Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nguyễn Du là một con người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời

Viết bài làm văn số 7 - Nguyễn Du là một con người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời được VnDoc sưu tầm và đăng tải. Mời các bạn tham khảo, chuẩn bị tốt cho bài giảng sắp tới của mình.

Đề bài: Trong quyển “Nguyễn Du toàn tập” (tập 1, NXB Văn học, 1996), nhà nghiên cứu văn học Mai Quốc Liên, viết: “Nguyễn Du là một con người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời”.

Em hãy phân tích một số tác phẩm của Nguyễn Du đã học và đọc thêm ở lớp 10 như Truyện Kiều, Độc Tiểu Thanh bí, Văn chiêu hồn”... để làm sáng tỏ nhận định trên.

Nghị luận Nguyễn Du là một con người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời

Dàn ý chi tiết Nguyễn Du là một con người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời

I. Mở bài

- Nguyễn Du là một người tài hoa nức tiếng nhưng cũng là người chịu nhiều nỗi thăng trầm trong cuộc đời. Đọc tác phẩm của Nguyễn Du, trước hết ta thấy tấm lòng yêu thương của ông dành cho những số phận con người bất hạnh và ông đã suy tư, trăn trở trước nỗi đau của họ như chính nỗi đau của mình.

- Cảm nhận được điều ấy nên nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên đã nhận định: “Nguyễn Du là một con người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời”.

II. Thân bài

1. Yêu thương, thông cảm với những con người đau khổ, cùng đau với nỗi đau của họ

- Thuý Kiều tài sắc tột đỉnh, có tình yêu tự do trong sáng, đẹp đẽ, thuỷ chung,... nhưng lại phải trải qua cuộc đời 15 năm lưu lạc, đau khổ, tủi nhục, hết nạn nọ đến nạn kia "Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”

- Nàng Tiểu Thanh trẻ đẹp, tài hoa nhưng bạc mệnh.

- Những người đã chết mà vong hồn của họ vẫn không yên ổn, đặc biệt là những người phụ nữ làm nghề “buôn nguyệt bán hoa” và những em bé “lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha”.

2. Ca ngợi, tin tưởng vào khả năng, phẩm chất của con người và mong mỏi, mơ ước cho con người được sống hạnh phúc, tự do

- Thuý Kiều vẫn giữ gìn phẩm chất tốt đẹp, luôn có ý thức vươn lên, chống đối xã hội bất công, tàn bạo.

- Từ Hải được Nguyễn Du xây dựng như một người anh hùng khao khát tự do, công lí, công bằng xã hội. Từ Hải chết, nhưng những điều chàng khao khát và thực hiện vẫn được người đời ngưỡng mộ.

- Tình yêu Thuý Kiều - Kim Trọng là tình yêu tự do trong sáng, thuỷ chung. Mối tình đó đã bị tan vỡ vì xã hội phong kiến tàn bạo, nhưng vẫn được Nguyễn Du và người đời trân trọng.

- Tình yêu giữa Thuý Kiều – Thúc Sinh, chỉ đáng tiếc là vòng tay người đàn ông này không đủ “rộng” và đủ “lực” để cưu mang Kiều. Nhưng suy cho cùng mối tình ấy lại hợp với logic cuộc sống. Bởi vì, mối quan hệ của họ phát triển khá tự nhiên:

Sớm đào, tối mận lân la

Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng.

Bởi vậy, người đời vẫn tâm đắc và cảm động với đoạn thơ Nguyễn Du tả cảnh Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều.

3. Lên án đanh thép mọi thế lực tàn bạo trong xã hội phong kiến đã chà đạp lên quyền sống con người

- Bạn quan lại, bọn bán thịt buôn người, đồng tiền trong xã hội phong kiến đã làm tan cửa nát nhà bao người dân lương thiện, phá vỡ bao hạnh phúc lứa đôi, vùi dập và giết chết những con người tài hoa, anh hùng nghĩa hiệp... (Truyện Kiều).

