Nghị luận về câu nói: “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai”

Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về câu nói: “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai” được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Dàn ý Nghị luận xã hội về câu nói: “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai”

1. Mở bài

Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: câu nói: “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai”

Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.

2. Thân bài

a. Giải thích

Nghĩa đen: để có được những bông hoa mai xinh đẹp thì con người phải dứt đi những chiếc lá để dinh dưỡng của cây tập trung bồi đắp cho nụ hoa.

Nghĩa bóng: nỗi đau rứt lá tượng trưng cho những khó khăn, gian khổ cũng như sự hi sinh, nỗ lực của con người trong cuộc sống. Còn nhành mai chỉ những điều tốt đẹp, thành công đến và hạnh phúc.

Ý nghĩa câu nói: tất cả những thành quả, thành công, hạnh phúc đều phải trải qua những mất mát, khổ đau và hi sinh.

b. Phân tích

Trong cuộc sống, ai cũng muốn tìm cho mình sự hạnh phúc, thành công. Những gì đến dễ dàng với ta cũng bỏ ta đi một cách nhanh chóng. Chỉ có những gì được lấy bằng chính mồ hôi, nước mắt và công sức của chính ta thì đó mới ở lại lâu bền với ta.

Những khó khăn, thử thách và khổ đau không bao giờ kết thúc. Nó là một phần của cuộc sống, không thể thay đổi. Muốn có được thành công, niềm vui, niềm hạnh phúc thì ta buộc phải cố gắng, nỗ lực bền bỉ không ngừng từng ngày.

Người biết vượt qua nỗi đau, biết chấp nhận và bình tĩnh, điềm đạm trước những sóng gió cuộc đời mới có thể thành công, tỏa sáng. Khi biết vượt qua nỗi đau, bất hạnh sẽ trở nên lạc quan hơn, tin tưởng hơn vào cuộc sống.

c. Chứng minh

Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người biết vươn lên trong cuộc sống, vượt qua thất bại, những khó khăn thử thách và có được thành công để minh họa cho bài làm văn của mình.

d. Phản đề

Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người mới gặp chút khó khăn, thử thách, thất bại đã vội nản chí, bỏ cuộc. Lại có những người sống phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác, không có ước mơ, khát vọng để vươn lên, đạt được thành tựu trong cuộc sống,… những người này thật đáng chê trách và cần thay đổi cách sống của bản thân.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: câu nói: “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai”.

Nghị luận vấn đề “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai” mẫu 1

Để có được thành công trong cuộc sống, ta phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, đôi khi là cả sự mất mát, hi sinh. Để động viên con người biết hi sinh, biết nỗ lực để có được thành công, ý kiến “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai” hoàn toàn đúng đắn và mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Cứ mỗi độ gần tết đến, xuân về, để có được những bông hoa mai xinh đẹp thì con người phải dứt đi những chiếc lá để dinh dưỡng của cây tập trung bồi đắp cho nụ hoa. Bên cạnh đó, nỗi đau rứt lá tượng trưng cho những khó khăn, gian khổ cũng như sự hi sinh, nỗ lực của con người trong cuộc sống. Còn nhành mai chỉ những điều tốt đẹp, thành công đến và hạnh phúc. Câu nói giúp con người nhận ra rằng: tất cả những thành quả, thành công, hạnh phúc đều phải trải qua những mất mát, khổ đau và hi sinh. Trong cuộc sống, ai cũng muốn tìm cho mình sự hạnh phúc, thành công. Những gì đến dễ dàng với ta cũng bỏ ta đi một cách nhanh chóng. Chỉ có những gì được lấy bằng chính mồ hôi, nước mắt và công sức của chính ta thì đó mới ở lại lâu bền với ta. Những khó khăn, thử thách và khổ đau không bao giờ kết thúc. Nó là một phần của cuộc sống, không thể thay đổi. Muốn có được thành công, niềm vui, niềm hạnh phúc thì ta buộc phải cố gắng, nỗ lực bền bỉ không ngừng từng ngày. Người biết vượt qua nỗi đau, biết chấp nhận và bình tĩnh, điềm đạm trước những sóng gió cuộc đời mới có thể thành công, tỏa sáng. Khi biết vượt qua nỗi đau, bất hạnh sẽ trở nên lạc quan hơn, tin tưởng hơn vào cuộc sống. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người mới gặp chút khó khăn, thử thách, thất bại đã vội nản chí, bỏ cuộc. Lại có những người sống phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác, không có ước mơ, khát vọng để vươn lên, đạt được thành tựu trong cuộc sống,… những người này thật đáng chê trách và cần thay đổi cách sống của bản thân. Mỗi người có một lần để sống, hãy sống hết mình với tình yêu, lòng nhiệt huyết để sớm có được thành công và cống hiến được nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc đời.

Nghị luận vấn đề “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai” mẫu 2

Không thử qua lửa sao ta tìm ra vàng? Không chịu đau đớn sao có được những viên ngọc trai lấp lánh? Và “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai”?

