Nêu suy nghĩ của em về vai trò của người thầy trong xã hội hiện nay

Những bài văn mẫu hay lớp 9

Văn mẫu lớp 9: Nêu suy nghĩ của em về vai trò của người thầy trong xã hội hiện nay được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Nêu suy nghĩ của em về vai trò của người thầy trong xã hội hiện nay

Comenxki từng viết: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Nói như thế mới biết được vai trò của nghề giáo là quan trọng như thế nào. Bởi họ nắm trong tay sứ mệnh giáo dục, chỉ dẫn mỗi con người,ảnh hưởng đến cả một thế hệ tương lai sau này. Chính vì vậy, cả thầy và trò đều có mối quan hệ mật thiết và để cá nhân có thể phát triển được thì cần phải tôn trọng lẫn nhau. Nhưng điều đáng buồn là trong xã hội hiện nay, hình ảnh người thầy đang dần xuống cấp nghiêm trọng.

Chắc hẳn các bạn vẫn chưa quên vụ việc cô giáo Lê Na xúc phạm học viên và mới đây thôi, dư luận vẫn còn đang bàn tán về việc: “Cô giáo Tiếng anh chửi học viên là con lợn”. Những vụ việc như vậy có thể xuất phát từ sự nóng tính, dễ mất bình tĩnh và dễ bị kích động của những người thầy giáo, cô giáo. Xét ở góc độ khách quan mà nói, họ cũng là con người bình thường, họ cũng có những khiếm khuyết và không thể kiềm chế được bản thân. Và không chỉ có những người thầy sai, ngay cả học viên cũng có lỗi. Nhưng dù thế nào, để những sự việc như vậy xảy ra, hình ảnh người thầy vô tình mất điểm. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cô giáo dạy tôi lớp 4, lớp 5. Cô vẫn nói là: “Sự nghiêm khắc của tôi đến sau này các anh các chị mới hiểu được.” Nhưng trải qua từng ấy năm, chúng tôi vẫn hoàn toàn không hiểu. Xin thưa, đó không phải là sự nghiêm khắc mà là quát nạt, mắng mỏ và chà đạp cả về thể xác và tinh thần. Chúng tôi vẫn nhớ như in sự sợ hãi năm nào, khi cả lớp đang mải nói chuyện thì cô lườm một cái, rồi ném thước vào bạn nào cười to nhất. Tôi cũng từng bị cô xúc phạm là: “Cái loại môi dày”. Đến bây giờ, chuyện đó vẫn khiến tôi cảm thấy khá là khó chịu khi nhớ về. Cô nói là cô như thế chúng tôi mới học hành chăm chỉ được, nhưng không, chúng tôi càng sợ hãi, càng tìm cách lẩn trốn vấn đề thay vì đối mặt với nó.Lúc ôn thi học sinh giỏi, chúng tôi phải ngồi quanh thành cái bàn tròn, từng người từng người lên bảng chữa một. Chúng tôi sợ cái cảm giác không làm được bài rồi bị miệt thị khủng khiếp. Nên đứa nào đứa nấy, đếm xem bài nào vào mình rồi mở đáp án ra học thuộc, xong lên bảng chữa. Mỗi kì thi, không còn là một sân chơi nữa, mà là áp lực, là nỗi sợ. Sợ điểm kém, sợ thua bạn thua bè, nhưng sợ tất cả những thứ ấy là vì sợ cô.

Ngay từ khi còn bé, tôi đã phải gặp một người giáo viên như thế nên thực sự không tránh khỏi sự đánh đồng rằng tất cả mọi giáo viên đều như thế. May mắn rằng sau khi lên cấp hai, tôi thực sự không phải trải qua cảm giác ấy một lần nào nữa. Tất cả các thầy cô đều khá thoáng và thoải mái. Một vài người hơi khó tính, một vài người hơi nghiêm khắc nhưng tất cả họ đều thú vị, cá tính và làm đa dạng những khía cạnh của một giáo viên. Cho dù thế nào thì không ai xúc phạm học sinh cả. Những năm cấp hai, tôi cảm thấy vai trò của người thầy có tác động thực sự rất mạnh mẽ, họ có thể truyền cảm hứng hoặc giập tắt nó. Tôi biết được điều ấy thông qua cô chủ nhiệm đồng thời là giáo viên dạy Văn, rồi cô Hằng dạy Toán… Tôi phát hiện mọi khoảng cách giữa giáo viên và học sinh hóa ra có thể gần đến thế. Sau mỗi tiết học hay giờ ra chơi, chúng tôi có thể lên bàn giáo viên, hỏi họ mọi vấn đề và được giải đáp. Thậm chí họ còn rất vui khi được hỏi và nhiệt tình trả lời. Và chúng tôi không còn sợ, cũng không còn giấu dốt, chúng tôi không sợ bị chê cười vì mình không hiểu những điều đơn giản đến thế. Điều mà trước đây mỗi khi nói ra lại sợ: “Bài này mà không biết làm à?”.