- Lễ giáo, chế độ hôn nhân và bản chất xã hội phong kiến bất nhân đã khiến cho “hồng nhan bạc phận”, những người tài hoa phải bạc mệnh (Độc Tiểu Thanh kí).

(Phải nắm vững phương pháp chứng minh một nhận định, dẫn chứng và phân tích thơ để minh họa nhằm làm nổi bật: lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du đối với con người).

III. Kết bài

- Nguyễn Du đã đau với nỗi đau của con người và ông cũng trăn trở khi cuộc đời nổi phong ba. Những trăn trở, những nỗi đau ấy xuất phát từ một trái tim cao cả và của một nghệ sĩ lớn. Cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của ông là một bằng chứng hùng hồn về điều đó.

Bài văn mẫu chứng minh nhận định Nguyễn Du là một con người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời - Bài văn mẫu số 1

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng?)

Trái tim của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã ngừng đập gần hai thế kỉ. Bao vật đổi sao dời, cuộc đời bãi biển hóa nương dâu mà tâm sự đau đáu của một con người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời vẫn thẳm sâu như nước sông Lam dưới chân núi Hồng. Con người ấy như đang sống giữa chúng ta đây - “Khác thời đại, thương nhau chỉ rớt nước mắt”. Người đã để lại cho mai hậu những châu ngọc của một trái tim nhân đạo cao cả, một tầm nhận thức tư tưởng văn hóa mang tính nhân loại sâu sắc cao vời.

Tất thảy chúng ta đều thừa nhận để hun đúc nên một tài năng lớn không thể không kể đến yếu tố gia đình - quê hương và thời đại. Có thể nói đây chính là căn cốt nền tảng cho việc hình thành tài năng và bản lĩnh văn chương Nguyễn Du. Quê cha Tiên Điền - Nghi Xuân - Hà Tĩnh, quê mẹ Bắc Ninh, sinh tại kinh thành Thăng Long trong một gia đình quý tộc quyền quý, có truyền thống yêu văn chương. Sống trong thời đại có những biến cố lịch sử dữ dội, nhiều phen thay đổi sơn hà. Mười năm gió bụi “thập tải phong trần” với cuộc sống nghèo khổ, bần hàn loạn lạc. Chuyến đi sứ Trung Quốc… Tất cả những yếu tố mang tính tiền đề trên kết hợp một cách kì diệu với tài năng thiên bẩm và một trái tim luôn nhạy cảm đớn đau trước những điều trông thấy đã tạo nên một Nguyễn Du “có con mắt nhìn thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ tới muôn đời”.

Nguyễn Du để lại cho hậu thế một di sản văn học tư tưởng nhân đạo nhân văn sâu sắc. Dù đó là những sáng tác được viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm. Thơ chữ Hán có thể được xem là phát ngôn viên chính thức của Nguyễn Du. Đối với Nguyễn Du thì cái vĩ đại là văn hóa, thành tựu của các thời đại đã qua thể hiện ở văn hóa. Văn hóa là cuộc đấu tranh bi tráng của con người trong trường kì lịch sử để khẳng định và phát triển bản chất người. Các triều đại trôi qua, quyền lực của vua chúa, công danh của tướng lĩnh, công hầu, thảy đều trôi qua, đều tàn lụi. Chỉ còn có con người, chỉ còn có nhân văn. Có thể nói đó là cái nhìn mang tầm vượt ngưỡng mà nhân loại sống trong thế kỉ 21 chúng ta càng thấm thía hơn bao giờ hết.

