp thảo luận nhóm: các tổ nhóm thảo luận xem trong tổ, nhóm mình đã làm được những gì? Còn hạn chế mặt nào và đưa ra hướng khắc phục.

- Phương pháp đóng vai: Giáo viên chuẩn bị sẵn một số tình huống phù hợp với chủ điểm của tháng, từng nhóm học sinh thảo luận, phân vai diễn thử tình huống thực tế trước tập thể lớp.

- Phương pháp giải quyết vấn đề: HS phát hiện vấn đề, chủ động, sáng tạo để giải quyết vấn đề.

- Phương pháp tình huống: Các bạn trong tổ cùng trao đổi thảo luận một tình huống nào đó xảy ra trong lớp hay do giáo viên đưa ra.

- Phương pháp trò chơi: Ví dụ: Vào tuần học của tháng 11, lớp sinh hoạt với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”. Tôi hướng dẫn cho lớp trưởng là người điều khiển trò chơi với yêu cầu: “Các bạn hãy nêu một câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, danh ngôn… về người thầy giáo?”. Trong lớp bạn nào nêu được nhiều câu nhất bạn đó được tuyên dương.

- Xem phim trong sinh hoạt lớp: Những phim ngắn “Quà tặng cuộc sông” có nhiều ý nghĩa giáo dục. Giáo viên có thể chọn chiếu một phim phù hợp với mục đích sinh hoạt.

- Phương pháp tổ chức hoạt động giao lưu.

b. Hình thức:

- Đổi mới không gian, địa điểm sinh hoạt:

+ Thay đổi, sắp xếp lại bàn ghế để tạo những kiểu không gian khác nhau.

+ Trang trí phòng học theo những kiểu khác nhau.

+ Chọn những địa điểm ngoài phòng học một cách thích hợp như sân trường, hành lang, nhà đa chức năng, bãi cỏ gần trường ...

- Đổi mới vị trí của học sinh trong tiết sinh hoạt : Thay đổi chỗ ngồi.

+ Tự chọn theo sở thích của học sinh.

+ Theo sự phân công của người điều khiển cho phù hợp với hoạt động.

- Đổi mới cách thức triển khai nội dung hoạt động: vô cùng biến hóa.

+ Hình thức thưởng, phạt được thay đổi thường xuyên.

+ Cách tổ chức sinh nhật luôn mới mẻ.

+ Các trò chơi đa dạng.

+ Hình thức diễn đàn, tọa đàm, giao lưu... phong phú.

C. KẾT LUẬN

I. Kết quả đạt được:

Với những biện pháp nêu trên, tôi thật sự vui mừng vì sự đầu tư của mình đã đạt được kết quả tốt: Học sinh rất phấn khởi và hứng thú khi tham gia tiết sinh hoạt tập thể; hầu hết học sinh trong lớp đã tự giác cao, có tinh thần tự học; biết nhắc nhở nhau cùng thi đua học tập rất sôi nổi trong từng giờ học; có tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, biết hợp tác khi làm việc nhóm; mạnh dạn trình bày ý kiến và mong muốn của mình trước tập thể; biết tự quản, tự phục vụ tốt, nghiêm túc chấp hành nội qui của lớp, của nhà trường; tích cực tham gia các hoạt động của lớp, của trường, nhiều hoạt động của lớp rất nổi bật như: văn nghệ, viết thư, làm bưu thiếp, phong trào viết giải bài ở tạp chí Toán tuổi thơ 1, sinh hoạt các câu lạc bộ,...

Tháng nào lớp tôi chủ nhiệm cũng nhận được cờ xuất sắc.

II. Bài học kinh nghiệm:

- Yếu tố quyết định hàng đầu để tiết sinh hoạt lớp sinh động, hiệu quả là tâm huyết của giáo viên: chuẩn bị nội dung hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo tính giáo dục; lựa chọn phương pháp và hình thức tổ chức tiết sinh hoạt phù hợp với nội dung và tâm lí học sinh.

- Khơi gợi, phát huy tối đa óc sáng tạo, sự tự chủ, tích cực của học sinh.

III. Kiến nghị, đề xuất:

- Nhà trường nên tổ chức các chuyên đề và các tiết thao giảng về tiết học hoạt động tập thể nội dung sinh hoạt lớp.

- Phòng giáo dục nên tổ chức các hội thảo về công tác chủ nhiệm để giáo viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau./.

Tham khảo các hoạt động Sinh hoạt lớp

Đánh giá bài viết
1 3.986
Sắp xếp theo

    Mẹo dạy học hay

    Xem thêm