Nghị luận về một đoạn thơ trong bài thơ Viếng lăng Bác

Bài thơ "Viếng lăng Bác" được sáng tác vào tháng 4 năm 1976, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi. Đất nước thống nhất, lăng Bác Hồ mới được khánh thành. Viễn Phương ra thăm Bác và đã viết bài thơ này với sự thành kính và niềm xúc động sâu sắc. Tài liệu giúp các em lớp 9 có thêm tài liệu học tập.

Nghị luận về một đoạn thơ trong bài thơ Viếng lăng Bác bao gồm đoạn văn nghị luận về đoạn 1 và đoạn 2 bài thơ cụ thể, chi tiết, phân tích trọng tâm vào bài thơ giúp các em học sinh dễ hiểu, dễ áp dụng vào cuộc sống và học tập cách làm văn.

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

Nghị luận về khổ thơ thứ 1 bài thơ Viếng lăng Bác

Mẫu số 1 

Khổ thơ đầu bài thơ “Viếng lăng Bác” là những cảm xúc của nhà thơ khi lần đầu được đến thăm lăng Bác. Bài thơ được bắt đầu bằng lời kể giản dị những chứa đựng biết bao điều sâu xa: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”. Nhà thơ xưng “con" và gọi chủ tịch Hồ Chí Minh là “Bác”. Đây là cách xưng hô quen thuộc của những người con vùng đất Nam Bộ, đồng thời cũng gửi gắm biết bao tình cảm và nỗi niềm xúc động của nhà thơ. Cách xưng hộ của Viễn Phương gợi nhớ đến những vần thơ Tố Hữu: “Người là cha, là Bác, là anh/Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”. Nhà thơ đã sử dụng từ “thăm” thay cho từ “viếng” làm vơi đi những đau buồn, mất mát cho người đọc khi Bác đã không còn. Điều đầu tiên gây ấn tượng cho tác giả khi tới thăm lăng Bác là “hàng tre”: “Đã thấy trong sương hàng trẻ bát ngát/ Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam/ Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”. Hàng tre trong những câu thơ trên là hình ảnh giàu ý nghĩa. Đó là hình ảnh thực - rặng tre được trồng trước lăng Bác. Song, hình ảnh cây tre còn là biểu tượng cho con người và dân tộc Việt Nam bền bỉ, dẻo dai, bất khuất, kiên cường. Hàng tre ấy cũng như những con người Việt Nam ta dù phải trải qua bao “bão táp mưa sa” vẫn “đứng thẳng hàng”. Câu thơ như một lời khẳng định: dân tộc ta dù có gian khổ, khó khăn thì vẫn hiên ngang, kiên cường, bất khuất. Ý thơ có sự đồng điệu với những câu thơ trong bài “Tre Việt Nam” (Nguyễn Duy): “Ở đâu tre cũng xanh tươi - Cho dù đất sỏi đá vôi bạc màu”. Như vậy, có thể thấy khổ thơ đầu đã để lại rất nhiều ấn tượng cho độc giả tiếp nhận. Nhà thơ đã thể hiện nỗi niềm xúc động khi được ra viếng lắng Bác, đồng thời người đọc cũng cảm nhận được lòng thành kính và biết ơn vô hạn của Viễn Phương dành cho Bác Hồ kính yêu. 

Mẫu số 2

Bác Hồ là người có công rất lớn đối với đất nước và con người Việt Nam. Sự ra đi của Bác để lại niềm tiếc thương chung cho toàn nhân loại. Bao năm trời kể từ lúc Bác ra đi, đồng bào ta vẫn luôn nhớ về Bác với những tình cảm chân thành nhất. Để bày tỏ tình yêu thương với người, nhà thơ Viễn Phương đã sáng tác bài thơ Viếng lăng Bác nhân chuyến ra Hà Nội thăm lăng của Người. Mở đầu bài thơ là quang cảnh của lăng:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng."