Nói đến Nguyễn Du, ta nhớ ngay đến tập thơ chữ Nôm Đoạn trường tân thanh mà chúng ta vẫn quen gọi là Truyện Kiều. Cách đây 50 năm, kỉ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt đang lan rộng ra miền Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định sức sống vĩnh cửu của Truyện Kiều trong lòng dân tộc:

Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày

Quả vậy, Truyện Kiều là tiếng thơ của tình người vươn lên tầm nhân loại. Ông viết về số phận đau đớn dập vùi của con người, về khát vọng hạnh phúc, về giấc mơ công lí chính nghĩa, ngợi ca tài năng và phẩm giá của con người…Những điều ấy được nói ra từ một tấm lòng tê tái thương yêu và một tài năng văn chương lỗi lạc “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”. Truyện Kiều đã đi vào lòng người bằng nhiều con đường khác nhau, tồn tại xuyên suốt với chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc, gắn bó với mỗi người dân đất Việt. Bởi vậy mà nó đã trở thành lời non nước, tiếng mẹ ru, vừa vang vọng lớn lao, vừa gần gũi tha thiết với mỗi tâm hồn từ tấm bé. Một người học trò hỏng thi, có thể lấy hai câu thơ Truyện Kiều phát biểu như một định luật để an ủi: "Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần". Tiễn đưa một người đi xa và hứa hẹn một cuộc gặp gỡ, đọc hai câu Kiều sau đây, vừa đầy đủ lại vừa tình tứ thâm trầm: "Chén đưa nhớ bữa hôm nay. Chén mừng xin đợi ngày này năm sau". Và Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta, trong đại hội Đảng lần thứ hai, xúc động trước sự trưởng thành nhanh chóng của Đảng, cũng đọc lại hai câu Kiều: "Đến bây giờ mới thấy đây. Mà chắc lòng đã những ngày một hai…".

Và cũng thật thú vị, vào những năm khép lại thế kỉ 20 đầu thế kỉ 21, trong mối bang giao mở rộng, nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam đã mượn hình thức lẩy Kiều như một sự thể hiện coi trọng văn hóa, coi văn hóa là cầu nối để xây đắp tình hóa hiếu, hướng tới tương lai. Có thể nói ở đâu có cuộc sống, ở đó có Nguyễn Du. Bởi vậy, di sản văn hóa của Nguyễn Du là sản phẩm kết tinh trí tuệ, tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam qua tài năng trác tuyệt của ông và cùng với thời gian, di sản ấy đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa nhân loại.

Bài văn mẫu chứng minh nhận định Nguyễn Du là một con người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời - Bài văn mẫu số 2:

Hai trăm năm nay, Nguyễn Du được mọi thế hệ người Việt Nam biết tới trước hết như một đại thi hào dân tộc với tác phẩm thơ bất hủ Đoạn trường tân thanh, còn gọi là Truyện Kiều. Các giá trị văn học, nghệ thuật, tư tưởng trong tác phẩm của ông đã được nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu quan tâm, phát hiện khiến cho chúng ta ngày càng hiểu biết hơn về chiều sâu, bề rộng và tầm xa của tư tưởng Nguyễn Du. Nhưng dường như các nghiên cứu đó vẫn chưa thoả mãn nhu cầu người đọc và chưa khai thác hết chiều kích các giá trị được truyền tải trong tác phẩm của Nguyễn Du bởi tính cập nhật của các vấn đề xã hội, tư tưởng, nghệ thuật mà ông đặt ra qua các tác phẩm của mình. Bài viết tìm hiểu quan niệm của Nguyễn Du về cuộc đời và thân phận con người trên phương diện triết học với mong muốn cung cấp cho bạn đọc một quan niệm nhân sinh đặc sắc của đại thi hào.

