Phân tích truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm”

Ngữ văn lớp 6 phân tích sự tích Hồ Gươm

Phân tích truyền thuyết "Sự tích Hồ Gươm" được VnDoc sưu tầm và giới thiệu với các em học sinh tham khảo hiểu rõ về ý nghĩa lịch sử, sự tích Hồ Gươm của nhân dân ta giúp học tốt môn Ngữ văn lớp 6 và chuẩn bị cho bài giảng sắp tới đây của mình.

Soạn bài lớp 6: Sự tích Hồ Gươm

Bài văn mẫu lớp 6 số 1 đề 2: Em hãy kể tóm tắt truyện Sự tích Hồ Gươm

416 Câu hỏi trắc nghiệm Ngữ văn lớp 6

Phân tích truyền thuyết "Sự tích Hồ Gươm"

Bài tham khảo 1

Đọc truyền thuyết "Sự tích Hồ Gươm", ta không chỉ được sống lại những năm tháng gian lao và anh dũng của ông cha ta thưở "Bình Ngô" mà còn được bồi đắp, nâng cao thêm niềm tự hào dân tộc, được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử, văn hóa trên cố đô Thăng Long.

Chàng trai làm nghề đánh cá tên là Lê Thận đã vinh dự được Long Quân trao cho lưỡi gươm báu. Hai lần đầu, Lê Thận chỉ cho đó là "thanh sắt", một vật tầm thường mắc vào lưới. Mãi đến lẫn thứ ba anh đưa thanh sắt lại cạnh mồi lửa nhìn xem, rồi ngạc nhiên sung sướng reo lên: "Ha ha! Một lưỡi gươm!". Thanh sắt ấy, lưỡi gươm ấy như biết "bơi" trên sông, vì thế Lê Thận dù đã thay đổi nơi thả lưới ở ba khúc sông khác nhau mà "báu vật" vẫn tìm đến với anh. Chi tiết ấy gợi lên màu sắc li kì, linh nghiệm.

Lê Lợi và mấy người tuỳ tùng đến nhà Thận đã bất ngờ thấy thanh sắt "sáng rực lên" trong túp lều tối om. Khi Lê Lợi cầm lên xem và thấy hai chữ "Thuận Thiên" khắc sâu vào lưỡi gươm, nhưng mọi người vẫn không biết đó là báu vật. Hình như Long Quân vẫn còn thử lòng người!

Chỉ đến khi bọn giặc Minh truy đuổi vô cùng nguy nan, Lê Lợi bỗng thấy ánh sáng lạ trên ngọn đa, trèo lên lấy xuống mới biết đó là một cái chuôi gươm nạm ngọc. Ba ngày sau đem tra gươm vào chuôi thì "vừa như in".

Được gươm thần, các nghĩa sĩ Lam Sơn có thêm niềm tin và sức mạnh chiến đấu. Câu nói của Lê Thận khi dâng gươm báu cho chủ tướng Lê Lợi vang lên như một lời thề:

"Đây là Trời có ý phó thác cho mình công làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương thịt của mình theo minh công, cùng với thanh gươm thần này để báo đền Tổ quốc!".

Long Quân trao gươm báu cho nghĩa quân Lam Sơn và Lê Lợi đã làm nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng. Trong tay chủ tướng, lưỡi gươm thần tung hoành khắp các trận địa, quân Minh bị đánh tan tác, bạt vía kinh hồn. Nghĩa quân càng đánh càng mạnh, càng thắng to. Lưỡi gươm thần như đã đem đến cho họ một sức mạnh vô cùng to lớn, xốc tới, đánh tràn ra mãi cho đến lúc không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước ta.

Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn sau mười năm gian lao và anh dũng chiến đấu, với lưỡi gươm thần Long Quân trao cho đã hoàn thành sự nghiệp cao cả mà Trời đã phó thác.

Bài tham khảo 2:

Hướng dẫn phân tích truyện sự tích Hồ Gươm.

1. Vì sao Đức Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần?

- Giặc Minh đô hộ nước ta, chúng hết sức bạo ngược, nhân dân ta hết sức căm giận, ở vùng Lam Sơn nghĩa quân nổi dậy chống lại chúng, nhưng trong buổi đầu thế lực còn yếu, nhiều lần bị thua.

- Vì không muốn con cháu phải sống mãi dưới ách đô hộ của kẻ thù tàn bạo, Đức Long Quân đã quyết định cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần để họ đánh đuổi chúng.

2. Lê Lợi đã được Đức Long Quân cho mượn gươm thần theo một cách đặc biệt:

Long Quân làm cho gươm mắc vào lưới của Lê Thận tới ba lần. Hai lần đầu Thận chỉ coi đó là thanh sắt gỉ, đã cầm lên ném xuống sông, mãi tới lần thứ ba, Lê Thận mới nhìn kĩ và nhận ra đó là một lưỡi gươm. Đến khi lưỡi gươm phát sáng ở trong căn lều tối, Lê Lợi mới phát hiện hai chữ "Thuận Thiên" nhưng vẫn chưa biết đó là kiếm báu. Mãi tới khi qua khu rừng Lê Lợi thấy có ánh sáng lạ trên ngọn đa mới biết đó là cái chuôi gươm nạm ngọc và sau đó mới đem lưỡi tra vào chuôi thì thấy vừa như in.

