Nghị luận xã hội về ý nghĩa của câu nói Lối đi ngay dưới chân mình

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội về ý nghĩa của câu nói Lối đi ngay dưới chân mình để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập, mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.

1. Nghị luận xã hội về ý nghĩa của câu nói Lối đi ngay dưới chân mình mẫu 1

Hành động chưa hẳn có thể mang lại hạnh phúc nhưng không có hạnh phúc nào mà thiếu hành động. Nếu bạn không dám hành động thì sẽ không có giá trị nào được tạo ra, không có thành quả nào tìm đến. Bởi thế, có người cho rằng lối đi ở ngay dưới chân mình là muốn khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám hành động để thành công.

Lối đi theo nghĩa đen có nghĩa là con đường nối liền địa điểm này và địa điểm khác. Con đường nằm ngay dưới chân mỗi chúng ta. Theo nghĩa khác, lối đi có nghĩa là hướng đi, là cơ hội, là yếu tố dẫn ta đến với thành công. Trên đường đời đã có bao nhiêu dấu chân, có bao nhiêu hướng đi đã mở ra. Tất cả đã là lối mòn. Muốn thành công trong cuộc sống, ta phải mạnh dạn bước tới tìm lấy con đường đi cho riêng mình.

Lựa chọn mọt con đường để bước vào cuộc sống lớn quả là một thách thức đối với con người. Không phải con đường nào cũng rộng mở và cũng không phải đã bước tới là sẽ thành công. Có rất nhiều cách thức để ta bước vào tự lập trong cuộc sống này

Có người lựa chọn con đường học hành, khoa cử, phấn đấu học tập, lấy tri thức làm hành trang bước vào đời. Đây chính là con đường xưa nay được nhiều người lựa chọn vì nó thênh thang rộng mở đến tương lai. Không có thành công nào vinh dự bằng con đường tri thức. Chính tri thức là người thầy dẫn đường, là bạn đồng hành, là vũ khí giúp ta nhìn thấy cơ hội, vượt qua khó khăn thử thách và đi đến thành công. Bước qua cánh cổng đại học là bước đến một thế giới mới, thế giới của niềm tin và khát vọng lao động, sáng tạo.

Có người lựa chọn con đường nghề nghiệp. Do không có điều kiện học hành, hoặc do sở thích, nhiều người thông minh, học giỏi nhưng đã rời giảng đường để thực hiện ước mơ theo những cách riêng của mình. Họ dũng cảm đi vào cuộc sóng và tự hoàn thiện mình trong công việc.

Thực tế đã chứng minh rất rõ ràng không có thành công nào mà không do tri thức tạo thành. Những người không qua trường lớp nhưng gặt hái được nhiều thành công lớn không có nghĩa là họ không học hành gì mà họ học từ thực tế cuộc sống. Sự trải nghiệm giúp họ trưởng thành nhanh chóng và sớm nắm bắt lấy cơ hội. Từ đôi bàn tay trắng, họ gây dựng nên được một sự nghiệp to lớn mà ngay cả những người học tập và nghiên cứu chưa hẳn đã làm được. Tuy nhiên, những trường hợp như thế phần nhiều là do may mắn.

Còn có nhiều con đường khác nữa, nhưng nói chung cuộc sống có rất nhiều con đường đi đến tương lai và chỉ có chính mình mới lựa chọn được con đường đúng đắn cho mình.

Đối với những ai đang băn khoăn, trăn trở chọn lối đi vào đời thì đây là lời khuyên thiết thực, bởi mỗi người có một lối đi riêng, và lối đi ngay dưới chân của mình.

Lối đi ngay dưới chân mình là lời khuyên nên chọn con đường vào đời phù hợp với khả năng, sức lực, tính cách, sở thích và điều kiện của bản thân mình, không nên mơ mộng viễn vong chạy theo các giá trị phù phiếm mà nên chọn cái mình nhìn thấy. (Chọn nghề phù hợp với khả năng, thực lực của học sinh).

Lối đi ngay dưới chân mình là một lối đi vừa tầm, nhẹ nhàng, ít chông gai, ít áp lực, ít rủi ro, ít thất bại, dễ thành công. Tuy thành công giản dị, hạnh phúc đơn sơ nhưng cuộc đời vui hơn, có ý nghĩa hơn. Chỉ có như vậy mới có thể tận hưởng những gì từ đường đi ta lựa chọn.

Chạy theo những mơ mộng viễn vong đồng nghĩa với việc đánh mất tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình, loay hoay với những gì thiếu thực tế để rồi thất bại đắng cay. (Ví dụ: không có thực lực mà chọn thi đại học tốp trên; muốn trở thành tổng thống…). Đường đến với tương lai không có con đường nào mà không có chông gai, thử thách, do đó vấp gã là điều khó tránh khỏi. Nếu vấp ngã mà cứ nằm lì sau khi ngã về dẫn đến thất bại.