Quan niệm của Nguyễn Du về cuộc đời chịu nhiều ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo và Lão giáo. Trải qua nhiều biến cố dồn dập của cuộc sống, cuộc đời trôi dạt nhiều nơi, tận mắt chứng kiến những sự kiện vật đổi sao dời, những cảnh đời thương tâm, ngang trái…, Nguyễn Du thấm thía triết lý của đạo Phật coi cuộc đời là vô thường. Ông nhìn cuộc đời bằng con mắt của một nhà nhân đạo chủ nghĩa, yêu thương, xót xa cho thân phận con người:

“Cuộc đời trăm năm biết bao nhiêu chuyện thương tâm”

Câu thơ nặng trĩu nỗi niềm xúc cảm của nhà thơ. Xúc cảm ấy trong mạch văn ấy biểu lộ nỗi đau đời khôn nguôi, nỗi thương đời vô hạn do chính cảm nhận chân thực của nhà thơ về cuộc đời, nên có sức mạnh truyền cảm, lan toả đến muôn đời sau. Chính vì thế, mệnh đề triết lý Nguyễn Du nêu lên, tuy không mới so với triết lý “đời là bể khổ” của Phật giáo, nhưng lại tạo ra một hiệu quả, một sự tương thông trong cộng đồng những người cùng ngôn ngữ, cùng bối cảnh văn hoá với ông. Hơn nữa, câu thơ của Nguyễn Du còn cho thấy tâm thế khái quát sự vật, khái quát cuộc đời của ông. Ông không phải là người ngoài cuộc trong cuộc đời đầy rẫy những bi ai này. Những nỗi đau đời của người khác cũng là nỗi đau đời của chính Nguyễn Du. Ông là người quan sát, người đồng cảm, người cùng chia sẻ, người trong cuộc. Cái tâm thương cảm, đồng cảm, chia sẻ của Nguyễn Du đã khiến cho triết lý cuộc đời của ông tràn đầy chủ nghĩa nhân văn. Do vậy, Nguyễn Du được thừa nhận là đại diện cho tiếng nói của quảng đại người dân, bởi thơ ông thấm nhuần hơi thở của nhân dân, phản ánh chính những nỗi niềm, suy tư, mong đợi của người dân.

Xuất phát từ cách nhìn chung về cuộc đời trên quan điểm nhân văn thấm đượm triết lý Phật giáo như vậy, Nguyễn Du tiếp tục triển khai tư tưởng nhân sinh của mình theo hướng kết hợp Nho, Phật và Lão trên nền tảng tâm thế Việt: lấy tình cảm, tình yêu thương làm điểm tựa cho những nhận định về nhân thế.

Mở đầu Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhận định, luật “tài mệnh tương đố” là một trong những “luật đời” khiến con người chịu nhiều đau khổ nhất:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng".

Sự đối lập giữa tài năng và số phận được Nguyễn Du coi là một trong những sự bất công cơ bản và lớn nhất trong cuộc đời con người. Tài là khả năng, là năng lực của mỗi con người. Mệnh là tính quy định đã có sẵn trước khi mỗi con người sinh ra trên đời, mang tính ấn định, không thể thay đổi về số phận của mỗi con người. Như vậy, mỗi cá nhân sinh ra trên đời, bất chấp khả năng, năng lực tài giỏi hay hạn chế đến đâu, đều có một số mệnh định sẵn, xác quyết số phận của họ là khổ đau hay hạnh phúc, sung sướng hay lầm than. Thậm chí, người càng tài giỏi thì số mệnh lại càng éo le, bạc bẽo, đa đoan và ngược lại. Với sự đối lập hiển nhiên đầy bất công đó, tạo hoá, ông trời bắt đầu trò chơi đùa giỡn với con người, bất chấp những nỗ lực của con người:

“Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao”

Con người dường như quá nhỏ bé, bất lực trước sức mạnh vô hình nhưng hết sức hiện thực của "ông trời". Cái nhìn bi quan về cuộc đời như vậy đã đẩy Nguyễn Du đi tới những quan niệm mang nhiều ảnh hưởng của Lão - Trang. Ông quan niệm: “Mắt xem việc đời như đám phù vân”, “Cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mở mắt”. Chính nhận thức về sự bất công xuyên suốt cuộc đời con người đã khiến Nguyễn Du, có những lúc, kiếm tìm những giải pháp tiêu cực, yếm thế:

“Cuộc đời trăm năm, chỉ mong say suốt ngày.

