Nghị luận xã hội về số phận người phụ nữ

Những bài văn mẫu hay lớp 10 nghị luận xã hội về số phận người phụ nữ

Văn mẫu lớp 10: Nghị luận xã hội về số phận người phụ nữ gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mong rằng qua đây các bạn có thể học tập tốt hơn môn Văn lớp 11. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây nhé.

Nghị luận xã hội về số phận người phụ nữ

Là phụ nữ đến tuổi dựng vợ gả chồng thì việc khao khát một tấm chồng như ý hay một gia đình nhỏ ấm cúng là một vấn đề rất bình thường và xứng đáng, bởi thế người đời đã từng nói “Phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”. Có lẽ vậy!

Tôi may mắn vì là người phụ nữ của xã hội hiện đại, tôi hạnh phúc vì được xã hội coi trọng, nâng niu, được ưu tiên với những lời chúc tốt đẹp, được nhận lấy những bó hoa tươi ngào ngạt vào những ngày đặt biệt dành cho phái nữ như 20/10 và 8/3.

Nhưng khi càng sung sướng cho cuộc đời mình thì tôi lại càng khóc thương, cồn cào trong tâm khảm cho những cuộc đời, số phận những người phụ nữ của xã hội phong kiến. Có lẽ khi đọc đến đây ai đó lại cho rằng tôi đang láo toét vì chỉ toàn bịa đặt, vâng đồng ý rằng tôi dầu không sống trong xã hội lúc bấy giờ nhưng sự tàn nhẫn, độc ác của xã hội thời ấy đã đủ để giấy bút tạc lại và khắc khoải trong ánh mắt tôi khi lật từng trang sách, tôi đã sướt mướt và lắng lại vài nhịp trong từng câu chữ dở dang, chỉ có thể nói sự suy thoái, khốn nạn, đồi bại của xã hội cũ sao mà đến nỗi thê lương, tê tái quá! Nếu không có những trang sách tôi làm sao biết được cuộc đời cô Kiều đã 15 năm lưu lạc rồi trôi nổi gần như tan nát cả thanh xuân. Rồi tại sao người đàn bà một lòng một dạ còng lưng mang nặng đả đau đơn độc đợi chồng chinh chiến, chăm sóc mẹ chồng rồi chỉ ao ước cảnh đoàn tụ lại bỗng chốc biến thành cảnh li tan, phải mượn cái chết để minh oan giống như Vũ Nương vậy! Thật nực cười. Không có những cây bút mạnh mẽ chống lại cái ác làm sao tôi biết về cô Tiểu Thanh đã chôn vùi cuộc đời ở cái tuổi 16 và vĩnh viễn rời xa nhân thế ở cái tuổi xuân vừa 20. Cho dù đó là những câu chuyện có hư cấu đi chăng nữa thì chúng ta phải tin một điều rằng, cái tàn độc của xã hội phong kiến ắc hẳn phải ghê tỏm ra sao thì tính sát thương của câu chuyện mới rùng rợn đến nỗi thế.

Số phận người phụ nữ

Trong xã hội lúc bấy giờ, tôi cứ tự hỏi công bằng ở đâu cho những số phận hồng nhan bạc mệnh ấy? Cũng là một sinh mạng, một con người thì tại sao đàn ông lại được trân trọng đến vậy trong khi phụ nữ chỉ như một món đồ chơi, thích thì mua không vừa thì vứt. Tại sao đàn ông lại được nắm hết tất cả mọi quyền hành quyết định trong gia đình – xã hội? Tôi đã nghe đâu đó một điều chắc chắn rằng phong kiến là nơi “người đàn ông không được phép yếu đuối và người phụ nữ không có quyền mạnh mẽ”. Phụ nữ càng học thức, càng tài giỏi thì được gì, chỗ ở của họ suốt cuộc đời chỉ là cái xó bếp, là chén cơm manh áo. Họ càng tri thức chỉ càng đụng chạm tới sự “tôn nghiêm” của người đàn ông, mà lúc bấy giờ “sự tôn nghiêm” là sỉ diện, là lòng tự tôn, tự ái bất cứ ai cũng không được phép đụng vào.

