Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích các chi tiết đặc sắc trong văn bản Cổng trường mở ra của tác giả Lí Lan

VnDoc.com xin giới thiệu tới các em học sinh văn mẫu lớp 7: Phân tích các chi tiết đặc sắc trong văn bản Cổng trường mở ra của tác giả Lí Lan bao gồm dàn ý chi tiết và bài viết mẫu cho các em tham khảo nhằm ôn tập kĩ hơn về tác phẩm cũng như nâng cao kỹ năng viết văn của mình. Sau đây mời các bạn tham khảo.

Đề bài:

Văn bản “Cổng trường mở ra” của Lí Lan với hình thức như những dòng nhật kí tâm tình đầy sâu lắng, đã giúp người đọc hình dung và hiểu rõ hơn về tình yêu thương của người mẹ dành cho con cũng như vai trò của nhà trường trong cuộc sống của mỗi người. Dựa vào những hiểu biết của bản thân sau khi học xong tác phẩm này, em hãy phân tích những chi tiết đặc sắc trong văn bản “Cổng trường mở ra”.

Phân tích các chi tiết đặc sắc trong văn bản Cổng trường mở ra

Phân tích các chi tiết trong văn bản Cổng trường mở ra của tác giả Lí Lan

I. Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

- Khái quát về nội dung và nghệ thuật của văn bản “Cổng trường mở ra”: Văn bản “Cổng trường mở ra” của Lí Lan, với hình thức như những dòng nhật kí tâm tình đầy sâu lắng, đã giúp người đọc hình dung và hiểu rõ hơn về tình yêu thương của người mẹ dành cho con cũng như vai trò của nhà trường trong cuộc sống của mỗi người.

- Khái quát về tác dụng của các chi tiết trong văn bản: đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.

2. Thân bài:

- Nêu ngắn gọn về nội dung chính của văn bản: Văn bản là những dòng suy nghĩ của một người mẹ trong đêm trước ngày con chuẩn bị vào lớp một. Đứa con vừa háo hức, vừa hồi hộp cho ngày khai trường đầu tiên song đã nhanh chóng chìm vào giấc ngủ say sưa. Còn người mẹ thì thao thức. Vừa suy nghĩ đến đứa con thân yêu, vừa hồi tưởng lại ngày khai trường đầu tiên của mình và lại chợt nghĩ tới ngày khai trường đầy trang trọng, thiêng liêng ở đất nước Nhật Bản xa xôi. Những dòng tâm sự của người mẹ khép lại bằng một tưởng tượng của người mẹ khi dắt tay con bước vào thế giới kì diệu sau cánh cổng trường.

- Lần lượt phân tích các chi tiết nghệ thuật đặc sắc của văn bản:

+ Những chi tiết thể hiện tâm trạng của mẹ và con trong đêm trước ngày khai trường đầu tiên của con:

- Đứa con:

-“Đêm nay con cũng có niềm háo hức”.

-Nhưng rồi giấc ngủ vẫn đến với con một cách dễ dàng và “gương mặt thanh thoát của con tựa nghiêng trên gối mềm”.

-Đứa trẻ “không có mối bận tâm nào khác ngoài việc sáng mai thức dậy cho kịp giờ”.

-Người mẹ:

-không ngủ được, “mẹ không tập trung được vào việc gì cả”.

-Ngắm nhìn gương mặt con khi ngủ, xem lại những thứ đã chuẩn bị cho con sáng mai.

-Khi lên giường rồi người mẹ vẫn trằn trọc, và những kỉ niệm của buổi tựu trường đầu tiên lại ùa về…

+ Chi tiết về ấn tượng sâu đậm của người mẹ về buổi tựu trường đầu tiên: “Mẹ không lo, nhưng vẫn không ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng: “Hàng năm cứ vào cuối thu… Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp”.

-Bài văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh như một dư vang không thể phai mờ trong tâm trí người mẹ dù hàng chục năm đã trôi qua. Những tâm trạng “lo”, “không ngủ được” của người mẹ – từng là một đứa trẻ hồn nhiên trong quá khứ như khiến người đọc cũng chợt nhớ lại những tâm trạng hồi hộp, bồn chồn trước ngày khai trường đầu tiên của chính mình.

+ Chi tiết về vai trò của nhà trường: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.

-Thể hiện niềm tin tưởng mãnh liệt của người mẹ vào vai trò của nhà trường. Thế giới kì diệu là một thế giới vừa lạ, lại vừa đẹp. Lạ vì ở đó, con sẽ được học bao điều mới lạ, khám phá được bao tri thức bổ ích, thú vị. Và đẹp bởi thế giới ấy là nơi con được chan hòa trong tình yêu của bạn bè, thầy cô, nơi con sẽ học để hoàn thiện nhân cách, bồi đắp thêm tình yêu với mọi sự vật, con người gần gũi xung quanh.

3. Kết bài:

Khái quát lại vai trò của các chi tiết nghệ thuật trong văn bản: Những chi tiết trong văn bản tuy nhỏ nhưng lại góp phần làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm và để lại một ấn tượng lâu bền trong lòng người đọc.

II. Bài tham khảo

Trẻ em là những mầm non tương lai của đất nước. Những mầm non đó muốn vươn lên mạnh mẽ để trở thành những cây xanh tốt tươi thì không thể thiếu đi nguồn dinh dưỡng – tình yêu thương của cha mẹ và sự giáo dục của nhà trường. Văn bản “Cổng trường mở ra” của Lí Lan, với hình thức như những dòng nhật kí tâm tình đầy sâu lắng, đã giúp người đọc hình dung và hiểu rõ hơn về tình yêu thương của người mẹ dành cho con cũng như vai trò của nhà trường trong cuộc sống của mỗi người. Đặc biệt, văn bản cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bởi những chi tiết nghệ thuật đặc sắc.

