OTC là gì? Đặc trưng cơ bản thị trường OTC

Thị trường OTC là gì? Cổ phiếu OTC là gì? Cách phân loại cổ phiếu OTC như nào? Thị trường OTC Việt Nam phát triển ra sao?.. Cùng với hàng loạt các câu hỏi về hoạt động đầu tư chứng khoán sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của VnDoc.

1. OTC là gì?

OTC (viết tắt của Over the counter) là một thuật ngữ trong chứng khoán, là một thị trường phi tập trung. Thị trường OTC tổ chức không dựa vào một mặt bằng giao dịch cố định nào như sàn giao dịch (thị trường giao dịch tập trung), mà nó có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào có sự xuất hiện người mua và người bán khi họ có nhu cầu giao dịch chứ và không có một không gian giao dịch tập trung nào cả.

Thị trường OTC được duy trì bởi các công ty chứng khoán, việc giao dịch và thông tin dựa vào điện thoại và internet với sự trợ giúp của các thiết bị đầu cuối. Tính thanh khoản trên thị trường này thường thấp hơn thị trường giao dịch tập trung, có nhiều rủi ro hơn song có thể đem lại lợi nhuận lớn hơn.

2. Cổ phiếu OTC là gì? Phân loại cổ phiếu OTC?

Cổ phiếu OTC là gì? Cổ phiếu OTC là cổ phiếu chưa niêm yết tập trung trên sàn giao dịch chứng khoán. Mệnh giá giao dịch theo giấy tờ là 10.000đ/ 1 cổ phiếu song trên thực tế có thể chênh lệch nhiều lần so với mệnh giá. Thị trường OTC là thị trường diễn ra hoạt động mua bán cổ phiếu OTC. Cách phân loại cổ phiếu OTC có thể được chia thành các loại như sau:

Cổ phiếu ưu đãi

Cổ phiếu ưu đãi thường được bán cho nhân viên trong nội bộ công ty trước khi chính thức đưa lên sàn giao dịch. Thông thường giá cổ phiếu ưu đãi thường rẻ hơn so với giá trị thực khoảng 40%

Cổ phiếu ưu đãi là dạng cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng. Nhân viên công ty sau khi mua cổ phiếu sẽ được cấp sổ, đứng tên thuộc quyền nắm giữ của mình. Sau khoảng 3 năm, người nắm giữ cổ phiếu có thể sang tên, chuyển nhượng cho người khác hoặc được chính công ty mua lại. Khi bán, chuyển nhượng cho người khác thì phải lập giấy viết tay chuyển nhượng.

Thông thường, cổ phiếu ưu đãi thường được đầu tư lâu dài vì lợi nhuận khi đầu tư dài hạn khá cao.

Cổ phiếu ủy thác

Đối với các công ty lần đầu phát hành chứng khoán nếu không am hiểu về vấn đề này thì họ sẽ nhà một công ty chứng khoán sẽ thay mặt họ thực hiện phát hành chứng khoán. Theo đó, công ty không phải tự mình đi đấu giá, tránh được những rủi ro không đáng có trong quá trình đấu giá.

Thông thường, số lượng nhà đầu tư ủy thác cho bên thứ 3 rất nhiều để tránh việc đấu giá quá cao thì bị hớ, đấu giá quá thấp thì không trúng. Sau khi đấu giá xong, phần chứng khoán này sẽ được chia lại theo tỷ lệ đã quy định trước đó, chi phí ủy thác từ 1-2%.

Cổ phiếu trực tiếp

Cổ phiếu trực tiếp hay còn gọi là cổ phiếu tự do, loại cổ phiếu này do chính nhà đầu tư tự mình phát hành, đấu giá. Ưu điểm là giá cổ phiếu thường cao hơn so với cổ phiếu ủy thác, giao dịch dễ dàng, tính thanh khoản cao và hạn chế được các chi phí phát sinh từ quá trình ủy thác.

3. Đặc trưng cơ bản của thị trường OTC là gì?

Nhà đầu tư và tổ chức các nhà đầu tư: hoạt động của các nhà đầu tư trên thị trường OTC không phải là độc lập, mà được lập thành hội, nhóm hay các diễn đàn để trao đổi thông tin.

Hàng hoá của thị trường OTC là gì? Hàng hóa của thị trường là cổ phiếu OTC, đây các loại cổ phiếu của các công ty cổ phần, chuẩn bị niêm yết trên thị trường giao dịch tập trung hoặc có các lợi thế thương mại riêng.

Hoạt động mua bán cổ phiếu trên thị trường được thực hiện theo nguyên tắc “thuận mua, vừa bán”, mà không chịu tác động của bên ngoài (giới hạn về giá, số lượng cổ phiếu giao dịch,…). Nói cách khác, cơ chế mua bán trên thị trường OTC tuân theo cơ chế thị trường.

Phương thức giao dịch:

  • Bên mua và bên bán trực tiếp gặp mặt thương lượng và quyết định việc mua bán chứng khoán. Tại Việt Nam, đây là phương thức giao dịch phổ biến nhất.
  • Bên mua và bên bán giao dịch thông qua bên thứ 3 là các nhà môi giới chứng khoán. Phương thức giao dịch này tuy không phổ biến trên thị trường hiện nay, nhưng trong tương lai theo xu hướng phát triển của thị trường thì phương thức này sẽ chiếm ưu thế hơn so với phương thức trực tiếp giao dịch.