Nhưng càng trách móc, càng chỉ trích người đàn ông trong xã hội cũ thì tôi lại càng thấy họ đáng thương. Họ và cả người phụ nữ đều là nạn nhân của xã hội, họ là những con cờ bị điều khiển tự do, là những tâm hồn bị giáo dục tư tưởng, hình thành nhân cách xấu, hư thối mà không có quyền cưỡng lại và chống cự. Vì vậy nếu chúng ta trách cứ những người đàn ông ấy thì tại sao chúng ta không thấy buồn vì cách đối xử của những người đàn ông hiện đại. Đáng lẽ bài học của xã hội cũ phải làm họ ray rứt lương tâm và bù đắp lại cho những người mẹ, người vợ của mình nhưng thực chất đã không như vậy. Vẫn định kiến “trọng nam khinh nữ” cách đây vài hôm tôi có đọc một câu chuyện về người chồng chỉ vì tha thiết vợ sinh con trai để nối dõi mà đã nhẫn tâm ép buộc vợ phá thai khi đang mang trong bụng cô con gái vài tháng tuổi. Có những người đàn ông sẵn sàng đem vợ, đem con gái bán cho người khác để đổi lấy đồng tiền hôi tanh, dơ bẩn mà tiêu xài. Lúc trước tôi có đọc một câu chuyện qua mạng rằng một người cha đã nhẫn tâm cưỡng hiếp con gái rồi để lại lời nhắn cám ơn, xin lỗi, xin tha thứ. Đúng thật chẳng còn lời gì xứng đáng hơn 2 tiếng “súc vật”.

Vài hôm gần đây tôi được nghe mẹ kể về một tình huống có thật được người dân quay lại. Đó là một người đàn ông cao to vạm vỡ tay chân rảnh rang thư thái đi cùng người vợ tay vừa xách đồ cồng kềnh vừa bế con ngủ, cả hai đang đón xe. Nhưng khi có xe đến thì người đàn ông đó lại đặt được trước chiếc giường nằm êm ái và ngã lưng ra ngủ bỏ mặt người vợ cùng đứa con thơ đang lật đật loay hoay vì chưa có ghế nhưng xe đã vụt chạy. Người dưng nước lả đã thương tình nhường ghế trong khi người chồng đang phè phỡn ngủ ngáy giữa đoàn xe. Không thể không nhắc đến tình trạng bạo lực, người chồng đánh đập vợ tàn nhẫn thậm chí còn sát hại vợ để thỏa mãn cơn tức giận. Có đủ lí do để mạnh tay và khí chất đàn ông buộc họ phải chiến thắng và làm chủ được vợ! Thử hỏi nghịch lý gì? Đáng kể nhất trong xã hội mới là vấn đề ngoại tình, nếu xã hội cũ cho phép tam thê tứ thiếp thì việc ngoại tình có thể không chấp nhất nhưng xã hội hiện đại là nơi chỉ “một vợ một chồng – vợ chồng bình đẳng” thì ngoại tình là việc không thể nào chấp nhận. Chả nhẽ việc yêu thương và trân quý một người phụ nữ yếu mềm, mỏng manh khó khăn đến vậy sao? Nếu quá khó để chung thủy thì tại sao còn gieo tổn thương vào người phụ nữ.

Mẹ tôi mỗi ngày vẫn nhai đi nhai lại cho tôi nghe những câu nói quen thuộc. Đàn ông không hơn nhau ở giàu sang, đẹp đẽ hay tài năng mà ở họ chỉ chung ở chỗ là “trách nhiệm” và “suy nghĩ”. Phải nhắc đến đó là vấn đề người vợ phải hằng ngày tất bật hầu hạ cơm nước gia đình chồng, biết rằng đấy là tam tòng tứ đức mà phụ nữ phải biết nhưng đã có những phong tục cổ hủ mà nhiều người mẹ chồng vẫn ôm khư khư để hành hạ con dâu mình, dâu cưới về là ở đợ, một tiếng là hỗn hào, hai tiếng là không có dạy, làm gì có lí nào như vậy giữa xã hội hiện đại này? Người chồng có trách nhiệm tự nhiên sẽ thấy người vợ sao mà khổ cực quá, tự nhiên sẽ biết đâu là san sẻ cùng vợ, không bị rơi vào cảnh chênh vênh giữa chữ hiếu và tình yêu, không phải vì sợ bất hiếu mà hất hủi, chửi mắng vợ. Đàn ông can đảm là khi dám từ chối lời rủ rê đi tiệc tùng mà bỏ về để ăn bữa cơm tối cùng vợ. Có trách nhiệm là khi không đưa bạn bè về nhà nhậu nhẹt, chơi bời để vợ phải lau dọn, chùi rửa. Biết suy nghĩ là khi lời vợ thốt ra luôn phải lắng nghe, tôn trọng và tiếp thu. Suy nghĩ là khi tiền tài, bè bạn có thể kiếm, có thể tuần hoàn mất – có, nhưng gia đình, vợ con là duy nhất, phải giữ gìn và yêu thương.