Thế sự như đám mây nổi, thật đáng buồn!”.

Những tư tưởng trốn tránh cuộc sống, trốn tránh danh lợi, bạc tiền nêu trên cũng đã từng chế ngự tâm hồn ông, đặc biệt là khi cuộc đời ông trở nên quẫn bách, bế tắc, không lối thoát trong giai đoạn cuộc nội chiến giữa các thế lực phong kiến ở Việt Nam cuối thế kỷ XVIII:

“Phú quý trước mắt chẳng khác gì phù vân. Người đời nay chỉ biết cười người đời xưa. Người xưa chết, mồ mả ngổn ngang đó, người nay sao vẫn bôn tẩu rộn ràng?

Xưa nay kẻ hiền người ngu cũng chỉ còn trơ lại nắm đất. Không ai vượt qua cửa ải sống chết. Khuyên anh uống rượu rồi vui chơi…”.

Tuy nhiên, đó không phải là tư tưởng quán triệt của Nguyễn Du. Xem xét toàn bộ di sản nghệ thuật mà ông để lại, ta lại thấy một Nguyễn Du tràn đầy niềm yêu thương cuộc sống, yêu thương con người. Đặc biệt, trong Truyện Kiều, thông qua xử lý diễn biến số phận nàng Kiều, chúng ta thấy rõ một Nguyễn Du đau đời, thương đời nhưng cũng tràn đầy lạc quan vào chân - thiện - mỹ sẽ chiến thắng trong cuộc đời, khi đưa ra thông điệp về nỗ lực tu tâm, hành thiện con người sẽ cải hoá được số phận, từ đó thay đổi được thiên mệnh. Cổ vũ mục đích cuối cùng của con người là hướng tới một cuộc sống hài hòa chân - thiện - mỹ, Nguyễn Du đã nói lên được mơ ước, niềm mong mỏi hướng tới tương lai tốt đẹp của quảng đại nhân dân. Những con người chịu nhiều đau khổ, tầng lớp bình dân sẽ không thể tồn tại nếu họ thiếu niềm hy vọng, trước hết và tột cùng, rằng chân lý, sự công bằng, tốt đẹp sẽ ngự trị sau khi con người đã nỗ lực phấn đấu cho sự thay đổi, hoán cải bằng toàn bộ trái tim, sức lực cuộc đời của mình, như cô Kiều sau 15 năm lưu lạc lại được đoàn tụ, vui vầy cùng gia đình. Hy vọng đó, chân lý đó, theo cách biểu đạt của Nguyễn Du, là khúc khải hoàn của chữ “tâm”:

“Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Như vậy, Nguyễn Du đã diễn giải quan niệm về cuộc đời trong Truyện Kiều qua những bước đi tuần tự: sự đối lập giữa tài năng và số phận là luật tất yếu của cuộc đời; con người sinh ra phải tuân thủ luật đó; song trong quá trình sống, bằng sự tu tâm, bằng sự nhận thức lẽ thiện và nỗ lực thực hành điều thiện, con người có thể cải hóa được số phận định sẵn.

Trong quá trình nhận thức đó, yếu tố tư duy mang sắc thái Việt Nam, yếu tố tình cảm, sự duy tình, tình yêu thương con người đã là nền tảng chi phối và hướng dẫn chiều hướng tư duy của Nguyễn Du, đưa tư tưởng ông đạt tới sự nhận thức và phản ánh chân thực tâm nguyện, hy vọng của dân chúng. Đó là thành công lớn của Nguyễn Du và chính điều đó đã khiến ông trở thành nhà thơ của nhân dân, được nhân dân tôn vinh. Vì vậy, cho dù quan niệm về cuộc đời của Nguyễn Du mang màu sắc duy tâm chủ quan cực đoan, chúng ta cũng không thể phủ nhận những nhân tố hợp lý, độc đáo và giàu tính nhân văn của nó. Những nhân tố đó càng trở nên đáng quan tâm hơn khi chúng đã có những tác động tích cực trong việc hướng dẫn, định chuẩn hệ giá trị sống của cha ông ta suốt chiều dài lịch sử của dân tộc và có lẽ, còn góp phần tích cực vào cuộc sống hiện nay nếu những tư tưởng đó được khai thác và được công chúng hoá hơn nữa.