Không gian quanh lăng gợi cảm giác trang trọng nhưng cũng vô cùng thơ mộng. Đó là hàng tre xanh xanh ẩn hiện mập mờ trong làn sương sớm. Hàng tre đã bao năm đứng đó bao bọc, che chở, bảo vệ cho lăng Bác được bình yên. Hàng tre - biểu tượng của con người Việt Nam hàng nghìn đời nay với những đức tính, phẩm chất quý báu. Tuy mạnh mẽ, kiên cường, trung bành, bất khuất nhưng cũng vô cùng giản dị, mộc mạc, đoàn kết với nhau. Chẳng tự nhiên mà người ta trồng tre quanh lăng Bác, cũng chẳng tự nhiên mà nhà thơ mang hình ảnh cây tre vào trong thơ văn của mình. Dù cho sóng gió, bão táp, mưa sa, thời tiết có khắc nghiệt đến đâu thì cây tre vẫn hiên ngang đứng thẳng hàng, vươn lên để bảo vệ cho giấc ngủ bình yên của Người. Cả khổ thơ bao trọn là những xúc cảm đầu tiên của tác giả khi lần đầu được tới thăm lăng Bác với những cung bậc, cảm xúc khác nhau nhưng thấm đượm tình yêu thương sâu sắc.

Nghị luận về khổ thơ thứ 2 bài thơ Viếng lăng Bác

Mẫu số 1

Khổ thơ thứ hai của bài thơ “Viếng lăng Bác” là cảm xúc của tác giả khi hòa cùng dòng người vào lăng viếng Bác. Tình cảm ấy được thể hiện thông qua các hình ảnh ẩn dụ rất đẹp:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

Nhà thơ đã mượn hình ảnh “mặt trời” để nói về Bác Hồ. Nếu như “mặt trời” ở câu thơ thứ nhất là mặt trời của tự nhiên, tạo hóa, đem nguồn sống và ánh sáng cho vạn vật thì “mặt trời” ở câu thơ thứ hai chính là ẩn dụ cho cuộc đời và sự vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng giống như mặt trời của tự nhiên, Bác đã tìm ra con đường đi cho cách mạng Việt Nam rồi soi sáng cho dân tộc ta bước tiếp trên con đường đi ấy. Bác đã đưa đất nước ta từ vũng bùn nô lệ sang một kỉ nguyên mới – kỉ nguyên của độc lập tự do. Không chỉ có Viễn Phương, Tố Hữu cũng có những vần thơ viết về Người như thế:

“Người rực rỡ một mặt trời cách mạng
Còn đế quốc là loài dơi hốt hoảng
Đêm tàn bay chập choạng dưới chân Người”

Nếu như ở hai câu thơ trên nhà thơ mượn hình ảnh “mặt trời” để nói về sự vĩ đại của Bác thì ở hai câu thơ tiếp theo ông lại miêu tả dòng người vào thăm lăng để ca ngợi cuộc đời cao đẹp của Người:

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”

Trạng từ “ngày ngày” qua đó diễn tả hoạt động lặp đi lặp lại. Nó cho người đọc hình dung được cảnh tượng mỗi ngày đều có những dòng người vào lăng viếng Bác với nỗi xúc đông nghẹn ngào và niềm nhớ thương vô hạn. Hình ảnh “tràng hoa” gợi lên trong ta biết bao nhiêu liên tưởng thú vị. Nó khiến ta nghĩ đến những vòng hoa tươi thắm mà mỗi đoàn viếng thăm đều dâng lên Người. Tuy nhiên không chỉ có thế, hình ảnh này còn là ẩn dụ cho những dòng người đang nối nhau vào lăng viếng Bác. Mỗi người giống như một đóa hoa đang nở rộ dưới ánh mặt trời của Bác, và tất cả như hội tụ về đây để kính dâng những gì đẹp nhất đến Người. Mượn hình ảnh “tràng hoa” để miêu tả cảnh dòng người vào lăng viếng Bác là nhà thơ đã giúp người đọc cảm nhận được niềm kính yêu, sự ngưỡng mộ của cả dân tộc và của cả nhân loại đối với Bác Hồ.

Mẫu số 2

Viếng lăng Bác là bài thơ hay và nổi tiếng của nhà thơ Viễn Phương viết về Bác. Bài thơ bày tỏ niềm xót thương và lòng biết ơn vô bờ bến dành cho Bác. Nổi bật trong bài thơ là khổ thơ thứ hai nói lên tâm trạng của tác giả khi nhìn thấy hình hài của Bác:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày mặt trời đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân"