Đối với những ai thất bại đang cảm thấy bế tắc, bi quan, tưởng rằng cuộc đời không còn lối thoát, thì lối đi ngay dưới chân mình là lời khuyên tích cực giúp con người lấy lại cân bằng, lấy lại niềm tin đối với cuộc sống bởi cuộc đời chấp nhận thử thách và quyết tâm vượt qua thử thách thì sẽ thành công. Khi không có được cái mình yêu, hãy yêu cái mình có. (Rớt đại học thì học cao đẳng rồi liên thông lên đại học, hoặc theo học nghề…).

Với những có hoài bão lớn thì lối đi đẹp nhất chính là lối sống dấn thân vào những khát vọng và đam mê của mình. Họ dám nghĩ dám làm và luôn biết rằng “thất bại là mẹ thành công”, do đó không đi theo lối mòn mà khai phá, tìm cách mở lối vào đời. Những người có ý thức cá nhân mạnh mẽ chọn lối đi để khẳng định riêng mình, không thích đi lối nhàm chán ngay dưới chân mình. Họ bay lên bằng đôi cánh của ước mơ, đi theo ánh lửa từ trái tim mình, đi theo cách của mình cảm thấy thay vì nhìn thấy.

Để thấy được lối đi ngay dưới chân mình: Để nhìn thấy lối đi đó, cần phải có con mắt sáng suốt của trực giác, của tư duy tổng hợp vừa xuất phát từ khối óc vừa xuất phát từ trái tim. Chúng ta càng bước tiến trên đường đời, mọi việc lại càng khó khăn hơn, nhưng chính trong khi chống lại gian khổ mà sức mạnh nội tâm của con tim được hình thành. Phải cân nhắc thật kĩ trước khi chọn lựa để chắc chắn rằng con đường mình chọn là đúng. Nên đi con đường dưới chân mình nhưng được soi sáng bằng ánh lửa của lí tưởng cao quí và niềm tin yêu cuộc sống. Khi đã chọn phải quyết tâm đi hết con đường mà mình đã chọn, đừng đứng núi này trong núi nọ, phải nhẫn nại, quyết tâm đạp bằng mọi khó khăn thử thách trên đường đi. Nếu không may mắn trượt ngã trên đường đi thì cũng chẳng có gì đáng xấu hổ, buồn chán, tuyệt vọng, hãy đứng dậy giữ vững niềm tin và ý chí bước tiếp.

Cuộc sống luôn chứa đựng nhiều khó khăn, thử thách. Có những nỗi đau vẫn là nỗi đau nếu con người không tự thoát ra khỏi chúng để từ đó mà trưởng thành hơn. Thất bại hay thành công chỉ là biểu hiện của hiện tượng mà thôi, điều quan trọng là ta sẽ làm gì tiếp theo sau đó. Có biết bao con người bất hạnh đã vượt lên trên số phận khắc nghiệt của họ để tiếp tục sống và thành công. Những thiệt thòi, biến cố trong cuộc sống không những không thể đánh bại được họ mà còn khiến họ mạnh mẽ hơn và chiến thắng bằng chính sự nỗ lực của bản thân. Lối đi luôn ở dưới chân mình. Bởi thế, bạn hãy tự tin mà mạnh mẽ bước tới.

2. Nghị luận xã hội về ý nghĩa của câu nói Lối đi ngay dưới chân mình mẫu 2

“Kỳ thực trên thế gian này làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Đã bao nhiêu năm trôi qua, câu nói đầy ý nghĩa của nhà văn Lỗ Tấn trong truyện ngắn Cố hương vẫn khiến nhiều người trăn trở. Cuộc sống của chúng ta bao giờ cũng chứa đựng vô số điều khó khăn và bất ngờ. Chính những lúc như thế, chúng ta càng phải tỉnh táo để tìm ra sự lựa chọn và quyết định đúng đắn. Thế nên, đã có một ý kiến cho rằng: “Lối đi ngay dưới chân mình”. Đó thật sự là một lời khuyên đúng đắn và cần thiết cho mỗi con người chúng ta trong cuộc sống ngày nay.

Ở tầng nghĩa đầu tiên, “lối đi” có thể hiểu là con đường trước mặt. Nhưng đặt “lối đi” vào câu nói: “Lối đi ngay dưới chân mình” thì nó đã bước sang một tầng nghĩa mới: hướng giải quyết, sự lựa chọn phương hướng đúng đắn. Trong cuộc sống mỗi người đều có riêng cho mình một “lối đi”. Chính vì thế, mỗi người chúng ta phải biết bản lĩnh, tự tin để chọn lựa con đường mà ta sẽ đi. Phải chăng câu nói “Lối đi ngay dưới chân mình” muốn nói lên rằng, thành công trong cuộc sống của ta đều là do ta lựa chọn vào hoàn toàn nằm trong tay của mỗi người.