Câu nói nêu lên một hiện tượng rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Loài cây nào, dù là cây hoa, cây lấy bóng, cây ăn quả,… đều trải qua thời kì “rứt lá”. Những chiếc lá được nuôi dưỡng bởi cây mẹ giờ lại phải lìa xa hay đó chính là nỗi đau, sự mất mát của con người trong cuộc sống. Nhưng phải có “rứt lá” mới có “nhành mai”. Nhành mai là biểu tượng của vẻ đẹp, của thành quả hay chính là những thành công trong cuộc sống. Một hiện tượng vẫn diễn ra trong cuộc sống đã được khái quát thành chân lí trong cuộc sống: tất cả những thành quả, thành công, hạnh phúc đều phải trải qua những mất mát, khổ đau và hi sinh.

Đó là một quy luật tất yếu của cuộc sống này. Chiếc lá có lìa cành rụng thì mới có thể mọc lên những chồi non, những mầm xanh mới từ đó để có thể tiếp tục sinh sôi, và nở ra những nhành mai thật đẹp. Loài ong phải bay một đoạn đường bằng sáu lần xích đạo mới làm nên một giọt mật đời. Bạn nghĩ một hạt ngọc trai đẹp và quý như thế, làm sao mà thành? Không phải tự nó có. Đó là quả quá trình con trai chịu bao nhiêu đau đớn nuốt những hạt cát vào trong, tiết nước bọt của mình ôm lấy những “hạt đau, hạt xót” mà làm nên hạt “khối tình con”. Mọi thứ trong cuộc sống này, càng những thứ giá trị, càng những vẻ đẹp cao quý lại càng phải trả giá bằng sự hi sinh, mất mát lớn.

Con người và con đường đi đến thành công cũng không ngoại lệ. Trong cuộc sống, ai cũng muốn tìm cho mình sự hạnh phúc, thành công. Nhưng con người vẫn thường ngại khó, ngại khổ và chỉ muốn nhận lại mà không thể cho đi. Như thế, bạn có thể chọn cách chấp nhận sự bình lặng của cuộc sống, không biến động, không thử thách và mất mát. Khi đó, đồng nghĩa với việc bạn đã chết, chết về tâm hồn. Bởi đó đâu phải là cách một con người sống và khẳng định sự tồn tại của mình!

nhành mai

Những gì đến dễ dàng với ta cũng bỏ ta đi một cách nhanh chóng. Chỉ có những gì được lấy bằng chính mồ hôi, nước mắt và công sức của chính ta thì đó mới ở lại lâu bền với ta. Những thứ là “đồng xu của Thượng Đế” mình may mắn có được, ta cũng đâu có biết trân trọng nó mà để mất nó. Mọi việc đều không thể diễn ra như ý, như chúng ta mong đợi. “Khi mọi thứ đang chống lại bạn, hãy nhớ rằng máy bay cất cánh bằng cách bay ngược chiều gió chứ không phải xuôi chiều gió” (Henry Ford). Cuộc sống không thể không có khó khăn, như máy bay cất cánh thì không thể không thiếu gió, dù có là gió ngược chiều. Những khó khăn, mất mát, đau đớn như sự cản lại của gió với máy bay. Nhưng có như vậy ta mới biết động cơ của máy bay mạnh đến thế nào cũng như lúc ấy, ta mới biết sức chịu đựng, niềm quyết tâm và những phẩm chất ẩn sâu của mình bấy lâu nay. Và những gì không thể quật ngã bạn sẽ làm bạn cứng rắn và trưởng thành hơn. Khi ấy, những nhành hoa mai sẽ tự nở và ta mới biết khoảnh khắc được chiếm lĩnh bầu trời, chiếm lĩnh cuộc sống mình hạnh phúc và đáng quý đến mức nào. Đó là lí do những tỉ phú, những người nổi tiếng đi lên từ nghèo khó lại được quý trọng và có thành công lâu dài như vậy. Đến nay, Jack Ma vẫn là người giàu nhất Trung Quốc. Hành trình đi từ một giáo viên tỉnh lẻ, thất bại liên tiếp đã giúp ông “lớn” hơn nhiều. Vẻ đẹp của Nick Vujicic là vẻ đẹp của nghị lực phi thường niềm tin vào cuộc sống sau bao nhiêu mất mát, khổ đau khi mất đi tứ chi. Chỉ có khổ đau, hi sinh mới có hạnh phúc và thành công.

Hãy nhớ: Đôi lúc cuộc sống bắt bạn chìm trong bất hạnh không phải để bạn chết chìm mà để bạn học cách tập bơi. Những khó khăn, thử thách và khổ đau không bao giờ kết thúc. Nó là một phần của cuộc sống, không thể thay đổi. Nhưng cuộc sống còn những niềm vui, còn tình yêu, đam mê và còn cả thành công, hạnh phúc. Đừng bao giờ nói lời tạm biệt nếu bạn còn muốn cố gắng. Đừng bao giờ bỏ cuộc nếu bạn thấy còn có thể tiếp tục. Trong cuộc sống này, rất nhiều thứ ta không muốn cho đi, rất nhiều người ta không muốn bỏ lại. Nhưng hãy nhớ: buông tay không có nghĩa là chấm hết. Buông tay là để bắt đầu cho một khởi đầu mới.

Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống và chỉ có một tuổi trẻ để trổ hoa. Hãy sống hết mình để sự sống này không chỉ đơn giản là tồn tại.

Nghị luận vấn đề: “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai” mẫu 3

“Những giọt sương lăn vào lá cỏ
Qua nắng gắt, qua bão tố
Vẫn giữ lại cái mát lành đầy sức mạnh
Vẫn long lanh bình thản trước vần dương.”

Phải chăng để giữ được sức sống mãnh liệt, để cái đẹp vẫn đơm hoa kết trái và sự sống vẫn nảy mầm thì ta cần phải nhớ rằng: “không nỗi đau rứt lá, sao làm nổi nhành mai.”

Câu nói chứa đựng những hình ảnh ẩn dụ thật ám gợi và thấm thía những thông điệp ý nghĩa. “Nỗi đau rứt lá” là biểu tượng cho sự vươn lên, vượt qua những nỗi đau đớn, bất hạnh của bản thân trước nghịch cảnh và số phận để làm nên “nhành mai”-sự tỏa sáng, thành công và hạnh phúc. Như vậy câu nói chính là sự biểu đạt ý nhị cách để khẳng định giá trị bản thân đó là biết vượt qua và chấp nhận nỗi đau đớn, bất hạnh của bản thân trong cuộc sống từ đó mới có thể vươn tới hạnh phúc, tỏa sáng và sống có ý nghĩa chứ không phải là sự tồn tại vô nghĩa lý.

Cuộc sống chưa bao giờ đơn giản và dễ dàng. Cuộc đời vốn phong phú và phức tạp, cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu buồn, cái nên thơ còn lóng lánh những giọt nước mắt ở đời. Bi kịch mà mỗi người gặp trong cuộc sống tuy khác nhau nhưng gặp nhau ở chỗ ai cũng đều có những khó khăn riêng dù nhiều ít, lớn lao hay nhỏ bé, ai cũng phải tự học cách chấp nhận và vượt qua mà không thể chỉ phụ thuộc vào người khác. Nếu chỉ phụ thuộc vào người khác, trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác ta sẽ không bao giờ làm quen được những thử thách, đau đớn trong cuộc sống, trở nên thụ động, mờ nhạt và ỷ lại vào cộng đồng.

Người biết vượt qua nỗi đau rứt lá, biết chấp nhận và bình tĩnh, điềm đạm trước những sóng gió cuộc đời mới có thể thành công, tỏa sáng bởi. Sự thành công không đến với những người lười biếng và hèn nhát với chính mình. Khi biết vượt qua nỗi đau, bất hạnh sẽ trở nên lạc quan hơn, tin tưởng hơn vào cuộc sống. Bởi cuộc sống luôn cho ta một cơ hội thứ hai đó là ngày mai. Từ sự lạc quan, can đảm và một thái độ bản lĩnh sẽ giúp ta cứng cỏi, mạnh mẽ hơn trước khó khăn, dũng cảm đối diện và biết cách tìm cho mình những hướng đi đúng đắn. Nhành mai sẽ là thành quả, là trái ngọt ta được thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của bản thân. Nếu không vượt qua nỗi đau bản thân, ta chỉ trở nên hèn nhát và nhu nhược trước những cú giáng từ cuộc sống, đồng thời cũng từ thái độ ấy ta trở nên bi quan và bất lực trước số phận, không thể chiến thắng bản thân. Dần dần cuộc sống của ta trở thành một cái ao tù bằng phẳng, ta sẽ như một Beelicop thứ hai ngủ dài trong chiếc bao. Nhành mai kia cũng vậy, nếu không chịu nỗi đau rứt lá, để từ lá non kết tinh dưỡng chất mà ươm nụ và kết thành hoa cho ra quả thì sớm muộn cũng sẽ trở thành chiếc lá úa héo khô, sống một cuộc đời vô nghĩa, héo mòn và không cống hiến được gì cho cuộc sống tươi đẹp. Nếu như Nguyễn Ngọc Ký, hay Helen Keller cũng không chịu nỗi đau rứt lá sao có được thành công vang dội như vậy phải không nào.

Người biết chấp nhận và vượt qua khó khăn sẽ được mọi người ngưỡng mộ, kính trọng và cảm phục về sự nỗ lực không ngừng nghỉ ấy của mình, đồng thời chính họ cũng sẽ là người truyền cảm hứng và nhiệt huyết sống cho những số phận bất hạnh đang phải chịu nhiều đau đớn khác.

Tôi luôn cố gắng tự nhắc nhở mình rằng: hãy bước qua và đếm từng viên sỏi, cũng như chịu nỗi đau rứt lá để làm nên nhành mai mang hương sắc của riêng mình. Để thà làm bông sen nở dưới một lần rồi tắt dưới ánh mặt trời còn hơn ngủ dài trong búp nụ suốt ngày đông lạnh giá.

--------------------------

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Nghị luận về câu nói: “Không nỗi đau rứt lá sao làm nổi nhành mai” cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Đánh giá bài viết
3 5.084
Sắp xếp theo

    Soạn Văn 9 - Văn 9

    Xem thêm