Cả khổ thơ là sự ca ngợi công ơn của Bác, đó cũng là niềm cảm kích, niềm biết ơn vô bờ của tất cả mọi người dân Việt Nam dành cho Bác. Hai câu thơ đầu là hình ảnh ẩn dụ đầy độc đáo. Mặt trời của tự nhiên trong câu thơ đầu là mặt trời của tự nhiên, là nguồn sống cho muôn loài và hàng ngày mọc rồi lặn như một quy luật, một sự tuần hoàn của cuộc sống. Mặt trời ấy quan trọng, quý giá và chỉ có một mà thôi. Ấy nhưng mặt trời tự nhiên lại bắt gặp một mặt trời nữa cũng đẹp, cũng sáng. Ấy là “mặt trời trong lăng”- ẩn dụ chỉ Bác Hồ với những hi sinh lớn lao dành cho dân tộc. Điệp từ thời gian “ngày ngày” lần nữa được sử dụng với dụng ý khẳng định tính chất thường xuyên liên tục. Đoàn người vào lăng viếng Bác nối nhau thành “dòng”. Và tất cả “dòng người” đều chung một nỗi niềm, cảm xúc là thương yêu Bác. Thông qua nghệ thuật ẩn dụ, dòng người nối tiếp nhau kết thành “tràng hoa” dâng Bác hiện lên thật đẹp. Viễn Phương mượn ẩn dụ “bảy mươi chín mùa xuân” để nói về tuổi của Bác. Bác ra đi nhưng luôn sống mãi ở độ tuổi bảy mươi chín với sức xuân tràn ngập. Viễn Phương đã cô đọng, kết tinh tình cảm để cảm ơn người cha đem đến mùa xuân cho đất nước, con người Việt Nam.

Nghị luận về khổ thơ thứ 3 bài thơ Viếng lăng Bác

Bác Hồ là người có công rất lớn đối với nước nhà. Người cũng trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nhà thơ, nhà văn, trong đó phải kể đến nhà thơ Viễn Phương với bài thơ Viếng lăng Bác. Bài thơ thể hiện tình cảm, sự kính yêu sâu sắc của một người con phương Nam lần đầu ra thăm lăng Bác. Ở khổ thơ thứ ba, tác giả đã mang đến cho bạn đọc một cái nhìn trực quan nhất về giấc ngủ ngàn thu của Bác:

Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim

Bác đang nằm ở đó, nhẹ nhàng thanh thản như đang chìm trong một giấc ngủ ngon. Cả cuộc đời Người chỉ có một niềm mong ước, đó là đất nước được hòa bình. Vậy nên khi đất nước được hòa bình, độc lập Người đã được nghỉ ngơi trong giấc ngủ yên bình. Hình ảnh yên nghỉ của Bác vô cùng bình yên và tĩnh lặng. Ở Bác luôn toát lên vẻ dịu hiền như vầng trăng, bình yên như đất nước sau ngày được độc lập. Hình ảnh so sánh vô cùng chính xác và gợi tả, gợi cảm. Bác Hồ như vầng trăng soi sáng cho đất nước Việt Nam này, mang lại bầu trời thanh bình cho hàng triệu con người dân tộc. Bầu trời bao năm tháng vẫn xanh một màu trường tồn vĩnh cửu như một quy luật bất biến của tự nhiên, vậy mà vị Cha già của dân tộc đã phải ra đi. Vẫn biết quy luật sinh tử của tạo hóa nhưng vẫn thấy xót xa, đau đớn vô cùng. Sự ra đi của Bác không chỉ gây tiếc nuối cho đất nước mà còn khiến cho bao thế hệ sau này không khỏi xót thương.

Đoạn thơ không những miêu tả hình ảnh yên nghỉ yên bình của Bác Hồ mà còn thể hiện tình cảm, nỗi xót xa của tác giả cũng như bao thế hệ con người Việt Nam trước sự ra đi của Bác. Nhiều năm tháng qua đi nhưng hình ảnh, công lao của Bác vẫn còn sống mãi trong trái tim người Việt Nam ta cũng như bài thơ Viếng lăng Bác để lại nhiều dư âm đáng suy ngẫm đối với nhiều thế hệ bạn đọc.

---------------------------

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Nghị luận về một đoạn thơ trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Giải bài tập Toán lớp 9, Trắc nghiệm Tiếng Anh 9, Lý thuyết môn Vật lí lớp 9, Giải Tập bản đồ Lịch Sử lớp 9 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em học tập thật tốt.

Đánh giá bài viết
11 11.537
Sắp xếp theo

Soạn Văn 9 - Văn 9

Xem thêm