Bình đẳng không phải là chạm tới sự sỉ diện của đàn ông, là phái mạnh hạ một chút cái “tôi” thì không thua thiệt, mất mác gì cả. Chỉ có đánh mất vợ mới là cái mất lớn nhất của đời người đàn ông. Những cô gái chải chuốt, sửa soạn, điệu đà, quyến rũ ngoài kia liệu có thể như vợ, có thể cả đời giặt giũ quần áo cho chồng, thay áo cho mỗi lần say sỉn rồi ói ụa. Vợ vẫn kiên nhẫn đợi những bữa cơm khuya mịch, vẫn thao thức đợi chồng về cùng ngủ. Hằng đêm mon men đặt bàn tay chai sần lên lòng ngực chồng lo lắng cho sức khỏe anh vì tính chất công việc vất vả. Sẵn sàng cùng nhau chia đắng ngọt bùi dù cho chồng có cơ hàn hay sa sút. Phụ nữ đã có thể dành cả thanh xuân, cuộc đời gửi gắm cho người bạn đời thì tại sao đàn ông không thể nhẫn nhịn, hy sinh một chút?

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta chỉ việc tâng bốc phụ nữ mà vùi dập đàn ông. Vẫn có đâu đó những người đàn ông thật tốt, nhưng quá ít và không đủ để hạnh phúc cho vô vàng phụ nữ ngoài kia. Thật sự phụ nữ đã trải qua năm tháng đắng cay thấu xương tủy rồi, nên dừng cơn đau này lại trước khi nó kéo dài đến vài thế kỉ nữa. Nếu không thể bù đắp cho vết thương còn rỉ máu ấy thì đừng gieo rắc đau thương cho những cánh hồng mỏng manh nữa. Trời sinh ra con người để hòa thuận và để là một nửa của nhau, một khi đã chấp nhận bước cùng một con đường thì dù khó khăn cách trở đến mấy cũng phải nắm tay đi hết con đường chông chênh ấy.

---------------------------------

Nghị luận xã hội về số phận người phụ nữ vừa được VnDoc.com gửi tới bạn đọc. Qua bài viết chắc hẳn bạn đọc đã nắm được những ý chính cần có trong bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết cho thấy rõ được số phận của người phụ nữ thời xưa và nay. Người phụ nữ sướng hay khổ đúng là phải dựa vào số phận. Ở thời hiện đại, phụ nữ được tự do làm việc, được bình đẳng vậy còn ở thời phong kiến xưa thì sao. Ở thời phong kiến ngày xưa phụ nữ phải chịu nhiều cực khổ, trái ngang trong sự tàn nhẫn, độc ác của xã hội thời ấy. Sự suy thoái, khốn nạn, đồi bại của xã hội cũ sao mà đến nỗi thê lương, tê tái. Cũng là một sinh mạng, một con người thì tại sao đàn ông lại được trân trọng đến vậy trong khi phụ nữ chỉ như một món đồ chơi, thích thì mua không vừa thì vứt. Phụ nữ càng học thức, càng tài giỏi thì được gì, chỗ ở của họ suốt cuộc đời chỉ là cái xó bếp, là chén cơm manh áo. Phụ nữ đã trải qua năm tháng đắng cay thấu xương tủy rồi, nên dừng cơn đau này lại trước khi nó kéo dài đến vài thế kỉ nữa. Hãy để những người phụ nữ của mình sống trong hạnh phúc, được bình đẳng, được nói, được làm những gì mình thích. Mong rằng qua bài viết bạn đọc có thêm tài liệu để học tập và thêm ý tưởng xây dựng bài viết cho mình nhé.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 10: Nghị luận xã hội về số phận người phụ nữ. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 10 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 10.

Bài tiếp theo: Nghị luận xã hội về sức trẻ

Đánh giá bài viết
1 1.163
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 10

Xem thêm