Phân tích đoạn thơ sau trong bài Bên kia sông Đuống: Bên kia sông Đuống... Bây giờ tan tác về đâu

Những bài văn mẫu hay lớp 12

Văn mẫu lớp 12: Phân tích đoạn thơ sau trong bài Bên kia sông Đuống: Bên kia sông Đuống... Bây giờ tan tác về đâu dưới đây gồm các dạng văn mẫu được VnDoc.com sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Bên kia sông Đuống: Bên kia sông Đuống... Bây giờ tan tác về đâu

Đây là đoạn thơ nói về nỗi mất mát của quê hương, tập trung ở những giá trị về văn hóa cổ truyền của dân tộc cần đảm bảo những ý chính sau:

Hồn thơ Hoàng Cầm gắn liền với quê hương Kinh Bắc, nơi ông sinh ra và lớn lên. Đây là vùng đất cổ của người Việt, có truyền thống văn hóa lâu đời, với biết bao di tích lịch sử, đền đài, chùa chiền được dựng trên các ngọn đồi, sườn núi, bên bờ sông Đuống. Gắn với di tích lịch sử là những lễ hội dân gian như: Hội Gióng, hội Lim, hội Chùa Dâu... và những làn điệu dân ca như: quan họ, hát ví, hát trống quân... Đặc biệt, những người con gái Kinh Bắc không chỉ hát hay mà còn đẹp nổi tiếng. Đây là quê hương của nhân vật lịch sử: Ngọc Hân, Ỷ Lan và nhiều cung nữ yêu kiều. Riêng tranh dân gian làng Hồ là kết tinh nghệ thuật hội họa dân gian cổ truyền như tranh gà lợn, tranh đánh ghen, hứng dừa...

Hoàng Cầm rất tự hào và gắn bó với quê hương mình. Ông từng tâm sự: Đất Kinh Bắc thu hút hết tâm hồn tôi và cả đời tôi, thơ tôi. Hiếm có nhà thơ nào gắn bó trọn vẹn với quê hương mình đến vậy. Cho nên khi nghe quê hương bị giặc giày xéo tâm trạng nhà thơ đau đớn và bài thơ đã ra đời chỉ trong một đêm.

Sau đoạn thơ mở đầu nói chung về quê hương bên bờ sông Đuống, nỗi nhớ thương của tác giả đã khơi dậy một vùng văn học đặc sắc, với bao kỉ niệm xưa:

Bên kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng hừng trên giấy điệp

Với một hồn thơ giàu yêu thương, lãng mạn như Hoàng Cầm, quê hương hiện lên không chỉ là sự giàu có. Lúa nếp thơm nồng vừa gợi lên sự trù phú, lẫn hấp dẫn, tươi đẹp. Hương thơm lúa nếp gắn liền với những ngày thanh bình ấm no. Chính mùi thơm nồng nàn ấy đã hóa thành một phần tâm hồn của người xa quê. Rồi cả màu tươi sáng của những bức tranh Đông Hồ nữa. Tất cả biến thành một sinh thể trong hồn người, chứ không còn là những thứ riêng lẻ. Bởi vậy, dù xa quê, nhưng cái phần sinh thể ấy vẫn sống trong hoài niệm.

Tranh làng Hồ xưa thường được nghệ nhân dân gian sử dụng gam màu sáng như màu cánh sen, màu thiên lý, màu đỏ son... Hoàng Cầm dùng từ tươi trong, sáng bừng vì lẽ đó. Đồng thời, màu sắc ấy còn gắn liền với tinh thần lạc quan yêu đời của người dân xưa. Tranh thường vẽ cảnh sinh hoạt trong đời sống của dân quê như gà vịt, đàn lợn, âm dương, kẻ chơi đánh đu, bịt mắt bắt dê... Các bức tranh này phản ánh cuộc sống hồn nhiên, bằng nét vẽ hóm hỉnh và cho thấy ước mơ giản dị của người dân quê là được sống ấm no, thanh bình. Do đó, nhà thơ nhớ về sắc màu của tranh Đông Hồ cũng là nhớ về đời sống của quê hương xưa, gắn với những tháng năm thanh bình, yên ả.