Để mua bán chứng khoán trên thị trường OTC, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin từ các nguồn như:

  • Thông tin từ báo cáo tài chính của các công ty: thông thường các công ty cổ phần chưa niêm yết không có báo cáo tài chính được kiểm toán. Mặt khác các doanh nghiệp thường có nhiều hệ thống sổ sách kế toán vì vậy, nếu không có mối liên hệ nhất định với công ty đó, sẽ rất khó khăn để thu thập thông tin trong BCTC.
  • Thu thập thông tin thông qua các cơ quan chức năng: theo quy định pháp luật, doanh nghiệp phải báo cáo tình hình hoạt động cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay không tuân thủ nghiêm túc, báo cáo những thông tin rất chung chung. Mặt khác, cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không có nghĩa vụ công bố thông tin doanh nghiệp. Vì vậy tính khả thi của hình thức tìm kiếm thông tin này không cao.
  • Thu thập qua phương tiện thông tin đại chúng: việc tìm kiếm thông tin qua hình thức này rất dễ dàng, tuy nhiên độ chính xác và tin cậy không cao.
  • Thu thập thông tin từ các nguồn khác: thông tin từ các hội, nhóm, diễn đàn kinh doanh; thông tin không chính từ từ nội bộ doanh nghiệp,… Các thông tin này không có căn cứ vững vàng, nhà đầu tư cần phải đánh giá, chọn lọc thông tin.

4. Rủi ro trên thị trường OTC là gì?

Thị trường OTC là gì? Đây là một thị trường thu hút rất nhiều nhà đầu tư vì lợi nhuận cao; tuy nhiên thị trường này ẩn chứa rất nhiều rủi ro như:

  • Có thể xảy ra tranh chấp hoặc có thiệt hại về quyền mua cổ phiếu mới tăng vốn – đây là rủi ro phổ biến nhất trên thị trường OTC. Quyền mua cổ phiếu mới tăng vốn là một kỳ vọng lớn của người mua cổ phiếu vì nó là một khoản lợi lớn cho người sở hữu. Tuy nhiên, thông thường trước khi phát hành cổ phiếu mới tăng vốn, công ty sẽ chốt danh sách cổ đông; trong đó, những ai sở hữu cổ phần sẽ được mua thêm cổ phiếu mới.
  • Đối với người mua cổ phiếu trong giai đoạn giao thời hoặc công ty đã chốt danh sách cổ đông thì dù đã trả tiền cho người bán, nắm giữ cổ phiếu, nhưng chưa làm xong thủ tục chuyển nhượng thì người mua vẫn bị mất quyền, quyền mua vẫn thuộc về người bán. Vì vậy, nhà đầu tư cần chú ý khi giao dịch luôn luôn phải thể hiện bằng hợp đồng chuyển nhượng, chỉ rõ quyền mua cổ phiếu mới tăng vốn thuộc về ai.
  • Tranh chấp, thiệt hại về cổ tức. Cổ tức được chia cho cổ đông dựa trên số cổ phần của họ. Rủi ro này được thể hiện ở việc người mua không nắm bắt được thông tin và việc nhận cổ tức không thể hiện rõ trong hợp đồng chuyển nhượng. Vì vậy, người mua có thể không nhận được cổ tức mặc dù đang nắm giữ cổ phần.
  • Rủi ro trong việc mua bán cổ phiếu chưa được chuyển nhượng. Có những cổ phiếu theo quy định của công ty, sau một thời gian nhất định mới được chuyển nhượng, nhiều nhà đầu tư không nắm được nên đã mua trước thời hạn được phép chuyển nhượng. Và trong thời hạn đó, nhà đầu tư không được các quyền lợi như nhận cổ tức, mua thêm cổ phần tăng vốn,… và các quyền lợi này vẫn thuộc về người bán.
  • Rủi ro trong hoạt động giao dịch nhận chuyển nhượng quyền mua. Trong các đợt phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn, các cổ đông và nhân viên công ty sẽ được quyền mua. Nhiều người do không huy động được tiền hoặc vì lý do khác đã bán quyền mua.
  • Giá bán quyền mua thường thấp hơn giá thị trường và nhà đầu tư thấy giá hấp dẫn nên đã chấp nhận mua. Nhưng thời gian từ khi nộp tiền mua đến khi nhận được cổ phiếu là khá dài, nên khi nhận được cổ phiếu thì cổ phiếu vẫn là tên người bán. Trong trường hợp này nếu giá cổ phiếu tăng hay gặp phải người bán không tôn trọng chữ tín thì người mua sẽ bị thiệt hại, tranh chấp với người bán sẽ xảy ra.
  • Nhà đầu tư cần trang bị những kiến thức cần thiết, đánh giá và phân tích cổ phiếu trước khi mua, cần tỉnh táo trước những thông tin được đưa ra để có những quyết định đúng đắn.

Trên đây là thông tin xoay quanh chuyên đề OTC là gì. Hy vọng sẽ cung cấp những thông tin cần thiết giúp ích cho hoạt động nghiên cứu của bạn. Cảm ơn bạn vì đã theo dõi bài viết OTC là gì của chúng tôi, chúc bạn sẽ trở thành một nhà đầu tư thông thái!

Mời các bạn tham khảo thêm:

Đánh giá bài viết
1 107
Sắp xếp theo

    Tài liệu Văn hóa và Giải trí

    Xem thêm