Thầy cô không chỉ là thầy cô, họ còn là bạn, là bè. Trường tôi có cô L, cô rất teen. Đứa nào thích đứa nào, cô biết hết. Cô không ngăn cấm, mà chỉ nói lên làm thế nào cho đúng, để không ảnh hưởng học hành. Cô cùng chúng tôi chia sẻ tất tần tật mọi khúc mắc trong cuộc sống, ở cái độ tuổi mà sớm nắng chiều mưa với tư cách là một người từng là học sinh, một người cũng từng trải qua những cảm giác như thế.

Đối với tôi, từ khi vào cấp hai, bản thân đã nhận sự tác động của thầy, cô và đã thay đổi rất nhiều. Phải kể đến đó là cô giáo chủ nhiệm, cũng là giáo viên dạy Ngữ Văn của tôi. Trước kia, tôi không mặn mà gì với môn Ngữ văn cho lắm. Tôi cảm thấy sự phân tích các văn bản một cách kĩ càng quá là không cần thiết. Nhiều khi, tôi chán ngấy cái cảnh phân tích từng từ ngữ một, từ nào đặc sắc, biện pháp tu từ nào hay hay đủ thứ cảm nhận trời ơi đất hỡi. Tôi cũng tự hỏi, liệu tác giả khi viết có nghĩ nhiều như thế không? Nhưng dần dần, dưới cách dạy của cô, tôi nhận ra học văn không hẳn chỉ như mình nghĩ. Văn học cũng có nhiều điều thú vị. Đọc được câu chuyện hay, nó có tác động đến nhận thức của mình không? –Có chứ. Cũng nhờ có cô, tôi không còn cảm thấy mình học Văn tệ nữa. Cô là người giới thiệu cho tôi cái hay của việc đọc sách và những quyển sách cô đọc. Nhờ có cô, tôi bắt đầu đọc những cuốn đầu tiên, và đọc trở thành một thói quen cho đến hiện tại. Tôi cố gắng cảm nhận những điều mình đọc, và bây giờ nếu cầm trên tay những cuốn sách về chủ đề Hiện thực, tôi không còn cảm thấy nó quá khô khan nữa. Bằng cách nào đó, tôi biến việc học Văn, học cách viết và học cách diễn đạt trở nên tự nhiên và cần thiết đối với mình. Cũng có một chuyện, tôi cảm thấy rất biết ơn cô, đó là cô chưa bao giờ tạo bất cứ áp lực gì trong các kì thi của tôi cả. Lần tôi thi Học sinh giỏi Văn, tôi khá sợ. Một phần là do dư chấn trước đây nên tôi sợ điểm kém, rồi sợ không có giải gì thì sao, xấu hổ chết. Cô bảo đừng có lo, cứ thi hết sức. Rồi cô dặn cả bọn: “Các em không có giải, không sao. Nhưng cô không cần các em tiểu xảo”. Rồi kì thi cũng hoàn thành tốt hơn tôi nghĩ và may mắn hơn là tôi còn vào được vòng trong. Nhưng lần thi này lại quá sức tệ hại. Ở bài nghị luận xã hội, tôi xác định sai thông điệp của câu chuyện. Tôi đã viết nó theo một hướng khác đi, một hướng tôi cảm nhận và nó hoàn toàn lạc đề. Tôi cứ ngỡ là cô sẽ mắng nhưng mà cô cười, bảo không sao, thế là ổn rồi. Có thể là cô còn hy vọng nhiều hơn thế nhưng cô không nói, sợ tôi buồn, hoặc vì lí do gì khác.

Viết ra những điều này, tôi chỉ muốn khẳng định rằng làm thầy, không phải là gõ đầu trẻ. Làm thầy không chỉ đơn giản là việc dạy bằng khối óc mà còn dạy bằng trái tim nhiệt thành. Thầy không đơn giản là thầy mà còn là bạn, là người truyền cảm hứng cho học sinh đến tận tương lai sau này. Và bắt đầu của tất cả những điều ấy là sự thấu hiểu, sẻ chia, đồng cảm, sự nghiêm khắc đúng mực chứ không phải bằng bạo lực hay những lời nhục mạ, miệt thị các em. Và các bạn học sinh, hãy tôn trọng thầy cô và hiểu cho sự vất vả, hi sinh của họ!

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 9: Nêu suy nghĩ của em về vai trò của người thầy trong xã hội hiện nay. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 9 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 9.

Bài tiếp theo: Suy nghĩ của em về ý kiến: Đọc một tác phẩm – Đi muôn dặm đường

Đánh giá bài viết
1 1.969
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 9

    Xem thêm