Văn bản là những dòng suy nghĩ của một người mẹ trong đêm trước ngày con chuẩn bị vào lớp một. Đứa con vừa háo hức, vừa hồi hộp cho ngày khai trường đầu tiên song đã nhanh chóng chìm vào giấc ngủ say sưa. Còn người mẹ thì thao thức. vừa suy nghĩ đến đứa con thân yêu, vừa hồi tưởng lại ngày khai trường đầu tiên của mình và lại chợt nghĩ tới ngày khai trường đầy trang trọng, thiêng liêng ở đất nước Nhật Bản xa xôi. Những dòng tâm sự của người mẹ khép lại bằng một tưởng tượng của người mẹ khi dắt tay con bước vào thế giới kì diệu sau cánh cổng trường.

Những chi tiết đầu tiên đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc là những chi tiết thể hiện tâm trạng của mẹ và con trong đêm trước ngày khai trường đầu tiên của con. Dưới con mắt trìu mến, yêu thương của người mẹ, đứa con hiện lên với tất cả sự ngây thơ, hồn nhiên khi “Đêm nay con cũng có niềm háo hức”. Nhưng rồi giấc ngủ vẫn đến với con một cách dễ dàng và “gương mặt thanh thoát của con tựa nghiêng trên gối mềm”. Đứa trẻ hồn nhiên ấy “không có mối bận tâm nào khác ngoài việc sáng mai thức dậy cho kịp giờ”. Ngược lại với đứa con, người mẹ lại không ngủ được, và “mẹ không tập trung được vào việc gì cả”. Người mẹ ngắm nhìn gương mặt con khi ngủ, xem lại những thứ đã chuẩn bị cho con sáng mai. Kể cả khi lên giường rồi người mẹ vẫn trằn trọc, và những kỉ niệm của buổi tựu trường đầu tiên lại ùa về… Sở dĩ những chi tiết này khơi gợi được sự đồng cảm của người đọc, đặc biệt là những bậc phụ huynh, bởi đó là những chi tiết chân thực mà mỗi người khi soi mình vào đều có thể thấy được một chút bóng dáng của người mẹ đang thao thức trước ngày khai trường đầu tiên của con.

Ấn tượng sâu đậm về buổi tựu trường đầu tiên trong tâm hồn người mẹ là chi tiết thứ hai để lại những ấn tượng trong lòng người đọc. Theo dòng hồi tưởng, tâm trạng của người mẹ trong ngày khai trường đầu tiên ấy lại ùa về: “Mẹ không lo, nhưng vẫn không ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng: “Hàng năm cứ vào cuối thu… Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp”. Bài văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh như một dư vang không thể phai mờ trong tâm trí người mẹ dù hàng chục năm đã trôi qua. Những tâm trạng “lo”, “không ngủ được” của người mẹ – từng là một đứa trẻ hồn nhiên trong quá khứ như khiến người đọc cũng chợt nhớ lại những tâm trạng hồi hộp, bồn chồn trước ngày khai trường đầu tiên của chính mình. Những tâm trạng, cảm xúc đó luôn là những kí ức bền chặt không thể phai mờ, mà mỗi người luôn cất giữ trong một góc nhỏ của trái tim, để rồi chỉ cần được nhẹ nhàng đánh thức là những kí ức đó lại sống dậy, náo nức không thôi…

Tình yêu thương của người mẹ dành cho con là hành trang đầu tiên để đứa con nhỏ sẵn sàng bước vào một thế giới mới – thế giới kì diệu khi cánh cổng trường mở ra. Và chi tiết thứ ba đọng mãi trong tâm hồn người đọc khi đọc văn bản chính là câu văn kết thúc tác phẩm: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”. Câu văn đã kí thác niềm tin tưởng mãnh liệt của người mẹ vào vai trò của nhà trường. Thế giới kì diệu là một thế giới vừa lạ, lại vừa đẹp. Lạ vì ở đó, con sẽ được học bao điều mới lạ, khám phá được bao tri thức bổ ích, thú vị. Và đẹp bởi thế giới ấy là nơi con được chan hòa trong tình yêu của bạn bè, thầy cô, nơi con sẽ học để hoàn thiện nhân cách, bồi đắp thêm tình yêu với mọi sự vật, con người gần gũi xung quanh. “Bước qua cánh cổng trường” như một lời thúc giục, lại như một lời khuyên trìu mến, chân thành mà người mẹ dành cho con.

Bằng những lời tâm sự, vừa như nói với con, vừa như đang đối thoại với chính mình, “Cổng trường mở ra” của Lí Lan là những dòng tâm sự chân thành, sâu sắc và đầy tha thiết của người mẹ nhằm bộc lộ tình yêu thương sâu nặng với con, đồng thời cũng thể hiện được vai trò to lớn của nhà trường với trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ. Những chi tiết trong văn bản tuy nhỏ nhưng lại góp phần làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm và để lại một ấn tượng lâu bền trong lòng người đọc.

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các bạn dàn ý và bài văn mẫu Phân tích các chi tiết đặc sắc trong văn bản Cổng trường mở ra của tác giả Lí Lan. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 7 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 7 và biết cách soạn bài lớp 7 các bài Tác giả - tác phẩm ngữ văn 7 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Đánh giá bài viết
1 817
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 7 Cánh diều

    Xem thêm