Quan niệm của Nguyễn Du về thân phận con người là sự cụ thể hoá và triển khai thêm những nhận định về cuộc đời của ông vào những mẫu hình cụ thể - các nhân cách, như những minh chứng cho nhận định của ông.

Xã hội mà Nguyễn Du mô tả, suy ngẫm, chiêm nghiệm là xã hội của những con người mê lầm, chưa tự ý thức, chưa tự giác ngộ được về bản chất cuộc đời và ý nghĩa của sự tồn tại người. Theo quan niệm Phật giáo, đó là những người vẫn còn đang ở bến mê, theo quan niệm Nho giáo, đó là những con người đang là trò chơi của tạo hoá, của định mệnh. Những mối quan hệ xã hội chằng chịt, đan xen được Nguyễn Du tháo gỡ và sắp xếp theo dòng chảy của các quy luật Phật giáo, như luật nhân quả, duyên nghiệp, giác ngộ… Tất cả những thân phận, từ đấng anh hùng như Từ Hải, kẻ tu hành như vãi Giác Duyên, người làm quan như Hồ Tôn Hiến, kẻ sĩ như Kim Trọng, tới số phận truân chuyên như Thuý Kiều, lưu manh như Mã Giám Sinh… đều được nhìn dưới góc độ triết lý Phật giáo, là những thân phận phải hứng chịu mọi kiếp nạn đã bị quy định từ các hành vi của kiếp trước:

“Gặp phải lúc đi đường lỡ bước,

Cầu Nại Hà kẻ trước người sau.

Mỗi người mỗi nghiệp khác nhau,

Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ”.

Mỗi con người bước vào cuộc đời với một nghiệp riêng do kiếp trước quy định, là sung sướng, là anh hùng, là khổ đau, là bất hạnh…, cho đến khi rời cõi thế cũng mỗi người một vẻ chết khác nhau không ai giống ai, nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là đều chung thân phận bơ vơ, lạc loài. Nếu như lý luận về tha nhân của chủ nghĩa hiện sinh khẳng định sự lạc loài, phi lý của kiếp người trên chính cuộc đời trần thế thì, với Nguyễn Du, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết lý Phật giáo, sự lạc loài phi lý đó là thuộc về thế giới phi trần gian, ở những linh hồn đã rời cõi thế, không nơi nương tựa, lang thang phiêu bạt đi tìm điểm dừng của duyên nghiệp, đi tìm tới cái ngã đích thực tồn tại trong vĩnh cửu. Với Nguyễn Du, những thân phận con người trong cõi thế vẫn là sự tồn tại theo duyên cảnh, không mang tính phi lý, mà là một tất nhiên và mang tính tiền định:

“Biết thân chạy chẳng khỏi trời,

Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”.

Những thân phận này, dù có cố gắng đến nhường nào, nhưng nếu chưa giác ngộ được lẽ vô thường, chưa ngộ được chân tâm thì vẫn không thoát khỏi số phận trớ trêu mà trời đã định. Trong cuộc đời mà mỗi thân phận người tồn tại theo tự tính trời ban của mình, theo số phận đã định của mình, thì tính chủ thể của con người trở nên thật là bé nhỏ và vô vọng:

“Kẻo khi sấm sét bất kỳ

Con ong cái kiến kêu gì được oan”.

