Nghị luận về vấn đề khởi nghiệp

Những bài văn mẫu hay lớp 9

Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về vấn đề khởi nghiệp được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Nghị luận về vấn đề khởi nghiệp

Thời gian qua, khởi nghiệp đã trở thành một vấn đề nóng trong xã hội. Người người nói đến khởi nghiệp, nhà nhà nói đến khởi nghiệp, nhưng số người khởi nghiệp thành công lại ít ỏi đến đáng thương. Thông qua câu chuyện khởi nghiệp, nhiều câu chuyện liên quan đến người trẻ cũng khiến chúng ta phải nặng lòng suy nghĩ. Khởi nghiệp, theo định nghĩa là thuật ngữ chỉ về những công ty đang trong giai đoạn bắt đầu kinh doanh nói chung (Startup company). Vấn đề khởi nghiệp hiện nay thường được gắn với những người trẻ, những người mới tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bằng nguồn vốn tự có hoặc qua các nguồn vốn huy động khác, những người trẻ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình. Trên thực tế, số người khởi nghiệp thành công không phải là ít song số người thất bại cũng không hề hiếm. Nếu hỏi các sinh viên về kinh tế nói riêng và sinh viên các trường cao đẳng, đại học nói chung rằng họ có chương trình khởi nghiệp – start up nào của bản thân không thì có lẽ ai cũng trả lời là có. Đây là một điều rất tích cực. Tuy nhiên, chúng ta cũng không khỏi lo lắng trước một bộ phận không nhỏ người trẻ đang bị ảo tưởng về sức mạnh của bản thân, chạy theo các dự án khởi nghiệp mà chưa biết bản thân mình có thể làm được gì. Để rồi sau đó, không ít dự án khởi nghiệp thất bại, không ít tiền đầu tư “đội nón ra đi” và không ít người trẻ lâm vào cảnh nợ nần.

Khởi nghiệp đã thực sự trở thành một trào lưu thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Thông qua câu chuyện về khởi nghiệp, một vấn đề khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm là việc người trẻ chưa chuẩn bị đầy đủ hành trang để khởi nghiệp.

vấn đề khởi nghiệpTrong vấn đề khởi nghiệp, không ít người trẻ của ta đang mắc phải căn bệnh: chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng. Nghĩa là ở đây, họ chưa có đủ kinh nghiệm, kiến thức nhưng vẫn chạy theo những giấc mơ hão huyền, phù phiếm. Có nhiều câu chuyện dở khó dở cười đã diễn ra trên thực tế về khởi nghiệp. Đó là những anh bạn mới chân ướt chân ráo vào nghề nhưng không chịu học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, không chịu làm thuê để biết việc mà cứ khăng khăng tự lập doanh nghiệp để làm chủ. Để rồi sau đó, doanh nghiệp ra đời chưa đến vài tháng đã lâm vào cảnh sống mòn, dần dần sụp đổ. Có những người chưa biết đến đầu đuôi xuôi ngược của lĩnh vực mà mình định đầu tư đến đâu nhưng thấy người khác làm được nên cũng cố vay mượn tiền bạc để “học đòi” làm ông chủ. Chính những sự hời hợt đó đã khiến cho việc khởi nghiệp của rất nhiều người rơi vào bế tắc.

Cũng từ đây, ta có thể thấy một hiện thực đáng buồn là trong quá trình lựa chọn công việc, không ít người cũng mang thói hư tật xấu này ra. Mặc dù chưa đủ kinh nghiệm, chưa đủ va vấp, mới tập tễnh tốt nghiệp ra trường nhưng lại “kén cá chọn canh”, chỉ đòi làm việc ở những công ty lớn, chỉ muốn người vào các vị trí chỉ tay năm ngón lãnh đạo người khác. Có những người chưa kiếm nổi một đồng tiền phục vụ cho bản thân, chưa nuôi sống được chính mình nhưng lại “chém gió định thiên hạ”, chỉ ngồi một chỗ để thêu dệt nên những giấc mộng hão huyền.

Không thể có chuyện mua cái áo cũng là tiền của bố mẹ, ăn bữa cơm cũng phụ thuộc người khác để rồi ngồi một chỗ mơ mơ màng màng. Khi chưa nuôi sống được chính mình thì làm sao có khả năng để tạo công ăn việc làm, là chỗ dựa cho người khác. Mở rộng ra, không chỉ trong khởi nghiệp mà còn cả trong việc tìm việc, muốn làm cao, làm to thì trước hết phải nhìn xuống dưới đất để thấy mình ở đâu; nhìn vào chính bản thân mình để thấy mình có gì, cảm nhận xem mình có đủ khả năng tiếp nhận công việc đó hay không.

Người trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước. Đảng và Nhà nước ta cũng luôn xác định tầm quan trọng của người trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo mọi cơ hội, điều kiện cho người trẻ phát triển, khẳng định bản thân.

Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua đã cho ta thấy nhiều căn bệnh nguy hiểm phát sinh trong giới trẻ. Đó là căn bệnh ảo tưởng về sức mạnh của bản thân, đó là căn bệnh chưa nuôi sống được mình đã đòi làm ông chủ của người khác, đó là căn bệnh “kén cá chọn canh” khi đi xin việc, đó là thói lười nhác không chịu hi sinh mà chỉ chú ý đến lợi ích của bản thân mình. Ôi, rất nhiều căn bệnh nguy hiểm đang lây lan ngày một nhanh khiến cho sức mạnh của người trẻ bị giảm sút.

Không khó để nhận thấy, nhiều người trẻ đang có lối sống lệ thuộc vào cha mẹ. Họ thiếu khả năng chống chọi với đời sống, thiếu khả năng thích nghi với những biến động trong xã hội. Do được bảo bọc quá chặt chẽ, nhận thức của họ về bản thân cũng tồn tại nhiều điểm sai lệch. Trong đó, nổi lên là việc đề cao bản thân một cách thái quá, luôn nghĩ về xã hội theo một cách giản đơn. Chính điều này đã khiến cho nhiều dự án khởi nghiệp bị sụp đổ khi vừa mới bắt đầu không lâu, làm cho tài nguyên quốc gia bị lãng phí.

Trong cuộc sống nói chung và trong công việc nói riêng, để đạt được thành công thì chúng ta phải bắt đầu từ những gì nhỏ nhặt nhất. Chỉ khi nào chúng ta biết mình là ai, mình ở đâu trong xã hội thì mới có thể xây dựng cho mình một con đường để phát triển. Mong rằng trong thời gian mới, mỗi người trẻ hãy làm chủ chính mình, nắm chặt cuộc đời của chính mình trước khi vỗ cánh bay xa.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về vấn đề khởi nghiệp. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 9 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 9.

Bài tiếp theo: Nghị luận về hiện tượng nhiều bạn trẻ thích thể hiện mình bằng cách bắt chước lối ăn mặc, cách cư xử, quan điểm sống của những người nổi tiếng

Đánh giá bài viết
9 9.956
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 9

Xem thêm