Những giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Những giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần

Thừa nhận trên thực tế sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ là một trong những điều kiện cơ bản để thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển, nhờ đó mà sử dụng có hiệu quả sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần kinh tế.

Cùng với việc đổi mới, củng cố kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, việc thừa nhận và khuyến khích các thành phần kinh tế cá thể, tư nhân phát triển là nhận thức quan trọng về xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ. Tất cả các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, tuy vị trí, quy mô, tỷ trọng, trình độ có khác nhau nhưng tất cả đều là nội lực của nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

2. Mở rộng phân công lao động xã hội, tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường

- Phân công lao động xã hội là cơ sở của việc trao đổi sản phẩm. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa, cần phải mở rộng phân công lao động xã hội, phân bố lại lao động và dân cư trong phạm vi cả nước cũng như từng địa phương, từng vùng theo hướng chuyên môn hóa, hợp tá hóa nhằm khai thác mọi nguồn lực, phát triển nhiều ngành nghề, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện có và tạo việc làm cho người lao động.

- Cùng với mở rộng phân công lao động xã hội trong nước, phải tiếp tục mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài nhằm gắn phân công lao động trong nước với phân công lao động quốc tế, gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới. Nhờ đó mà thị trường trong nước từng bước được mở rộng, tiềm năng về lao động, tài nguyên, cơ sở vật chất hiện có được khai thác có hiệu quả.

- Cần phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả sự vận hành các loại thị trường cơ bản theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh.

- Phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ; phát triển vững chắc thị trường tài chính bao gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ theo hướng đồng bộ, có cơ cấu hoàn chỉnh; phát triển thị trường bất động sản bao gồm thị trường quyền sử dụng đất và bất động sản gắn liền với đất; phát triển thị trường sức lao động trong mọi khu vực kinh tế; phát triển thị trường khoa học và công nghệ…

- Điều này sẽ bảo đảm cho việc phân bố và sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của quá trình sản xuất phù hợp với nhu cầu của sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

3. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

- Trong kinh tế thị trường, các doanh nghiệp chỉ có thể đứng vững trong cạnh tranh nếu thường xuyên đổi mới công nghệ để hạ chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Muốn vậy, phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu mới của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ vào quá trình sản xuất và lưu thông hàng hóa.

- So với thế giới, trình độ công nghệ sản xuất của Việt Nam còn thấp kém, không đồng bộ, do đó, khả năng cạnh tranh của hàng hóa nước ta so với hàng hóa nước ngoài trên cả thị trường nội địa và thế giới còn kém.

- Bởi vậy, để phát triển kinh tế hàng hóa, chúng ta phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở và dịch vụ hiện đại, đồng bộ cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội. Hệ thống đó ở nước ta đã quá lạc hậu, không đồng bộ, mất cân đối nghiêm trọng nên đã cản trở nhiều đến quyết tâm của các nhà đầu tư cả ở trong nước lẫn nước ngoài, cản trở phát triển kinh tế hàng hóa ở mọi miền đất nước.

- Vì thế, cần gấp rút xây dựng và củng cố các yếu tố của hệ thống kết cấu đó. Trước mắt, Nhà nước cần tập trung ưu tiên xây dựng, nâng cấp một số yếu tố thiết yếu nhất như đường sá, cầu cống, bến cảng, sân bay, điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc, ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm…

4. Giữ vững ổn định chính trị, hoàn thiện hệ thống luật pháp, đổi mới các chính sách tài chính, tiền tệ, giá cả

- Sự ổn định chính trị bao giờ cũng là nhân tố quan trọng để phát triển. Nó là điều kiện để các nhà sản xuất kinh doanh trong nước và nước ngoài yên tâm đầu tư. Giữ vững ổn định chính trị ở nước ta hiện nay là giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nâng cao vai trò hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân.

- Hệ thống pháp luật đồng bộ là công cụ rất quan trọng để quản lý nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Nó tạo nên hành lang pháp lý cho tất cả mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Với hệ thống pháp luật đồng bộ và pháp chế nghiêm ngặt, các doanh nghiệp chỉ có thể làm giàu trên cơ sở tuân thủ luật pháp.

- Đổi mới chính sách tài chính, tiền tệ, giá cả nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất phát triển; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm quản lý thống nhất nền tài chính quốc gia, giảm bội chi ngân sách, góp phần khống chế và kiểm soát lạm phát; xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tích luỹ và tiêu dùng.

5. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống điều tiết kinh tế vĩ mô, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế và các nhà kinh doanh giỏi

- Hệ thống điều tiết kinh tế vĩ mô phải được kiện toàn phù hợp với nhu cầu kinh tế thị trường, bao gồm: điều tiết bằng chiến lược và kế hoạch kinh tế, pháp luật, chính sách và các đòn bẩy kinh tế, hành chính, giáo dục, khuyến khích, hỗ trợ và cả bằng răn đe, trừng phạt, ngăn ngừa, điều tiết thông qua bộ máy nhà nước…

- Mỗi cơ chế quản lý kinh tế có đội ngũ cán bộ quản lý, kinh tế (ở tầm vĩ mô và vi mô) tương ứng. Chuyển sang phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh sự nghiệp đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, cán bộ kinh doanh cho phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế trong thời kỳ mới. Đội ngũ đó phải có năng lực chuyên môn giỏi, thích ứng mau lẹ với cơ chế thị trường, dám chịu trách nhiệm, chấp nhận rủi ro và trung thành với con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đã chọn.

- Song song với đào tạo và đào tạo lại, cần phải có phương hướng sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ đúng đắn với đội ngũ đó, nhằm kích thích hơn nữa việc không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh quản lý, tài năng kinh doanh của họ. Cơ cấu của đội ngũ cán bộ cần phải được chú ý bảo đảm cả ở phạm vi vĩ mô lẫn vi mô, cả cán bộ quản lý lẫn cán bộ kinh doanh.

6. Thực hiện chính sách đối ngoại có lợi cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Thực hiện có hiệu quả kinh tế đối ngoại, chúng ta phải đa dạng hóa hình thức, đa phương hóa đối tác; phải quán triệt nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, không can thiệp vào nội bộ của nhau và không phân biệt chế độ chính trị – xã hội; cải cách cơ chế quản lý xuất nhập khẩu, thu hút mạnh vốn và đầu tư nước ngoài, thu hút kỹ thuật, nhân tài và kinh nghiệm quản lý của các nước phát triển.

Những giải pháp nói trên tác động qua lại với nhau, sẽ tạo nên sức mạnh thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa nước ta phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Những giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam về các biện pháp phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Những giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 2.539
Sắp xếp theo

Cao đẳng - Đại học

Xem thêm