Từ màu tranh Đông Hồ, màu sắc cụ thể, có thật, tác giả liên tưởng và khái quát thành màu dân tộc. Sự dẫn dắt ấy tự nhiên và hợp lý, bởi tranh Đông Hồ làm bằng chất liệu được chế biến từ thảo mộc của quê hương và ngay cả khi người dân chọn lựa chất liệu, màu sắc ấy không là phải ngẫu nhiên. Đó là sự chọn lựa mang quan niệm, nếp nghĩ, tâm hồn của nhân dân từ bao đời nay: Màu sắc ấy trở thành màu dân tộc, gắn bó với đời sống tình cảm của con người Việt Nam. Câu thơ còn thể hiện niềm tự hào của tác giả về một sản vật mang bản sắc dân tộc của quê hương.

Những câu thơ còn lại diễn tả cảnh hoang tàn của quê hương từ ngày giặc Pháp đến:

Quê hương ta từ ngày khủng khiếp

Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Ruộng ta khô

Nhà ta cháy

Chó ngộ một đàn

Lưỡi dài lê sắc máu

Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang

Sự hủy diệt của chiến tranh đối với quê hương

Những câu thơ diễn tả cảnh “khủng khiếp” của chiến tranh với hàng loạt hình dung từ: ngùn ngụt, khô, cháy... Hình ảnh đập vào mắt con người đầu tiên về chiến tranh là “lửa cháy”, bởi chiến tranh luôn đồng nghĩa với sự hủy diệt. Những bài thơ cùng thời hoặc sau Bên kia sông Đuống, khi miêu tả về thảm họa chiến tranh luôn ám ảnh với cái màu đỏ thảm khốc đó:

Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới

Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau...

(Vũ Cao - Núi Đôi)

Lâu quá không về thăm xóm đạo

Từ ngày binh lửa cháy quê hương

Khói bom che lấp chân trời cũ

Che cả người thương nóc giáo đường.

Hình ảnh Chó ngộ một đàn / Lưỡi dài lê sắc máu vẽ nên một cảnh khủng khiếp nữa: một đàn chó dại (có thể vì ăn phải thây người) đang rong ruổi. Đoạn thơ miêu tả cảnh tượng quê hương khi giặc đến không có một bóng người. Người dân quê, hoặc đã bỏ đi, hoặc đã chết. Khắp chốn chỉ còn lại lũ giặc và những con chó điên! Cả một vùng quê hương trù phú giờ thành vùng đất chết: Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang!

Sự tàn phá quê hương của quân giặc không chỉ có thế. Hoàng Cầm đột ngột kể:

Mẹ con đàn lợn âm dương

Chia lìa đôi ngả

Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan tác về đâu

Bên cạnh sự chia lìa của con người là sự tan tác của mẹ con đàn lợn âm dương, sự tan vỡ của đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã. Đó là cảnh trong tranh hay cảnh thực ngoài đời? Câu thơ với những hình ảnh cụ thể, sinh động nhưng lại mang ý nghĩa tượng trung về sự hủy diệt của chiến tranh đối với những giá trị văn hóa. Mà những giá trị ấy, từ lâu đã là một phần của tâm hồn quê hương, dân tộc. Quân giặc không những đốt phá xóm làng, nhà cửa, giết hại người dân lành mà tội ác hơn khi chúng tàn phá, xúc phạm đến những giá trị đã trở thành thiêng liêng của con người.

Đoạn thơ ngắn nhưng chứa đựng nhiều cung bậc tình cảm của tác giả: có yêu thương, tự hào và cũng có đau đớn, xót xa, nuối tiếc, căm giận. Nhịp điệu của thơ theo dòng cảm xúc của tác giả. Khi khoan thai, tự hào: Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong / Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp. Khi dồn dập, gãy khúc, mỗi câu như một sự kiện: Ruộng ta khô / Nhà ta cháy / Chó ngộ một đàn... Và cuối cùng là ngẩn ngơ, hụt hẫng: Bây giờ tan tác về đâu!

Đoạn thơ thể hiện tình cảm yêu thương, quý trọng của Hoàng Cầm đối với vùng đất quê hương mình. Trong hoàn cảnh chiến tranh, càng yêu thương, tự hào về quê hương bao nhiêu, tác giả càng đau xót, căm thù quân giặc bấy nhiêu. Dù chỉ là tình cảm của nhà thơ đối với quê hương mình nhưng điều đáng nói là tình cảm, qua thơ, đã truyền sang người đọc một sự cộng hưởng to lớn.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 12: Phân tích đoạn thơ sau trong bài Bên kia sông Đuống: Bên kia sông Đuống... Bây giờ tan tác về đâu. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 12 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 12.

Bài tiếp theo: Phân tích đoạn thơ sau trong bài Bên kia sông Đuống: Bên kia sông Đuống... Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ

Đánh giá bài viết
1 379
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 12

Xem thêm