Trong quan niệm về con người, Nguyễn Du đặc biệt chú ý tới hai loại người - người tài và người phụ nữ. Chính ở đó, quan niệm của ông về con người chứa đựng những nét đặc sắc nhất. Đồng thời, sắc thái tư duy Việt trong tư tưởng Nguyễn Du về con người cũng bộc lộ rõ nhất khi ông thể hiện các quan niệm này. Trước Nguyễn Du, trong văn học Việt Nam nói chung, trong quan niệm về con người nói riêng luôn đặt trọng tâm sự chú ý của xã hội vào người quân tử, vào người làm quan, người có học vấn, bậc Nho sĩ. Theo quan niệm của họ, chỉ nam giới mới được coi trọng, được đánh giá là có tài hay không có tài; cái tài chỉ được thể hiện qua con đường duy nhất là văn chương, thơ phú, cử nghiệp. Nhưng tới Nguyễn Du, và gần như đồng thời với ông là Hồ Xuân Hương, người tài không còn là độc quyền của nam giới nữa. Hồ Xuân Hương đã làm một việc quan trọng, mở đường cho việc đưa hình tượng người phụ nữ vào trung tâm điểm của văn học và vào nhận thức của dân tộc giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, đó là phê phán tận gốc những mặt trái đằng sau hình tượng người quân tử theo quan niệm cũ, đưa những nhu cầu tình cảm, tâm lý, khát vọng sống của người phụ nữ lên thành những quyền cơ bản của con người, có quyền và có giá trị bình đẳng với nam giới. Tới Nguyễn Du, ông đã làm tiếp một việc quan trọng nữa, và là sự kế tiếp như một quy luật tất yếu, cần phải có trong sự tự nhận thức của dân tộc, đó là tôn vinh người phụ nữ như những tinh hoa, anh tài của xã hội.

Trong Truyện Kiều, ông đã gửi gắm tất cả niềm yêu thương, xót xa và kỳ vọng vào người phụ nữ khi xây dựng hình tượng nàng Kiều, một phụ nữ đa tài, đa sắc, lại thánh thiện và nhân ái. Trọn vẹn những lý tưởng thẩm mỹ, đạo đức và con người lý tưởng của Nguyễn Du được ông gửi gắm vào nàng Kiều. Đó là hình tượng người phụ nữ đẹp nhất mà văn học Việt Nam thời phong kiến đã đạt được. Nhân vật “nàng Kiều” là sự hình tượng hoá các phẩm chất cao quý của người phụ nữ: tài năng, giàu đức hy sinh, biết dũng cảm đương đầu với số phận, thách thức số phận, chiến thắng số phận bằng chính sự tôi luyện theo lẽ thiện, vì thế cải biến được số phận. Chưa có nhân vật văn học nào trước đó được xây dựng công phu, đẹp đẽ và chinh phục trái tim người dân đến thế. Tính tích cực của chủ thể thể hiện ở cả nhận thức và hành động của nàng Kiều như khúc khải hoàn chiến thắng của con người trước số phận, là lời gửi gắm tâm nguyện của Nguyễn Du đối với cuộc đời.

Khi đề cập đến người tài, Nguyễn Du đã thừa nhận luật “tài mệnh tương đố”. Với Nguyễn Du, người tài không chỉ là các văn nhân, trí thức Nho giáo, mà bao gồm cả phụ nữ; cái tài không chỉ thể hiện trong thơ phú, chính trị, cử nghiệp, mà cả trong các năng lực khác như đàn hát, hội hoạ. Theo ông, người có tài luôn là tinh hoa của trời đất, được đồng loại coi trọng, xót thương và ca ngợi, bởi chính họ đã làm cho cuộc đời ngày càng đẹp hơn, nhân ái hơn:

“Kiều rằng: Những đấng tài hoa,

Thác là thể phách còn là tinh anh".