Cuộc sống là do ta nắm giữ, số phận là ở mỗi nguồi quyết định, ngay trong bước chân mỗi ngày ta xuống phố, trong công việc mỗi ngày ta thực hiện, và trong những người hằng ngày ta gặp gỡ. Nếu “lối đi” là hi vọng thì hãy tin rằng hi vọng chẳng bao giờ mất đi cả. Hi vọng, niềm tin và bản lĩnh, chỉ cần giữ được nó, ta sẽ giữ được mọi thứ cũng giống như nhà văn T.K.Rowling – “mẹ đẻ” của chàng phù thủy Harry Porter. Bằng cách chọn lối đi kiên trì, giữ vững niềm tin và hi vọng, cuối cùng, từ một người phụ nữ sống nhờ trợ cấp xã hội, bà đã trở thành một trong những nhà văn giàu có nhất. Hay như lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, Người đã không chịu đầu hàng trước hoàn cảnh đất nước lầm than thời bấy giờ, đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. “Lối đi” mà Người đã tìm ra sau bao nhiêu năm bôn ba nước ngoài đã không còn là lối đi riêng nữa mà trở thành lối đi của cả dân tộc, cả đất nước Việt Nam. Ít ai biết rằng, trước khi nổi tiếng, danh họa Picasso đã không hề từ bỏ buông xuôi. Cuối cùng, ông cũng đã tìm được cho mình một “lối đi” – tuy mạo hiểm nhưng đã mang lại nhiều thành công bất ngờ: Ông gom góp hết số tiền ít ỏi còn lại của mình đem thuê những anh sinh viên khác đến các tiệm tranh lớn nhỏ trong thành phố chỉ để hỏi xem: “Ở đây có bán tranh của Picasso không?”. Một tiệm tranh được hỏi, hai tiệm tranh được hỏi và nhiều nhiều nữa… Sau khi quá đỗi ngạc nhiên trước tên tuổi của họa sĩ xa lạ này, các ông chủ tiệm tranh bắt đầu đổ xô đi tìm Picasso. Dần dà, những bức tranh của ông được công nhận. Quả thật thành công như ngày hôm nay. Đó là một minh chứng tiêu biểu cho những con người đã sáng sốt nhìn ra ánh sáng nơi phía cuối con đường của mình.

Tuy vậy, ngày nay, nhiều người chưa nhận thức, chưa hiểu được ý nghĩa của câu nói này. Họ sống một cách bị động, nhàm chán, không biết tự nắm bắt cơ hội, tự tìm “lối đi” cho mình. Đó còn là những người sống bi quan trong thử thách của hoàn cảnh và họ không đủ bản lĩnh để nhận ra rằng: không ở đâu xa, “lối đi nằm ngay dưới chân mình”. Làm thế nào ta có lối đi riêng nếu ba mẹ hay những người nào khác đang quyết định thay ta? Hãy nhìn vào sinh viên chọn trường đại học theo ý muốn của ba mẹ, hãy nhìn những cô cậu bé ném tuổi thơ vào những câu lạc bộ không một chút đam mê, ta có khác nào một con rối đang bị giật dây để sống trong ý muốn của người khác? Đừng sống mà chẳng có lấy một chính kiến cho riêng mình. Bởi lẽ, cuối cùng bạn sẽ là người đau khổ.

Và hơn hết, trước khi quyết định con đường mình sẽ đi, hãy suy nghĩ thật kỹ càng. Có những lối đi thắp đầy ánh sáng của chính nghĩa, tình yêu thì cũng có những lối đi dẫn con người vào chông gai, cạm bẫy. Ranh giới mong manh giữa chúng chỉ có thể là tư duy sáng suốt và nhận thức tỉnh táo của bạn mà thôi. Lối đi nào ta sẽ không hối hận khi ngoảnh mặt lại, lối đi nào mà ở cuối con đường đằng đẵng, một bến đỗ bình yên đang chờ ta? Lối đi ấy, ta là người quyết định. Cân nhắc, và suy nghĩ để sải những bước tự tin chứ không phải rụt rè, e ngại!

Lời khuyên trên nêu lên một sự thật hiển nhiên: lối đi thì bao giờ cũng ở dưới chân mỗi chúng ta, bởi chúng ta đang đứng trên “lối đi” đó. Thế nhưng, hàm ý của câu nói đã vượt xa tầm ý nghĩa hạn hẹp đó – nó trở thành một lời khuyên vô cùng cần thiết cho hành trang đi đến tương lai của tất cả mọi người. Dù chỉ là số phận, là niềm tin, là hạnh phúc hay khát khao chát bỏng đi chăng nữa thì chính chúng ta sẽ quyết định cuộc đời mình và có trách nhiệm với chính cuộc đời ấy. Những ai chưa một lần được thế thì cần cảnh tỉnh để hoàn thiện bản thân hơn nữa. Bởi lối đi ngày dưới chân mình, nên hãy lạc quan và vui sống để tạo nên những con đường mang tên chúng ta, bạn nhé.

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội về ý nghĩa của câu nói Lối đi ngay dưới chân mình, mong rằng qua đây giúp bạn đọc ôn tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Ngoài ra bạn đọc có thể tham khảo thêm kiến thức các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12 để có thêm tài liệu học tập nhé

Đánh giá bài viết
1 195
Sắp xếp theo

Ngữ văn lớp 12

Xem thêm