- Cách cho mược gươm khác thường này mang nhiều ý nghĩa:

  • Đây là thanh gươm thần, do thần Long Quân cho mượn nên không thể trao tay theo cách thức thông thường.
  • Cách cho mượn này làm tăng sự chú ý tới thanh gươm để cuối cùng mới nhận được giá trị to lớn và linh thiêng, quý giá của gươm thần.
  • Hình ảnh lưỡi gươm thì nằm ở dưới nước, chuôi gươm lại treo ở trên rừng nhưng vẫn gặp nhau và làm thành một thanh gươm hoàn chỉnh như muốn nói lên sự hợp nhất, sự đoàn kết của nhân dân miền đồng bằng sông nước và miền rừng thẳm non cao trong sự nghiệp chống ngoại xâm, đánh giặc cứu nước.
  • Hình ảnh Lê Thận bắt được lưỡi gươm, Lê Lợi tìm thấy chuôi gươm ý nói người cầm gươm chỉ đạo cuộc kháng chiến là Lê Lợi, nhưng sức mạnh đánh giặc là sự đóng góp của nhiều người, nhiều tướng tài trong đó có Lê Thận, một người đánh cá bình thường.

3. Gươm thần đã tỏ ra sức mạnh của mình trong cuộc chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn:

  • Làm cho tinh thần đoàn kết xung quanh Lê Lợi và ý chí chiến đấu đánh quân xâm lược của quân tướng thêm dâng cao.
  • Làm cho mọi người thêm tin tưởng ở Lê Lợi vì Lê Lợi đúng là một minh công được Trời phó thác cho việc lớn.
  • Làm nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng. Lưỡi gươm thần trong tay Lê Lợi, tung hoành khắp các trận địa làm quân Minh kinh hồn, bạt vía.
  • Làm cho uy thanh của nghĩa quân vang dội khắp nơi. Gươm thần như một biểu tượng của lòng tin, của sức mạnh mở đường cho quân ta giành chiến thắng rực rỡ, hào hùng, oanh liệt.

4. Một năm, sau chiến thắng quân Minh, đất nước ta đã thật sự yên vui thanh bình, Long Quân mới cho đòi lại gươm.

Cảnh đòi gươm và trao gươm thiêng đã diễn ra rất khác lạ. Khi vua Lê cưỡi thuyền rồng dạo trên hồ Tả Vọng thì tự nhiên có con rùa lớn nhô đầu lên rồi bơi nổi hẳn lên mặt nước và nói với nhà vua: "Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân". Vua nâng gươm hướng về phía Rùa Vàng. Rùa há miệng, đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước. Gươm và Rùa chìm đáy nước mà người ta vẫn còn thấy vật gì le lói dưới mặt hồ xanh.

Đó là một cảnh tượng kỳ lạ, đẹp đẽ mang tính chất thiêng liêng, thần bí.

5. Các em thảo luận để tìm ra ý nghĩa của truyện Sự tích Hồ Gươm xung quanh các ý cơ bản sau đây:

Truyện ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Truyện cũng giải thích tên hồ Hoàn Kiếm, một hồ nước đẹp nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội mà ngày nay giữa hồ còn có tháp Rùa. Tên hồ Hoàn Kiếm có ý nghĩa đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thể hiện ước vọng hòa bình của dân tộc.

6. Trong kho tàng truyện cổ Việt Nam, ngoài truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm còn có truyền thuyết An Dương Vương xây Loa Thành (hay là truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thủy) cũng có hình ảnh Rùa Vàng:

Thần Kim Quy tức Rùa Vàng đã hiện lên giúp An Dương Vương trấn áp ma quỷ, xây dựng xong Loa Thành, lại còn cho nhà vua móng vuốt của mình làm lẫy nỏ thần dùng để chống giặc rất hiệu nghiệm. Khi lẫy nỏ bị Trọng Thủy đánh cắp, nhà vua thất trận cùng con gái chạy trốn ra bờ biển. Thần Kim Quy lại hiện lên báo cho nhà vua biết kẻ làm mất nước chính là người đang ngồi sau ngựa của nhà vua (chí là Mị Châu do ngây thơ và thiếu cảnh giác đã tạo điều kiện cho Trọng Thủy đánh cắp được lấy nỏ thần đến cảnh nước mất nhà tan).

Trong truyền thuyết Việt Nam, hình tượng Rùa Vàng tượng trưng cho sức mạnh lớn lao, cho tính chất chính nghĩa, cho lẽ phải, sự công bằng và ý chí quyết chiến, quyết thắng của nhân dân ta.

Đánh giá bài viết
17 4.536
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 6 Kết nối tri thức

    Xem thêm