Những người tài hoa khi sống phải chịu số phận long đong như một sự chuộc tội cho nhân quần, bởi họ cũng chính là những con người có tình nhất, yêu thương đồng loại nhất và là những người cảm biết được trách nhiệm của mình trước đồng loại, nên dù thấy chết vẫn tự nguyện chấp nhận như một tất yếu, giống như nàng Kiều coi việc bán mình chuộc cha là nghĩa vụ đương nhiên của người con thực hiện đạo hiếu. Những người tài hoa ấy, dù thể xác đã trở về với cát bụi, nhưng những giá trị tinh thần, những ảnh hưởng tinh tuý của họ vẫn tồn tại như những hiện hữu tất yếu. Đó mới là sự tồn tại đáng kể. Và biết bao nhiêu thân phận đi qua trái đất này đã để lại những đóng góp của họ vào cuộc sống tinh thần chung của xã hội, được người đời coi trọng, gìn giữ và làm nên các giá trị chung nhất, gọi là văn hoá.

Nguyễn Du đã dùng minh triết (sự giác ngộ) và thiện tâm, hai phương tiện duy tâm làm chìa khoá giải mã những bất công của cuộc đời. Tuân thủ những nguyên lý minh triết của Phật giáo và những sắc thái duy tình của người Việt, Nguyễn Du đã đưa ra lời giải của ông cho vấn nạn nhân sinh. Tính chân lý, khả năng ứng dụng, phạm vi giải đáp của con đường ấy tới đâu còn tuỳ thuộc vào sự tiếp cận của mỗi thế hệ hậu sinh với triết lý cuộc đời và thân phận con người của Nguyễn Du. Tuy nhiên, con đường minh triết và thiện tâm mà Nguyễn Du cổ vũ đã và đang làm nên một công cụ điều chỉnh đầy tính nhân văn cho xã hội.

--------------------------------------------

Nguyễn Du là một con người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời được VnDoc chia sẻ trên đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các bạn tham khảo, chuẩn bị tốt cho bài giảng sắp tới. Bài viết được VnDoc.com tổng hợp gồm dàn ý và 2 bài văn mẫu. Bài viết cho ta thấy được rằng Nguyễn Du là con người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời. Ta thấy tấm lòng yêu thương của ông dành cho những số phận con người bất hạnh và ông đã suy tư, trăn trở trước nỗi đau của họ như chính nỗi đau của mình. Ông đã để lại cho mai hậu những châu ngọc của một trái tim nhân đạo cao cả, một tầm nhận thức tư tưởng văn hóa mang tính nhân loại sâu sắc cao vời. Nguyễn Du để lại cho hậu thế một di sản văn học tư tưởng nhân đạo nhân văn sâu sắc cả về chữ Hán và chữ Nôm. Truyện Kiều là tiếng thơ của tình người vươn lên tầm nhân loại. Ông viết về số phận đau đớn dập vùi của con người, về khát vọng hạnh phúc, về giấc mơ công lí chính nghĩa, ngợi ca tài năng và phẩm giá của con người. Ông gửi gắm ở đó  tất cả niềm yêu thương, xót xa và kỳ vọng vào người phụ nữ khi xây dựng hình tượng nàng Kiều, một phụ nữ đa tài, đa sắc, lại thánh thiện và nhân ái. Những người tài hoa khi sống phải chịu số phận long đong như một sự chuộc tội cho nhân quần, bởi họ cũng chính là những con người có tình nhất, yêu thương đồng loại nhất và là những người cảm biết được trách nhiệm của mình trước đồng loại. Nguyễn Du đã dùng minh triết và thiện tâm, hai phương tiện duy tâm làm chìa khoá giải mã những bất công của cuộc đời. Mong rằng qua bài viết bạn đọc có thêm tài liệu để học tập và ý tưởng để xây dựng bài viết.

.........................................

Ngoài Nguyễn Du là một con người suốt đời khắc khoải về con người, về lẽ đời. Mời các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 1 lớp 10, đề thi học kì 2 lớp 10 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với tài liệu lớp 10 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt

Đánh giá bài viết
1 265
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 10

    Xem thêm